Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp đề nghị Tổng thống Joe Biden nhanh chóng gửi thêm vaccine đến Việt Nam.
Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) cũng nhấn mạnh vị thế quan trọng của Việt Nam trong duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu về may mặc, giày dép.
AAFA kêu gọi Mỹ gửi vaccine đến Việt Nam
Virus corona (đại dịch Covid-19) đang gây ảnh hưởng đến rất lớn đến sản lượng tại trung tâm sản xuất quần áo và giày dép toàn cầu.
Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) – nhóm hiệp thương gồm các thương hiệu thời trang như Gap, Adidas và các brand toàn cầu khác đang yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam giúp đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho công nhân ngành may mặc quan trọng của quốc gia Đông Nam Á.
Trong bức thư trình lên Chính phủ Mỹ, Hiệp hội May mặc & Giày dép Hoa Kỳ đã đề nghị Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tiếp tục gửi thêm vaccine ngừa coronavirus cho Việt Nam.
Cùng với đó, AAFA cũng mong muốn chính quyền Hà Nội ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành may mặc và giày dép, hiện đang phải đối mặt với làn sóng đóng cửa nhà máy diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 với số ca mắc nCoV liên tục tăng cao tại Việt Nam.
Theo Nikkei, các doanh nghiệp sản xuất điện tử tại Việt Nam buộc phải ứng phó tránh gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách cho nhân viên ngủ tại nơi làm việc để duy trì trạng thái mở - vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Tờ báo Nhật Bản nhấn mạnh, với tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất Đông Nam Á, Việt Nam ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế, tuyến đầu chống dịch, công an và quân đội.
Trong khi đó, AAFA nhấn mạnh, các thành viên của hiệp hội bao gồm 1.000 thương hiệu thời trang lớn, đã đề nghị Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bổ sung nhân công các nhà sản xuất dệt may và giày dép vào danh sách ưu tiên tiêm chủng.
Chủ tịch Hiệp hội AAFA Steve Lamar khẩn thiết kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp nhiều vaccine cho Việt Nam hơn, gồm cả AstraZeneca từ kho dự dữ, các test kit xét nghiệm, đồ bảo hộ y tế.
“Sự thành công của ngành công nghiệp may mặc và giày dép phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe, theo nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam”, ông Lamar nhấn mạnh.
Theo ông Steve Lamar, hành động ngay lập tức và mạnh mẽ của chính quyền Mỹ sẽ không chỉ cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới mà còn cứu được đà phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ.
“Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp chính các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành dệt may và sản xuất giày dép đang phát triển mạnh mẽ của Mỹ”, lãnh đạo AAFA lưu ý.
Nikkei nhắc lại, các thành viên của hiệp hội sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau, từ áo sơ mi Calvin Klein đến giày ECCO và balô của Jansport. AAFA đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất may mặc, giày dép từ GAP, Adidas, Nike…
Tờ báo Nhật bình luận rằng, làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, khi tổng số ca nhiễm đã vượt trên 100.000, đe dọa hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty như Nike.
Doanh nghiệp này cho biết, họ có 200 nhà cung cấp sản phẩm may mặc, giày dép ở Việt Nam và sản lượng sản xuất chiếm đến 50% số giày trên toàn cầu vào năm tài chính 2020 vừa qua.
Trước đó, Panjiva, công ty con của S&P Global, nêu trong một báo cáo gần đây rằng Nike đang phải đối mặt với tình trạng sản xuất trì trệ khi nguồn cung giày dép ở mức thấp do bị gián đoạn vì dịch Covid-19 ở Việt Nam. Một số đối tác chính bao gồm Pou Chen, Changshin, Feng Tay Enterprises và Eclat Textile đều buộc bị tạm dừng sản xuất trong tháng này vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Khi được hỏi liệu hãng có phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hay không, Nike khẳng định tạm thời họ có kiểm soát tình hình, nhưng cũng chỉ trong ngắn hạn.
“Chúng tôi mong muốn bên phía nhà cung cấp ưu tiên sức khỏe và sinh kế của nhân viên, đồng thời tiếp tục tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy tắc ứng xử của Nike về việc đảm bảo tiền lương, phúc lợi và vấn đề cắt giảm việc làm", đại diện Nike chia sẻ với Nikkei nhấn mạnh.
AAFA kêu gọi chính quyền Việt Nam chuyển thêm số lượng liều vaccine đến các trung tâm công nghiệp ở phía Nam, hiện là tâm dịch với số lượng ca nhiễm mới lớn.
Làn sóng Covid-19 thứ tư lần đầu tiên xuất hiện ở khu vực miền Bắc Việt Nam, nơi đặt trụ sở sản xuất của các hãng công nghệ, điện tử lớn như Samsung và đối tác cung ứng cho Apple – Foxconn hay Luxshare.
Các công ty này đã được thêm vào danh sách tiêm chủng vaccine và quyên góp cho quỹ Vaccine quốc gia để đảm bảo đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, hiện nhân viên của Intel, nhà máy bia và nước giải khát Sabeco và Vingroup, tập đoàn tư lớn nhất đất nước cũng được tiến hành tiêm chủng.
Nike nhấn mạnh rằng, người mua hàng Mỹ ngày càng tin dùng hàng hóa Việt Nam bất chấp những nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các lô hàng dệt may từ Việt Nam đã tăng 20% trong năm nay tính đến tháng 5, so với cùng kỳ năm 2020.
Thành công này mang lại cho Việt Nam đến 15% thị phần tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, so với mức dẫn đầu là 28% của Trung Quốc.
Doanh nghiệp Mỹ gửi thư cho Thủ tướng Phạm Minh Chính về tiêm vaccine
Được biết, đây đã là lần thứ hai trong 2 tháng qua AAFA gửi thư chính quyền Mỹ - vận động hành lang (lobby) đề nghị tiếp tục cung cấp vaccine Covid-19 cho Việt Nam và một số nước khác trong chuỗi cung ứng hàng may mặc, giày dép Hoa Kỳ.
Trong thư gửi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 27/7, Chủ tịch Hiệp hội cũng kêu gọi tiếp tục ưu tiên vaccine cho khu vực phía Nam, nơi dịch đang bùng phát rất mạnh, nguy cơ lây nhiễm tại các khu công nghiệp rất cao, đe dọa sản xuất.
Trong thư gửi Thủ tướng, ông Steve Lamar cho biết, thời gian qua, AAFA đã vận động Chính phủ Hoa Kỳ tăng cường phân phối lượng vaccine, dụng cụ xét nghiệm Covid-19 và các thiết bị bảo hộ y tế cho Việt Nam.
Chính phủ Mỹ cũng đã chuyển 5 triệu liều vaccine cho Việt Nam nhưng AAFA vẫn đang tiếp tục vận động chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục cung cấp nhiều hơn trong bối cảnh khẩn cấp.
“Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam ưu tiên các nguồn được trao tặng cho những ngành công nghiệp then chốt, và khu vực phía Nam, vốn đang là điểm nóng với nhiều ca nhiễm Covid mới, cũng là nơi tập trung các hoạt động kinh tế giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế”, ông Lamar bày tỏ.
Lãnh đạo AAFA cũng nhấn mạnh đến việc tập trung vào giải pháp “hai tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và cơ chế cho phép vận chuyển hàng hóa và vật liệu thiết yếu hiện nay.
Theo đại diện các doanh nghiệp Mỹ, ngành may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch lần lượt là ngành xuất khẩu lớn thứ 2, thứ 3 và thứ 4 đối với nền kinh tế Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động và tạo ra kim ngạch xuất khẩu trị giá thường niên lên tới 40 tỷ USD.
“Đặc biệt, Việt Nam là đối tác quan trọng khi cung cấp hàng may mặc, giày dép và hàng du lịch lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, chiếm 20% tổng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Do đó, sự thành công của ngành may mặc, giày dép và hàng du lịch Hoa Kỳ phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe của các ngành công nghiệp này tại Việt Nam”, AAFA khẳng định.
Bên cạnh đó, việc các địa phương thực hiện không thống nhất các quy định phòng chống dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tức là văn bản của Chính phủ một kiểu, nhưng thực tế thực hiện ở các địa phương lại kiểu khác.
Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng ở Việt Nam vì Covid-19
Theo cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc áp dụng “3 tại chỗ” đang bộc lộ nhiều vấn đề.
