Bộ trưởng Tô Lâm: Công an là ‘thanh bảo kiếm’ bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân
11:01 27.12.2021 (Đã cập nhật: 11:39 27.12.2021)
© Ảnh : TTXVN - Phạm KiênĐại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77
© Ảnh : TTXVN - Phạm Kiên
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 27/12 tại Hà Nội, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77 chính thức khai mạc nhằm tổng kết tình hình, kết quả công tác Công an năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị. Ngoài ra, Hội nghị có sự tham dự của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng các lãnh đạo Bộ Công an.
Nhiều vấn đề quan trọng thảo luận tại Hội nghị
Trong vòng 3 ngày diễn ra Hội nghị từ ngày 27 đến 29/12, nhiều nội dung quan trọng sẽ được thảo luận.
Các đại biểu sẽ cho ý kiến Báo cáo tổng kết công tác Công an năm 2021; Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND năm 2022 và thời gian tới; Chỉ thị của Bộ trưởng về nhiệm vụ công tác Công an năm 2022.
Ngoài ra, Hội nghị còn tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2021 và phát động phong trong trào “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2022 trong toàn lực lượng CAND.
© Ảnh : Trí Dũng- TTXVNTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
© Ảnh : Trí Dũng- TTXVN
Trước đó vào ngày 20/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chủ trì Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương năm 2021. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
“Bước sang năm 2022, đây là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương, trong khi dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo. Do đó, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm, chủ động theo dõi, nắm thật chắc tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Trên cơ sở đó có phương án, biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối an toàn”.
Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng biểu dương lực lượng CAND tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, chuẩn bị tổ chức tốt Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, tạo ra xung lực mới, phong trào mới, để năm nay phải hơn năm ngoái. Một khí thế mới, một tinh thần chiến đấu mới, hào sảng, cho toàn đảng, toàn dân thống nhất” - Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn.
Phát huy vai trò “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân
Nhân dịp Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết "Công an nhân dân phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống dịch COVID-19”.
Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ trong năm 2021, công tác công an phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến nhanh, phức tạp và chưa từng có tiền lệ của tình hình thế giới và khu vực. Trong đó, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục... của đất nước, nhất là ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân, người lao động.
Trong ứng xử ngoại giao, bảo vệ chủ quyền cũng như đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia của đất nước thì các thách thức đặt ra chính là các mối đe dọa an ninh truyền thống. Đồng thời, năm 2021 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
© Ảnh : TTXVN - Phạm KiênĐại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc.
© Ảnh : TTXVN - Phạm Kiên
Trong bối cảnh đó, lực lượng CAND đã chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ; thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Chính phủ về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, các chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước lớn, các địa bàn chiến lược, ứng xử linh hoạt trước các sự kiện, trong quan hệ đối ngoại và phòng, chống dịch COVID-19.
Có thể nói, lực lượng CAND đã có cách làm quyết đoán, đúng đắn, hợp “ý Đảng, lòng dân," như: “Lấy xã, phường là pháo đài phòng, chống dịch," phát động và triển khai phong trào thi đua đặc biệt trong toàn lực lượng với chủ đề “Lực lượng công an nhân dân - lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội," với phương châm “kiên định bản lĩnh chính trị người chiến sỹ công an nhân dân, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Đặc biệt, lực lượng CAND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, một trong những kết quả đáng ghi nhận của lực lượng CAND trong thời gian qua chính là chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
© Ảnh : TTXVN - Phạm KiênHội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77
Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77
© Ảnh : TTXVN - Phạm Kiên
Đây là bước chuyển biến mang tính đột phá, giúp hoàn thành chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip; triển khai cấp số định danh cá nhân trên toàn quốc; kết nối với các bộ, ngành có đủ điều kiện; khai thác có hiệu quả ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư.
Đối với vấn đề phòng, chống tham nhũng, CAND đã và đang đẩy mạnh điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhất là trên lĩnh vực y tế, phòng chống dịch COVID-19... theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai," “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực," lan tỏa từ Trung ương đến địa phương, có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung cho cả xã hội.
Ngoài ra, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả với quân đội nhân dân bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia. Gương mẫu, đi đầu trong thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Đồng thời chủ động dự báo tình hình, triển khai linh hoạt, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, trong đó đẩy mạnh “ngoại giao vaccine” trong bối cảnh dịch COVID-19.
Nhiệm vụ của lực lượng CAND trong năm 2022
Trước bối cảnh đất nước vừa chống dịch COVID-19, vừa phục hồi kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác công an ngày càng lớn hơn. Điều này đòi hỏi lực lượng CAND tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống dịch COVID-19, tạo khí thế mới, phong trào mới và tinh thần chiến đấu mới.
Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm mà lực lượng CAND cần chú trọng trong năm 2022, trước hết là thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự. Trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII.
Kịp thời, chủ động nắm tình hình, phân tích biến động của thế giới và khu vực. Tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm giữ vững chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
© Ảnh : TTXVN - Dương GiangThủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77
© Ảnh : TTXVN - Dương Giang
Tiếp tục đấu tranh với các âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Không để bị động, bất ngờ trong bất cứ tình huống nào. Đặc biêt cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng.
Lực lượng CAND cần tăng cường công tác đảm bảo kinh tế, an ninh trật tự an ninh trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh mạng; tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh xã hội, an ninh các địa bàn chiến lược. Kết hợp chặt chẽ công tác bảo đảm an ninh, trật tự với thực hiện các chính sách an sinh xã hội, an dân.
Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; xây dựng đội ngũ cán bộ ở bốn cấp công an hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
CAND tiếp tục xây dựng hình ảnh người chiến sỹ công an nhân dân gần gũi, thân thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến, là niềm tin của nhân dân trong những lúc gian nguy theo phương châm “trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có công an," thực sự là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân.