Freedom House tiếp tục “dọn đường” cho hoạt động chống phá Việt Nam trên không gian mạng
10:02 25.09.2021 (Đã cập nhật: 19:10 05.10.2021)
© Depositphotos.com / Olegkozyrev Freedom House logo.
© Depositphotos.com / Olegkozyrev
Đăng ký
Những báo cáo sai trái của Freedom House thực chất là để “dọn đường” cho các hoạt động chống phá Việt Nam trên không gian mạng.
Trong báo cáo năm 2021 của tổ chức Freedom House công bố ngày 21/9, Việt Nam tiếp tục bị xếp vào nhóm các quốc gia không có tự do Internet. Báo cáo này có tên là The Global Drive to Control Big Tech (Nỗ lực Toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công nghệ).
Việt Nam khẳng định báo cáo của Freedom House là vô giá trị.
Freedom House là gì và cái gọi là “báo cáo về tự do Internet”?
Trên danh nghĩa thì Freedom House là một tổ chức phi chính phủ nhưng trong thực tế thì Freedom House là “cánh tay nối dài” của Cơ quan đặc biệt Mỹ. Lịch sử của Freedom House cho thấy đây là một tổ chức được lập ra nhằm tung ra những thông tin sai trái, vu cáo, bịa đặt nhằm vào những quốc gia có chủ quyền để kích động sự chống đối, gây rối loạn xã hội các quốc gia đó.
Được lập ra từ năm 1941, tổ chức phi chính phủ này được tài trợ bởi Quỹ Hỗ trợ dân chủ (NED) nhằm thúc đẩy đấu tranh dân chủ cực đoan tại nhiều nước trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu vào những quốc gia xã hội chủ nghĩa. Trong thập niên 40 của thế kỷ trước, Freedom House còn ủng hộ kế hoạch phát xít hóa và có chủ trương chống Cộng cực đoan. Trong thập niên 50, 60, Freedom House còn ủng hộ cả chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phân biệt chủ tộc ở Mỹ.
Trong mấy năm gần đây, Freedom House thường công bố cái gọi là “Báo cáo về tự do Internet”, trong đó đưa ra đánh giá rằng "Việt Nam không có tự do Internet”.
“Việc đánh giá thiếu khách quan này được lặp đi lặp lại kể từ khi Nhà nước Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng. Ngoài mục đích gây hoài nghi, kích động người dân phản đối việc xây dựng và tuân thủ pháp luật trên lĩnh vực này, động thái nói trên của Freedom House còn nhằm yểm trợ cho những phần tử phản động, thù địch ở Việt Nam và ở nước ngoài nhằm phá hoại an ninh trật tự, đồng thời bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. Bên cạnh đó, thủ đoạn lặp đi lặp lại những báo cáo sai trái của Freedom House thực chất là để “dọn đường” cho các hoạt động chống phá Việt Nam trên không gian mạng”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.
Việt Nam có mức 22/100 điểm trong năm 2021
Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0, Việt Nam năm 2021 có mức 22 điểm. Trong 22 điểm này: 12 điểm những trở ngại tiếp cận, 6 điểm giới hạn nội dung và 4 điểm liên quan tới những vi phạm quyền của người sử dụng.
“Trong phần về chủ quyền dữ liệu, báo cáo của FH đề cập tới dự thảo nghị định do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo và đưa ra hồi tháng 2/2021. Trong dự thảo này có quy định chi tiết một số điều của Luật An Ninh Mạng của Việt Nam, có thêm những yêu cầu đối với các công ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam. Những dữ liệu phải lưu trữ bao gồm tên tuổi người dùng, quốc tịch, giấy chứng minh, số thẻ tín dụng, các thông tin sinh trắc, sức khỏe. Trong báo cáo của mình, Freedom House cho rằng những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội dự thảo nghị định không rõ ràng và điều này cho phép cơ quan chức năng tiếp cận dữ liệu của người dùng”, - TS Hoàng Giang giải thích với Sputnik.
Luật An ninh mạng để kiểm soát, nhằm làm lành mạnh hóa không gian mạng xã hội và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất châu Á. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới.
“Chính từ việc có số lượng sử dụng mạng xã hội quá lớn, kéo theo nhiều vi phạm trong lĩnh vực này, từ việc bán hàng lừa đảo, đưa những clip trái với thuần phong my tục lên mạng đến việc lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật vì động cơ cá nhân nên Nhà nước Việt Nam đã xây dựng Luật An ninh mạng để kiểm soát, nhằm làm lành mạnh hóa không gian mạng xã hội và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng chứ không hề có chuyện cấm đoán, kiểm soát người dân sử dụng Internet như nhận định của Freedom House đưa ra”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Vấn đề là không chỉ Việt nam ban hành Luật an ninh mạng mà trên thế giới đã có hơn 180 quốc gia ban hành Luật an ninh mạng riêng hoặc quy định các điều luật về an ninh mạng vào các bộ luật bảo đảm an ninh quốc gia. Trong khi đó, Freedom House chỉ nhăm nhăm đề cập đến “Tuyên ngôn Liên Hợp Quốc về nhân quyền” (thông qua năm 1948) mà không bao giờ nhắc đến các điều khoản của “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR) là một văn kiện quan trọng của Bộ Luật quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 16/12/1966 và có hiệu lực thi hành từ ngày 23/3/1976.
Internet là không gian truyền thông lớn nhất trên thế giới hiện nay, là nơi truyền bá ngôn luận của các tầng lớp, cộng đồng và cá nhân trên thế giới. Nhưng quyền tự do của nó vẫn được Liên Hợp Quốc hạn chế tại Khoản 3, Điều 19 của Công ước nói trên bằng quy định như sau:
Việc thực hiện những quyền tự do quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:
- Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác;
- Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng.
“Từ góc độ tiếp cận này, Luật An ninh mạng của Việt Nam chỉ cho phép các cơ quan chức năng tiếp cận dữ liệu của người dùng khi người đó có dấu hiệu xâm phạm đến an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội mà thôi. Freedom House đã cố tình lờ đi đều này để vu khống, bịa đặt, xuyên tạc trong báo cáo của họ”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
“Freedom House đã dùng những điểm số nhằm mục đích chính trị, can thiệp vào hoạt động tư pháp bình thường của Nhà nước Việt Nam. Âm mưu sâu xa của Freedom House chính là hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về vấn đề nhân quyền. Đây là mưu đồ nhằm đánh vào quan hệ quốc tế của Việt Nam”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận tiếp, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Việt Nam phản ứng gay gắt
Hôm 21/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam”.
Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, trên thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc qua các chu kỳ. Và đây không phải là lần đầu tiên Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam.
© Ảnh : TTXVN - Bùi Lâm KhánhNgười phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì họp báo
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì họp báo
© Ảnh : TTXVN - Bùi Lâm Khánh
“Một tổ chức phi chính phủ hay một quốc gia dù lớn mạnh cỡ nào cũng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và càng không thể gây sức ép với Việt Nam bằng những nhận xét về tình hình tự do, nhân quyền một cách thiếu trách nhiệm như Freedom House đã và đang làm”, - TS Hoàng Giang nói với Sputnik.