Trong đó, điều khó nhất là không biết chính xác thời gian áp dụng “3 tại chỗ” nên không có kế hoạch cụ thể cho việc lưu giữ lao động cũng như lên kế hoạch sản xuất để bù đắp thời gian đã mất, cũng không thể xác nhận được thời điểm xuất hàng.
Ngoài ra, bản thân các nhà máy đang tiến hành “3 tại chỗ” cũng rất căng thẳng vì nguy cơ người lao động nhiễm bệnh lúc nào cũng có thể xảy ra. Hơn nữa, tỷ lệ công nhân tham gia “3 tại chỗ” cũng chỉ đạt 10-30%. Tại một số doanh nghiệp đạt 40%, nhưng hiệu quả sản xuất rất thấp. Do đó, lựa chọn này cũng chỉ mang tính tạm thời.
Đặc biệt, thực tế, tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá do các địa phương triển khai không thống nhất các quy định phòng chống dịch đã chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Điển hình như theo lãnh đạo Công ty CP TCT May Bắc Giang BGG, hàng hoá xuất, nhập của doanh nghiệp bị ùn và tốn thêm nhiều chi phí do phải chia sẻ phí xét nghiệm hàng ngày cho lái xe của đơn vị vận chuyển.
Các phí phát sinh lớn như phải chuẩn bị lưu trú, phí xét nghiệm và chi phí hỗ trợ cho công nhân làm việc tại nhà máy, chưa kể phí lưu kho, lưu bãi do hàng hoá bị ách tắc.
“Doanh nghiệp khó cân bằng thu chi, tháng 7 và 8 nhiều khả năng không đạt doanh thu theo kế hoạch”, ông Khuê cho biết.
VITAS vừa qua cũng có văn bản gửi lên Chính phủ và các Bộ, ngành phản ánh về các khó khăn của doanh nghiệp.
Theo VITAS, việc phân “luồng xanh” là giải pháp thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng do mạng bị nghẽn, hacker tấn công nên gây ách tắc. Ngoài ra, các địa phương không thống nhất sử dụng loại giấy xét nghiệm cho lái xe và thời gian có giá trị cũng làm doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, quy định về hàng hoá thiết yếu được mỗi nơi hiểu một kiểu đã tạo ra ách tắc. Đồng thời, về vấn đề lao động, doanh nghiệp bố trí sản xuất “3 tại chỗ” nhưng 60-70% người lao động không đồng ý làm việc do sợ lây lan bệnh.
Đặc biệt, số lao động không đi làm có được hưởng lương ngừng việc không hay doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động là thực trạng còn gây lúng túng hiện nay cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, VITAS đề nghị Nhà nước ưu tiên cho người lao động tại các doanh nghiệp lớn sớm được tiêm vaccine (có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí) nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đội ngũ lái xe để đảm bảo lưu thông hàng hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không để đứt gãy chuỗi cung ứng cũng cần đặc biệt được sớm tiêm chủng vaccine ngừa coronavirus.
“Chính phủ chỉ đạo các địa phương sớm triển khai các gói hỗ trợ để người lao động và doanh nghiệp đỡ khó khăn”, VITAS kiến nghị.
Đồng thời, VITAS cũng đề nghị Nhà nước cho phép doanh nghiệp, sau thời gian phong toả được bố trí thời gian làm thêm quá quy định (40 giờ/tuần) để giải quyết các đơn hàng tồn đọng.
“Doanh nghiệp sẽ bù trừ các tháng để đảm bảo không quá 300giờ/tháng theo quy định hiện hành. Bộ Y tế quy định thống nhất từng loại giấy xét nghiệm và thời gian hiệu lực của mỗi loại, khi lái xe lưu thông qua các tỉnh thì dùng loại nào để các địa phương thực hiện”, VITAS nêu rõ trong văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Chính quyền Mỹ trong các tuyên bố đưa ra đều khẳng định hỗ trợ Việt Nam vaccine thông qua COVAX, cũng như vấn đề chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, nhấn mạnh “ngoại giao vaccine” hoàn toàn không mang yếu tố chính trị. Washington chuyển vaccine cho Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khác chỉ vì mục đích nhân đạo chứ không có bất cứ điều kiện hay yêu cầu gia tăng ảnh hưởng nào.