Từ chiến tranh, đói nghèo đến Covid-19, ‘giá trị dân tộc’ của Việt Nam là gì?
© AFP 2023 / Manan VatsyayanaHà Nội, Việt Nam
© AFP 2023 / Manan Vatsyayana
Đăng ký
Theo Mandeep Rai, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam đều sẽ tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Thử thách càng khó khăn thì sự kiên cường và khả năng thích nghi của dân tộc Việt Nam càng mạnh mẽ.
Mandeep Rai, tác giả cuốn sách bán chạy nhất của The Sunday Times - The Value Compass (tạm dịch là “La bàn giá trị”) đã dùng một từ khóa để miêu tả giá trị của dân tộc Việt Nam - resilence (sự kiên cường, bất khuất hay tính bền bỉ). Điều được thể hiện rất rõ không chỉ trong thời kỳ chiến lịch sử mà ngay cả với cuộc chiến chống Covid-19 hiện tại.
Sputnik cập nhật thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam như thường lệ: Bộ Y tế cho biết, ngày 15/10, thêm 3.797 ca mắc nCoV, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 của cả nước là 857.639 người.
CDC Hà Nội lý giải vì sao thành phố khẳng định đang ở “vùng xanh, cấp độ 1”. Trong khi đó, Công an thành phố Hà Nội ngày 15/10 cũng đề xuất rút toàn bộ 22 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào thành phố.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm đủ lớn và dự kiến đầu năm 2022 sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine, có thể tự chủ nguồn cung, thậm chí hướng đến xuất khẩu.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hôm nay
Bản tin chiều 15/10 của Bộ Y tế cho hay, Việt Nam phát hiện thêm 3.797 ca dương tính với coronavirus, nâng tổng số ca nhiễm nCoV của cả nước kể từ đầu dịch đến nay lên thành 788.923 người.
Việt Nam hiện đứng thứ 40/223 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất thế giới. Xét về tỷ lệ lây nhiễm trên 1 triệu dân, quốc gia Đông Nam Á này chỉ đứng thứ 155/223 với mức trung bình 8.710 ca nhiễm/một triệu dân cư.
Hôm nay có 918 bệnh nhân khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã chữa khỏi cho 788.923 người. Số ca bệnh nặng đang được điều trị là 3.847, trong đó có 583 trường hợp thở máy xâm lấn và 21 ca nguy kịch cần can thiệp ECMO.
Từ thời điểm xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam đã có 21.043 ca tử vong, tỷ lệ tử vong là 2,4%, đứng thứ 34 thế giới, vị trí thứ 10 ở khu vực châu Á. Mức tử vong trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua được Bộ Y tế công bố là 101 ca/ngày.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch thứ tư lần này là TP. Hồ Chí Minh (415.875), Bình Dương (224.492), Đồng Nai (57.708), Long An (33.614), Tiền Giang (14.844).
Về tình hình tiêm chủng, nỗ lực đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19 đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời, nguồn vaccine tiếp cận còn hạn chế.
Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng được 59.003.239 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 41.811.429 liều, tiêm mũi 2 là 17.191.810 liều. Đáng chú ý, ngày qua 14/10, cả nước đã tiêm được trên 1,3 triệu liều vaccine các loại.
Tại sao Hà Nội tự tin đang ở “cấp độ 1, màu xanh”?
Ngày 15/1, CDC Hà Nội khẳng định thành phố đã đạt hai tiêu chí “vùng xanh”, phân loại dịch bệnh ở cấp độ 1, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo CDC Hà Nội, ngày 15/10, trên địa bàn phát hiện 1 ca dương tính, đã tiến hành cách ly ngay. Đây là chị C.T.H 28 tuổi ở Châu Can, Phú Xuyên, F1 của ca bệnh C.T.H ở Hà Nam, được cách ly tập trung từ 8/10 và có xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hôm qua, ngành y tế thành phố lấy mẫu xét nghiệm lần hai cho kết quả dương tính với coronavirus.
Từ 29/4 đến nay, Hà Nội chỉ phát hiện 4.079 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 2.473 ca.
Đồng thời, thực hiện hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, CDC Hà Nội đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thủ đô đáp ứng cấp độ 1 – tức nguy cơ thấp, màu xanh, bình thường mới.
Trong thông tin phát đi tối nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội đưa ra nhận định trên là dựa theo hai tiêu chí gồm tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vaccine. Theo đó, trong 2 tuần qua, số ca mắc ghi nhận tại cộng đồng ở Hà Nội là 4 (3 ca bệnh tại Hà Đông và 1 ca tại Hoàn Kiếm), dân số của toàn thành phố là gần 8,4 triệu người.
Như vậy, số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người dân/tuần đạt xấp xỉ 0,025 (đạt cấp 1).
