TP.HCM có 3.302 bệnh nhân, cả nước có 191 ca nhiễm trong cộng đồng
Trong bản tin sáng 23/7, Bộ Y tế công bố các ca mắc mới tại TP.HCM (3.302), Long An (223), Đà Nẵng (47), Bình Dương (37), Tiền Giang (37), Tây Ninh (36), Đồng Nai (33), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (23), Bến Tre (20), Ninh Thuận (19), Phú Yên (15), Hà Nội (14), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Cần Thơ (10), Trà Vinh (9), Đắk Lắk (4), Quảng Nam (1), Lai Châu (1).
Đáng chú ý, Lai Châu ghi nhận người mắc Covid-19 đầu tiên và có liên quan TP.HCM.
Tính đến sáng 23/7, Việt Nam có tổng cộng 78.269 ca Covid-19. Trong đó, 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 bệnh nhân trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước từ 27/4 đến nay là 74.570, trong đó, 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
Trong đó, có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Trong ngày 22/7, Việt Nam có 43.720 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 4.411.659. Trong đó, số tiêm một mũi là 4.077.099 liều, mũi 2 là 334.560.
Bộ Y tế dự kiến lập gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng và 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM. Mỗi trung tâm có 500-1000 giường bệnh.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập những cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại khu ký túc xá, trường học, sân vận động..., với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.
Chiều 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chủ trì cuộc họp đánh giá, xem xét đề xuất cấp phép khẩn vaccine Covid-19 của Công ty Nanogen.
Công ty Nanogen cho biết sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng để báo cáo Bộ Y tế vào tuần sau.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, công tác điều trị tại thành phố có nhiều tiến triển tích cực. Dự kiến, số bệnh nhân Covid-19 được xuất viện trong thời gian tới khoảng 1.000 người/ngày.
Quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp
Vào chiều 22/7, ngoài báo cáo kết quả thực hiện kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp 6 tháng cuối năm tại phiên họp Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã dành riêng một buổi thảo luận tại về tình trạng “Dịch Covid-19. Đồng thời đây cũng là vấn đề được hầu hết đại biểu Quốc hội nhắc tới trong các bài phát biểu của mình.
Với lo lắng khi dịch diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều đại biểu đề cập tới vấn đề Quốc hội nên ban bố trình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Cụ thể, đại tá Nguyễn Tâm Hùng (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Đại tá Hùng thông tin có 3 tình trạng khẩn cấp gồm: Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về thiên tai và dịch bệnh. Đại tá Hùng nhận định:
“Nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không phải thông qua đấu thầu”.
Nhiều Đại biểu Quốc hội khác cũng đồng quan điểm về việc này, như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM) cho biết, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng chưa yên tâm về hành lang pháp lý trong phòng, chống dịch. Ông Tạo cũng đề nghị nâng cấp pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật để có hành lang pháp lý tốt hơn cho thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Nguyên nhân khiến các Đại biểu đồng loạt lên tiếng
Đại biểu Nguyễn Văn Quân (Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang) nhắc lại đợt dịch lần đầu tiên đã được kiểm soát bằng các biện pháp quyết liệt, nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế đã phục hồi nhanh. Nhưng đợt dịch này rất lâu và dai dẳng.
Ông đồng tình với thực hiện “mục tiêu kép”, song “chống dịch như chống giặc”, nên đại biểu đề nghị ưu tiên chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. Ông Quân nói và đề nghị sớm tiêm vaccine toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng:
“Giặc còn quanh ta thì làm sao phát triển kinh tế được”.
Đại biểu Nguyễn Văn Cường (Hà Nội) nêu bối cảnh 6 tháng qua, chúng ta phải đối mặt 2 đợt dịch rơi đúng vào 2 thời kỳ cao điểm phát triển kinh tế. Đợt 1 là Tết nguyên đán - cao điểm tiêu dùng, du lịch. Đợt dịch lần thứ hai rơi vào những vùng trọng điểm như các khu công nghiệp, các đô thị lớn như TP.HCM - những nơi rất nhạy cảm về kinh tế.
Tuy vậy, kết quả đạt được 6 tháng rất khả quan với GDP 5,64%, CPI 1,47%, thu ngân sách 58,3%. Theo ông Cường, đây là 3 con số rất ấn tượng, cho thấy mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch, kinh tế vẫn đang đà đi lên.
Thế nhưng khi nhắc đến báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ông Cường cảnh báo nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp vì kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi rất nhanh. Vì thế, vị đại biểu góp ý trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn. Ông Cường phân tích khi doanh nghiệp có được nguồn lực tốt, chúng ta sẽ có cơ hội để thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy:
“Chúng ta rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng ‘hà hơi, thổi ngạt’ như vừa qua, không phải chỉ để doanh nghiệp không bị chết hay người dân không thiếu đói, mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra bứt phá của doanh nghiệp.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, đặt vấn đề:
“Số ca mắc mới hay tử vong khi chữa trị Covid-19 là một chuyện, nhưng hàng nghìn doanh nghiệp hay hàng triệu người lao động đang khốn khổ vì giãn cách xã hội là chuyện đáng lo”.
Ông cho rằng để doanh nghiệp gượng dậy thì cần gói hỗ trợ đặc biệt hơn so với năm 2020. Thay vì gói 26.000 tỷ như vừa qua, cần tung một gói hỗ trợ lớn giúp doanh nghiệp trên cả nước đang bị ảnh hưởng sẽ có cơ hội phục hồi.
Đánh giá việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch còn chậm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị có giải pháp để tiền nhanh chóng đến tay người cần hỗ trợ.
Với diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ tư khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ông Hiển cho rằng gói hỗ trợ lần thứ 4 phải đủ lớn để vực dậy các doanh nghiệp, đó mới là “liều vaccine” cho doanh nghiệp.