Tướng Hoàng Xuân Chiến: công tác đối ngoại của Việt Nam là 'xử lý hài hoà với các nước lớn'
14:52 14.12.2021 (Đã cập nhật: 14:57 14.12.2021)
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Phương HoaThượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tham luận tại hội nghị
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Phương Hoa
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc sáng 14/12, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã nói về công tác đối ngoại quốc phòng và hoạt động hợp tác quốc tế của lực lượng Công an Nhân dân trong thời kỳ mới.
Sáng nay 14/12, đã diễn ra Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Để đạt được những thành quả to lớn đó là sự đóng góp trong công tác đối ngoại quốc phòng của Bộ Quốc phòng và hoạt động hợp tác quốc tế của lực lượng Công an Nhân dân (Bộ Công an).
Cụ thể trong việc giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam và đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên lĩnh vực an ninh, trật tự.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với 100 nước
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ trong những năm qua, công tác đối ngoại quốc phòng đã được Bộ Quốc phòng triển khai đồng bộ, trên cả bình diện "song phương và đa phương", cả "bề rộng và chiều sâu".
Minh chứng cho điều này, Thượng tướng thông tin, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với trên 100 nước trên thế giới. Trong đó đầy đủ 5 nước là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn.
Các hợp tác được trải dài trên nhiều lĩnh vực, cơ chế như: đào tạo, trao đổi đoàn quân sự, hợp tác quân binh chủng, công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đối ngoại chính sách quốc phòng, các hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới, biên cương thắm tình hữu nghị, diễn tập phòng, chống các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, tổ chức các hoạt động tuần tra, tham gia hội thao quốc tế Army Games.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, các hoạt động này đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, góp phần củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam "làm sâu sắc hơn quan hệ song phương" và "xử lý hài hoà với các nước lớn"
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác đối ngoại quốc phòng thời gian tới sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Theo đó, công tác đối ngoại quốc phòng là nhiệm vụ trọng tâm của ba trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Với mục đích thực hiện quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong "thời bình", nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra xung đột, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, củng cố lòng tin chiến lược với các đối tác để phát triển đất nước.
Cụ thể hơn về nhiệm vụ sắp tới, Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác chiến lược, các nước láng giềng, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống, gia tăng tin cậy về chính trị đan xen lợi ích.
Đồng thời "xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn", phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra.
Đặc biệt khi nhắc đến tình hình Biển Đông, trên các tuyến biên giới và vùng biển, dịch COVID-19, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh trong thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng phải luôn luôn kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, độc lập, tự chủ trong quan hệ hợp tác.
Tướng Chiến cho biết, để làm tốt công tác tham mưu chiến lược, kịp thời tham mưu, xử lý các mối quan hệ và triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, cũng như tích cực, chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình của thế giới, khu vực.
Đối với công tác đối ngoại quốc phòng đa phương, Bộ Quốc phòng sẽ chủ động đưa ra các sáng kiến nhất là cơ chế hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ASEAN. Tiếp tục đẩy mạnh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo hướng mở rộng lĩnh vực, quy mô và địa bàn.
Bộ Quốc phòng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về hội nhập quốc tế và nghiên cứu đề xuất xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Để làm được điều đó, Bộ Quốc phòng sẽ tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Từ đó nắm rõ, dự báo tình hình, tham mưu điều chỉnh chiến lược để xử lý các tình huống cả trước mắt và lâu dài, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Lãnh đạo Bộ Công an: "Thêm bạn, bớt thù, là đối tác tin cậy với cộng đồng quốc tế"
Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh để có được thành tựu to lớn trong 35 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.
© Ảnh : TTXVN - Phương HoaThứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tham luận tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày tham luận tại hội nghị.
© Ảnh : TTXVN - Phương Hoa
Đồng thời, Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm" của cộng đồng quốc tế,
Tướng Quang nhấn mạnh, những nỗ lực trên đã đưa đất nước ta thoát khỏi thế "cô lập về chính trị, bao vây về kinh tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ", củng cố môi trường hòa bình, ổn định.
Trong số đó, Bộ Công an xác định rõ chiến lược an ninh đối ngoại và bước đi trong quan hệ với các cơ quan thực thi pháp luật các nước, các tổ chức quốc tế với mục tiêu “thêm bạn, bớt thù”, chủ động tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế về đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Cụ thể, đến nay, Bộ Công an đã đạt được những thành tựu sau:
Thiết lập quan hệ với 162 cơ quan thực thi pháp luật của 64 quốc gia và một số vùng lãnh thổ;
Thiết lập quan hệ nhiều mặt với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;
Tham gia hoạt động trong 52 tổ chức, diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương;
Đàm phán, ký kết trên 150 văn bản hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm...
Quy mô hợp tác trên tất cả các lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự được nâng lên tầm chiến lược. Hình thức, cấp độ hợp tác có nhiều đổi mới.
Biện pháp hợp tác được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, nhằm thực hiện chủ trương "vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hợp tác để tăng cường đối thoại, giảm đối đầu, nhấn mạnh điểm tương đồng, giải tỏa điểm bất đồng”...
Lực lượng Công an Nhân dân xác định “Lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền lợi của người dân đi đến đâu thì an ninh trật tự được đảm bảo đến đó.”
Do đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự không chỉ giới hạn phạm vi, lãnh thổ biên giới quốc gia mà là những vấn đề an ninh phi truyền thống, vấn đề quốc tế mà nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế có trách nhiệm; trong đó có vai trò, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân trong thực hiện công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XIII đã đề ra, lực lượng Công an nhân dân quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Công an đi làm đối ngoại có điều kiện để nói thẳng, giải quyết được nhiều vấn đề, là cái mới, sắp tới phải phát huy lên.”
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang lưu ý việc kết hợp chặt chẽ ngoại giao với các biện pháp nghiệp vụ khác để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Đồng thời, củng cố vững chắc phòng tuyến an ninh từ xa, từ ngoài biên giới, lãnh thổ, xử lý hiệu quả các thách thức đối với an ninh, đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia.