Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ‘đi vay’ vaccine để tiêm miễn phí cho dân
© Ảnh : Thanh Sang – TTXVNTiêm vaccine đợt 5, mũi 2 cho cán bộ, viên chức các sở, ban, ngành tỉnh An Giang.
© Ảnh : Thanh Sang – TTXVN
Đăng ký
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, bảo vệ tính mạng người dân, sớm chiến thắng đại dịch Covid-19, Việt Nam sẵn sàng “đi vay”, xin nhượng lại vaccine, tìm mọi phương thức tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất nguồn vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã đề nghị Bỉ thúc đẩy COVAX đẩy nhanh phân bổ vaccine Covid-19 cho Việt Nam, đồng thời ưu tiên viện trợ, nhượng lại vaccine, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất.
Cập nhật tình hình dịch Covid-19 ngày 26/8, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có thêm 11.575 ca mắc coronavirus mới, nâng tổng số ca mắc mới lên thành 392.938 trường hợp, 9.667 ca tử vong. Hôm nay Việt Nam ghi nhận kỷ lục số bệnh nhân Covid-19 xuất viện với 18.567 trường hợp bình phục.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tổ chức các túi thuốc cho F0 tại nhà, trong đó có thuộc molnupiravir trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiêm vaccine Covid-19 cho dân TP.HCM, nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng.
Dịch Covid-19 ở Việt Nam hôm nay: Kỷ lục số ca xuất viện
Theo bản tin của Bộ Y tế, hôm nay, cả nước có thêm 11.575 ca nhiễm mới, trong đó, Bình Dương có nhiều ca mắc mới nhất với 4.868 người, thêm 318 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Theo Bộ Y tế, chỉ có 6/11.575 ca mắc là nhập cảnh, còn lại 11.569 ca lây nhiễm trong nước.
Như vậy, tổng số ca nhiễm nCov mới của cả nước hôm nay giảm hơn 524 trường hợp so với hôm qua 25/8. Tuy nhiên, Bình Dương có số ca mắc mới tăng 739 trường hợp trong 24h qua, Đồng Nai tăng 125 người, Tiền Giang tăng 35, TP.HCM giảm 1.360 người, Hà Nội cũng giảm.
Theo Bộ Y tế, trong số các ca nhiễm mới, 5.966 người được phát hiện ở khu cách ly hay khu đã phong toảm 5.603 ca đang điều tra dịch tễ.
Về các trường hợp nhiễm mới, Bộ Y tế cho biết, Bình Dương có tình hình dịch tễ đang gây lo ngại khi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất trong ngày với 4.868 ca.
Tiếp đó là TP.HCM với 3.934 người, Đồng Nai 743, Long An 449, Tiền Giang 354, Đà Nẵng 144, An Giang và Khánh Hòa đều 131, Đồng Tháp 116, Kiên Giang 112, Cần Thơ 72, Bến Tre 55, Hà Nội 50, Bình Thuận 48, Bà Rịa - Vũng Tàu 44, Nghệ An 43, Tây Ninh 42, Thừa Thiên Huế và Phú Yên đều 24, Quảng Bình 23, Trà Vinh 20, Bình Định 15, Bình Phước 13, Vĩnh Long 12.
Hai địa phương gồm Sơn La và Đắk Lắk ghi nhận mỗi nơi 10 ca nhiễm mới, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Sóc Trăng mỗi nơi 9 người, Gia Lai, Đăk Nông và Quảng Nam đều 8 ca, Quảng Ngãi 7, Lạng Sơn 6, Ninh Thuận 5, Bạc Liêu 4, Quảng Trị và Bắc Giang 2. Các tỉnh như Lâm Đồng, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh và Cà Mau mỗi nơi chỉ phát hiện 1 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Bộ Y tế tổng kết cho thấy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có tất cả 392.938 ca nhiễm, đứng thứ 66 thế giới. Xét về tỷ lệ số ca mắc trên 1 triệu dân, Việt Nam hiện đang đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân có 3.997 ca mắc mới/1 triệu dân).
Về tình hình điều trị, Bộ Y tế nêu rõ, hôm nay là ngày có số ca bình phục kỷ lục với 18.567 người, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên thành 188.488 trường hợp.
© Ảnh : Tuấn Anh - TTXVNMột trường hợp cấp cứu được di chuyển ra khỏi khu vực phong tỏa ngõ 328 Nguyễn Trãi.
