Chuyên gia: Trung Quốc sẽ cần than từ các nước khác trong thời gian dài
Đăng ký
MOSKVA (Sputnik) - Trung Quốc sẽ duy trì vị thế là nhà tiêu thụ và nhập khẩu than lớn trên toàn cầu trong thời gian dài sắp tới, nhà phân tích ngành than Trung Quốc Ma Baojia cho biết.
Gián đoạn cung cấp điện ở Trung Quốc
Ma Baojia cho rằng Trung Quốc buộc phải tăng sản lượng than do nhu cầu điện tăng thêm trong mùa đông xuân.
Một số tỉnh ở Trung Quốc, chủ yếu ở phía đông bắc của đất nước, đã phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp điện và hệ thống sưởi kể từ giữa tháng 9, do thiếu hụt và giá than cao và giá khí đốt tự nhiên tăng. Việc mất điện diễn ra trong bối cảnh chính quyền nỗ lực giảm phát thải khí cacbonic, giảm sử dụng than và nỗ lực phát triển nền kinh tế xanh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 của LHQ hồi đầu tháng 11 đã tái khẳng định “cam kết mạnh mẽ đối với phát triển xanh và các-bon thấp”.
Nhu cầu toàn cầu
"Với nhu cầu toàn cầu về tính trung hòa carbon, Trung Quốc đang cắt giảm sản xuất than trong nước. Đồng thời, hoạt động sản xuất trong nước tiếp tục phát triển, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu than ở Trung Quốc, mà chúng tôi đã quan sát thấy gần đây. Về tương lai dài hạn, Trung Quốc sẽ tiếp tục là nước tiêu thụ than lớn trên toàn cầu và sẽ cần nguồn cung cấp than từ các nước láng giềng trong thời gian dài sắp tới", - Ma Baojia nói.
Sau khi Trung Quốc mất nhà cung cấp than chính là Úc, do căng thẳng giữa hai nước gia tăng, Bắc Kinh buộc phải tăng nguồn cung từ các nước khác. Theo Ma Baojia, Nga có “triển vọng tốt trên thị trường than Trung Quốc". Năm 2020, thị phần than của Nga tại Trung Quốc là 13%, trong khi con số này tiếp tục tăng.