Tàu chiến Việt Nam có thể gây bất ngờ với Nga, Trung Quốc ở Army Games 2021
CC BY-SA 4.0 / The Ministry of Defence of the Russian Federation / cropped photoCác chiến hạm của Hải quân Việt Nam được chào đón long trọng tại bến tàu của Hạm đội Thái Bình Dương trong khuôn khổ cuộc thi "Cúp Biển"
CC BY-SA 4.0 / The Ministry of Defence of the Russian Federation / cropped photo
Đăng ký
Các tàu chiến hiện đại bậc nhất của Việt Nam sẽ chính thức tranh tài với đại diện Nga, Trung Quốc môn thi “Cúp biển” tại Army Games 2021.
Với kỹ năng làm chủ hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, năng lực và bản lĩnh, đại diện Hải quân Việt Nam có thể gây bất ngờ khi tranh tài trực diện với tàu chiến các nước mạnh khác như Nga, Trung Quốc, Iran, Azerbaijan, Kazakhstan…
Chuyên gia nhận định về cơ hội chiến thắng dành cho tàu chiến Việt Nam khi đấu với đại diện Hải quân Nga, Trung Quốc, Iran, Azerbaijan, Kazakhstan…ở Army Games 2021 với các chặng của nội dung thi “Cúp biển” lần này.
Tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam thi tài với Nga, Trung Quốc ở Army Games 2021
Lần đầu tiên Hải quân Việt Nam cử các tàu chiến 015 - Trần Hưng Đạo và 016 – Quang Trung tham gia tranh tài ở nội dung “Cúp biển” với các đại diện mạnh đến từ Nga, Trung Quốc trong khuôn khổ Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games 2021 đang diễn ở ở thành phố Vladivostok, Liên bang Nga.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 22/8, lễ khai mạc nội dung thi “Cúp biển” đã diễn ra ở quân cảng của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga ở thành phố Vladivostok, Liên bang Nga.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó thông tin cho hay, nội dung thi “Cúp biển” năm nay có 7 đội tham gia, thi đấu ở 2 khu vực gồm Vladivostok và biển Caspi, Iran đăng cai tổ chức.
Các đội tuyển dự thi tại địa điểm này bao gồm: Iran, Azerbaijan, Kazakhstan và Nga.
Môn thi “Cúp biển” gồm 6 chặng thi như kỹ năng hàng hải (thả neo và buộc tàu vào phao cố định, kiểm soát và bảo vệ sức sống của tàu (bịt kín các lỗ thủng) trên thiết bị mô phỏng huấn luyện ven bờ, huấn luyện cứu hộ - cứu nạn trên biển (lên bè cứu sinh), phá mìn nổi từ súng máy và thực hành bắn pháo vào mục tiêu trên biển và trên không.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử hội thao quân sự quốc tế Army Games, năm nay, Hải quân Việt Nam cử hai biên đội tàu 015-Trần Hưng Đạo và tàu 016-Quang Trung sang Nga thi đấu, trong đó tàu 016-Quang Trung được chọn là tàu thi đấu chính.
Như vậy, tàu 016 – Quang Trung sẽ thi đấu và tranh tài trực tiếp với các tàu hộ vệ và đại diện Hải quân của Nga, Trung Quốc lần này. Hải quân Myanmar cử quan sát viên.
Theo đó, tại thành phố Vladivostok, tàu của Hải quân Việt Nam cũng sẽ tranh tài cùng với các chiến hạm như tàu số hiệu 649 của Trung Quốc và Sovershenny (Hoàn mỹ), con tàu hộ vệ tên lửa sở hữu uy lực mạnh hàng đầu của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.
Bên cạnh đó, Hải quân Nga cũng điều tàu pháo cỡ nhỏ “Makhachkala” và “Astrakhan” tham gia môn “Cúp Biển” trên biển Caspi.
Việt Nam tự tin thi tài với đại diện Nga, Trung Quốc ở môn thi “Cúp biển”
Sáng 23/8, theo tin từ Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, chiến hạm ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nga đã rời cảng đến vùng biển Primorye để tham gia chặng đầu tiên môn thi “Cúp biển”, thuộc Army Games 2021.
