Vụ thông đồng 'thổi giá' kit test COVID-19 của Việt Á: Các CDC 'thi nhau' lên tiếng
15:02 20.12.2021 (Đã cập nhật: 17:54 21.12.2021)
© Ảnh : Hoàng Nhị-TTXVNNhân viên y tế lấy mẫu test nhanh cho người dân xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu - đây đang là vùng đỏ của tỉnh
© Ảnh : Hoàng Nhị-TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho các CDC và cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Ngay sau khi ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT của công ty này bị bắt, lãnh đạo nhiều CDC của các tỉnh, thành đã chính thức lên tiếng 'đính chính'.
Như Sputnik đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", bắt giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) cùng nhóm bị can liên quan đến việc 'thổi giá' kit test y tế trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Đồng thời, lực lượng C03 đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của ông Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của ông ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương.
Chân dung người 'nói một đàng, làm một nẻo'
Công ty Việt Á cùng ông Phan Quốc Việt được công chúng biết đến với việc hợp tác với Học viện Quân y sản xuất thành công bộ kit test Covid-19 "Made in Vietnam".
Theo kết quả từ quá trình điều tra, vào tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 " và đã cung ứng cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an cho rằng lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Đồng thời, để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, ông Phan Quốc Việt và nhóm của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Trong khi đó, tại lễ công bố bộ kit xét nghiệm Covid-19, ông Phan Quốc Việt từng dẫn chứng, 1 test kit nước ngoài thường phải có giá thành gấp 10 lần, rẻ cũng phải gấp từ 3 tới 4 lần mặc dù chất lượng tương đương.
Chính vì vậy, ông không "cổ súy" cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng tinh thần "người Việt dùng hàng Việt" để đẩy giá sản phẩm lên cao.
"Tại sao chúng ta không quan niệm người Việt dùng hàng tốt, giá tốt. Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển. Anh sản xuất trong nước trước hết phải phục vụ người dân trong nước, tại sao lại tăng giá tới mức cắt cổ? Chất xám cần để phục vụ cộng đồng"- giám đốc công ty Việt Á nói.
Thế nhưng, ngược lại, ông Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Cùng với đó, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Bước đầu điều tra, Cơ quan cảnh sát thuộc Bộ Công an đã 'gọi mặt chỉ tên' CDC Hải Dương, đề nghị làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC này, thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng.
Ông Việt cũng đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng.
Từ ngày 10/12, C03 cũng đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập, ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.
CDC Hà Nội: 'Chúng tôi không mua kit test COVID-19 của Công ty Việt Á'
Ngày 20/12, ông Trương Quang Việt - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết đơn vị này không mua kit test COVID-19 của Công ty Việt Á.
"Chúng tôi không thực hiện mua một gói kit test COVID-19 nào của Công ty Việt Á. Trong năm 2020 - 2021 chủ yếu nhận kit test từ nguồn tài trợ, tuy nhiên trong đó có những nhà tài trợ mua các bộ sinh phẩm của Công ty Việt Á", lãnh đạo CDC Hà Nội cho hay.
Ông Việt cũng thông tin thêm, nguồn tài trợ trên thường được thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, riêng CDC Hà Nội không nhận tài trợ trực tiếp từ Công ty Việt Á.
Từ tháng 3/2020 khi dịch bùng phát, CDC Hà Nội từng mượn thiết bị xét nghiệm và có sử dụng kit test xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á. Tuy nhiên sau khi lãnh đạo CDC Hà Nội bị bắt giam để điều tra việc giá thiết bị xét nghiệm bị nâng, CDC Hà Nội đã trả máy lại cho Việt Á.
CDC Long An mua kit của Việt Á 'theo giá Bộ Y tế thông báo'
Cùng ngày, ông Huỳnh Minh Phúc - giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An - cho biết tỉnh này có 4 đơn vị đã mua kit xét nghiệm PCR từ Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Bao gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An (CDC Long An), Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc.
Lý giải nguyên nhân, ông Phúc cho biết, Long An là một trong những địa phương xảy ra dịch bùng phát sớm, phức tạp (từ cuối tháng 5, đầu tháng 6), nên các đơn vị được giao chủ động mua kit test COVID-19 bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, đảm bảo quy định mua sắm trong tình huống khẩn cấp.
