Việt Nam và Nhật Bản thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự và an ninh
14:55 25.11.2021 (Đã cập nhật: 16:09 12.01.2022)
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nghe quân nhạc cử Quốc thiều hai nước
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam lần này đã khẳng định và cụ thể hóa những thỏa thuận mà Bộ trưởng Quốc phòng Phan văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của ông Kishi Nobuo hơn hai tháng trước.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm cấp cao tới Nhật Bản từ 22 tới 25/11. Hai chủ đề hợp tác quan trọng là hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh biển đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa hai thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản, nhằm tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Hai bên cũng đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự.
Vì sao Việt Nam và Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác quân sự?
Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ ngày 21/9/1973, chỉ nửa năm sau khi Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa Việt Nam và Mỹ. Từ tháng 3/2014, Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á của Việt Nam. Vì vậy, việc hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng là đều hoàn toàn bình thường.
Việt Nam đã có quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng với nhiều quốc gia có quan điểm khác nhau như hợp tác với Trung Quốc trong khi Trung Quốc là đối thủ của Ấn Độ. Và ngược lại, Ấn Độ cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam, có quan hệ hợp tác quân sự-quốc phòng với Việt Nam trong khi họ đang là đối thủ của Trung Quốc. Việt Nam cũng đang có hợp tác chiến lược với Đức, Pháp, Anh là các “đối thủ” của Liên bang Nga trong khi vẫn có quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, đặc biệt là lĩnh vực quân sự-quốc phòng.
“Tôi cho rằng, không có điều gì là bất bình thường khi Việt Nam và Nhật bản tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quân sự-quốc phòng. Đó là biểu hiện rõ rệt của chính sách quốc phòng của Việt Nam đã được trình bày trong “Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng phát biểu với Sputnik.
“Tất nhiên là sẽ có nước nọ, nước kia không hài lòng lắm về việc Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quân sự-quốc phòng với nước này hay nước khác. Nhưng họ nên hiểu rằng, chính sách ngoại giao quốc phòng của Việt Nam trước hết là nhằm đảm bảo quốc phòng-an ninh cho Việt Nam và phần nào đó hỗ trợ cho đối tác song phương của mình về quốc phòng-an ninh chứ không nhằm tấn công hay làm phương hại đến nước thứ ba. Đó là nguyên tắc đối ngoại của Việt Nam nói chung và cũng là nguyên tắc đối ngoại quốc phòng của Việt Nam nói riêng”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.
Trong hoàn cảnh thế giới đang diễn ra cuộc cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa các nước lớn, giữa các trung tâm chính trị-kinh tế lớn, các nước đang phát triển như Việt Nam đều mong muốn có một không gian hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế xã hội mà không bị lôi cuốn vào các cuộc cạnh tranh tốn kém và đầy rủi ro giữa các cường quốc.
“Các nhà chính trị thông minh trên thế giới đều hiểu rằng “sân chơi quyền lực bằng bạo lực” khi loài người đã có vũ khí hạt nhân là “sân chơi của thần chết”. Và khi đó, các nước lớn có thể hiểu được trách nhiệm của họ trước “mạng sống của nhân loại”, - . Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
Theo phân tích của một số chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản không phải là “cường quốc quân sự”. Theo Hiến pháp của Nhật Bản cũng như Hiệp ước mà Nhật Bản đã ký kết trên chiến hạm Missouri ngày 2/5/1945, Nhật Bản không được phép có lực lượng quân sự vượt quá mục tiêu nhiệm vụ phòng thủ quốc gia. Đó là lý do mà cho đến nay, Nhật Bản gọi lực lượng vũ trang của mình là Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF).
Chính điều này phản ánh sự tương đồng giữa Nhật Bản và Việt Nam về quân sự-quốc phòng bởi hai nước đều theo đuổi chính sách quân sự phòng thủ quốc gia, bảo vệ lãnh thổ chứ không theo đuổi chính sách xâm lược hay chính sách bành trướng bằng quân sự đối với nước khác. Đó là cơ sở để hai nước có thể tin cậy lẫn nhau khi thiết lập các quan hệ hợp tác chiến lược song phương về quân sự-quốc phòng nhằm củng cố năng lực quốc phòng của hai bên mà không làm phương hại đến nước thứ ba.
“Nhật Bản xem Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đóng vai trò chủ chốt trong ASEAN. Nhật Bản lại đang hiện thực hóa tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ủng hộ vai trò trung tâm và gắn kết của ASEAN trong hợp tác với nhóm Bộ Tứ. Rất dễ hiểu vì sao Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác quân sự, an ninh với Việt Nam. Với Việt Nam, việc tăng cường hợp tác quân sự và an ninh với Nhật Bản giúp Việt Nam đảm bảo tốt hơn việc bảo vệ chủ quyền của mình trên vùng biển”, - PGS-TS Hoàng Giang phân tích trong trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Bước tiến trong hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản
Trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Nhật Bản, vừa qua đã diễn ra chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ngài Kishi Nobuo từ ngày 10 đến 12/9/2021. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai bên đã có một số thỏa thuận sơ bộ về tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh giữa hai nước.
“Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận về việc chuyển giao trang thiết bị và công nghệ quốc phòng. Đây được xem là một bước tiến trong hợp tác an ninh giữa hai nước”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
Trong các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng giữa hai bên trong chuyến thăm của ngài Kishi Nobuo, hai bên đã có những cam kết trên các lĩnh vực quân y và an ninh mạng, đào tạo cán bộ, công nghiệp quốc phòng… Hai bên cũng thỏa thuận tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng, tham vấn sĩ quan tham mưu các quân chủng, hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
“Hôm 23/11 Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh mạng sau khi hội đàm về những diễn biến gần đây trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều này minh chứng cho việc hai nước thắt chặt mối quan hệ quốc phòng”, - PGS-TS Hoàng Giang bình luận với Sputnik
“Vì Việt Nam là một thành viên của ASEAN và Nhật Bản là đối tác của ASEAN đồng thời là đối tác của chương trình ADMM+ về lĩnh vực quốc phòng an ninh nên trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Kishi Nobuo, hai bên cũng cam kết hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai các chương trình hợp tác trong các cơ chế hợp tác đa phương, nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), hợp tác an ninh mạng giữa các cơ quan quốc phòng Nhật Bản và ASEAN”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng phát biểu với Sputnik.
© AFP 2023 / Issei KatoBộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo
© AFP 2023 / Issei Kato
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang. Chuyến thăm này đã khẳng định và cụ thể hóa những thỏa thuận mà Bộ trưởng Phan văn Giang và Bộ trưởng Kishi Nobuo đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hơn hai tháng trước.