Mở cửa hàng không và ‘đặc quyền’ thủ đô của Hà Nội
© Ảnh : TTXVN phátChuyến bay mang số hiệu VN18 chở 301 hành khách từ Pháp hạ cánh an toàn ngày 23/9 tại sân bay quốc tế Vân Đồn.
© Ảnh : TTXVN phát
Đăng ký
Đóng hay mở, vì sao ở Việt Nam vẫn tranh cãi về khôi phục đường bay nội địa? Lãnh đạo Cục hàng không thấu hiểu việc các địa phương e ngại nguy cơ lây nhiễm, nỗ lực bảo vệ thành tích chống dịch của mình, tuy nhiên, mở cửa hàng không là cần thiết.
Theo luật Thủ đô, khi có dịch bệnh hoặc vấn đề gì đó thì Hà Nội sẽ “đóng trước, mở sau”. Tình hình dịch bệnh trên toàn quốc là lý do Hà Nội quan ngại việc sẽ gánh chịu một làn sóng lây nhiễm nên chưa quyết định mở Nội Bài.
Theo thông báo mới nhất của Văn phòng Chính phủ, dẫn kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Việt Nam sẽ thống nhất thí điểm mở dần các chuyến bay nội địa từ ngày 10/10 tới đây.
Cục Hàng không: Cần mở cửa đường bay
Vấn đề khôi phục đường bay nội địa của Việt Nam vẫn gây tranh luận, bất nhất giữa các địa phương.
Ngày 8/10, cuộc tọa đàm trực tuyến điều kiện mở lại đường bay nội địa, đảm bảo các chuyến bay an toàn do báo Giao thông tổ chức, đã ghi nhận ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia hàng không, y tế dịch tễ và đại diện các cơ quan liên quan.
Trả lời báo chí về việc Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cần đề xuất trực tiếp Chính phủ để can thiệp hay có quyết định chính thức thay vì lấy ý kiến và chờ đợi phản hồi từ các địa phương liên quan đến việc mở cửa hàng không hay không, ông Võ Huy Cường, Cục Phó cục Hàng không cho biết, hiện tại, Chính phủ rất quan tâm, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh để tránh làn sóng thứ 5, thứ 6 và các đợt dịch khác nữa. Tuy nhiên, Chính phủ cũng xác định, phải chuyển sang trạng thái mới – không còn khái niệm “Zero Covid-19” nữa.
Cho biết, việc mở cửa hàng không là đòi hỏi bức thiết của xã hội, do đó, theo ông Cường, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tiễn để từng bước mở lại các đường bay, chủ động đề ra các biện pháp mở cửa lại hành lang an toàn cho người dân, doanh nghiệp đi lại và hoạt động.
“Đóng cửa rất dễ, nhưng việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho cả địa phương, sân bay và kinh tế chung của đất nước”, ông Võ Huy Cường khẳng định.
Lãnh đạo cục Hàng không cũng nhấn mạnh, trong quá trình mở cửa, Cục hàng không không thể làm thay các địa phương mà chỉ có thể hỗ trợ phòng chống dịch bằng các vận chuyển người có nhu cầu và đáp ứng tiêu chuẩn kiểm soát Covid-19.
Ngành hàng không sẵn sàng cung cấp thông tin về lịch trình đi lại của hành khách và dự báo số lượng hành khách trong từng ngày để các địa phương biết mà tính toán chủ động xem tăng hay giảm tần suất các chuyên bay cho phù hợp tình hình thực tiễn.
Hà Nội có đặc quyền của thủ đô
Theo ông Cường, tính đến hết ngày 7/10 đã có 19 trong số 21 tỉnh, thành phố có sân bay trả lời về kế hoạch khai thác lại các đường bay nội địa mà Cục Hàng không xin ý kiến.
Trong số này có 16 địa phương đồng ý, 3 địa phương chưa đồng ý, Quảng Ninh và Quảng Nam chưa có ý kiến.
Liên quan đến 3 địa phương chưa đồng ý, ông Võ Huy Cường thông tin, Hải Phòng đề nghị không mở đường bay nội địa và không nói thời gian mở lại, Gia Lai nói do phòng chống dịch nên xem xét mở đường bay sau ngày 15/10, Hà Nội có chỉ thị 22 và văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng đều nêu dừng chuyến bay và tàu hỏa chở khách đến Hà Nội.
