Việt Nam vượt ngưỡng 10.000 bệnh nhân Covid-19 tử vong và mệnh lệnh của Thủ tướng
21:32 27.08.2021 (Đã cập nhật: 15:16 11.10.2021)
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNĐo thân nhiệt cho nhân dân đến tiêm vaccine tại bệnh viện Dệt may.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Đăng ký
Việt Nam đã vượt ngưỡng 410.366 ca mắc Covid-19, hơn 10.000 bệnh nhân mắc coronavirus tử vong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bình Dương xét nghiệm toàn tỉnh, có thể tham khảo kinh nghiệm của Bắc Giang để sơ tán dân vùng đỏ, đến 15/9 phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đưa tỉnh về trạng thái “bình thường mới” – vừa chống dịch, vừa đảm bảo duy trì sản xuất, đời sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, được phân công chỉ đạo toàn diện công tác chống dịch Covid-19 ở TP.HCM. Ông Nguyễn Thành Phong đã được điều động giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trước đó.
Thông tin mới nhất về việc nữ ca sĩ Phi Nhung mắc Covid-19, tình trạng sức khỏe bất ngờ diễn biến nặng.
Thêm 12.920 ca Covid-19, vượt ngưỡng 10.000 ca tử vong
Bản tin của Bộ Y tế công bố cho thấy, ngày 27/8, Việt Nam phát hiện thêm 12.920 ca Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên thành 410.366 trường hợp. Cả nước thêm 386 bệnh nhân nCoV tử vong, nâng số ca không qua khỏi lên mức trên 10.000 người.
Cụ thể, bản tin tối 27/8 của Bộ Y tế cho hay, trong 12.920 ca dương tính với SARS-CoV-2 mới, có 19 trường hợp là ca nhập cảnh, còn lại 12.901 bệnh nhân mắc coronavirus lây nhiễm trong nước.
Trong đó, TP.HCM hôm nay có thêm 5.383 ca mắc mới, Bình Dương 4.187, Đồng Nai 996, Long An 454, Tiền Giang 312, Đà Nẵng 202, Tây Ninh 132, Khánh Hòa 131, Quảng Bình 125, Đồng Tháp 122, An Giang 91, Bình Thuận 87, Hà Nội 77, Cần Thơ 72, Thừa Thiên Huế 70, Đăk Lăk 63, Bà Rịa - Vũng Tàu 59, Nghệ An 57, Bến Tre 31, Bình Định 29, Thanh Hóa và Kiên Giang đều 28, Phú Yên 21, Trà Vinh 19, Bình Phước 17, Hậu Giang 15, Vĩnh Long 14, Quảng Trị 13.
Quảng Ngãi 9 ca mới, Sóc Trăng, Cà Mau mỗi tỉnh 8 người, Ninh Thuận và Hà Tĩnh đều 6 trường hợp nhiễm mới, Quảng Nam và Ninh Bình mỗi nơi 5, Hà Nam và Gia Lai mỗi địa phương 4, Sơn La và Bạc Liêu mỗi tỉnh ba người, Bắc Ninh và Bắc Giang hôm nay ghi nhận 2 trường hợp nhiễm mới, Hải Dương phát hiện thêm 1 ca dương tính.
Tính chung 24h qua, Việt Nam tăng thêm 1.332 ca nCoV, riêng TP.HCM tăng 1.449, Bình Dương giảm 681, Đồng Nai tăng 253, Long An tăng 5, Tiền Giang giảm 42.
Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, hôm nay, Bình Dương đăng ký bổ sung thêm 4.508 ca dương tính được lấy mẫu trước đó trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.
Với gần 13 ngàn ca nhiễm mới hôm nay, Việt Nam đã vượt ngưỡng trên 400 ngàn ca mắc Covid-19. Cụ thể, số ca Covid-19 của Việt Nam hiện là 410.366 trường hợp, đứng thứ 63 thế giới.
Xét về tỷ lệ nhiễm trên một triệu dân, Việt Nam xếp thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ với bình quân 4.174 người nhiễm SARS-CoV-2 trên 1 triệu dân số.
Về tình hình điều trị, Bộ Y tế cho biết, hôm nay có thêm 10.126 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca bình phục lên thành 198.614 trường hợp.
Theo thống kê sơ bộ của cơ quan y tế trong nước, Việt Nam hiện có 6.146 ca bệnh nặng, với 866 trường hợp được điều trị tích cực thở máy xâm lấn. Có 26 bệnh nhân nguy kịch cần can thiệp ECMO.
Về số ca tử vong, tỷ lệ tử vong hiện tại của Việt Nam đang cao hơn thế giới với 10.053 bệnh nhân Covid-19 đã tử vong. Bộ Y tế hôm nay bổ sung thêm 356 ca tử vong ở các tỉnh, đồng thời cộng thêm 30 ca ở Phú Yên từ 1-27/8 vừa qua.
Về tình hình xét nghiệm, 24h qua có thêm 685.699 xét nghiệm được cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện cho 757.294 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện đạt trên 11.522.362 mẫu cho 30.740.951 lượt người.
