Bị kẹt lại thành phố mùa dịch, giới trẻ chờ cha mẹ tiếp tế, ăn mì tôm qua ngày
14:29 12.08.2021 (Đã cập nhật: 14:35 12.08.2021)
© AFP 2023 / Huu KhoaMàn hình điện tử trước Nhà hát Lớn Sài Gòn hiển thị thông báo về cuộc chiến chống Covid-19 vào ngày đầu phong toả ở TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.
© AFP 2023 / Huu Khoa
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Thời gian qua, các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM đều áp đặt các biện pháp khác nhau về giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát. Không thể về quê, không việc làm, không được phát thẻ đi chợ là tình trạng chung của một số bạn trẻ khiến cuộc sống của họ càng thêm khó khăn, bế tắc.
Ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu
Anh Dũng (27 tuổi, ở Hà Nội) ăn mì tôm, phở gói, miến gói liên tục nhiều ngày nay để cầm cự qua những ngày tháng mất việc vì dịch bệnh. Anh làm nghề quay phim tự do (freelancer) với một nhóm bạn lành nghề. Được đào tạo bài bản từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nên ngày thường, anh Dũng khá đắt sô.
Anh Dũng chia sẻ với Sputnik:
“Nghề quay phim dầm mưa dãi nắng, cộng thêm chọn làm tự do nên mình không có chế độ bảo hiểm, trợ cấp như làm việc ở các công ty. Do vậy, dịch bệnh là khó khăn rất lớn đối với anh em quay phim bọn mình. Ai nấy đều ngồi không ở nhà, sống lay lắt, cầm cự qua dịch”.
Anh Dũng kể trong số các đồng nghiệp của anh, người nào có nhà hoặc gia đình khá giả thì còn đỡ. Còn những anh em thuê nhà như anh, ngày ngày đều phải lo đủ thứ: tiền nhà, điện, nước, dịch vụ, ăn uống, sinh hoạt, chưa kể dịch bệnh khiến số máy ảnh, máy quay anh đầu tư để cho thuê nằm một xó.
“Công việc của mình chủ yếu là quay, chụp những đoạn video clip chất lượng, theo kiểu nghệ thuật như lễ kỷ niệm, khánh thành, khai trương, đám cưới, đám hỏi… hoặc lớn hơn là các buổi biểu diễn, đêm nhạc… Tuy nhiên, các sự kiện văn hoá, nghệ thuật như này hiện nay bị cấm hoàn toàn theo các Chỉ thị về giãn cách xã hội ở cả Hà Nội, TP.HCM nên mình coi như là mất việc”.
Văn hoá, nghệ thuật nằm trong số các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các hoạt động biểu diễn âm nhạc, tổ chức sự kiện không thể diễn ra. Đám cưới chỉ được hạn chế tổ chức trong phạm vi gia đình. Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch đã đề xuất hỗ trợ các nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, người lao động tự do như anh Dũng không nằm trong diện này.
“Mấy hôm trước, mình nghe được tin một đồng nghiệp trong TP.HCM qua đời vì Covid-19. Mình cảm thấy suy sụp, lòng nặng trĩu không thể nói thành lời. Virus corona không chỉ tước đi miếng cơm manh áo của anh em quay phim bọn mình, mà còn cướp đi một người đồng nghiệp đáng kính”, anh Dũng bộc bạch.
© Ảnh : Bá DũngAnh Dũng, làm nghề quay phim tự do ở Hà Nội, thường xuyên ăn mì tôm trong những ngày giãn cách xã hội
Anh Dũng, làm nghề quay phim tự do ở Hà Nội, thường xuyên ăn mì tôm trong những ngày giãn cách xã hội
© Ảnh : Bá Dũng
Anh cho biết do không đăng ký hộ khẩu tạm trú tạm vắng ở nơi anh thuê nhà nên anh không được phát phiếu đi chợ.
“Mình thường xuyên đi chợ gần nhà vì nhiều mặt hàng hơn, giá cả cạnh tranh. Nhưng giờ không có phiếu đi chợ, mình phải đi siêu thị cạnh nhà. Nói chung hàng hoá đầy đủ, chỉ có điều mình không dám ăn tiêu gì nhiều. Gần đây, món ăn chủ đạo của mình là mì tôm, phở gói, khi kèm thêm quả trứng, cây xúc xích, khi thì ăn suông”.
Những ngày tháng chưa từng có
Chị Hương Ly, 26 tuổi, phóng viên ở TP.HCM, làm việc ở nhà đã vài tháng nay kể từ khi thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ ngày 31/5. Đến nay, TP.HCM vẫn duy trì áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch.
“Mình làm phóng viên mảng tin tức quốc tế. Công việc chủ yếu là dịch tin từ các báo nước ngoài sang tiếng Việt nên không phải đi lại nhiều. Các hội nghị, hội thảo quốc tế hiện nay cũng bị hạn chế rất nhiều nên gần như mình không được tham dự sự kiện trực tiếp. Đến nay, trừ những lúc đi chợ, siêu thị hoặc những việc cần thiết, mình đã ở nhà được hơn 2 tháng rồi”, chị Ly nói với Sputnik qua điện thoại.
TP.HCM vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày dù người dân bị hạn chế ra khỏi nhà. Biến chủng Delta lây lan nhanh khiến tình hình dịch bệnh ở Việt Nam trở nên phức tạp. Nhiều tỉnh thành trên cả nước, gồm cả TP.HCM, Hà Nội đều áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt về phòng, chống dịch. Những người không có việc cần thiết phải lên cơ quan, công sở, được khuyến cáo làm việc tại nhà. Hoạt động vận tải hành khách tạm dừng. Các nhà hàng, cửa hiệu kinh doanh ở trung tâm kinh tế đóng cửa im lìm.
“Không chỉ riêng mình, người dân cả TP.HCM đang trải qua những ngày tháng chưa từng có. Chưa khi nào, việc sinh hoạt thường ngày của mình ở đây lại khiến bố mẹ ở quê lo lắng như lúc này. Bạn bè xung quanh mình đã có người nhiễm, trên các diễn đàn, hội nhóm nhiều người cầu cứu: từ lương thực, thực phẩm đến thuốc men, bình oxy, tiền bạc. Những điều đau thương, bi thảm đang xảy đến với TP.HCM”.
Giữa làn sóng dịch bệnh thứ 4, TP.HCM đã đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ cóc, chợ dân sinh do lo ngại trở thành nơi lây lan dịch bệnh. Đến nay, thành phố chỉ mở cửa trở lại một số chợ, khiến chuỗi cung ứng thực phẩm cho 12 triệu dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
© Ảnh : Hương LySố rau chị Ly được gia đình tiếp tế trong những ngày giãn cách xã hội ở TP.HCM
Số rau chị Ly được gia đình tiếp tế trong những ngày giãn cách xã hội ở TP.HCM
© Ảnh : Hương Ly
“Từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 đến nay, mình chủ yếu mua thực phẩm ở siêu thị gần nhà hoặc đặt ship về. Tuy nhiên, do lo ngại nguy cơ lây nhiễm, gia đình mình ở quê cũng gửi đồ ra tiếp tế. Những ngày này, có gì ăn nấy, mình cũng không mong cầu gì cao sang”, chị Ly bộc bạch.
Những lương thực, thực phẩm quá đỗi bình thường như thịt, gạo, rau, trứng giờ đây là tất cả nhu cầu thiết yếu đối với chị Ly, anh Dũng. Dịch bệnh càng trở nên ác liệt đối với họ - những người trẻ mà nhu cầu đi lại, giao tiếp, vui chơi, du lịch là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.