Việt Nam giải bài toán khó về lực lượng lao động “bỏ phố về quê”
© Ảnh : TTXVN phátMỗi ngày có khoảng 100 lượt người dân đi xe máy về các tỉnh phía Nam làm việc
© Ảnh : TTXVN phát
Đăng ký
Hiện nay, ở Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước chuyển trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Vấn đề nhân lực đang là bài toán khó cho tất cả, từ địa phương tới các thành phố lớn và thành phố có các cụm công nghiệp.
Toàn quốc có thể có tới trên dưới 3 triệu lao động đã “bỏ phố về quê” trong “năm COVID 2021”
Theo Tổng cục Thống kê, trong đợt dịch 4, trong khoảng 2 tháng, từ tháng 7 đến ngày 15/9 hơn 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch từ các đô thị lớn và các tỉnh có các khu công nghiệp. Con số này chưa bao gồm dòng người hồi hương sau khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.
Ngay từ các đợt dịch COVID-19 thứ nhất, thứ hai và thứ ba bùng phát ở Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam đã có khuyến cáo rằng “về quê tránh dịch” là biện pháp không cần thiết, có thể gây những xáo trộn xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là có thể làm lây lan COVID-19 từ vùng có dịch sang vùng không có dịch. Tuy nhiên, trong ba đợt dịch đó, Việt Nam chỉ phải đối phó với các chủng SARS-COV-2 gốc cùng một số biến chủng Alpha và Beta. Sức chống chịu của tiềm lực kinh tế-xã hội còn đủ để Việt Nam bảo đảm sớm kiểm soát và dập tắt ba đợt dịch đó với tổn thất tối thiểu nhất so với thế giới.
Còn đến khi biến chủng Delta đặc biệt nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam thì tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Biến chủng Delta với hệ số lây nhiễm rất cao và tốc độ lây nhiễm nhanh từ 48 đến 72 giờ/chu kỳ đã phá vỡ tất cả những tính toán trước đó và đặt xã hội Việt Nam dưới sức ép cực kỳ nặng nề về tổng số ca nhiễm mới và tổng số ca tử vong tăng vọt chưa từng thấy.
“Không chỉ hệ thống y tế của 19 tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh đứng trên bờ vực sụp đổ mà các nguồn lực phòng chống dịch như nhân lực, thiết bị, vật tư y tế, kinh phí bảo đảm… đều nhanh chóng cạn kiệt. Nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội cũng đã xuất hiện. Chỉ nhờ có sự hỗ trợ đắc lực từ Trung ương và các tỉnh phía Bắc về mọi mặt thì TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung bộ mới được tạm coi là vượt đợt dịch khốc liệt này”, - Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam Hoàng Long nói với Sputnik.
Song song, nguồn lực của chính người dân cũng bị bào mòn trong các đợt cách ly, phong tỏa và giãn cách. Nhưng chẳng còn cách nào khác vì chỉ nhìn vào con số “thương vong” do COVID-19 gây ra (tính đến ngày hôm 21/20/2021) là trên 870.000 ca nhiễm và trên 21.000 ca tử vong, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh đã chiếm trên 16.000 ca tử vong thì tuyệt đại đa số người dân trong vùng có dịch đều chấp nhận các biện pháp gần như “đóng băng xã hội” để kiểm soát dịch.
“Nếu sức người lao động cũng đã có hạn thì sức chống chịu của các doanh nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh đã có tới gần 2 triệu lao động ở các tỉnh khác đang làm việc trong các doanh nghiệp tại thành phố, Con số này ở Bình Dương xấp xỉ 900.000 và ở Đồng Nai là trên 1 triệu. Còn ở phía Bắc thì chỉ riêng thành phố Phủ Lý thuộc tỉnh Hà Nam đã có trên 350.000 công nhân ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh đến làm việc, cao hơn dân số của thành phố gần 100.000 người”, - Chuyên gia Hồng Long phân tích tình hình với Sputnik.
Hiện nay chưa có thống kế chính xác về số lượng người lao động ở Việt Nam hồi hương trong và sau đợt dịch thứ tư. Nhưng qua tạm tính từ số liệu mà một số tỉnh, thành đã công bố, trung bình mỗi tỉnh, thành chỉ cần có 10.000 người đi làm việc dài hạn ở ngoại tỉnh và một nửa trong số đó hồi hương thì toàn quốc có thể có tới trên dưới 3 triệu lao động đã “bỏ phố về quê” trong “năm COVID 2021” bằng nhiều cách khác nhau.
Có giữ chân được người lao động “bỏ phố về quê”?