Một trường hợp cấp cứu được di chuyển ra khỏi khu vực phong tỏa ngõ 328 Nguyễn Trãi.
© Ảnh : Tuấn Anh - TTXVN
Đáng chú ý, Việt Nam hiện có 5.184 ca bệnh nặng đang điều trị, trong đó, có 765 trường hợp đang thở máy xâm lấn và hỗ trợ y tế tích cực (ICU). Số ca nguy kịch là 29 đang được can thiệp ECMO.
Về tỷ lệ tử vong, hôm nay, Bộ Y tế công bố thêm 318 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi ở trong nước đến thời điểm này lên thành 9.667 người. Tỷ lệ tử vong của Việt Nam hiện đang là 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với mức của thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm được cải thiện. 24h qua cả nước đã thực hiện 466.305 xét nghiệm cho 596.487 lượt người. Tổng số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 10.836.663 mẫu cho 29.983.657 lượt người.
Về tình hình tiêm chủng, Bộ Y tế cho hay, đã có 18.522.203 liều vaccine các loại được tiêm, trong đó, mũi 1 là 16.382.658 liều, mũi 2 là 2.139.545 liều. Ngày qua có thêm 430.929 liều vaccine được tiêm thêm cho người dân.
Hôm nay, Việt Nam đã tiếp nhận 770.000 liều vaccine Pfizer trong tổng số hơn 1.000.000 liều Mỹ cam kết viện trợ cho Hà Nội trong chuyến thăm của bà Kamala Harris đến đất nước từ 24-26/8. Còn lại 270.000 liều dự kiến sẽ về Việt Nam vào ngày mai 27/8.
Hôm nay, Bộ Y tế cũng cho biết, triển khai phân bổ 1.209.400 liều AstraZeneca (đợt 23) do VNVC mua, phân bổ 500.800 liều AstraZeneca (đợt 24) do phía Ba Lan tài trợ, phân bổ 300.000 liều AstraZeneca (đợt 25) do phía Rumania tài trợ và phân bổ 10.000 liều Sputnik V do phía Liên bang Nga tài trợ.
Nỗ lực tiêm vaccine để TP.HCM sớm đạt miễn dịch cộng đồng
Ngày 26/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tham gia khảo sát kiểm tra nhiều cơ sở cách ly, khu dân cư, trạm y tế lưu động ở Quận 6, quận Bình Tân.
Tại trạm Y tế lưu động phường 11, Quận 6, Phó Thủ tướng phát biểu lưu ý, yêu cầu chống dịch là để giữ tính mạng người dân.
Bí thư quận ủy Quận 6 Lê Thị Hờ Rin cho hay, quận đã “xé rào” căn cứ vào những hướng dẫn chung của Bộ Y tế, của thành phố để đưa ra một số loại thuốc cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà ngay từ cuối tháng 7.
Ngoài ra, theo bà Hờ Rin, quận cũng đã tổ chức nấu nước chanh sả, đồ ăn đủ chất dinh dưỡng cung ứng cho các F0 trong khu cách ly, điểm phong tỏa, qua đó giảm đi nhiều trường hợp nặng.
Bên cạnh đó, mỗi phường phải cung cấp 5 số điện thoại thường trực cho các khu phố, tổ dân phố, nếu người dân phản ánh về tình trạng gọi điện nhưng không ai nghe máy thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bí thư, Chủ tịch quận. Thậm chí, trong một số trường hợp cấp cứu, khi thiếu nhân viên y tế, bí thư, lãnh đạo phường xuống hỗ trợ vận chuyển người dân.
Đồng chí Vũ Đức Đam đánh giá, quận 6 rất sáng tạo, vận dụng tốt các biện pháp phòng chống dịch từ những văn bản hướng dẫn chung của Bộ Y tế, thành phố, với mục tiêu trên hết, thể hiện tinh thần trách nhiệm tất cả vì nhân dân phục vụ.
Ông Đam nhấn mạnh yêu cầu chống dịch là để giữ tính mạng, sức khỏe người dân. Các trạm y tế lưu động với sự chi viện của lực lượng quân y, phải bám sát người dân bên dưới, bảo đảm tiếp nhận, có phản hồi ngay tất cả những yêu cầu hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
Đồng chí Vũ Đức Đam yêu cầu cấp thuốc đầy đủ cho người dân. Bên cạnh đó, tư vấn, hỗ trợ hoa quả, vitamin, các loại đồ ăn dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho F0 cũng như thành viên khác trong gia đình.