Cục Phó cục Hàng không cho biết, ngày 1/10, Cục đã gửi văn bản xin ý kiến các tỉnh mà không gửi Hà Nội vì không muốn gây sức ép cho Hà Nội.
Đến ngày 2/10, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Cục Hàng không lấy ý kiến để báo cáo UBND TP Hà Nội.
“Cục Hàng không có văn bản thì Hà Nội trả lời với những nội dung mọi người đã biết và tự đánh giá”, ông Võ Huy Cường phát biểu.
Bàn cụ thể hơn về việc Nội Bài là sân bay quốc gia nhưng lại phải chờ UBND TP. Hà Nội quyết định có cho mở lại hay không, trong khi bản thân cảng hàng không quốc tế này là một trong hai đầu mối vận chuyển hàng không lớn nhất Việt Nam, ông Võ Huy cường nhấn mạnh, hiện tại Hà Nội đang có quan điểm đây là một vùng đặc biệt quan trọng.
“Căn cứ theo Luật Thủ đô, khi có dịch bệnh hoặc vấn đề gì đó thì sẽ “đóng trước, mở sau”. Tình hình dịch bệnh trên toàn quốc là lý do Hà Nội quan ngại việc sẽ gánh chịu một làn sóng lây nhiễm. Chúng tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với Hà Nội về điều đó”, Cục Phó Võ Huy Cường nói.
Đối với bản thân Cục Hàng không, ông Cường nhất trí quan điểm mở cửa lại hàng không là cần thiết, đảm bảo an toàn, từng bước, hiệu quả và bền vũng. Hiện tại ngành hàng không có các cơ sở hậu cần kỹ thuật lớn tập trung ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Do đó, nếu chỉ riêng Tân Sơn Nhất mở cửa thì rõ ràng chỉ có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng hiệu quả trong hoạt động khai thác.
Các đường bay khác sẽ phải về Nội Bài, và nếu phải bay mà không có hành khách thì chắc chắn không hiệu quả, nghĩa là không thể bền vững, theo ý kiến chuyên gia.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Võ Huy Cường thông tin thêm, về thẩm quyền lẽ ra Bộ GTVT ban hành kế hoạch và giao các hãng tổ chức thực hiện các chuyến bay. Nhưng như thế không đảm bảo yêu cầu chống dịch theo tình hình địa phương.
“Phải lấy ý kiến của địa phương vì địa phương mới hiểu được đang ở tâm thế nào trong chống dịch và biết được năng lực y tế, hậu cần, y tế cụ thể như thế nào. Nếu Bộ đơn phương mở thì không hiệu quả, nếu mở ra địa phương ngăn thì không hoạt động được”, ông Võ Huy Cường thẳng thắn.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Hàng không, điều đáng mừng là Chính phủ quan tâm, làm việc với các địa phương về kế hoạch mở lại đường bay nội địa.
“Hy vọng ngày 10/10 mở lại đường bay ở tất cả địa phương có sân bay”, ông Cường kỳ vọng.
Di chuyển bằng đường hàng không là an toàn nhất
Ông Võ Huy Cường cho biết, Cục Hàng không hiểu được tâm lý “cố gắng bảo vệ thành quả chống dịch” của các địa phương. Tuy nhiên, việc mở cửa hàng không hiện nay đang là vấn đề cấp thiết.
Vị lãnh đạo cũng đồng thời dẫn thống kê của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), cho biết, đến cuối tháng 8/2020, có hơn một tỷ lượt khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không, chỉ phát hiện 41 hành khách lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, các hãng hàng không tổ chức bay nhiều chuyến vào vùng dịch đưa công dân về song không ai bị lây nhiễm.
“Ngành hàng không đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, cho thấy, việc di chuyển bằng đường hàng không đến giai đoạn hiện nay là an toàn nhất”, Phó Cục trưởng cục Hàng không nhấn mạnh.
Theo ông Cường, khi có sự cố xảy ra về lây nhiễm, hãng hàng không có thể nhanh chóng truy vết vì đã có đầy đủ thông tin hành khách là ai, đi chuyến bay nào, ngồi ghế nào, địa chỉ, nơi đến.
