Việc lựa chọn quốc gia cho chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á của tân lãnh đạo bộ quốc phòng Mỹ không phải là ngẫu nhiên. Đây là những quốc gia mà Hoa Kỳ dựa vào nhiều nhất để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này trên thế giới. Trên Twitter, trước chuyến công du, Lloyd Austin giải thích mục đích chuyến đi của mình như sau: "Liên minh và quan hệ đối tác mạnh mẽ là chìa khóa để duy trì trật tự dựa trên quy tắc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Đã từng là kẻ thù, bây giờ là đồng minh
Trong các cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin với Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các cuộc đàm phán với người đồng cấp Việt Nam, Thượng tướng Phạm Văn Giang, nhiều vấn đề đã được nêu ra thảo luận: phát triển quan hệ giữa hai nước, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, chống đại dịch COVID-19, ổn định và an ninh khu vực, tự do hàng không, hàng hải trên các vùng biển và đại dương trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Bây giờ người Mỹ sẽ giúp người Việt Nam tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, việc loại trừ dioxin trên đất Việt Nam vẫn tiếp tục, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam 5 triệu liều vắc xin COVID-19, các bác sĩ quân y Mỹ đang giúp quân đội Việt Nam thiết bị, tàu tuần duyên thứ hai của Mỹ đã đến Khánh Hòa, được chuyển giao cho Việt Nam trong khuôn khổ chương trình bán thiết bị quốc phòng dư thừa.
Tất cả những điều này minh chứng cho sự quan tâm to lớn của Washington đối với Hà Nội và mong muốn tăng cường ảnh hưởng, củng cố vị thế của Hà Nội với tư cách đồng minh trong cuộc chiến chống Trung Quốc. Phát biểu tại Singapore, Austin cho biết: ông quyết tâm duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc, nhưng đồng thời ông nhắc lại một lần nữa rằng: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ Biển Đông "không có cơ sở trong luật pháp quốc tế" và "chà đạp lên chủ quyền của các quốc gia trong khu vực".
Trò chơi địa chính trị vĩ đại
“Đang diễn ra trò chơi địa chính trị lớn, một cuộc tranh giành vùng ảnh hưởng trong khu vực”,- nhà khoa học chính trị Nga, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông thuộc ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg Vladimir Kolotov nêu ý kiến. - Hoa Kỳ đang cố gắng tập hợp một khối chống Trung Quốc, họ cần phải giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, dựa trên thực tế là đối với hầu hết các nước Đông Nam Á, Bắc Kinh là đối tác thương mại chính.
Luật pháp quốc tế không thể buộc Trung Quốc từ bỏ khát vọng bành trướng của mình, và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sử dụng lợi ích của Hoa Kỳ như một thông điệp gửi tới Bắc Kinh để chứng tỏ rằng họ có hậu thuẫn. Đây là ứng dụng thực tế của mưu kế “Dựa vào nước ở xa để chống lại láng giềng gần”. Nhưng trước sự đối đầu của các cường quốc, các nước Đông Nam Á đang bị đe dọa trở thành chiến trường và chịu nhiều thiệt hại nhất. Điều này không thể được phép xảy ra. Đặc biệt là hiện nay, khi khu vực đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 chưa từng có, và Việt Nam, quốc gia đã thành công vượt qua đợt dịch bệnh đầu tiên, hiện giờ đang phải chống chọi với chủng bệnh mới. Tất cả các nỗ lực cần hướng tới việc vượt qua cuộc khủng hoảng này, sử dụng tất cả các phương tiện có thể. Cộng đồng quốc tế có những mục tiêu quan trọng hơn nhiều so với việc khơi dậy căng thẳng, nhưng lợi ích địa chính trị luôn được đặt lên trên các giá trị chung của con người”,- Giáo sư Kolotov nói.