Việc giữ chân người lao động ở lại địa phương gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Trước hết đó là khả năng sử dụng lực lượng lao động “bỏ phố về quê” của các địa phương.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, nếu như năm 2010, Việt Nam có 25.515.900 người sinh sống ở các thành phố (chiếm 30,6% tổng dân số) thì đến năm 2019, Việt Nam có 33.122.548 người sinh sống ở thành phố (chiếm 34,4% tổng dân số). Sự dịch chuyển lao động mạnh mẽ như trên là do “cánh kéo” giữa thu nhập cũng như mức số của người dân ở đô thị và nông thôn Việt Nam ngày càng giãn rộng.
“Theo “Thông cáo báo chí về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020” của Tổng cục Thống kê Việt Nam (công bố tháng 6/2021) thì thu nhập bình quân/tháng/người ở đô thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần so với thu nhập bình quân/tháng/người ở nông thôn, chỉ đạt 3,5 triệu đồng. Đáng chú ý là báo cáo nói trên cho thấy vùng Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt 6 triệu đồng/người/tháng, gấp 2,2 lần so với vùng núi và trung du Bắc Bộ, chỉ đạt 2,7 triệu đồng/người/tháng. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho hàng triệu lao động từ các tỉnh phía Bắc, không kể tỉnh giàu, tỉnh nghèo đều đổ về tìm “cơ hội đổi đời” ở các tỉnh Đông Nam Bộ trong mấy chục năm qua. Đa số lực lượng lao động “bỏ phố về quê” sẽ quay trở lại”, Chuyên gia Hồng Long phân tích, trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Điều đáng nói là hiện trạng trình độ chung của lao động trong nước tại Việt Nam hiện đang ở mức thấp. Theo Thông cáo báo chí của Tổng cục thống kê tháng 6/2020, chỉ có không quá 24,1% số lao động được đào tạo có bằng cấp hoặc chứng chỉ mức sơ cấp trở lên, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Chính phủ đặt ra theo Quyết định số 579/QĐ - TTg, ngày 19-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020” thì đến năm 2020 sẽ có 70% lao động được qua đào tạo.
Và số lượng lao động từ các tỉnh phía Nam hồi hương trong đợt dịch thứ tư cũng trong tình trạng tương tự. Trong số hàng triệu lao động ngoại tỉnh/thành phố ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có mặt khi bùng phát dịch bệnh thì có tới 1/3 số lao động đó là lao động không được đào tạo, là lao động phổ thông hoặc có trình độ tay nghề thấp. Những người lao động này chắc chắn thuộc về số đối tượng “thất nghiệp toàn phần” và có mức sống “dưới nghèo khổ” trong thời gian phong tỏa. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong vấn đề an sinh xã hội, một trong ba trụ cột của chính sách “tam an” trong chống dịch gồm: An toàn sức khỏe, An ninh trật tự và An sinh xã hội.
“Chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh, thành thiếu đồng bộ và thống nhất, chất lượng lao động thấp, chính vì vậy mà chủ trương giữ chân người lao động tại quê hương của họ sau khi từ các tỉnh có dịch trở về đứng trước những thách thức không nhỏ, nhất là khi Nhà nước và nhà đầu tư đã gánh chịu nhiều thiệt hại ở đợt dịch thứ tư, còn đang phải lo phục hồi sản xuất trong điều kiện thiếu hụt từ 30% đến trên dưới 50% số lượng lao động ở các vùng kinh tế công nghiệp và dịch vụ trọng điểm”, - Chuyên gia Hồng Long bình luận, trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Cộng thêm, phần lớn lực lượng lao động hồi hương từ các tỉnh phía Nam được coi là lao động đã qua đào tạo nhưng việc sử dụng lực lượng lao động này không hề đơn giản. Nó đòi hỏi từ các địa phương những năng lực đầu tư rất lớn, phải huy động từ nhiều nguồn lực, kể các các nguồn vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư FDI từ nước ngoài. Trong khi đó thì cơ sở hạ tầng ở nông thôn Việt Nam như giao thông, năng lượng,.v.v… chưa thể đáp ứng trong một sớm một chiều. Và các nhà đầu tư cũng phải tính đến việc phục hồi các cơ sở doanh nghiệp cũ vừa chịu thiệt hại nặng nề trước khi có thể tính đến việc mở rộng đầu tư sang các nơi khác.