Theo đó, các thủy thủ sẽ tiến hành bắn vào một quả mìn nổi, nhằm thể hiện kỹ năng sử dụng vũ khí trên tàu.
Như đã thông tin, tham gia nội dung thi này, đại diện Hải quân Nga có tàu hộ tống Sovershenny thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Việt Nam có tàu hộ vệ tên lửa 016-Quang Trung, còn Trung Quốc có tàu Guanyuan của Hải quân PLA.
Theo quy định của cuộc thi đối với nội dung này, việc bắn súng được tiến hành bằng những phát bắn đơn lẻ từ súng máy cỡ lớn khi đang di chuyển, trong khi vận tốc của tàu bị hạn chế trong phạm vi từ 5 đến 12 hải lý/giờ.
Bên cạnh đó, tiêu chí thứ hai để đánh giá kỹ năng của các thủy thủ Việt Nam, Nga, Trung Quốc chính là thời gian dành cho việc bắn trúng mục tiêu.
Để hoàn thành nhiệm vụ, các đội được giao tổng cộng có 16 viên đạn được bắn ra và một trong số đó phải bắn trúng mục tiêu để phá hủy một quả mìn nổi nằm ở khoảng cách tối thiểu 200m mới được tính là thành công.
Tối qua, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin cho biết, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các nội dung thi “Cúp biển”, đội tuyển các nước đã tăng cường luyện tập nhằm đạt thành tích tốt nhất tại Army Games 2021 lần này.
Ngay trong tối 22/8, thủy thủ đoàn các nước Iran, Nga, Kazakhstan, Azerbaijan đã rời cảng Bandar-e Anzali của quốc gia Hồi giáo Iran đến vùng biển Caspi để thị sát khu vực thi đấu.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trọng tài chính của mỗi đội tuyển quốc gia và trưởng đoàn các nước đều đã có mặt trên tàu kéo cứu hộ của Phân hạm đội Caspian SB-738.
Đây là chiến hạm đóng vai trò của tàu chỉ huy. Lãnh đạo Hải quân các nước cũng sẽ thảo luận về những vấn đề phương thức tổ chức từng giai đoạn thi đấu và nhiều nội dung liên quan trên tàu chỉ huy này.
Trong khi đó, trên biển, các tàu phối hợp diễn tập, có tính đến các biện pháp đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa va chạm. Mỗi thủy thủ đoàn có thể đánh giá khả năng, năng lực và kỹ năng hải quân của mình trước đại diện các thủy thủ đoàn khác.
Sau 4 giờ huấn luyện hải quân, tất cả các tàu trở về nơi neo đậu tại cảng Anzali.
Cơ hội để Hải quân Việt Nam nâng cao kỹ năng hàng hải
Trước đó, hôm qua 22/8, dự lễ khai mạc tại Quân cảng Hạm đội Thái Bình Dương Liên bang nga có Chuẩn Đô đốc Oleg Alexandrovich Koroliov, Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương và Đại tá Trịnh Xuân Tùng, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (Bộ Tư lệnh Hải quân), Trưởng Đoàn Hải quân nhân dân Việt Nam, lãnh đạo cấp cao và đại diện Hải quân Trung Quốc.
Chuẩn Đô đốc Koroliov phát biểu, bày tỏ vui mừng trước sự có mặt và tham gia thi đấu của đội tuyển các nước cùng các chiến hạm, trong đó có biên đội tàu của Việt Nam 015-Trần Hưng Đạo và tàu 016-Quang Trung (Lữ đoàn 162, Vùng 4 hải quân) của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng như đại diện của phía Trung Quốc và các đội tuyển hải quân nước ngoài góp mặt tại Army Games 2021 lần này.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chuẩn đô đốc Koroliov nêu rõ, mục tiêu chính của Army Games được tổ chức hằng năm nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa quân đội các nước tham gia, trong đó “Cúp biển” là một môn thi bổ ích cho lực lượng hải quân các nước cùng nhau tranh tài, thể hiện năng lực làm chủ vũ khí, trang bị và khả năng sẵn sàng chiến đấu và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường hiểu biết, quan hệ gắn bó giữa các nước.
