Vì sao Việt Nam tạm dừng bán vé máy bay nội địa?
© AFP 2023 / Nhac Nguyen Sân bay Quốc tế Nội Bài.
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Đăng ký
Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không – không chỉ dừng bán vé các chặng bay nội địa mà còn cần hoàn tiền cho khách hàng theo đúng kênh thanh toán với những giao dịch bán vé đã thực hiện từ 21/7.
Ngoài ra, Cục Hàng không còn đề nghị UBND TP.HCM cho phép các trung tâm huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (SIM) để phi công được huấn luyện, duy trì trình độ trong thời gian giãn cách xã hội.
Lý do Cục Hàng không yêu cầu dừng bán vé máy bay nội địa
Ngày 30/8, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu tất cả các hãng hàng không trong nước gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways (Hàng không Tre Việt), Pacific Airlines, Vietravel Airlines dừng bán vé máy bay nội địa và hoàn tiền lại cho khách hàng.
Cụ thể, trong văn bản gửi các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways (Hàng không Tre Việt), Pacific Airlines, Vietravel Airlines tiếp tục thực hiện việc hạn chế số lượng chuyến bay từ các tỉnh, thành phố, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Trong văn bản, Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ, để thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam dừng việc mở bán vé trên các đường bay nội địa.
Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, các hãng hàng không có trách nhiệm hoàn trả tiền cho hành khách theo đúng kênh hành khách đã thực hiện việc thanh toán vé trên các chuyến bay nội địa được xuất từ sau ngày 21/7/2021 “cho đến khi có thông báo mới”.
“Hiện các hãng hàng không đang được yêu cầu hạn chế tối đa các chuyến chở khách từ các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến Hà Nội”, theo Cục Hàng không Việt Nam.
Theo đó, đã dừng khai thác các chuyến bay chở khách giữa Cần Thơ - Hà Nội và Phú Quốc - Hà Nội và ngược lại.
Trong khi đó, đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội và ngược lại tối đa 2 chuyến chở khách/ngày, đồng thời, chỉ giao Vietnam Airlines khai thác.
Tuy nhiên, các lệnh này chỉ áp dụng đối với vận chuyển hành khác. Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, các chuyến bay chuyên chở hàng hóa thực hiện không hạn chế.
Đồng thời, với các chuyến bay nhằm mục đích phòng chống dịch bệnh, phục vụ công tác công vụ, các hãng hàng không lập kế hoạch, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét, giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.
Trong văn bản, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Phải đảm bảo tất cả hành khách trên các chuyến bay giữa các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và Hà Nội phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính theo quy định của Bộ Y tế”, Cục Hàng không Việt Nam lưu ý.
Dừng bay, nhưng trình độ phi công phải được duy trì
Hôm 29/8, Cục Hàng không cũng đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị cho phép các trung tâm huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (SIM) để phi công được huấn luyện, duy trì trình độ trong thời gian giãn cách xã hội như hiện nay.
Trong văn bản gửi lãnh đạo TP.HCM, Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ, các trung tâm huấn luyện bay trên địa bàn thành phố đã phải tạm dừng hoạt động, thực hiện giãn cách xã hội từ đầu tháng 5/2021 để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị của UBND TP.HCM.
Tuy nhiên, Cục Hàng không nêu rõ, theo yêu cầu về bảo đảm an toàn khai thác bay, phi công phải duy trì liên tục trình độ kỹ năng, huấn luyện định kỳ trên thiết bị buồng lái mô phỏng (SIM).
“Đây là yêu cầu bắt buộc, không thể thay thế bằng các hình thức huấn luyện khác”, Cục Hàng không nhấn mạnh.
Đề xuất cho phép các trung tâm huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (SIM) để phi công được huấn luyện, duy trì trình độ trong thời gian giãn cách xã hội ở TP.HCM của Cục Hàng không Việt Nam là vô cùng cần thiết ở thời điểm này.
Việc được huấn luyện thường xuyên đóng vai trò thiết yếu trong đảm bảo chất lượng phi công cũng như khả năng duy trì phong độ điều khiển máy bay khi số lượng các chuyến bay bị hạn chế, thậm chí là dừng hẳn, ảnh hưởng đến kỹ năng của phi công.
© Ảnh : TTXVN phátCông dân Bình Định từ thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ về quê miễn phí bằng máy bay và đến khu cách ly tập trung.
Công dân Bình Định từ thành phố Hồ Chí Minh được hỗ trợ về quê miễn phí bằng máy bay và đến khu cách ly tập trung.
© Ảnh : TTXVN phát
Việc duy trì trình độ của phi công cũng là nhằm đảm bảo thực hiện các chuyến bay an toàn sau khi ngành hàng không được dần phục hồi. Sự an toàn, tính mạng của hành khách vẫn là mục tiêu tối thượng.
Do đó, nhằm đảm bảo nguồn lực đảm bảo công tác bay chuyên cơ cũng như các chuyến bay theo yêu cầu đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị UBND TP.HCM xem xét, cho phép các trung tâm huấn luyện bay thực hiện huấn luyện trên SIM được phép hoạt động dù thành phố đang áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Đảm bảo công tác chống Covid-19, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục yêu cầu các trung tâm huấn luyện khi thực hiện nhiệm vụ, toàn bộ đội ngũ phi công tuân thủ triệt để các quy định về phòng, chống dịch.
Các phi công phải được tiêm 2 mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính, thực hiện khử khuẩn trước và sau khi sử dụng SIM, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, đồng thời, chỉ cho phép tối đa 4 phi công trong một ca huấn luyện trên SIM…
“Cảng vụ hàng không miền Nam thực hiện giám sát và cấp giấy đi đường cho phi công và những người thực hiện nhiệm vụ đảm bảo các vấn đề khai thác, kỹ thuật của SIM...”, Cục Hàng không nhấn mạnh.
Cục Hàng không cho biết, trên thực tế hiện nay, các hãng hàng không đã và đang tập trung nguồn lực là đội ngũ phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, đội tàu bay đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các chuyến bay giải cứu đồng bào, chở các đoàn y bác sĩ cũng như lực lượng tuyến đầu đi chống dịch; vận chuyển vaccine, trang thiết bị y tế và đặc biệt thực hiện công tác bay chuyên cơ.
Phản hồi đề nghị của cơ quan này, ngày 30/8, UBND TP.HCM vừa thống nhất với đề nghị của Cục Hàng không Việt Nam về việc cho phép các trung tâm huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (SIM) hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách.
UBND TP.HCM giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp cùng Sở Y tế, sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn Cục Hàng không Việt Nam thực hiện các nội dung liên quan nhằm đảm bảo tốt nhất giúp các phi công được tham gia huấn luyện, duy trì trình độ, năng lực trong thời gian cách ly xã hội.