“Thùng thuốc súng” khổng lồ đang hình thành ở Biển Đông
Đăng ký
Động thái tăng cường các hoạt động có tính chất quân sự của Trung Quốc cho thấy họ đã chuyển trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” cao hơn. Và cùng với sự xuất hiện của hải quân nhiều nước trên Biển Đông - sự xuất hiện của một “thùng thuốc súng” khổng lồ đang hình thành ở khu vực này.
Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) ngày 4/8 thông báo về việc cấm tàu bè đi lại tại khu vực tập trận nằm ở phía bắc Biển Đông và có diện tích lên hơn 100.000km2. Khu vực này cũng bao gồm một nửa quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay ngày hôm sau, 5/8 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo liên quan tới sự kiện nóng đó. Cuộc họp báo diễn ra theo hình thức trực tuyến, do Hà Nội đang giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.
Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây đã leo thang thêm một mức
Bình luận về sự kiện trên, các chuyên gia quan hệ quốc tế nhận định: Việc Trung Quốc cấm biển để tiến hành tập trên trên khu vực Bắc Biển Đông, trong đó có vùng biển quần đảo Hoàng Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam không phải là việc đột xuất. Từ trước tới nay, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này và đều bị phía Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác cực lực phản đối.
Tuy nhiên, trong thời gian từ cuối năm 2020 tới nay, Hải quân Trung Quốc đã tăng dày hơn mật độ các cuộc tập trận tại Biển Đông, đặc biệt là khu vực Bắc Biển Đông, trong đó có vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền mà Việt Nam đã tuyên bố phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
“Đây có thể coi là phản ứng của Trung Quốc trước việc Mỹ và phương Tây gia tăng các hoạt động quân sự trên Biển Đông như các cuộc tập trận của Hải quân Mỹ phối hợp với Hải quân Philippines, các chuyến tuần tra trên Biển Đông của các tàu sân bay Mỹ và tàu chiến các nước Anh, Pháp, Đức và tới đây có thể có cả tàu chiến của Ấn Độ. Bên cạnh đó, việc một phái đoàn nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan (không chính thức) cũng như việc Đô đốc Hải quân Mỹ John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy liên vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tuyên bố “Chúng tôi tiếp tục hoạt động để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời đảm bảo giữ nguyên hiện trạng với đảo Đài Loan” cũng làm cho Bắc Kinh rất “khó chịu”, - Chuyên gia Nguyễn Hoàng bình luận với Sputnik.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Nguyễn Hoàng cũng có bình luận:
“Căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây đã leo thang thêm một mức khi Trung Quốc không còn chỉ sử dụng các tuyên bố ngoại giao để phản đối Mỹ và các nước phương Tây mà còn tiến hành các hành động quân sự trên thực tế. Đó là các cuộc tập trận trên biển và thực hành đổ bộ ngày càng dày đặc hơn đã được Trung Quốc coi như một sự “trả đũa tương xứng” trước các hoạt động gia tăng tuần tra Biển Đông của Hải quân Mỹ và một số nước Châu Âu”.
Những động thái nói trên còn là sự răn đe thực tế của Trung Quốc thông qua tuyên cáo của Tân Hoa xã sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Ngoại trưởng Vương Nghị tại Thiên Tân vừa qua:
“Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ ngay lập tức dừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, dừng gây hại cho lợi ích của Trung Quốc, đừng bước qua vạch đỏ, đừng đùa với lửa, và đừng đạo diễn một cuộc đối đầu tập thể dưới chiêu bài giá trị”.
“Động thái tăng cường các hoạt động có tính chất quân sự như mở các cuộc tập trận của Trung Quốc cho thấy họ đã chuyển trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” cao hơn. Và cùng với sự xuất hiện của hải quân nhiều nước trên Biển Đông, đó là sự xuất hiện của một “thùng thuốc súng” khổng lồ đang hình thành ở khu vực này. Nhưng nó có bùng nổ hay không thì còn tùy thuộc vào ý chí lành mạnh của con người”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm - nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế đưa ra bình luận của mình với Sputnik.
© Ảnh : U.S. Navy/Joe BishopBiển Đông
Biển Đông
© Ảnh : U.S. Navy/Joe Bishop
Ấn Độ tham gia vào cuộc đua giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á và Biển Đông
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam các phóng viên còn quan tâm tới thông tin về việc Ấn Độ sẽ điều 4 tàu chiến tới Đông Nam Á, tới Biển Đông. Bình luận về thông tin này, chuyên gia Nguyễn Hoàng nói với Sputnik:
“Không phải ngẫu nhiên mà thế giới coi các quốc gia “ASEAN lục địa” nằm trên bán đảo mang tên ghép là “Indochina”. Trong quá khứ, Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai quốc gia từng có những ảnh hưởng to lớn đến khu vực Đông Nam Á cả về chính trị, kinh tế và văn hóa. Còn khu vực Đông Nam Á thì đã từng là nơi cạnh tranh quyết liệt giữa hai thế lực phong kiến lớn nhất Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ từ đầu Công nguyên cho đến khi người phương Tây đến Đông Nam Á. Và bây giờ, lịch sử lại dường như lặp lại khi Ấn Độ đã “đủ lông đủ cánh” để tham gia vào cuộc đua giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á và Biển Đông, khôi phục lại hình ảnh của Ấn Độ tại khu vực có tầm quan trọng địa chiến lược nhất nhì toàn cầu này cũng như cạnh tranh trực tiếp với “đối thủ truyền kiếp” là Trung Quốc”, - Сhuyên gia Nguyễn Hoàng phân tích vấn đề với Sputnik.