Thực tế, ngành hàng không đã nhiều lần hỗ trợ cho Bộ Y tế truy vết, không chỉ quốc tế mà cả các chuyến bay nội địa khi nghi ngờ có F0 đi lại trên chuyến bay.
Ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, sau khi họp với đại diện các hãng hàng không đã thống nhất các tiêu chí “4 xanh” gồm hành khách xanh, quy trình phục vụ xanh, nhà ga - cơ sở hạ tầng xanh, máy bay - phương tiện vận chuyển xanh.
Ông Phương cho biết, ACV chuẩn bị rất chu đáo việc cho tái khôi phục hoạt động của ngành hàng không đảm bảo an toàn, thuận lợi nhất cho người dân.
“Trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân rất lớn hiện nay, việc để hành khách đến sân bay và di chuyển tiếp là một phương án khả thi, an toàn hơn so với đi bằng đường bộ và các phương tiện cá nhân”, ông Nguyễn Quốc Phương bày tỏ.
Vì sao Hà Nội và các địa phương chưa muốn mở lại đường bay?
Trước đó, như Sputnik thông tin, chính quyền Hà Nội còn khá thận trọng trong việc mở lại đường bay.
Hôm 6/10, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đối với việc thủ đô chưa mở đường hàng không, đường sắt, chủ trương của thành phố là phải an toàn tối đa, an toàn rồi như thế nào thì sẽ phải phối hợp với các ngành của Trung ương có liên quan để thống nhất và phải có kiểm soát, có lộ trình.
“Nếu mở ngay 385 chuyến bay theo đề xuất thì thật sự sẽ là thách thức với năng lực của thành phố khi có hàng vạn người về Thủ đô mỗi ngày, chỉ một số ngày sẽ quá tải cho hệ thống cách ly hiện có”, ông Chu Ngọc Anh nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết, chính quyền sẽ có lộ trình từng bước cụ thể để an toàn cho thủ đô.
Phát biểu tại cuộc hội đàm hôm nay, phân tích luận giải ngueyen nhân vì sao Hà Nội hay các địa phương em ngại mở lại đường bay nội địa, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho rằng, do tỷ lệ tiêm chủng vaccine của cả nước còn thấp, không đồng đều, trong khi những người đã tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng nhiễm bệnh.
Do đó, ông Phu đề xuất, để có thể mở lại hàng không, trước mắt cần quy định riêng cho hành khách từ vùng nguy cơ cao. Khi Việt Nam tiêm chủng toàn quốc với tỷ lệ cao sẽ bỏ các hàng rào xét nghiệm, cách ly.
Chuyên gia chia sẻ, hiện tại, vướng nhất hiện nay là các địa phương tiêm vaccine ít e ngại vì họ không có đủ khu cách ly, năng lực y tế hạn chế sợ bùng phát dịch thì vỡ trận, tử vong cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương vừa qua thì vô cùng đáng ngại.
“Tiêu chí kiếm soát dịch cần thống nhất giữa các địa phương, không để mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến mở chỗ này lại nghẽn chỗ kia”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, đại diện các hãng hàng không của cả nước đều thông cảm với nỗi lo lắng công tác phòng chống dịch của các địa phương nhưng nhất trí đề nghị sớm mở lại đường bay, khôi phục các chuyến bay, để ngành hàng không sớm ngày “hồi sinh”.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, quan điểm của VNA là đã mở cửa thì mở cửa hoàn toàn các sân bay và từng bước, có kiểm soát, chứ không chỉ mở sân bay Nội Bài để phục vụ khách đến địa phương khác.
“Lúc đó khách nơi khác lại phải xin giấy phép đi qua Hà Nội. Bây giờ Hà Nội nói thế này, Bộ Giao thông vận tải nói thế kia thì Chính phủ cần phải giải quyết”, ông Trịnh Hồng Quang thẳng thắn.
Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân dẫn kinh nghiệm các nước trên tế giới cho thấy, quy định mức cao nhất cho phép hành khách đi lại là tiêm đủ vaccine hai mũi, có xét nghiệm trong 72 tiếng trước khi xuất phát và cách ly khi tới nơi.