Về tình hình tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết, thêm 298.212 liều vaccine Covid-19 được tiêm hôm 26/8, nâng tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.843.004 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều.
Bộ Y tế Việt Nam đã phân bổ 103.680 lọ Remdesivir điều trị Covid-19, cộng với đợt trước đó đã phân bổ 3 đợt thuốc này với 70 ngàn lọ.
Hôm nay Việt Nam tiếp nhận thêm 1.442.300 liều vaccine AstraZeneca, thuộc hợp đồng mua 30 triệu liều của Công ty VNVC. Đây là đợt giao vaccine thứ 10 và 11 của AstraZeneca. Như vậy, đến nay gần 8,2 triệu liều vaccine của AstraZeneca trong hợp đồng mua của VNVC được giao, tương đương 27,3% hợp đồng.
Cũng trong hôm nay, UNICEF cho hay, có thêm 263.250 liều vaccine Pfizer – BioNTech đã về đến Hà Nội, nâng tổng số vaccine Việt Nam nhận được từ Chính phủ Mỹ thông qua COVAX là 1.065.870 liều Pfizer.
Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo toàn diện công tác chống dịch Covid-19 ở TP.HCM
Thành ủy TP.HCM mới đây đã đưa ra thông báo về việc phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn. Mục tiêu Thành ủy đặt ra là phải kiểm soát dịch bệnh theo Nghị quyết số 86 của Chính phủ.
Theo đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên là người lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch ở thành phố. Ngoài ra, ông Nên phụ trách theo dõi, chỉ đạo TP. Thủ Đức và quận Bình Tân.
© Ảnh : TTXVN phátBí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Kỳ họp.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Kỳ họp.
© Ảnh : TTXVN phát
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố trực tiếp chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch trên địa bàn; đồng thời trực tiếp chỉ đạo việc phòng, chống dịch ở quận 8.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chỉ đạo giám sát công tác phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ của HĐND thành phố. Bà Lệ cũng được phân công trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch ở quận 3 và huyện Củ Chi.
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải theo dõi, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị cơ sở tham gia công tác phòng, chống dịch, chỉ đạo công tác an sinh xã hội. Ông Hải được phân công trực tiếp phụ trách phòng, chống dịch ở quận 4 và quận Tân Bình.
Các Thành uỷ viên khác được phân công phụ trách, chỉ đạo phòng chống dịch ở các quận huyện, gồm Trưởng ban Dân vận Nguyễn Hữu Hiệp chỉ đạo quận Gò Vấp; Trưởng ban Tuyên giáo Phan Nguyễn Như Khuê phụ trách quận 5; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM Tô Thị Bích Châu phụ trách quận Phú Nhuận; Trưởng ban Nội chính Lê Thanh Liêm chịu trách nhiệm quận 6.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Dương Ngọc Hải phụ trách quận Tân Phú; Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Nguyễn Văn Nam chỉ đạo quận 12; Giám đốc Công an TP. HCM Lê Hồng Nam phụ trách quận 10; Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu phụ trách TP. Thủ Đức; Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến: quận 1.
Các phó chủ tịch UBND TP. HCM Ngô Minh Châu, Võ Văn Hoan, Dương Anh Đức, Lê Hoà Bình, Phan Thị Thắng được giao phụ trách chống dịch lần lượt ở huyện Nhà Bè, quận 11, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh.
Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Văn Dũng phụ trách quận 7; Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân phụ trách huyện Cần Giờ. Ngoài ra, ông Nhân còn được phân công tham mưu điều phối nhân lực phục vụ chống dịch.
Các Thành ủy viên sẽ cùng chính quyền các quận huyện chỉ đạo, triển khai các biện pháp y tế; chăm lo an sinh xã hội; điều phối lực lượng; giám sát, đôn đốc, kiểm tra... nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch trong 3 tuần tới. Người được phân công phụ trách, chỉ đạo chịu trách nhiệm về kết quả chống dịch tại địa phương.
Trước đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố đã nhận quyết định của Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương.
Phi Nhung mắc Covid-19: Tình trạng sức khỏe ra sao?
Mới đây, thông tin ca sĩ Phi Nhung mắc Covid-19 đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người hâm mộ không khỏi lo lắng cho tình trạng sức khỏe của cô.
Theo đại diện của ca sĩ Phi Nhung là bà Diễm Phạm, nữ ca sĩ đang được điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
“Hiện, công việc còn nhiều bộn bề và cũng không có nhiều thời gian để trả lời hết những tin nhắn hỏi thăm của mỗi người. Mong mọi người cùng cầu nguyện cho Phi Nhung vượt qua thời gian khó khăn này”, bà Diễm Phạm chia sẻ với truyền thông.
Thông tin bệnh nhân Phạm Phi Nhung (tên thật ca sĩ Phi Nhung, sinh năm 1972) cũng đã được cập nhật trên trang web hệ thống quản lý người cách ly và người nhiễm Covid-19 tại TP.HCM.
Theo đó, ban đầu nữ ca sĩ được điều trị tại Bệnh viện Gia An 115. Tuy nhiên, do bệnh tình chuyển biến xấu nên nữ ca sĩ được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.
Theo thông tin từ ca sĩ Nguyên Vũ, một người bạn của anh đang làm việc trong Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ca sĩ Phi Nhung đang được điều trị ở Khoa D (Khoa Hồi sức tích cực) Bệnh viện Chợ Rẫy. Người này cho biết, Phi Nhung đang thở oxy liều cao và được cho thuốc chống virus và chống đông máu, tình hình sức khỏe đã khá hơn.
Trước khi mắc Covid-19, Phi Nhung nổi tiếng với nhiều hoạt động thiện nguyện cho cộng đồng. Cô cho biết đã tham gia dự án "Help Vietnam Breathe – Vì nhịp thở Việt Nam". Nữ ca sĩ và các đồng nghiệp kêu gọi ủng hộ và mua được 4 máy thở trao tặng cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.
Phi Nhung sinh năm 1972, quê ở Gia Lai, là con nuôi trong một gia đình có bố là người Pháp, mẹ là người Việt Nam. Năm 2005, sau thời gian dài định cư tại Mỹ, nữ ca sĩ trở về nước hoạt động nghệ thuật và kinh doanh.
Phi Nhung chiếm được cảm tình của khán giả qua các ca khúc dân ca trữ tình như "Bông điên điển", "Phải lòng con gái Bến Tre", “Năm 17 tuổi”,... Cô được mời làm giám khảo cho các cuộc thi âm nhạc như "Solo cùng bolero", "Hãy nghe tôi hát".
Trong nhiều năm qua, Phi Nhung đã nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi, cơ nhỡ, trong đó có Quán quân The Voice Kids 2016 Hồ Văn Cường. Cô có một con gái ruột là Wendy Phạm, hiện đang làm y tá tại Mỹ.
Bình Dương: Xét nghiệm toàn tỉnh, sơ tán dân vùng đỏ, 15/9 kiểm soát được dịch
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay có cuộc họp với lãnh đạo Bình Dương về công tác phòng chống Covid-19.
Lưu ý tình hình dịch còn diễn biến phức tạp ở Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, nhất là 15 phường xã thuộc vùng đỏ, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rút kinh nghiệm, tập trung mạnh hơn cho những địa phương này.
Ông Chính lưu ý, mục tiêu chung là kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất và tốt nhất có thể.
“Chậm nhất 15/9 phải kiểm soát địch tình hình theo quy định của Bộ Y tế và phải nhanh chóng đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới”, Thủ tướng nhấn mạnh với lãnh đạo Bình Dương.
Yêu cầu Bình Dương vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế, Thủ tướng đề xuất lấy tinh thần lấy phường, xã làm pháo đài người dân là chiến sĩ. Lãnh đạo phải làm sao để dân hiểu và chia sẻ việc tham gia chống dịch vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Để giãn cách xã hội thành công, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xã, phường phải đảm bảo an sinh cho người dân mọi lúc, mọi nơi. Khi người dân cần, người dân gọi thì xã, phường phải đáp.
© Ảnh : TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viện đội ngũ bác sỹ đang tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Hồi sức tích cực ở Bệnh viện quốc tế Becamex tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viện đội ngũ bác sỹ đang tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Hồi sức tích cực ở Bệnh viện quốc tế Becamex tỉnh Bình Dương.
© Ảnh : TTXVN
“Có bốn việc – gọi là pháo đài phải làm – đó là kêu gọi người dân hưởng ứng giãn cách; đảm bảo an sinh xã hội, không để dân đói, đứt bữa, đáp ứng các yêu cầu y tế; và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Về vấn đề xét nghiệm, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương xét nghiệm thần tốc toàn tỉnh, theo hướng dẫn của Bộ Y tế kịp thời hiệu quả, khoa học, hiệu quả để nhanh chóng tìm F0.
“Để giảm ca tử vong thì phải giảm F0, muốn giảm F0 phải cách ly, giãn cách xã hội triệt để. Từ đó, xét nghiệm, phân loại F0 để chữa trị kịp thời từ sớm, từ xa”, Thủ tướng nói.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine, thuốc điều trị cho Bình Dương. Các khu lao động, khu đông người thì địa phương phải nắm tình hình để tiêm vaccine.
Dẫn kinh nghiệm từ Bắc Giang, Bình Dương có thể nghiên cứu sơ tán dân ở khu đông đúc, ví dụ như tận dụng 4 huyện vùng xanh để giãn cách. Thậm chí, theo Thủ tướng, có thể nhờ Quân đội di dời doanh trại lên khu vực khác để nhường chỗ.
“Tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn phải nắm tình hình chỗ nào cần di chuyển, sơ tán. Lúc nào cần thì vận dụng linh hoạt, sáng tạo để sơ tán dân bớt ra”, Thủ tướng lưu ý.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương hứa 15/9 là hạn chót để đưa Bình Dương trở lại bình thường, vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, tránh đứt gãy nền kinh tế.