"Việc mua sắm đều phải được thông qua Sở Tài chính thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Hiện tại, tỉnh cũng đã giao cho một số đơn vị liên ngành kiểm tra lại các hồ sơ chi tiết về quá trình mua vật tư phòng chống dịch", ông Phúc nói thêm.
Lãnh đạo Sở Y tế Long An cũng khẳng định thêm trên địa bàn tỉnh Long An không hề có cơ sở, chi nhánh nào của Công ty Việt Á.
Đưa ra lý do giống với ông Phúc, ông Huỳnh Hữu Dũng - giám đốc CDC Long An, đơn vị mua nhiều kit nhất tại tỉnh này - cho biết thời điểm mua kit từ Công ty Việt Á là đầu tháng 6/2021.
"Việt Á là đơn vị cung cấp kit gần như độc quyền tại Việt Nam, nên đơn vị nào có máy PCR lúc đó cũng mua kit của công ty này. Lúc đó, Long An đang rất cần kit xét nghiệm PCR nên mua kit của Việt Á theo đúng mức giá mà Bộ Y tế có thông tin trên cổng thông tin của bộ. Chúng tôi cũng đăng ký mua theo đúng quy định chứ không phải được Công ty Việt Á chào mời gì cả", ông Dũng thông tin.
Theo ông Dũng, tổng cộng CDC Long An mua 10.000 bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, theo mức giá mà Bộ Y tế cập nhật thông báo vào thời điểm đó
"Ban đầu khoảng hơn 400.000 đồng, sau đó có thời điểm lên hơn 500.000 đồng. Nói chung lúc đó kit này gần như độc quyền, lại cần gấp mà bộ đã đưa ra thông tin vậy thì CDC Long An mua theo đúng quy định thôi. Sau này có đơn vị cung cấp kit giá rẻ hơn thì chúng tôi không còn mua của Việt Á nữa", ông Dũng nói thêm.
Tỉnh Quảng Nam: chỉ 'mượn nhờ' máy thở chứ không mua
Lãnh đạo phía Sở Y tế Quảng Nam cho biết hoàn toàn không liên quan đến việc mua kit test xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.
Được biết, công ty này vừa bị cơ quan công an điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 (bộ kit test PCR) cao hơn nhiều lần so với giá thành sản xuất. Sở Y tế cho hay Quảng Nam hoàn toàn không liên quan đến việc mua sinh phẩm, kit test của công ty này.
Thời điểm bùng dịch tháng 7/2020, Công ty Việt Á có cho Quảng Nam mượn 3 máy xét nghiệm Realtime PCR tự động đặt tại CDC Quảng Nam, có mượn sinh phẩm, một số vật tư của công ty và được sự cho phép của UBND tỉnh, sau đó sẽ thực hiện mua sắm để trả lại.
Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định toàn bộ là máy nhờ hỗ trợ, không có mua bán, không đặt máy để tính toán kinh doanh, đơn thuần mượn máy và hết dịch trả lại. Sau đó, vào đầu tháng 2-2021, tỉnh này đã hoàn trả 3 hệ thống máy này cho Công ty Việt Á.
Ông Trần Văn Kiệm - giám đốc CDC Quảng Nam - cho biết trong thời gian qua, trung tâm này không mua vật phẩm y tế cũng như kit test của Công ty Việt Á mà chủ yếu các nhà tài trợ, doanh nghiệp tài trợ và Bộ Y tế cấp cho tỉnh.
ãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam cho biết thời gian đầu năm 2020 có mượn máy xét nghiệm của Công ty Việt Á nhưng sau này không mua kit test của công ty này.
Thời gian qua, một số sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch mà tỉnh mua thông qua việc đấu thầu rộng rãi. Vị lãnh đạo này cho hay giá kit test của Công ty Việt Á bán trên thị trường như vậy là quá cao so với những doanh nghiệp khác.
Ở một diễn biến khác, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các địa phương xem xét bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.
Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, để tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc men vật tư, trang thiết bị y tế, "đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ".
Vfa "tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm"
Bộ Y tế nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đề xuất hoặc trao đổi với Bộ Y tế hoặc các Bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp giải quyết.