Trung Quốc làm khó nông sản Việt Nam, bít đường thông quan
© Ảnh : Quốc Khánh - TTXVNHoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai những ngày qua diễn ra bình thường, không xảy ra hiện tượng ùn ứ tại cửa khẩu.
© Ảnh : Quốc Khánh - TTXVN
Đăng ký
Không chỉ liên tục ra thông báo tạm dừng xuất nhập khẩu ở cửa khẩu, hạn chế thông quan, Trung Quốc sắp tới còn tăng kiểm soát, áp dụng loạt chính sách khắt khe nghiêm ngặt hơn với các mặt hàng nông sản nhập từ Việt Nam.
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi phía Trung Quốc, trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu các địa phương cần chú trọng đảm bảo về tem nhãn, xuất xứ nguồn gốc, kiểm dịch, chất lượng và linh động kịch bản ứng phó.
Trung Quốc bất ngờ thông báo tạm dừng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lũng Vài
Mới đây, phía Trung Quốc bất ngờ đưa ra thông báo tạm dừng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lũng Vài (ở phía Việt Nam là cửa khẩu Cốc Nam, thuộc tỉnh Lạng Sơn).
Lý do được Trung Quốc đưa ra là để siết chặt công tác phòng dịch Covid-19.
Sáng 27/8, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, xác nhận trong chiều qua 26/8, đơn vị đã nhận được thư công tác do tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gửi đến.
Nội dung thư thông báo tạm dừng các hoạt động thông quan, xuất khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài từ 18 giờ ngày 26/8. Theo chính quyền tỉnh Quảng Tây, cả 2 nước đang nỗi lực siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian gần đây.
Vì vậy, tỉnh Quảng Tây tạm thời dừng thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Lũng Vài, và sẽ căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch Covid-19 để mở cửa trở lại.
Ông Hoàng Khánh Duy cho biết, cặp cửa khẩu Lũng Vài - Cốc Nam chủ yếu thông quan hàng nông sản. Việc tạm dừng hoạt động này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất nhập khẩu.
Thời điểm bình thường, cửa khẩu nghỉ làm việc thứ 7 và chủ nhật. Nông sản xuất khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ vào tầm 30 xe/ngày, không có hàng nhập khẩu.
Theo ông Duy, thống kê từ sau ngày 18/8, khi Trung Quốc áp dụng quy trình kiểm dịch tại cửa khẩu Pò Chài (phía Việt Nam là cửa khẩu Tân Thanh) thì lượng xe nông sản xuất khẩu qua Lũng Vài chỉ hơn 10 xe/ngày, những ngày gần đây chỉ có 2 - 3 xe/ngày, nên cửa khẩu này tạm dừng hoạt động không ảnh hưởng nhiều.
© Ảnh : Quốc Khánh - TTXVNHoạt động vận chuyển khó khăn trong mùa dịch ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp nhập khẩu.
Hoạt động vận chuyển khó khăn trong mùa dịch ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp nhập khẩu.
© Ảnh : Quốc Khánh - TTXVN
Cũng theo ông, với việc tạm dừng cửa khẩu Lũng Vài, hiện Lạng Sơn chỉ duy trì hoạt động 4/12 cửa khẩu với Trung Quốc. Các cửa khẩu đó là Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma và Đồng Đăng.
Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 16 – 17/8, phía Trung Quốc đã bất ngờ dừng thông quan tại cửa khẩu Pò Chài dù không thông báo chính thức.
Ngày 18/8, Trung Quốc cho cửa khẩu này hoạt động trở lại nhưng áp dụng thêm nhiều quy định mới để phòng dịch Covid-19. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp bị đội chi phí và đối mặt với nhiều rủi ro.
Trung Quốc siết kiểm soát, hạn chế xuất khẩu nông sản của Việt Nam
Vừa qua, ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông báo cho biết, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.
Tuy nhiên, từ 1 tháng nay, Trung Quốc đã siết chặt hơn việc xuất khẩu nông sản sang nước này.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (phía Việt Nam là cửa khẩu Thanh Thủy thuộc tỉnh Hà Giang).
Việc này diễn ra trong bối cảnh thanh long tại các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch rộ với sản lượng khá lớn.
Theo số liệu, sản lượng thanh long tại các tỉnh phía Nam lên đến hơn 1 triệu tấn, chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Tính riêng tháng 8/2021, sản lượng thanh long tại các tỉnh trọng điểm phía Nam là 170 nghìn tấn. Ngoài ra, một số tỉnh miền Bắc cũng trồng loại nông sản này để xuất khẩu.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh, hiện tại, ngoài thanh long, phía Trung Quốc còn áp dụng kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam.
“Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam”, – ông Quỳnh thông tin.
Từ cuối tháng 5/2021, Trung tâm trung chuyển Trạm Giang ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và 8 quốc gia Châu Á khác từ ngày 20/6 đến 15/7/2021. Động thái này đã làm sụt giảm nghiêm trọng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc từ quý II/2021.
Làm gì khi Trung Quốc siết nhập nông sản Việt Nam?
Ngày 26/8, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Bộ sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc nhằm có giải pháp mở cửa thị trường, đề nghị nước bạn tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm dịch, cho xuất khẩu thanh long trở lại tại cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, kịp thời thông báo và hướng dẫn các doanh nghiệp về quy định mới của phía Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/1/2022.
Đặc biệt, cần chú trọng đảm bảo về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại...
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về một số chính sách mới mà phía Trung Quốc sẽ áp dụng với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam từ đầu năm 2022 để xây dựng kịch bản xuất khẩu, giải pháp thích ứng và kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Tiến, các địa phương cần chú ý quản lý chặt chẽ đối với lái xe, người đi cùng phương tiện (nếu có) từ vùng trồng, vùng sản xuất chở hàng xuất khẩu, đảm bảo tuân thủ các quy định phòng dịch, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu.
Cũng theo vị này, các địa phương có vùng trồng trọng điểm phối hợp với các tỉnh biên giới với Trung Quốc thông tin về sản lượng, chủng loại, thời điểm tiêu thụ các loại nông sản để điều tiết hợp lý lượng hàng hóa khi vào mùa vụ thu hoạch đưa lên các cửa khẩu nhằm tránh ùn ứ, bị ép giá, hư hỏng hàng hóa đặc biệt là nhóm trái cây như thanh long.
Việc giãn cách ở các tỉnh thành do dịch bệnh thời gian gần đây đã khiên cho việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Tiếp đó, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), cũng như siết chặt các biện pháp phòng dịch với hàng hóa, phương tiện vận chuyển nông sản tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) càng làm trầm trọng thêm tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu.
Hôm 23/8 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng như Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.
Về phía Bộ Công thương, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cam kết, sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc để có những thông tin sớm nhất về các chính sách xuất nhập khẩu nông sản.
“Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục các thông tin về cửa khẩu, biên giới để kịp thời phản ánh, giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan xử lý sớm các vấn đề phát sinh. Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể điều chỉnh thời vụ, cũng như cách thức bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản trong điều kiện dịch bệnh”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cũng đã đề cập vấn đề này. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thông quan hàng hóa, không để gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, các loại hoa quả mùa vụ.
Ông Hùng Ba cam kết sẽ thông báo với chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng phối hợp xử lý các vướng mắc trong xuất nhập khẩu, đồng thời xem xét mở cửa thị trường đối với hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam.