Việt Nam nói gì về việc nằm trong top 7 nước nhận hỗ trợ vaccine nhiều nhất từ Mỹ?
16:08 05.08.2021 (Đã cập nhật: 17:07 05.08.2021)
© Ảnh : Thanh Vũ – TTXVNCác y bác sỹ Quận 3 tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi tại điểm tiêm trường tiểu học Trần Quốc Thảo.
© Ảnh : Thanh Vũ – TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Chiều 5/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lý giải việc nước này nhận vaccine hỗ trợ của Mỹ nhiều thứ 7, cũng như về kế hoạch nhận thêm vaccine từ Trung Quốc và kế hoạch triển khai hộ chiếu vaccine.
Việt Nam mong muốn tiếp tục được nhận hỗ trợ về vaccine
Trước yêu cầu bình luận về việc Việt Nam trong top 7 nước nhận vaccine Covid-19 nhiều nhất từ Mỹ, bà Lê Thị Thu Hằng nói:
“Theo số liệu, cho đến nay Việt Nam đã nhận được khoảng 18 triệu liều vaccine chống Covid-19 từ nhiều nước đối tác và các tổ chức quốc tế. Xin nhắc lại trong bối cảnh khan kiếm vaccine như hiện nay, cũng như nhu cầu về vaccine rất cao ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam thì chúng tôi trân trọng và cảm ơn mọi hỗ trợ, đóng góp dù là nhỏ nhất. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia, đối tác và tổ chức quốc tế để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong nước, hướng tới đạt được miễn dịch cộng đồng”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên “Mỹ đến nay đã tặng cho Việt Nam 5 triệu liều vaccine Covid-19, Trung Quốc vốn là nước láng giềng hữu nghị của Việt Nam cũng đã tặng lượng lớn vaccine cho các nước Đông Nam Á. So sánh lượng vắc xin hai nước này đã tặng, lượng vaccine Việt Nam nhận được từ Trung Quốc ít hơn rất nhiều.
Xin Người phát ngôn cho biết, ngoài 500.000 liều vaccine mà Trung Quốc đã tặng cho Việt Nam trước đây, hai nước Việt Nam – Trung Quốc có còn đang tiếp tục thảo luận về việc Trung Quốc sẽ tặng vaccine cho Việt Nam?”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp với nhiều biến chủng nguy hiểm trên thế giới và ngay tại trong khu vực của chúng ta, thì việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nguồn lực vaccine và quy trình sản xuất vaccine, thuốc điều trị cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng vào việc phòng chống đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Mọi sự giúp đỡ của các nước và các đối tác trong công cuộc phòng, chống đại dịch này đều rất đáng quý và rất đáng trân trọng".
© Ảnh : Bùi Giang - TTXVNTiêm vaccine AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.
Tiêm vaccine AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.
© Ảnh : Bùi Giang - TTXVN
"Việt Nam cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và các tổ chức trong việc đấu tranh phòng chống đại dịch Covid-19. Để đa dạng hóa nguồn vaccine, hướng tới mục tiêu đủ vaccine cần thiết cho tiêm chủng để sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nước, đối tác và các nhà sản xuất, phân phối vaccine trên thế giới, trong đó có Trung Quốc”, bà Hằng khẳng định.
Việt Nam rút ngắn thời gian cách ly còn 7 ngày
Về việc áp dụng hộ chiếu vaccine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Ngày 4/8, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn về một số nội dung về cách ly y tế đối với người được pháp nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong đó có quy định thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày, và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm chủng đủ liều vaccine phòng chống Covid-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 có Giấy Xác nhận đã khỏi bệnh".
"Giấy Chứng nhận đã tiêm chủng vaccine hoặc Giấy Chứng nhận đã khỏi bệnh phải được công nhận và cho phép sử dụng tại Việt Nam. Các quy định về việc kiểm tra và công nhận Giấy Chứng nhận tiêm chủng, Giấy Xác nhận khỏi bệnh Covid-19 và các giấy tờ cần thiết khác đang được Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao tích cực phối hợp, xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam, cách ly phù hợp với điều kiện y tế trong nước, các quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế”.