Việt Nam chờ đợi gì từ Tòa án Quốc tế?
© Dịch vụ báo chí của Bộ Ngoại giao Liên bang NgaBiểu tượng của Liên hợp quốc (LHQ) tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở New York.
© Dịch vụ báo chí của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga
Đăng ký
Căng thẳng tranh chấp biển đảo ở Biển Đông, vấn đề biên giới lãnh thổ, nhân quyền, môi trường, đảm bảo trật tự, hòa bình và ổn định trong khu vực là những nhân tố thúc đẩy Việt Nam cùng các nước tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Tòa án Quốc tế.
Hà Nội cho rằng, trật tự quốc tế đứng trước các thách thức nghiêm trọng, các hành vi vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế diễn ra phổ biến, do đó, vai trò của Tòa án Quốc tế là vô cùng quan trọng.
Đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu khẳng định mong muốn Tòa án Quốc tế tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực cho các quốc gia trong sử dụng các cơ chế tài phán, trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp.
HĐBA họp riêng với Chủ tịch Tòa án Quốc tế
Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 2/11 đã tổ chức cuộc họp riêng thường niên với Chủ tịch Tòa án Quốc tế Joan E. Donoghue.
Tại phiên họp, Chủ tịch Tòa án Quốc tế đã báo cáo về chủ đề “Vai trò của Chủ tịch Tòa án quốc tế theo Quy chế và các văn bản điều hành của Tòa”.
Thực tế, đây là cuộc họp riêng diễn ra hằng năm nhằm trao đổi thông tin, đối thoại giữa Hội đồng Bảo an và Tòa án Quốc tế về các vấn đề pháp lý liên quan đến duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Như đã biết, Tòa án Quốc tế Liên hợp quốc là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, được thành lập năm 1945 trên cơ sở kế thừa Toà án Thường trực quốc tế của Hội Quốc liên và hoạt động theo quy chế một bộ phận không tách rời của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trụ sở của Tòa án Quốc tế đặt tại La Hay (Hà Lan). Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc đương nhiên được coi là thành viên của quy chế Tòa án Quốc tế.
Các nước không phải là thành viên Liên hợp quốc có thể tham gia quy chế Tòa án Quốc tế nếu được Hội đồng Bảo an đề nghị và được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp thuận. Các nước không tham gia quy chế cũng có thể yêu cầu Tòa án Quốc tế xét xử tranh chấp nếu được Hội đồng Bảo an cho phép.
Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hợp quốc là giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc của công lý và luật pháp quốc tế (Điều 1 của Hiến chương Liên hợp quốc).
Điều 33 của Hiến chương cũng chỉ rõ, trong số các phương pháp giải quyết hoà bình có phương pháp sử dụng trọng tài và giải quyết của toà án (theo luật pháp).
Nhiệm vụ chính của Tòa án Quốc tế là giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia và giữa các tổ chức quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các thể nhân và pháp nhân không có quyền đưa các tranh chấp ra giải quyết trước Tòa án Quốc tế.
Tiếp đó, Tòa án Quốc tế cũng có chức năng tư vấn pháp lý (kết luận pháp lý) cho Hội đồng Bảo an, Hội đồng Thường trực và cho các tổ chức khác của Liên hợp quốc.
Tòa án Quốc tế được quyền ra các quyết định bằng phương thức biểu quyết trên nguyên tắc quá bán với số đại biểu hợp lệ là không được ít hơn 9 người.
Đặc biệt, quyết định của Tòa án Quốc tế mang tính chất bắt buộc, có hiệu lực ngay và các đương sự không có quyền khiếu nại.
Trong trường hợp quyết định của Tòa án Quốc tế không được thi hành, cơ quan này có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an giúp đỡ để quyết định được thi hành.
Ngoài các nhiệm vụ trên, Tòa án Quốc tế còn có nhiệm vụ chung cùng với các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc bảo vệ hoà bình, kiểm tra giám sát các nước thành viên Liên hợp quốc thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc và theo các quyết định của các cơ quan của Liên Hợp Quốc.
“Trật tự quốc tế đứng trước thách thức nghiêm trọng”
Phát biểu tại cuộc họp riêng thường niên với Chủ tịch Tòa án quốc tế Joan E. Donoghue, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, Tòa án quốc tế đóng vai trò quan trọng trong giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
© Ảnh : UN Photo/Evan SchneiderTrưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý
Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý
© Ảnh : UN Photo/Evan Schneider
Thông qua chức năng xét xử và tư vấn của mình, Tòa án Quốc tế đã đóng góp vào thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và pháp quyền cấp độ quốc tế.
“Trật tự quốc tế đứng trước các thách thức nghiêm trọng, các hành vi vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế diễn ra phổ biến”, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ bày tỏ.
Trong bối cảnh đó, theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Hội đồng Bảo an cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế như là công cụ hữu hiệu nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường phối hợp với Tòa án Quốc tế trong phạm vi chức năng của các cơ quan và phù hợp với Hiến chương LHQ.
Đại sứ cho rằng Chủ tịch Tòa án Quốc tế (Chủ tịch ICJ, Thẩm phán Joan E. Donoghue -PV) có vai trò quan trọng về xét xử, quản lý, đại diện và ngoại giao, có thể hỗ trợ tăng cường hoạt động, vai trò của Tòa án Quốc tế trong thúc đẩy pháp quyền, góp phần duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Việt Nam muốn hợp tác sâu với Tòa án quốc tế
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Nguyên tắc này cũng bao hàm nghĩa vụ tuân thủ các phán quyết, bản án, quyết định của cơ quan tài phán, xét xử quốc tế.
“Chính sách nhất quán của Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ.
Đại sứ Quý cho biết Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ tăng cường vai trò của các cơ quan pháp lý quốc tế trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam bổ sung thêm, Hà Nội hiện đã tham gia vào nhiều tiến trình pháp lý quốc tế, trong đó có các tiến trình tại Tòa án Quốc tế.
“Việt Nam kêu gọi nâng cao năng lực quốc gia trong sử dụng các cơ chế xét xử, trọng tài quốc tế; mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Tòa án Quốc tế trong các hoạt động đào tạo những người trẻ tuổi trong lĩnh vực pháp lý quốc tế”, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh.
Việt Nam ủng hộ các tiến trình pháp lý quốc tế
Trước đó, hôm 28/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 đã họp toàn thể để thảo luận về Báo cáo công tác năm của Tòa Công lý quốc tế (ICJ).
Tại đây, Chủ tịch Tòa Công lý quốc tế, Thẩm phán Joan Donoghue cho biết trong năm 2021, Tòa đã ban hành 5 bản án, 9 lệnh về thủ tục.
Hiện nay Toà đang thụ lý 14 vụ kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực luật pháp quốc tế như phân định biển, biên giới lãnh thổ, quan hệ ngoại giao, lãnh sự, giải thích và áp dụng điều ước quốc tế, quyền con người, môi trường.
Tòa án Quốc tế đã tiếp tục cải tiến thủ tục và phương pháp làm việc, tổ chức các phiên xét xử bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết vụ kiện.
Theo Thẩm phán Donoghue, đây là cơ chế xét xử duy nhất có tính phổ cập toàn cầu, việc xét xử được giải quyết trong thời gian ngắn và tiết kiệm chi phí.
Phát biểu tại phiên họp này, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Theo Đại sứ Việt Nam, các quốc gia có thể lựa chọn nhiều phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương LHQ, trong đó bao gồm cơ chế xét xử tài phán, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện quyết định, bản án của các cơ quan tài phán quốc tế.
“Chủ trương của Việt Nam ủng hộ các tiến trình pháp lý quốc tế, trong đó có Tòa công lý quốc tế. Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều tiến trình pháp lý tại Tòa, đồng thời mong muốn Tòa tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực cho các quốc gia trong sử dụng các cơ chế tài phán, trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp”, Đại sứ Phạm Hải Anh nêu rõ.
Đối với Quỹ Tín thác cho Chương trình thực tập sinh tư pháp tại Toà, Đại sứ khẳng định Việt Nam mong muốn Quỹ tín thác sớm đi vào hoạt động, hỗ trợ sinh viên luật tốt nghiệp từ các nước đang phát triển có cơ hội thực tập tại Tòa, qua đó nâng cao năng lực pháp lý quốc tế cho các nước.