Việt Nam kêu gọi ASEAN tăng hợp tác an ninh mạng, thừa nhận lẫn nhau về du lịch
© Ảnh : Nguyễn Điệp - TTXVNChủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà chủ trì.
© Ảnh : Nguyễn Điệp - TTXVN
Đăng ký
Trong bối cảnh Covid-19 tác động nặng nề, Việt Nam đề nghị các nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống đại dịch, kiểm soát lây lan dịch bệnh, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đoàn Việt Nam đề nghị dự thảo Nghị quyết khuyến nghị các nước có chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về du lịch.
AIPA-42: Tăng cường hợp tác, hoàn thiện khung khổ pháp lý về an ninh mạng
Sáng 24/8, tiếp tục Chương trình nghị sự Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) qua hình thức trực tuyến.
Tại đây, Ủy ban Chính trị đã họp, thảo luận về các dự thảo nghị quyết đệ trình ra Phiên họp toàn thể thứ 2 Đại hội đồng AIPA-42 xem xét thông qua.
Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân tham dự Phiên họp. Đoàn Việt Nam do ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội dẫn đầu dự họp.
© Ảnh : Nguyễn Điệp - TTXVNChủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà chủ trì.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà chủ trì.
© Ảnh : Nguyễn Điệp - TTXVN
Phần lớn các phát biểu tại Phiên họp tập trung vào ba nội dung như tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN, thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN, tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN.
Tại phiên họp, đại diện Quốc hội, Nghị viện các nước đã thống nhất thông qua 4 dự thảo nghị quyết: Báo cáo Hội nghị nhóm tư vấn AIPA lần thứ 12 (AIPA Caucus 12), Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN, Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN, Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động, thúc đẩy nhanh quá trình số hóa và nền kinh tế số trong khu vực, các đoàn tham dự Ủy ban Chính trị nhấn mạnh, quá trình này cần được bảo vệ bởi một hệ thống mạng Internet an toàn, bảo mật cao.
Do đó, Ủy ban kêu gọi Chính phủ các nước cần có những chương trình để bảo vệ, nâng cao nhận thức của người dân về an ninh mạng, đồng thời, cho rằng các Nghị viện thành viên cần tăng cường hợp tác trong an ninh mạng và tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý bảo vệ dữ liệu trong không gian mạng.
Tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết, Đoàn Việt Nam đã phát biểu một số nội dung về hợp tác an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu trong ASEAN, thúc đẩy an ninh con người, thúc đẩy ngoại giao nghị viện và nêu một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA-ASEAN trong lĩnh vực này.
Việt Nam đề nghị chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng hợp tác an ninh mạng
Tại dự thảo Nghị quyết về Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN, Đoàn Việt Nam đề xuất thành lập các cơ chế hợp tác khu vực qua kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch.
Phía Việt Nam cũng cho rằng, cần tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức chung và hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, hướng tới một khuôn khổ hợp tác khu vực để tạo thuận lợi cho phối hợp bảo đảm an ninh mạng.
Với dự thảo Nghị quyết về Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN, Đoàn Việt Nam khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận an ninh con người, trên cơ sở cần đảm bảo tuân thủ Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về nhân quyền và các văn bản khác có liên quan của ASEAN.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề, Việt Nam đề nghị các nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống đại dịch, kiểm soát lây lan dịch bệnh, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
“Những chia sẻ dữ liệu và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này cũng góp phần bảo đảm an ninh con người, trong đó Việt Nam cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ truy vết và cảnh báo, quản lý giãn cách, quản lý tiêm chủng”, đại diện đoàn Việt Nam nhấn mạnh.
Thảo luận về Nghị quyết tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN, Đoàn Việt Nam nhấn mạnh việc đề cao vai trò của các Nghị viện trong việc nội luật hóa các cam kết quốc tế của các nước thành viên ở cả quy mô khu vực và toàn cầu, tăng cường giám sát thực hiện nghĩa vụ và cam kết trong các khuôn khổ điều ước quốc tế.
