Chuyến đi đầy 'thắng lợi' của đoàn Quốc hội Việt Nam, 50 triệu liều vaccine đặt mua từ Tây Ban Nha có gì đặc biệt?
© Ảnh : Lâm Khánh - TTXVNChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chứng kiến lễ bàn giao vaccine, vật tư y tế và kinh phí được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu.
© Ảnh : Lâm Khánh - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Sau chuyến thăm châu Âu, ngay khi vừa đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao 200.000 liều vaccine AstraZeneca cho Bộ Y tế. Một biên bản thỏa thuận hợp tác khác đã được kí về việc đặt mua 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, với tổng giá trị khoảng 375 triệu Euro từ Tây Ban Nha.
Chuyến đi 'đầy thắng lợi'
Một trong những điểm nhấn trong chuyến công tác của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội là những kết quả cụ thể của 'ngoại giao vaccine' và hợp tác phòng chống đại dịch COVID-19.
Trưa 12/9, ngay sau khi chuyên cơ chở đoàn công tác cấp cao cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đáp xuống sân bay Nội Bài, đã diễn ra lễ bàn giao vaccine, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu cho Bộ Y tế Việt Nam.
Như Sputnik đã đưa tin, Văn phòng Quốc hội đã chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bàn giao 200.000 liều vaccine AstraZeneca, hàng trăm trang thiết bị y tế trị giá hơn 1.000 tỷ đồng được ủng hộ trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội.
Trong đó, 100.000 liều vắc xin AstraZeneca từ Chính phủ Slovakia và 100.000 liều còn lại do Chính phủ Bỉ tặng cho Việt Nam.
© Ảnh : Lâm Khánh - TTXVNChủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà phát biểu tại lễ bàn giao vaccine, vật tư y tế và kinh phí phòng, chống COVID-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà phát biểu tại lễ bàn giao vaccine, vật tư y tế và kinh phí phòng, chống COVID-19.
© Ảnh : Lâm Khánh - TTXVN
Đồng thời, trong khuôn khổ chuyến thăm, một số hợp đồng liên quan đến sản xuất kit xét nghiệm, nghiên cứu và sản xuất vắc xin đã được ký kết, với tổng giá trị các hợp đồng là 12.285 tỉ đồng.
Cụ thể, Tập đoàn T&T đã ký với đối tác Đức hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất kit test PCR trị giá 80 triệu euro, tương đương 2.160 tỉ đồng;
Với đối tác Tây Ban Nha hợp đồng hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và sản xuất, đặt mua vaccine với số lượng 50 triệu liều, trị giá 375 triệu euro, tương đương 10.125 tỉ đồng.
50 triệu liều vaccine HIPRA mua của Tây Ban Nha có gì đặc biệt?
Ngày 11/9, trong số các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công ty cổ phần dược phẩm T&T đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty HIPRA Human Health S.L. U (Tây Ban Nha) về thử nghiệm lâm sàng và mua vaccine ngừa COVID-19 HIPRA SARS-CoV-2.
Số lượng dự kiến được Việt Nam mua là 50 triệu liều, tổng giá trị hợp đồng khoảng 375 triệu euro (10.500 tỉ đồng).
Theo trang web HIPRA, vaccine HIPRA SARS-CoV-2 là "vaccine protein tái tổ hợp được thiết kế để tối ưu hóa tính an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh giúp vô hiệu hóa virus gây bệnh COVID-19".
Đặc biệt, vaccine này không cần bảo quản ở nhiệt độ quá thấp (chỉ từ 2ºC đến 8ºC), tương đương với điều kiện bảo quản của vaccine AstraZeneca. Trong khi các vaccine khác như Moderna được bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ từ -25° đến -15°C và Pfizer từ -80ºC đến - 60ºC. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và phân phối.
HIPRA kỳ vọng các cuộc thử nghiệm lâm sàng với vaccine này dự kiến hoàn tất thành công, để có thể bắt đầu sản xuất vào tháng 10-2021 và giao lô 75 triệu liều đầu tiên vào cuối năm nay. Công ty này cũng lên kế hoạch sản xuất 400 triệu liều vaccine trong năm 2022 và đạt 1,2 tỉ liều tính đến năm 2023.
HIPRA cho biết họ có 50 năm kinh nghiệm phát triển vaccine và đã sở hữu các nhà máy sản xuất ở Tây Ban Nha và Brazil.
Trước đó vào ngày 11/8, Cơ quan Dược phẩm và sản phẩm y tế Tây Ban Nha (AEMPS) đã cấp phép cho HIPRA bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng cho người dân. Đây là lần đầu tiên một loại vaccine ngừa COVID-19 của Tây Ban Nha được phê duyệt thử nghiệm trên người.
Cũng trong tháng 8, các bệnh viện ở vùng Catalonia (Tây Ban Nha) đã bắt đầu chọn tình nguyện viên để tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với vaccine này. Sau 21 ngày, các tình nguyện viên sẽ được tiêm liều 2.
Cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 nhằm kiểm tra tính an toàn, khả năng dung nạp, tính sinh miễn dịch (khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch) và hiệu quả của vaccine trên.