© Ảnh : TTXVN phátPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Lãnh đạo Quận 6.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Lãnh đạo Quận 6.
© Ảnh : TTXVN phát
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lực lượng Công an phải nắm 100% người dân trên địa bàn để hỗ trợ kịp thời, không được để ai thiếu đói, thiếu ăn.
Với sự chi viện của các lực lượng nhất là bên quân đội, người dân tin tưởng thực hiện nghiêm hơn nữa việc cách ly, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới Quận 6 tiếp tục thực hiện tốt giãn cách thật nghiêm, đảm bảo an sinh xã hội cho 100% người dân, đảm bảo 100% người dân gọi điện yêu cầu trợ giúp y tế đều được tiếp nhận, có phản hồi hoặc phải qua thăm ngay trong lúc đẩy nhanh xét nghiệm, tích cực điều trị giảm tỷ lệ tử vong và hoàn thành xong mục tiêu tiêm vaccine cơ bản cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế.
Trong khi đó ở Bình Tân, Phó Thủ tướng đánh giá những ngày qua tốc độ xét nghiệm tương đối nhanh, “quét” xong những vùng đậm đặc nhất.
Trong những ngày tới, cùng với việc rà soát lại những vùng đỏ đậm đặc, Phó Thủ tướng lưu ý quận Bình Tân cần triển khai thêm các tổ xét nghiệm ở những vùng ít đậm đặc hơn kể cả những vùng tạm coi là an toàn để đánh giá tình hình, chuẩn bị thuốc, khu cách ly.
TP.HCM phải có văn bản chỉ đạo, quán triệt để tất cả các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về tổ chức hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo, tối ưu hóa nguồn nhân lực lấy mẫu để chi viện cho các khu cách ly, cơ sở điều trị.
Bên cạnh đó, với tỷ lệ tiêm vaccine mới chỉ đạt 56%, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu quận Bình Tân phải vận dụng nhiều biện pháp, nhất là phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn để vận động người dân, công nhân tiêm vaccine, phấn đấu tiêm hết cơ bản cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế.
“Chúng ta cố gắng tiêm hết để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất mới có thể, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở bên trong thành phố, còn bên ngoài chúng ta vẫn kiểm soát chặt người ra, vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị F0 tại nhà
Kể từ ngày 27/8, Sở Y tế TP HCM sẽ đưa 16.000 gói thuốc kháng virus molnupiravir vào cộng đồng, với mục đích sử dụng điều trị cho các bệnh nhân F0 đang tự cách ly tại nhà.
Sở Y tế dự kiến sẽ phân bổ molnupiravir cho các quận huyện sử dụng trong điều trị cho F0 có triệu chứng nhẹ, theo Hướng dẫn quy trình tiếp nhận, cấp phát và sử dụng thuốc molnupiravir, tối 25/8. Việc phân bổ thuốc được thực hiện dựa vào số lượng F0 đang cách ly tại nhà ở từng địa bàn.
Các bệnh nhân F0 sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn về tác dụng của thuốc, cách uống thuốc và ký cam kết trước khi sử dụng thuốc. Trung tâm y tế địa phương sẽ tổng hợp tình hình sử dụng thuốc mỗi ngày trên địa bàn, cũng như theo dõi các tác dụng phụ của thuốc.
Molnupiravir là thuốc đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care). Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang 200 mg, 400 mg do Ấn Độ và Việt Nam sản xuất, dùng đường uống, ngày 2 lần với liều dùng 1.600 mg/ngày.
Hiện Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam đã sản xuất molnupiravir loại viên nang 400 mg. Stella dự kiến sẽ cung cấp hơn 2,3 triệu viên để điều trị miễn phí cho 116.000 F0 tại cộng đồng ở TP HCM.
Đây là thuốc kháng virus mới, đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Thuốc đã trải qua hơn 1 tuần thử nghiệm giai đoạn 2 tại TP HCM và Hà Nội, do Bệnh viện Thống nhất và Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối tiến hành.
Ngày 25/8, Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế đã chấp thuận báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir trong điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa tại bệnh viện, kết hợp chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát tại cộng đồng do Bệnh viện Thống nhất thực hiện.
