Sputnik đã tìm hiểu cùng với các chuyên gia Nga vấn đề: liệu Moskva có thể thực sự đề xuất với doanh nghiệp Nhật Bản một điều gì đó độc đáo và có lợi ở quần đảo Kuril hay không, và Tokyo có sẵn sàng tham gia vào việc này mà quên đi những tuyên bố về lãnh thổ hay không.
Đề xuất độc đáo
Thủ tướng Nga Mishustin cho biết: hiện đang thảo luận khả năng áp dụng chế độ vùng hải quan tự do trong khu vực.
Chính phủ đang xem xét các đề xuất miễn thuế cho các doanh nhân làm việc tại quần đảo Kuril và đầu tư vào nền kinh tế địa phương. Ở đây có thể đang đề cập đến các loại thuế: lợi nhuận, giá trị gia tăng, tài sản, đất đai và phương tiện giao thông. Thủ tướng cho rằng: động thái như vậy sẽ giúp tăng cường hoạt động kinh tế trên quần đảo và thu hút sự quan tâm của các đối tác nước ngoài, bao gồm cả các đối tác từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, các chuyên gia Nga được Sputnik phỏng vấn đánh giá dòng vốn từ Nhật Bản trên các đảo tranh chấp là không mấy khả quan.
Đã để trôi tuột thời điểm cho đề xuất có lợi
Trưởng Khoa Đông phương học tại MGIMO Dmitry Streltsov không mong đợi từ Nhật Bản một đường lối hoàn toàn thực dụng đối với đảo Kuril, chỉ dựa trên lợi ích kinh tế và lợi nhuận: “Phía Nhật Bản đã thảo luận về các đề xuất hoạt động kinh tế chung trên các đảo tranh chấp với Tổng thống Putin ngay cả trong nhiệm kỳ Thủ tướng của Abe. Khi đó, thực sự có hy vọng cho điều này (dù nhỏ), nhưng không phải vì lợi ích kinh tế. Điều đó chỉ là thứ yếu, nhưng vì cả hai nhà lãnh đạo đều gắn đường lối với khả năng ký kết Hiệp ước hòa bình. Nhưng bây giờ Tokyo không ảo tưởng về điểm này,họ không hy vọng, trong số những thứ khác, giải quyết nhanh chóng vấn đề Kuril (dựa theo quan điểm các sửa đổi được thông qua trong Hiến pháp Nga cấm chiếm giữ các vùng lãnh thổ). Do đó, sự quan tâm đến dự án về các hoạt động kinh tế chung với Nga ở quần đảo Kuril cuối cùng đã tan thành mây khói".
Có rất nhiều ví dụ trong chính trị thế giới khi các quốc gia đồng ý với các dự án kinh doanh bất chấp rủi ro chính trị và danh tín cao. Một ví dụ điển hình là dự án "Dòng chảy phương Bắc-2". Đức, quốc gia rất quan tâm đến việc mua khí đốt của Nga, đã bảo vệ dự án này, bất chấp sức ép mạnh mẽ và đe dọa trừng phạt từ Hoa Kỳ. Berlin cho rằng dự án cực kỳ có lợi về mặt kinh tế đối với an ninh năng lượng của EU, trong khi ngược lại, Washington tuyên bố rằng dự án này có yếu tố chính trị rõ ràng và ẩn sau đó không gì khác hơn là nỗ lực của Nga nhằm khiến châu Âu phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của mình.
Bất chấp khả năng làm hỏng mối quan hệ với Hoa Kỳ, Đức đã chấp nhận lựa chọn có lợi cho lợi ích kinh tế và dự án sẽ bắt đầu hoạt động trong vài tuần tới.
Tokyo liệu cũng sẽ thực dụng như vậy ở quần đảo Kuril?