“Hiện Việt Nam đã có hơn 13 triệu người tiêm đủ 2 mũi. Do vậy ở giai đoạn một, với các đường bay nội địa có thể cho phép người đã tiêm đủ liều, xét nghiệm âm tính được tham gia dịch vụ vận tải hàng không”, ông Quân đề nghị.
Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng cho rằng, đường bay nội địa dài nhất chỉ mất 2,5 giờ hành trình nên sẽ không dẫn tới nguy cơ như trên đường bộ kéo dài nhiều ngày. Sau khi có bộ tiêu chí thống nhất dành cho hành khách, tùy theo mức độ chống dịch ở từng đia phương để điều chỉnh quy định cho các sân bay.
Cũng như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, đại diện Vietjet khẳng định “có thể bay ngay” nếu được phép, không vấn đề gì.
Liên quan đến vấn đề khách hàng lo lắng, số lượng chuyến bay ít, thì liệu giá cả có tăng hay không, ông Nguyễn Bác Toán, Phó Giám đốc thương mại Vietjet Air cho rằng, quan điểm của Vietjet là không có giá độc quyền. Các đường bay như Đà Nẵng - Cần Thơ, Đà Lạt - Vinh, Vietjet đều đưa ra giá để mọi người có thể bay.
“Hiện nay, đưa ra giá như thế nào là việc của doanh nghiệp, quyết định trên cơ sở kinh tế thị trường, Luật cạnh tranh. Chúng tôi đề nghị không đặt ra giá sàn trong tình cảnh khó khăn dịch bệnh hiện nay”, đại diện Vietjet nhấn mạnh.
Việt Nam thí điểm mở dần các chuyến bay nội địa từ ngày 10/10
Dự kiến việc khôi phục các chuyến bay nội địa sẽ được thí điểm trong thời gian 10-20/10, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã đưa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về triển khai khôi phục các đường bay nội địa trong thời gian tới, sau cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương trong ngày 8/10.
Theo Phó thủ tướng, việc khôi phục các đường bay nội địa trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, qua đó đưa cuộc sống nhân dân trở lại trạng thái bình thường.
Dù vậy, việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nguy cơ bùng phát các ổ dịch mới, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế-xã hội tại các địa phương và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Chính vì vậy, việc phục hồi đường bay nội địa phảm được thực hiện một cách thận trọng, an toàn, kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh thông qua kiểm soát hành khách tại sân bay đi - đến, trên máy bay và quá trình di chuyển về địa phương. Các địa phương phải đảm bảo nắm chắc tình hình, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bóc tách kịp thời F0 nếu có, không để lây lan và bùng phát thành các ổ dịch.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các hãng hàng không, cảng hàng không, chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt, phối hợp kịp thời thời, nhịp nhàng với nhau trong mọi khâu tổ chức.
Các bên liên quan thống nhất phương án khôi phục các tuyến bay do Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra, trong trách nhiệm ngành mình, địa phương mình triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện thí điểm từ ngày 10/10 tới ngày 20/10, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn.
Căn cứ ý kiến đóng góp của các bộ ngành và địa phương, Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ hoàn thiện phương án, ban hành ngay trong ngày 8/10 để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn thông tin cho biết, kế hoạch khai thác đường bay nội địa dự kiến thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021 với 23 chuyến khứ hồi/ngày (46 chuyến/ngày).
Trong đó, có 10 chuyến khứ hồi từ TP.HCM đi các địa phương, 6 chuyến khứ hồi từ Hà Nội, 4 chuyến từ Đà Nẵng và 3 chuyến từ Thanh Hóa.
Trong thời gian thí điểm sẽ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế như lực lượng công vụ, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và người dân.
Điều kiện để tham gia là phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).
Người bay cũng phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Văn bản cũng nêu rõ, trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú. Tự theo dõi sức khoẻ tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương) kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K.
Địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).
Cũng trong kết luận vừa ban hành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay, tuân thủ chặt chẽ tất cả tiêu chuẩn, quy trình an toàn bay, chú ý tiêu chuẩn điều kiện của hành khách khi lên máy bay.