Có vẻ như những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang trở thành “bình thường” và bây giờ chúng ta phải sống chung với điều đó. Tại sao các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều và càng dữ dội? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Những chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài hàng tuần. Đợt nắng nóng - hiện tượng thời tiết phổ biến ở Australia và vùng nhiệt đới Thái Bình Dương đã lan đến các vùng vĩ độ trung bình và thậm chí cả vùng cực.
Tại Vương quốc Anh, cơ quan thời tiết Met Office đã ban hành cảnh báo nắng nóng khắc nghiệt đầu tiên trong lịch sử nước này cho phần lớn miền Nam và một phần xứ Wales. Các nhà khí tượng học dự đoán vào năm 2100 nhiệt độ mùa hè ở mức 35-40 độ C sẽ trở thành phổ biến.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là những thay đổi trong các quá trình khí quyển trên Bắc Đại Tây Dương do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Luồng không khí phản lực Bắc Đại Tây Dương - một dải gió mạnh ở độ cao lớn ngăn cách các vùng không khí ấm và không khí lạnh cũng như xác định vị trí của các trung tâm áp suất cao và áp suất thấp - bị uốn cong và dịch chuyển về phía bắc. Kết quả là, thời tiết nóng không có mây đặc trưng cho miền nam châu Âu đã hình thành ở Anh.
Năm ngoái, các nhà khoa học đã ghi nhận đợt nắng nóng ở nơi lạnh nhất trên Trái đất - Nam Cực. Nguyên nhân của hiện tượng này là các quá trình xảy ra trong bầu khí quyển và trên đại dương. Vào tháng 2 năm 2020, trong ba ngày liền, các nhiệt kế trên trạm nghiên cứu Australia Casey, nơi nhiệt độ luôn dưới 0 độ C, đã ghi nhận nhiệt độ từ 7,5 đến 9,2 độ C, và tại trạm Davis, một trong những nơi khô hạn nhất trên lục địa được bao phủ bởi băng, lần đầu tiên trời có mưa.
Ở Nam Cực đã hình thành những lưu vực với nước tan chảy và những dòng chảy trên bề mặt các sông băng. Khi đó, nhiệt độ cao kỷ lục 20,75 độ C đã được ghi nhận tại trạm Marambio của Argentina trên Đảo Seymour ở phía đông bán đảo Nam Cực.
Các nhà khoa học từ Đại học Bern đã tính toán rằng, các đợt nắng nóng đã tăng gấp 20 lần trong mấy thập kỷ qua. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là do việc ngăn chặn hiện tượng xoáy nghịch (thuật ngữ của loại thời tiết xung quanh khu vực áp suất cao). Xoáy nghịch duy trì trong một khoảng thời gian dài khiến nhiệt độ tăng lên thường xuyên.
Chính hiện tượng này đã dẫn đến cái nóng bất thường ở vùng Bắc Cực vào mùa hè năm 2020. Vào cuối tháng 6, ở thành phố Verkhoyansk, nơi cực lạnh ở Bắc bán cầu, nhiệt độ đã lên đến 38 độ C.
Các nhà khoa học chưa biết chính xác hoàn lưu khí quyển sẽ thay đổi như thế nào trong những năm tới, nhưng họ chắc chắn rằng, hiện tượng xoáy nghịch như vậy sẽ trở nên phổ biến, và họ dự đoán sự gia tăng các đợt nắng nóng. Tất cả những điều này là hệ quả của sự nóng lên toàn cầu.
Nắng nóng khắc nghiệt và mưa lớn như trút nước
Theo các chuyên gia, khí quyển có thể giữ thêm 7% lượng ẩm nếu nhiệt độ tăng lên một độ C. Bằng cách này Trái đất bảo toàn nhiệt năng dư thừa. Nhưng, vào một thời điểm nào đó, chẳng hạn, khi các khối không khí ẩm nóng gặp không khí lạnh, năng lượng này được giải phóng giống như một trận tuyết lở dưới dạng mưa rào và dông, và tại nơi front nóng gặp không khí lạnh thường xuất hiện những cơn bão và lốc xoáy.