Lợi ích kinh tế không lớn hơn tác hại chính trị
Valery Kistanov, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông thuộc Viện HLKH Nga thừa nhận rằng người Nhật cũng giống như người Đức, rất lý trí trong các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, ông nói rõ rằng đối với Kuril, lợi ích kinh tế đối với Nhật Bản không quá rõ ràng: “Trong khoảng thời gian 5 năm (kể từ khi bắt đầu đàm phán giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin tại Sochi vào năm 2016), 5 đường hướng được đề xuất trong đó Nhật Bản và Nga có thể tiến hành hoạt động kinh tế chung ở quần đảo Kuril. Đó là các lĩnh vực: đánh bắt hải sản, trồng rau và trái cây trong nhà kính, năng lượng xanh, du lịch và xử lý chất thải. Nhưng các kế hoạch vẫn chỉ là dự án. Và không chỉ vì lo ngại của phía Nhật Bản mà việc hợp tác trên các đảo tranh chấp sẽ có nghĩa là Nhật Bản công nhận chủ quyền của Nga trên lãnh thổ này. Mọi thứ đều tầm thường hơn nhiều. Chỉ là lợi ích kinh tế của các dự án Kuril không lớn hơn “trọng lượng” mà Tokyo tuyên bố về lãnh thổ đối với chúng”.
Xét cho cùng, "thiệt hại chính trị" nếu thủ tướng Nhật Bản từ bỏ lộ trình lâu dài trong việc đòi lại các đảo tranh chấp, theo nghĩa đen có thể làm giảm vị trí của người đứng đầu nội các trong “con mắt” cử tri, Valery Kistanov lưu ý.
Đồng thời, chuyên gia cũng giải thích rõ và thừa nhận rằng đối với các dự án có lợi hơn, việc không có Hiệp ước Hòa bình và sự hiện diện của tranh chấp lãnh thổ, rất có thể sẽ không phải là trở ngại cho hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Nga: “Ví dụ, Trong những năm tồn tại của Liên Xô, không có gì khiến người Nhật phải bận tâm khi mua các nguồn năng lượng của Liên Xô, và đổi lại họ cung cấp đường ống cho Liên Xô để xây dựng đường ống dẫn dầu “Druzhba”, đường ống lớn nhất thế giới. Nhật Bản hiện nay vẫn cần khí đốt của Nga, vì vậy họ đang đầu tư vào các dự án năng lượng ở Sakhalin và Yamal. Và các đề xuất cho Quần đảo Kuril không đạt đến quy mô đó. Do đó, rõ ràng hoạt động kinh tế chung trên các đảo tranh chấp trước đây chỉ được thảo luận nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi trong quan hệ Nga-Nhật. Thật vậy, trong những năm thời Thủ tướng Abe, mục tiêu chính của đường lối Nhật Bản là thuyết phục Tổng thống Putin nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ".
Valery Kistanov cũng hoài nghi về sự xuất hiện của các nhà đầu tư Hàn Quốc hoặc Trung Quốc tại quần đảo Kuril.
#Isolation. #Abe & #Putin in #Sochi today. #Japan #Russia pic.twitter.com/nQBZpM4ohx
— Vladimir Miklashevsky (@vmiklsuomi) May 6, 2016
Quần đảo Kuril nổi tiếng với nguồn cá phong phú. Nhưng các đối tác châu Á của Nga không mấy quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại trên quần đảo Kuril, chẳng hạn cho ngành đánh bắt cá. Bởi vì, ngay cả khi không cần đầu tư vật chất, họ vẫn có cơ hội mua hải sản Nga với giá rẻ, việc vận chuyển từ quần đảo Kuril (đến bàn ăn của người tiêu dùng ở các quốc gia lân cận) sẽ diễn ra trong thời gian ngắn nhất có thể, chuyên gia lưu ý.
Do đó, các chuyên gia Nga có xu hướng cho rằng: các đề xuất "độc đáo và chưa từng có" đối với quần đảo Kuril, (do Tổng thống Putin thông báo), phù hợp hơn với doanh nghiệp Nga, chứ không phải đối với các nhà đầu tư nước ngoài.