Sáng 25/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn thành phố và các vấn đề dư luận quan tâm.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tính từ ngày 31/5 đến nay, thành phố đã trải qua 55 ngày thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau. Hiện TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường, siết chặt hơn.
“Trong hôm nay, chậm nhất ngày mai (26/7), UBND thành phố sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian di chuyển ra ngoài đường. Có thể giới hạn quy định sau 18 giờ sẽ có những công việc, nhiệm vụ không thực hiện”, ông Mãi cho hay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhận định, bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủng virus Delta diễn biến rất nhanh, khó lường thì có nguyên nhân chủ quan là nhiều địa phương, khu phong tỏa, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Sự chủ quan này đến từ cả 2 phía, gồm: Lực lượng chức năng và người dân TP.HCM. Hiện nay, ở một số địa bàn còn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau.
“Phải nhận thấy rằng việc này cực kỳ nguy hiểm, nếu không dừng lại thì tình hình dịch sẽ tồi tệ hơn. Người dân, các cấp, các ngành phải nghiêm túc thực hiện triệt để hơn nữa”, ông Mãi nói.
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, thành phố phải thực hiện nghiêm các biện pháp đến ngày 1/8. Trong đó, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Ngoài ra, những ngày tới, các lực lượng công an, quân đội sẽ được huy động vào cuộc để giám sát chặt chẽ việc cách ly, xử lý triệt để tình trạng người này tiếp xúc với người kia, nhà này tiếp xúc nhà khác. Thành phố cũng có thể kéo dài thực hiện giãn cách trong 2 tuần để đảm bảo các biện pháp có hiệu quả, ngăn chặn được sự lây lan và phát tán dịch bệnh.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, thành phố sẽ đẩy mạnh cung ứng hàng hóa, hỗ trợ người khó khăn, yếu thế, đáp ứng tốt hơn các tình huống người dân cần hỗ trợ y tế, giúp người bệnh được tiếp cận, điều trị sớm.
TP.HCM thành lập bệnh viện điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện nay, số ca mắc mới ngày càng tăng, trong đó có nhiều trường hợp là người bệnh tâm thần. Để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới, thành phố thực hiện chuyển đổi một phần công năng của Bệnh viện Tâm thần cơ sở 2 (địa chỉ F4/12 Tỉnh lộ 10, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân.
Cụ thể, bệnh viện sẽ tách đôi thành hai khu vực triêng biết, một khu để điều trị bệnh nhân không mắc Covid-19, một khu tiếp nhận, điều trị các F0, quy mô 100 giường, trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu. Dự kiến ngày 26/6, bệnh viện sẽ đi vào hoạt động.
Thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, HCDC cho biết, tính từ 19 giờ ngày 24/7 đến 6 giờ ngày 25/7, TP.HCM ghi nhận thêm 2.328 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đợt dịch thứ 4, thành phố đã phát hiện gần 58.200 ca mắc Covid-19.
Để nhanh chóng khống chế dịch bệnh, đưa TP.HCM sớm trở lại cuộc sống bình thường, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, vừa có thư kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học thành phố, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe cùng tham gia hỗ trợ vào công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.