Trung Quốc “gõ cửa” xin gia nhập CPTPP
09:35 18.09.2021 (Đã cập nhật: 17:38 18.09.2021)
Đăng ký
Việc gia nhập có thủ tục khá phức tạp và kéo dài, bởi vì tất cả 11 quốc gia thành viên cần phải phê chuẩn đơn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thực hiện một bước quan trọng để hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Việc Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP không phải diễn biến mới. Vào năm ngoái, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của nước này đã nói đến việc Trung Quốc sẽ cân nhắc vào CPTPP. Vào đầu năm nay, Bắc Kinh thông báo rằng, họ đang tiến hành các cuộc tham vấn không chính thức với những thành viên CPTPP. Chắc là Trung Quốc đã thảo luận về các điều khoản cơ bản với một số quốc gia thành viên. Việc Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP cho thấy rằng, Bắc Kinh đã sẵn sàng thực hiện các cải cách cơ cấu cần thiết để đưa nền kinh tế và các hoạt động thương mại của mình phù hợp với các yêu cầu khắt khe của CPTPP.
Hiệp định CPTPP là gì?
Mục tiêu của Hiệp định CPTPP là việc thành lập Khu vực thương mại tự do bao gồm 11 quốc gia khu vực Thái Bình Dương - Australia, Brunei, Việt Nam, Canada, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Chile và Nhật Bản. CPTPP tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được tạo ra dưới thời chính quyền Obama và được coi là đối trọng với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ban đầu, tham gia cuộc đàm phán TPP đã có 12 nước. Hiệp định TPP là một hiệp định thương mại tự do với mục đích cắt giảm hàng rào thuế quan, cũng như điều chỉnh các quy tắc nội bộ của các nước tham gia trong lĩnh vực luật lao động, bảo hộ sở hữu trí tuệ, sinh thái. Song, vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP với lý do tham gia hiệp định này không có lợi cho Hoa Kỳ. Sau đó, 11 nước thành viên TPP còn lại đã đồng ý ký kết một hiệp định thương mại mới - CPTPP. Nhìn chung, CPTPP giữ nguyên các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định TPP. Mục tiêu cuối cùng của CPTPP là thiết lập một thị trường chung ở khu vực Thái Bình Dương tương tự như thị trường chung châu Âu.
CPTPP không có lãnh đạo kinh tế
Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định TPP, trong số các thành viên CPTPP không có lãnh đạo kinh tế rõ ràng. Như vậy, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống này và trở thành lực lượng kinh tế và thương mại chính của hiệp định này. Việc tham gia CPTPP có lợi cho Trung Quốc. Trước hết bởi vì tham gia CPTPP sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường các nước thành viên. Có chú ý đến việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của đa số nước thành viên, Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi từ việc mở rộng hơn nữa khả năng xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, việc tham gia CPTPP sẽ có tác động tích cực đến việc tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Nhưng, quan trọng nhất, nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, nước này phải làm cho quan hệ thương mại, hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, v.v. của riêng mình phù hợp với các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất. Mà đây là một kích thích tuyệt vời cho sự phát triển, ông Jiang Yuechun, chuyên gia tại Trung tâm kinh tế thế giới và phát triển thuộc Viện các vấn đề quốc tế Trung Quốc nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc đầy thách thức
Những khó khăn nhất định có thể nảy sinh trên con đường gia nhập CPTPP của Trung Quốc. Thứ nhất, mặc dù Hoa Kỳ không vội trở lại Hiệp định - tình cảm chống toàn cầu hóa quá mạnh mẽ trong xã hội Mỹ - họ có thể cố gắng gây áp lực lên các đồng minh của họ, đặc biệt là Nhật Bản và Úc, để các nước này làm chậm lại quá trình Trung Quốc gia nhập CPTPP. Nhân tiện, những tín hiệu đầu tiên về những trở ngại như vậy đã được ghi nhận vào mùa xuân năm nay, ngay sau khi Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ví dụ, Nhật Bản đã tuyên bố rằng, Trung Quốc trước hết phải thực hiện các cam kết của mình theo RCEP, sau đó mới có thể nói về việc tham gia CPTPP. Lý do chính khiến phía Nhật đưa ra tuyên bố như vậy là như sau: khác với RCEP, Hiệp định CPTPP đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn nhiều đối với các bên tham gia, thậm chí cần phải thực hiện những cải cách sâu hơn. Do đó, RCEP có thể được coi như một loại "bài kiểm tra đầu vào". Đúng vậy, việc tham gia CPTPP là phức tạp hơn nhiều so với RCEP, nhưng Trung Quốc đã sẵn sàng cho điều này, chuyên gia Jiang Yuechun chắc chắn.
Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết rằng, Nhật Bản và các nước CPTPP khác sẽ thảo luận về nỗ lực tham gia Hiệp định của Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh rằng, các bên tham gia CPTPP sẽ xem xét hồ sơ của Trung Quốc có đáp ứng đầy đủ các quy định nghiêm ngặt cho quan hệ đối tác kinh tế hay không. Trong trường hợp tham gia CPTPP, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận toàn bộ các điều khoản của Hiệp định. Trong đó có các yêu cầu xây dựng quan hệ lao động hài hòa có tính đến Tuyên bố ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc (1998). Hiệp định CPTPP cũng đưa ra các yêu cầu đối với mua sắm công, đối với các doanh nghiệp nhà nước, đối với việc trợ cấp các công ty và ngành, đối với thương mại điện tử và trao đổi dữ liệu xuyên biên giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc trở thành thành viên đầy đủ giá trị của CPTPP, cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu rõ ràng sẽ dịch chuyển về phía Bắc Kinh. Hiện nay CPTPP có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm hơn 13% GDP toàn cầu. Nếu thêm RCEP vào đó thì có thể nói rằng, Trung Quốc sẽ là thành viên của các khu thương mại tự do chiếm gần một nửa GDP toàn cầu.