Về phần mình, đại diện Hải quân Việt Nam, tại lễ khai mạc, Đại tá Trịnh Xuân Tùng, Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân (Bộ tư lệnh Hải quân), trưởng đoàn Hải quân nhân dân Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm trên của lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương Nga.
Đại tá Trịnh Xuân Tùng chia sẻ, đoàn Hải quân Việt Nam lần đầu tiên tranh tài tại môn thi “Cúp biển” trong khuôn khổ Army Games 2021.
“Đoàn Hải quân nhân dân Việt Nam vinh dự lần đầu tiên tranh tài tại môn thi “Cúp biển” trong khuôn khổ Army Games 2021 và sẽ nỗ lực thi đấu hết mình góp phần vào thành công chung của Hội thao”, Trưởng đoàn Hải quân Việt Nam nhấn mạnh.
Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cũng đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga về việc tổ chức Army Games cũng như môn thi “Cúp biển” nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực hàng hải cho đại diện hải quân các nước.
“Đây là cơ hội để quân đội và hải quân các nước giao lưu, học hỏi nâng cao kỹ năng về huấn luyện, thao tác khí tài quân sự”, Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân nnhaasn mạnh.
Đại tá Trịnh Xuân Tùng bổ sung thêm, tham dự môn thi Cúp biển trong khuôn khổ Army Games 2021 lần này còn giúp tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần tích cực xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thiếu tá Mã Nguyên Thanh, Thuyền trưởng tàu 015 Trần Hưng Đạo, cho biết Army Games là cơ hội để kiểm chứng kết quả huấn luyện, năng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu, trình độ chuyên môn của cán bộ chiến sĩ, khả năng làm chủ vũ khí, khí tài mới, cũng như sức mạnh và vị thế của Hải quân Nhân dân Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trước lễ khai mạc, đội tuyển các nước đã tổ chức bốc thăm thi đấu. Theo đó, thứ tự các nước thi đấu tại nội dung bắn mục tiêu trên biển bằng pháo AK-176 là Nga, Việt Nam, Trung Quốc.
Đối với nội dung bắn maket mìn trôi bằng súng 14,5mm là Nga, Việt Nam, Trung Quốc. Tại nội dung kỹ năng hàng hải là Trung Quốc, Việt Nam, Nga.
Riêng nội dung đấu tranh bảo vệ sức sống tàu, đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam thi đấu thứ hai và nội dung cứu hộ cứu nạn thi đấu đầu tiên. Theo kế hoạch, các nội dung thi đấu sẽ diễn ra từ ngày 23/8 đến ngày 27/8, lễ bế mạc sẽ được tổ chức vào ngày 29/8.
“Đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng thi đấu với quyết tâm giành thành tích cao trong lần đầu tiên tranh tài tại đấu trường quốc tế Army Games”, cổng thông tin Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định.
Việt Nam có cơ hội giành chiến thắng
Chuyên gia quân sự của Sputnik Việt Nam Dmitri Shorkov từng nhận định về cơ hội chiến thắng của Hải quân Việt Nam ở môn thi “Cúp biển”.
Theo đó, chuyên gia Nga chỉ ra rằng, Việt Nam là đất nước hàng hải. Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc sở hữu và làm chủ vũ khí, kỹ thuật, phương thức vận hành hai khinh hạm tên lửa loại lớp Gepard 3.9 là biên đội tàu 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung (đã đến Vladivostok ngay từ cuối tháng 7, tham dự lễ diễu binh hoành tráng nhân Ngày Hải quân Nga – PV) là ưu thế của Việt Nam.