“Biển Đông ngày càng quan trọng đối với nhiều quốc gia. Tàu Ấn Độ sẽ có mặt ở Biển Đông không có gì là lạ trong bối cảnh khi Trung Quốc ngày càng mạnh hơn và ngày càng hung hăng hơn. Hôm 2-8, Đức, lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, đã điều tàu chiến đến biển Đông, cùng các quốc gia phương Tây tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng biển này. Các quốc gia như Anh, Pháp, Nhật Bản, Úc và New Zealand cũng đang mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”, - Tiến sỹ sử học Hoàng Giang nói với Sputnik.
Có thể hiểu rằng, với việc Ấn Độ điều 4 tàu chiến tới Đông Nam Á, “Bộ tứ Kim cương” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) tưởng chừng như bị “quên lãng” đã được khởi động trở lại trên thực tế để làm hạt nhân cho việc hình thành một liên minh kiềm chế Trung Quốc. Liên minh này do “Nhóm công tác về Trung Quốc” của Lầu Năm góc đề xuất.
“Vấn đề đầu tiên là tập hợp lực lượng và New Delhi cùng với London, Paris, Tokyo và Berlin đã đáp ứng điều mà Washington mong muốn. Tôi cho rằng Mỹ hài lòng với động thái trên của Ấn Độ”, - Chuyên gia Nguyễn Hoàng nói với Sputnik.
Trong tình hình như vậy, Trung Quốc chắc chắn không thể ngồi yên nhìn Mỹ và các nước phương Tây cũng như cả Ấn Độ và Nhật Bản siết chặt “vòng kim cô” xung quanh mình, qua đó, có thể làm phá sản mục tiêu xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển”, một trong hai nhánh của “Kế hoạch Vành đai-Con đường” kết nối Trung Quốc với Tây Nam Á, Đông Phi và khu vực Địa Trung Hải thông qua “cái yết hầu” là Biển Đông.
Việt Nam tuân theo chủ trương “4 không, 1 tùy”
Tại cuộc họp báo hôm 5/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lại một lần nữa nêu rõ lập trường của Việt Nam là:
“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự, thượng tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Sau khi tiếp tục khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vạch rõ: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Việt Nam tuân theo chủ trương “4 không, 1 tùy” đã được nêu rõ trong “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019”. 4 không là: Việt Nam không tham gia bất kỳ một liên minh quân sự nào, không cho bất cứ bên nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho nước thứ ba, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Còn 1 tùy có nghĩa là: Vì Việt Nam tăng cường quốc phòng chỉ để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên đất liền, vùng trời và biển đảo nên một khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, Việt Nam sẽ tùy theo tình hình thực tế để áp dụng tổng hợp mọi biện pháp nhằm bảo vệ các không gian chủ quyền của mình.
Cổ nhân Việt Nam có câu: “Hòn bấc quăng đi, hòn chì quăng lại”. Câu này có ý nói về nguy cơ các mâu thuẫn sẽ ngày càng sâu sắc do các bên liên tục “nâng tầm” các “đòn trả đũa” lẫn nhau và làm gia tăng nguy cơ xung đột. Do đó, một mặt, Việt Nam hoan nghênh các nước trên thế giới đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình và xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không đồng thời tôn trọng quyền chủ quyền của các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở UNCLOS-1982.
“Việt Nam cũng kiên quyết phản đối mọi hoạt động dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nói chung và trên Biển Đông nói riêng; đồng thời kêu gọi các quốc gia có liên quan hãy sử dụng các biện pháp đối thoại hòa bình, biện pháp đối thoại ngoại giao và đặc biệt là phải căn cứ vào pháp lý quốc tế để giải quyết các mâu thuẫn và bất đồng, không làm phát sinh thêm những tình huống phức tạp, tránh leo thang các hành động thách thức lẫn nhau có thể dẫn tới những sự đột biến nghiêm trọng không thể khắc phục được”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm - nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế phát biểu với Sputnik.
“Tôi cùng quan điểm về việc đang hình thành một “thùng thuốc súng” khổng lồ ở khu vực Biển Đông. Nhưng nó có bùng nổ hay không? Ý chí và tư duy lành mạnh của các bên sẽ là điều quyết định. Quan điểm và lập trường của Việt Nam là sáng suốt”, - Tiến sỹ sử học Hoàng Giang nói với Sputnik.