Đối với tiêu chí tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, CDC Hà Nội khẳng định, tính đến hết ngày 14/10, toàn thành phố tiêm được 8.922.016 mũi, trong đó có 5.914.715 mũi 1 - đạt 97,95% dân số từ 18 tuổi. Như vậy tiêu chí này cũng đáp ứng mức cấp độ 1.
Cùng với đó, theo CDC Hà Nội cũng đánh giá 579 xã, phường và 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều ở cấp độ 1.
Công an Hà Nội đề xuất rút toàn bộ 22 chốt kiểm soát cửa ngõ thủ đô
Ngày 15/10, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội đã cho rút chốt kiểm soát số 8 ở đầu cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đồng thời đề xuất rút toàn bộ 21 chốt còn lại.
Cụ thể, thông tin với báo chí, đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP. Hà Nội cho hay, đơn vị đã cho rút chốt kiểm soát số 8 đặt trên địa phận tỉnh Hưng Yên ở đầu cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Trong khi đó, theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng tạm thời vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát ra vào thủ đô.
Theo vị lãnh đạo, người dân muốn ra vào thủ đô vẫn phải có kết quả test nhanh/PCR âm tính trong thời gian quy định, giấy tờ tùy thân và khai báo y tế đầy đủ.
Liên quan vấn đề khai báo y tế, Đại tá Dương nhấn mạnh, các chốt vẫn triển khai quét mã QR bằng camera nên người dân chỉ cần sử dụng các app, lấy mã QR và quét để kiểm tra, khi đầy đủ giấy tờ có thể nhanh chóng qua chốt. Ai không đủ điều kiện vẫn buộc phải quay đầu.
“Các xe có nhận diện luồng xanh đi vào làn do thanh tra giao thông quản lý và được đi thẳng. Xe cá nhân không có nhận diện luồng xanh, sẽ đi vào làn do lực lượng của PC08 phụ trách. Lái xe phải xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19, sau đó vào chốt khai báo y tế”, Đại tá Dương khẳng định.
Đại tá Trần Ngọc Dương cũng lưu ý, đến nay chưa có chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội nên việc bỏ chốt hay duy trì, hoặc dừng kiểm tra xét nghiệm Covid-19 trước khi vào thành phố. Do đó, lực lượng chức năng chưa thể dừng tháo chốt, mặc dù vậy sẽ linh hoạt hơn, tránh ùn tắc.
Ông Dương cho biết thêm, một, hai ngày tới nếu thành phố chưa có ý kiến thì Công an Hà Nội sẽ tự đề xuất.
“Hiện tại các lực lượng vẫn duy trì các chốt để tiếp đón, phục vụ ăn uống đối với người dân đi xe máy về từ vùng dịch qua Hà Nội và bàn giao cho công an các tỉnh”, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Việt Nam sẽ có ít nhất 1 nhà máy sản xuất vaccine, có thể xuất khẩu năm 2022
Văn phòng Chính phủ ngày 15/10 ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về thuốc, vaccine, sinh phẩm trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 13/10, như Sputnik đã thông tin trước đó.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, trong đó xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp y tế, hành chính, kinh tế - xã hội. Trong các giải pháp về y tế, phải đồng bộ cách ly, xét nghiệm, vaccine, điều trị.
Đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vaccine đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt.
Từ giữa năm 2021 chủ yếu tập trung các khâu thử nghiệm lâm sàng, xem xét cấp phép thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Từ giữa năm 2021, các doanh nghiệp tham gia tích cực tiếp nhận chuyển giao sản xuất sinh phẩm, vaccine, thuốc điều trị Covid-19; Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, thuốc.
Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ rRT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên với công suất đủ lớn.
“Dự kiến đầu năm 2022 sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine đi vào hoạt động tham gia đáp ứng yêu cầu trong nước và có thể xuất khẩu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn.
Ông Vũ Đức Đam cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu vaccine cho người đến năm 2030 và các chương trình, nhiệm vụ khoa học phục vụ phòng chống dịch. Cùng với đó, Bộ cần cập nhật các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phòng chống dịch.
Trong khi đó, Bộ Y tế được giao thúc đẩy hiệu quả các chương trình, dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, cấp phép… đặc biệt trong khâu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép nhằm sớm chủ động được vaccine, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch.