"Cùng với nguy cơ hạn hán, nguy cơ xảy ra mưa lớn và lũ lụt cũng tăng lên do lượng nhiệt bị giữ lại ở bầu khí quyển ấm áp đang gia tăng. Xu hướng này đã được ghi nhận và dự kiến sẽ tăng lên. Trong khí hậu ấm hơn, có những cơn mưa dữ dội và những khoảng thời gian dài không có mưa. Những trận mưa như trút nước sẽ xen kẽ với những ngày thời tiết khô ráo", - theo báo cáo của Nhóm công tác I thuộc Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Ở các vùng ven biển, do vị trí địa lý giáp ranh giữa hai front không khí - không khí lục địa (khô) và không khí biển (ẩm) - nắng mưa xen kẽ thường xuyên, có khi hai đến ba lần một tuần. Các nhà khoa học Trung Quốc đề xuất coi hiện tượng này như một sự kiện - đợt nắng nóng lũ lụt (Flood-Heatwave Event). Họ ước tính rằng, kể từ đầu thế kỷ XXI, các sự kiện như vậy ở Trung Quốc đã tăng gấp 5-10 lần.
Các chuyên gia của IPCC dự đoán rằng, ở phần lớn Trung và Bắc Âu, mùa đông sẽ trở nên ẩm ướt hơn, tuyết rơi dày đặc, làm tăng nguy cơ lũ lụt vào mùa xuân. Vào mùa hè sẽ có nhiều cơn bão và mưa to gây ra lũ lụt. Ở châu Á và vành đai khí hậu nhiệt đới nói chung, gió mùa sẽ mạnh lên, kéo theo lũ lụt.
Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt
Nhóm chuyên gia nghiên cứu bộ chỉ số cực đoan khí hậu (ETCCDI) từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phân tích thông tin về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Các nhà khoa học tổng hợp các quan sát hàng ngày của hơn 36 nghìn trạm thời tiết trên khắp thế giới và công bố kết quả dưới dạng báo cáo bao gồm 29 chỉ số cực đoan khí hậu: 17 chỉ số nhiệt độ và 12 chỉ số lượng mưa.
Tất cả những dữ liệu này được thu thập trong cơ sở dữ liệu HadEX tại Trung tâm Hadley - Dự án Dự báo Khí hậu Vương quốc Anh, một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về nghiên cứu khí hậu. Gần đây, các chuyên gia của trung tâm này cùng với các chuyên gia từ ETCCDI đã công bố báo cáo, trong đó họ rút ra kết luận rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như các đợt nắng nóng và mưa to, đang trở nên thường xuyên hơn, kéo dài và dữ dội hơn, điều này là do Trái đất tiếp tục ấm lên. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang dẫn đến sự gia tăng số lượng các cơn mưa rào.
Các nhà khoa học đã so sánh 29 chỉ số trong hai khoảng thời gian 30 năm - từ năm 1951 đến năm 1980 và từ năm 1981 đến năm 2010, đồng thời phân tích những thay đổi trong toàn bộ giai đoạn quan sát - từ năm 1901 đến năm 2018. Hóa ra, trong 30 năm qua, ở hầu hết khắp mọi nơi, ngoại trừ châu Phi xích đạo, số ngày ấm áp với nhiệt độ trên mức trung bình trong một ngày nhất định đã tăng lên.
Đồng thời, những cơn mưa trở nên thường xuyên hơn. Nhiều hơi nước tích tụ trong khí quyển do khí hậu nóng lên. Hơn nữa, hơi nước chủ yếu là khí nhà kính nên phát sinh vòng phản hồi tích cực làm khuếch đại hiệu ứng.
Các nhà khoa học gọi đây là sự tăng cường của chu kỳ thủy văn. Nói cách khác, khi nhiệt độ tăng, nước trên mặt biển và trên đất liền bốc hơi nhanh hơn, làm tăng lượng mưa và số lượng bão.
Do bầu khí quyển không đồng nhất và được chia thành các ô đối lưu, sự nóng lên xảy ra ở một nơi và cơn mưa rơi ở một nơi khác. Trong trường hợp giảm động lực tổng thể của khí quyển, một số khu vực sẽ trải qua nắng nóng và hạn hán kéo dài, trong khi những khu vực khác sẽ hứng chịu những trận mưa lớn.
Theo các nhà khoa học, những hiện tượng thời tiết như hạn hán, cháy rừng và lũ lụt không còn bất thường nữa. Xét theo mọi việc, đây là một thực tại mới mà nhân loại phải đối mặt. Câu hỏi đặt ra là: liệu cơ sở hạ tầng hiện có được tạo ra có tính đến khí hậu trước đây, có đủ khả năng chống chọi với các hiện tượng thời tiết mới.