Hội đồng nhất trí tiếp tục triển khai nghiên cứu mở rộng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này.
Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu tại một số quốc gia về molnupiravir "cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong".
Trong ngày 26/8, khi đi kiểm tra công tác chống dịch tại TP.HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu tổ chức các túi thuốc cho F0 tại nhà, trong đó có thuốc molnupiravir.
Túi thuốc này bao gồm thuốc điều trị kháng virus, thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng (sốt, ho, long đờm); thuốc điều trị các biến chứng đông máu, vitamnin C...
“Đội y tế khi phát thuốc cần nhấn mạnh trong túi thuốc có thuốc điều trị kháng virus để người dân yên tâm”, Bộ trưởng lưu ý.
Ngày 26/8, TP HCM có 52.146 F0 đang điều trị tại nhà, trong đó 27.649 trường hợp cách ly tại nhà ngày từ đầu và 24.497 trường hợp sau xuất viện tiếp tục theo dõi. Có 15.357 F0 đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Molnupiravir là thuốc kháng virus thứ hai được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.
Loại thuốc còn lại đang được sử dụng là remdesivir, chuyên sử dụng cho bệnh nhân nặng, người trên 65 tuổi, béo phì đang điều trị ở bệnh viện. Khác với molnupiravir dùng đường uống, remdesivir là thuốc sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch.
Việt Nam đề nghị Bỉ hỗ trợ vaccine Covid-19
Trong cuộc điện đàm cấp cao với nhà lãnh đạo Bỉ, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị nước bạn thúc đẩy COVAX đẩy nhanh việc phân bổ vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam, đồng thời, ưu tiên viện trợ, nhượng lại vaccine, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất cho Hà Nội.
Cụ thể, đánh giá cao những đóng góp tích cực của Bỉ với COVAX Facilities, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cảm ơn những hỗ trợ mà Bỉ dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, do đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bỉ thúc đẩy COVAX nhanh chóng phân bổ thêm vaccine ngừa SARS-Cov-2 cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất, đồng thời, ưu tiên viện trợ, nhượng, cho vay lại vaccine cũng như hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, hỗ trợ vật tư, thuốc điều trị Covid-19, trang thiết bị y tế để Việt Nam nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Đáp lại lời của nhà lãnh đạo Phạm Minh Chính, Thủ tướng Bỉ De Croo khẳng định ủng hộ quan điểm của chính phủ Việt Nam về cách tiếp cận toàn cầu, bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề vaccine trong giai đoạn hiện nay, đồng thời nhấn mạnh, tiêm chủng chính là chìa khóa để vượt qua đại dịch.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả EVFTA. Hà Nội mong Bỉ sớm phê chuẩn EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU), thúc đẩy hơn nữa quan hệ về kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Bỉ.
Hiện nay, Bỉ là một trong những đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam (lớn thứ 6) tại châu Âu với kim ngạch hai chiều trong tháng 7 đạt 1,9 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ 2020 bất chấp đại dịch Covid-19.
“Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư của Bỉ sang làm ăn và hợp tác lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như vận tải biển, dịch vụ hậu cần, logistic, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm”, Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Bỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nông sản, đặc biệt là gạo, cà phê, ca cao và hoa quả theo mùa của Việt Nam như vải thiều, nhãn, thanh long, xoài vào thị trường của Bỉ và EU cũng như thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam, đáp ứng lợi ích các doanh nghiệp Việt Nam cũng như người tiêu dùng Bỉ và EU.
Đối với vấn đề Biển Đông, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Bỉ nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết mọi bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thực hiện Tuyên bố ứng xử các bên về Biển Đông (DOC), nhanh chóng đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất hiệu quả.
Về hợp tác đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, nhất là tiếp cận nguồn cung vaccine, khẳng định với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng De Croo cam kết sẽ chỉ đạo các quan chức trong Chính phủ của mình đáp ứng tích cực yêu cầu của phía Việt Nam.
Có thể nói, dư luận, truyền thông quốc tế đánh giá rất cao nỗ lực chống dịch toàn diện của cả hệ thống chính trị Việt Nam – sẵn sàng bằng nhiều phương thức, cách tiếp cận, thậm chí là “đi vay”, xin nhượng lại miễn có thêm nhiều nguồn vaccine nhất, nhanh nhất, để tiêm miễn phí, kịp thời, bảo vệ tính mạng cho người dân.