Riêng đối với vấn đề vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ phải khẩn trương nghiên cứu, ban hành, cập nhật hướng dẫn về tiêm vaccine đủ liều cho các lứa tuổi; tiêm tăng cường; tiêm kết hợp các loại vaccine… đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, Phó thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án cụ thể về nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại vaccine.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo khẩn trương hướng dẫn tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi và tiêm tăng cường; đánh giá tổng thể nhu cầu vaccine (kể cả cho trẻ em); số lượng, tiến độ giao hàng đã ký kết nhập khẩu hoặc tiếp nhận viện trợ; tiến độ và công suất sản xuất vaccine trong nước…
Giá trị dân tộc của Việt Nam từ chiến tranh đến cuộc chiến chống Covid-19
Quyết định của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến quyết định của mỗi dân tộc là một khía cạnh độc đáo được khai thác trong cuốn The Value Compass (tạm dịch là "La bàn giá trị") của tác giả Mandeep Rai.
Cuốn sách với nội dung là sự khám phá giá trị quan trọng nhất ở từng nước trong 101 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong tác phẩm của mình, tác giả Mandeep Rai cho rằng các giá trị có vai trò như một chiếc mỏ neo hay ngọn hải đăng trong một môi trường mà truyền thông bị điều khiển, chính trị trở nên xung đột và các niềm tin truyền thống nhạt phai.
Từ khóa mà tác giả sử dụng khi đề cập đến Việt Nam là “resilence”, tạm dịch là “sự kiên cường, bất khuất” hay “khả năng phục hồi”. Theo bà Rai, Việt Nam đã cho nhân loại hiểu hơn về ý nghĩa thực sự của “sự kiên cường" khi trải qua một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất vào cuối thế kỷ 20, và đã đứng vững trước những cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới.
“Sự phục hồi của Việt Nam sau chiến tranh là một điều phi thường, đồng thời là một minh chứng cho sự kiên cường của con người, đất nước và dân tộc này”, tác giả viết.
Dẫn chứng rõ nhất chính là cách Việt Nam thắng nạn đói nghèo. Sau khi chiến tranh kết thúc, có khoảng 70% dân số Việt Nam sống trong tình trạng đói nghèo. Đến nay, con số này hiện đã giảm xuống dưới 10%. Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2017, Việt Nam lọt top những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á với tăng trưởng GDP là 6,7%, với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên đến 17,5 tỷ USD. Theo dự báo của Công ty tham vấn Pricewaterhouse Coopers, Việt Nam sẽ trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.
Đặc biệt, tác giả còn ghi nhận Việt Nam là “một đất nước tiến bộ”. Khoảng 25% CEO và giám đốc tại các công ty Việt Nam là phụ nữ và Việt Nam đứng thứ hai châu Á về số lượng phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao.
“Việt Nam đã đạt được thành quả đáng tự hào về giáo dục nhờ sự đầu tư nghiêm túc và từ đó thể hiện tốt trên các bảng xếp hạng của Pisa (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) toàn cầu”, theo bà Rai.
Tác giả cũng lưu ý, sự kiên cường của Việt Nam còn được thể hiện trong việc đối mặt và vượt qua các thảm họa tự nhiên. Việt Nam từng được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm “những quốc gia dễ xảy ra rủi ro nhất” ở Thái Bình Dương khi có đến 70% dân số Việt Nam đối mặt với rủi ro của bão lũ, hạn hán, lở đất và động đất. Điều này thể hiện ở việc, trong khi các nước đặt tên cho cơn bão thì Việt Nam chỉ đánh số chúng vì có quá nhiều bão đổ bộ vào lãnh thổ mỗi năm.
Mặc cho những khó khăn đó, Việt Nam chưa bao giờ đầu hàng trước khí hậu khắc nghiệt, cũng tương tự như cách họ vẫn luôn “bất bại” trước những đe dọa về quân sự hay kinh tế.
“Dù trong bất kỳ điều kiện nào, Việt Nam đều sẽ tìm cách vượt qua. Thậm chí, họ còn thể hiện tốt cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Điều kiện càng khó khăn thì sự kiên cường và khả năng thích nghi của Việt Nam càng trở nên mạnh mẽ”, bà Rai viết.
Từ tất cả những luận điểm trên, tác giả đi đến kết luận, Việt Nam “là một tấm gương về khả năng phản ứng khi gặp nghịch cảnh”.
Giám đốc Học viện vì Tiến bộ các giá trị con người Richard Barrett, The Value Compass là cuốn sách chứa đựng sự hiểu biết cá nhân sâu sắc về những giá trị tiêu biểu của các quốc gia. Trong khi đó Amazon ghi nhận, The Value Compass là cuốn sách bán chạy nhất mảng Doanh nghiệp của The Sunday Times và là một trong những cuốn sách được khen ngợi tại Lễ trao giải Business Book Awards 2021.
Tất cả chúng ta đều tin rằng, trước mọi khó khăn thách thức, nếu giá trị dân tộc về sự kiên cường và khả năng thích ứng trước nghịch cảnh được phát huy, Việt Nam sẽ sớm khắc phục những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 và tiếp tục chặng đường phát triển.