Chuyên gia Shorkov phân tích, các thủy thủ đoàn đã có thời gian cách ly, làm quen thích nghi với khí hậu vùng biển Nga và đưa tàu vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Các khu trục hạm cỡ nhỏ này đều là «tân binh», gia nhập thành phần hạm đội trong năm 2018. Việc đào tạo kỹ năng của thủy thủ đoàn là không thể nghi ngờ.
“Do đó, các chiến sĩ hải quân Việt Nam sẽ vững vàng đua tranh với các đối thủ từ Nga, Trung Quốc và Myanmar”, chuyên gia quân sự của Sputnik Việt Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với báo QĐND, phóng viên Denis Ivlev, kênh truyền hình Zvezda (Ngôi sao) của Liên bang (LB) Nga, nhận định, môn thi “Cúp biển” năm nay khó dự đoán.
Phóng viên Ivlev khẳng định, kênh truyền hình Nga rất quan tâm tới sự hiện diện của hai chiến hạm Việt Nam cùng Đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2021 lần này.
Nhấn mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, nhất là giữa quân đội và hải quân hai nước rất tốt đẹp, phóng viên Denis Ivlev cho biết, đã theo dõi các hoạt động tập luyện của hai đội Cứu hộ cứu nạn và Đấu tranh bảo vệ sức sống tàu của các tuyển Việt Nam tại các trung tâm huấn luyện trên bờ của Hạm đội Thái Bình Dương.
“Giữa đội của các bạn và phía Nga đã có sự phối hợp và hỗ trợ nhau khá tốt, luyện tập nghiêm túc. Đội tuyển Cứu hộ cứu nạn và Đấu tranh bảo vệ sức sống tàu của Việt Nam có nhiều khả năng đạt được thành tích cao. Nội dung này cần sức mạnh thể chất, các tuyển thủ phải có sức khỏe tốt nên bên nào có lợi thế này sẽ có cơ hội giành giải”, phóng viên Nga nhận định.
Đại diện kênh truyền hình Nga cũng cho rằng, các nội dung thi khác còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ hiện đại của tàu, kỹ năng sử dụng vũ khí, trang bị, khí tài.
“Tôi tin với sự tham gia của Đội tuyển Hải quân nhân dân Việt Nam, cuộc thi sẽ hấp dẫn hơn. Tôi trông chờ vào những màn thể hiện bất ngờ trong thời gian thi đấu sắp tới mà chúng ta chưa từng thấy”, Denis Ivlev nêu rõ.
Nhận định về sự hiện diejn của hai tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam tại khuôn khổ Army Games lần này, phóng viên Nga dùng hai từ “hiện đại và nổi bật” để miêu tả.
Theo đó, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam rất chính quy trong bộ quân phục dã chiến đẹp và động tác điều lệnh rất chuyên nghiệp. Hai chiến hạm đã thực hiện các chuyến đi biển thực hiện nội dung tập luyện trên biển là bắn pháo và kỹ năng hàng hải. Đội tuyển đã thể hiện tốt các kỹ năng tập luyện trên biển.
“Theo dõi từ giai đoạn đầu khi hai tàu Việt Nam cùng đội tuyển mới tới thành phố Vladivostok, tôi tin đội tuyển có nhiều cơ hội giành thành tích tốt tại môn thi “Cúp biển”, phóng viên Ivlev nói.
Tuy vậy, theo chuyên gia, thành tích không phải là tất cả. Quan trọng hơn, đội tuyển các nước có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy cũng như củng cố mối quan hệ giữa các bên, để sự hợp tác ngày càng tốt đẹp hơn.
Có thể khẳng định rằng, với việc sở hữu hai tàu tên lửa mạnh hàng đầu 015 – Trần Hưng Đạo và 016 – Quang Trung, cùng đội ngũ thủy thủ thông minh, khéo léo, giàu kinh nghiệm, Việt Nam đủ sức tranh tài với đại diện các nước như Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Azerbaijan, Iran, Myanmar…
Điều các thủy thủ Việt Nam cần nhất ở thời điểm này chính là bản lĩnh, sự tự tin và tinh thần chiến đấu hết mình vì màu cờ của Tổ quốc, quyết đem vinh quang về cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.