Cùng với đó, Đoàn Việt Nam cũng nêu rõ, Quốc hội/Nghị viện các nước thành viên cần đóng vai trò tích cực trong việc xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, dựa trên luật pháp quốc tế (như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - UNCLOS 1982), củng cố lòng tin lẫn nhau, bảo đảm các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, góp phần thúc đẩy phát triển.
“Ngoại giao nghị viện cần góp phần thúc đẩy ngoại giao giữa các quốc gia, dân tộc, đồng thời ủng hộ các Chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh hội nhập khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN tôn trọng luật lệ, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới người dân, cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu như Covid-19”, đại diện Đoàn Việt Nam nêu rõ.
Nâng cao năng lực doanh nghiệp và tăng hội nhập kinh tế ASEAN
Chiều 24/8, tiếp tục Chương trình nghị sự Đại hội Liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) Ủy ban Kinh tế đã họp, thảo luận về các dự thảo nghị quyết đệ trình ra Phiên họp toàn thể thứ 2 Đại hội đồng AIPA-42 xem xét thông qua.
Đoàn Việt Nam do bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đầu, dự họp.
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh tới vị trí của ASEAN trong nền kinh tế thế giới nói chung, khi khu vực này đóng góp vào 3,7% GDP của cả thế giới. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 tấn công, các nền kinh tế trong khu vực đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có.
Các đại biểu cho rằng, cuộc khủng hoảng này đã tấn công vào những nhóm dễ bị tổn thương nhất, trong đó có các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Trong khi đó, các doanh nghiệp này đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế và đóng vai trò rất quan trọng cho quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Các đại biểu nhận định, lĩnh vực du lịch cũng bị tác động rất nhiều từ đại dịch. Theo Hiệp hội du lịch ASEAN, ngành du lịch trong khu vực trước đại dịch đã đạt được doanh thu gần 300 tỷ USD và tạo ra hàng chục triệu việc làm.
Những ngành kinh tế phụ thuộc vào du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 mới, Delta.
Với ý nghĩa đó, Ủy ban Kinh tế đã xem xét và thông qua 2 dự thảo nghị quyết gồm thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN, Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN.
Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về du lịch
Tham gia thảo luận tại Phiên họp, Đoàn Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng Lập pháp Brunei và Ban Thư ký AIPA đã chuẩn bị 2 dự thảo nghị quyết được thảo luận trực tuyến tại Ủy ban Kinh tế trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 42, giữa lúc các quốc gia ASEAN đang phải một lần nữa đối mặt với làn sóng tấn công mới của đại dịch Covid-19.
Đoàn Việt Nam ủng hộ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) cho ASEAN.
Đoàn Việt Nam hoan nghênh 2 dự thảo nghị quyết là sự tiếp nối Nghị quyết được thông qua tại Ủy ban Kinh tế trong khuôn khổ AIPA 41 do Việt Nam là nước chủ nhà về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh Covid-19”, đồng thời, nhấn mạnh việc thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm và hợp tác du lịch trong ASEAN hậu Covid-19 là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực thường xuyên, liên tục và cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN, Đoàn Việt Nam đề nghị dự thảo Nghị quyết khuyến nghị các nước có chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về du lịch, kêu gọi các nước chia sẻ những tiêu chí đánh giá rủi ro, quy định xét nghiệm và hiện trạng tiêm chủng vaccine nhằm xây dựng hệ thống đánh giá, ưu tiên những thị trường trọng điểm.
Việt Nam cũng khuyến khích xây dựng các tiêu chuẩn và quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong ASEAN. Đồng thời, phục hồi và phát triển du lịch theo các nguyên tắc phát triển bền vững và toàn diện.
Theo lý giải của Đoàn Việt Nam, trong đó không chỉ chú trọng đến bảo tồn đa dạng sinh học mà còn gắn liền với bảo tồn đa dạng văn hóa trong phát triển du lịch, bổ sung cơ chế “bong bóng du lịch” như đã thảo luận trong ASEAN, AIPA, qua đó kêu gọi các nước thành viên tạo hành lang xanh, bắt đầu mở cửa biên giới trở lại tới các địa điểm đã an toàn, thiết lập đầy đủ thủ tục cần thiết và đánh giá được những rủi ro tiềm năng thông qua khung đánh giá ASEAN.