“Quê nhà đã đưa ra cho người lao động một số cơ hội việc làm, nhưng cái khó là người lao động không có được vị trí công việc, mức thu nhập giống trước dịch, khi họ ở thành phố và các khu công nghiệp. Nhiều người thì đã quá tuổi để học hỏi kỹ năng mới để chuyển việc. Đáp ứng được nhu cầu của người lao động để giữ chân họ thực sự là một thách thức lớn cho các địa phương”, - TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
Làm sao để không lặp lại kịch bản như trong đợt dịch 4 vừa rồi?
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, đa số những người “bỏ phố về quê” sẽ trở lại làm việc và kiếm sống tại các thành phố lớn và các tỉnh có khu công nghiệp lớn ở phía Nam. Vậy cần phải làm gì để việc trở lại làm việc của họ an toàn, để không lặp lại kịch bản như trong đợt dịch 4 vừa rồi, khi có nguy cơ dịch bùng phát dịch lại?
Ngày 11/10/2021, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Việt Nam nhận thức rõ rằng, sớm muộn thì dịch COVID-19 cũng sẽ bị dập tắt bởi các biện pháp chống dịch nhưng SARS-COV-2 thì có thể không biến mất mà sẽ lùi bước để trở thành một căn bệnh đặc hữu vì đã có vaccine và thuốc điều trị. “Bệnh COVID-19” thì vẫn có nhưng “Dịch COVID-19” thì không còn. Đây là nhận thức đúng đắn và đầy đủ để Việt Nam ban hành chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Theo Nghị quyết 128/NQ-CP thì việc thực hiện các Chỉ thị 15, 16 và 19 được tạm dừng. Cả nước được phân chia và đánh giá các vùng có nguy cơ dịch thành 4 cấp:
Cấp 1 là vùng có nguy cơ thấp, là “vùng xanh”, có thể áp dụng trạng thái bình thường mới.
Cấp 2 là vùng có nguy cơ trung bình, là “vùng vàng”, cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
Cấp 3 là vùng có nguy cơ cao, là “vùng cam”, cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh hơn.
Cấp 4 là vùng có nguy cơ rất cao, là “vùng đỏ”, cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt nhất.
Trên cơ sở phân cấp nguy cơ dịch, Bộ Y tế Việt Nam ban hành ba tiêu chí cơ bản để các địa phương đánh giá cấp độ dịch của mình.
Theo thông báo của Bộ Y tế, đến hết ngày 19/10/2021, đã có 37/63 tỉnh, thành báo cáo đánh giá mức độ dịch COVID-19 trên địa bàn gồm 19 tỉnh, thành ở cấp 1 và 14 tỉnh, thành ở cấp 2. Trong đó, các tỉnh thành có các trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn như Hà Nội, Thái Nguyên, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, .v.v… đều thuộc “Vùng xanh” và “Vùng vàng”. Việc đánh giá được tiến hành định kỳ 15 ngày/lần. Riêng một số địa phương có diễn biến dịch còn phức tạp, số ca mắc mới trên toàn tỉnh/thành còn cao (trung bình trong tuần trên 100 ca/ngày) như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Sóc Trăng.v.v… thì định kỳ đánh giá mỗi tuần 1 lần.
“Mặc dù phải qua bốn đợt chống dịch, đặc biệt là đợt thứ tư đầy cam go, kéo dài gần nửa năm nhưng có thể nói Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ Việt Nam chính là sự thay đổi nhận thức chống dịch có tính cách mạng, là “chiếc chìa khóa vàng” để tháo gỡ khó khăn, để đưa Việt Nam dần quay trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch có hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn; vừa mở ra những cơ hội để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế xã hội”, - Chuyên gia Hồng Long phát biểu với Sputnik.
“Cùng với tốc độ tiêm chủng gia tăng tới trên 67 triệu dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, các biện pháp phòng chống dịch thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả và bảo đảm an toàn cho người dân sẽ làm cho người lao động yên tâm quay lại làm việc tại các thành phố lớn mà không sợ lặp lại kịch bản xấu như mấy tháng vừa qua”, - TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
Theo đánh giá của một số nhà ngoại giao tại Hà Nội thì Nghị quyết 128/NQ-CP "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã trở thành giải pháp cứu cánh cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam; là bước đầu tiên quan trọng để Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới.
Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) cho rằng, với mức độ bao phủ vaccine cao trong lứa tuổi người trưởng thành tại Việt Nam, các doanh nghiệp hiện đang rất tự tin để đón lực lượng lao động quay lại làm việc và đóng góp vào hoạt động kinh doanh. Quy định này rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp tránh khỏi việc tạm ngừng kinh doanh và gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng điều quan trọng là doanh nghiệp phải duy trì các biện pháp phòng ngừa tại nơi làm việc và thực hiện các chiến lược linh hoạt, phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế.