‘Chưa từng có tiền lệ’: Ngoại giao vaccine Việt Nam khiến thế giới 'ngả mũ’
15:02 27.12.2021 (Đã cập nhật: 15:11 27.12.2021)
© Ảnh : Thu Hương - TTXVNTP Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu.
© Ảnh : Thu Hương - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam từ quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 thấp đã trở thành một trong nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới. Để đạt được thành quả này phải kể đến nỗ lực 'thần tốc’, 'không ngừng nghỉ’ của chiến lược ngoại giao vaccine.
Ngoại giao vaccine, chiến lược ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam, đã và đang được triển khai một cách quyết liệt trong mọi hoạt động, góp phần giúp Việt Nam làm chủ vaccine, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19 để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Điều gì tạo nên 'hiện tượng’ ngoại giao vaccine Việt Nam?
Sau thời gian triển khai chiến lược ngoại giao vaccine, tính đến 14/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 156 triệu liều vaccine COVID-19, tiêm phủ vaccine COVID-19 cho 77,7% dân số, trong đó gần 61% dân số tiêm đủ liều.
Không chỉ thành công trong việc đảm bảo được nguồn cung vaccine COVID-19, chiến lược ngoại giao vaccine còn đảm bảo trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của thế giới cho Việt Nam như Sputnik-V (Nga), Abdala (Cuba). Mới đây nhất là Covaxin (Ấn Độ) và thuốc điều trị COVID-19 Movinavir.
© Ảnh : Học viện Ngoại giao Việt NamTS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam
TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam
© Ảnh : Học viện Ngoại giao Việt Nam
Theo đánh giá của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam, nguyên nhân tạo nên thành công của ngoại giao vaccine của Việt Nam trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chia sẻ với Sputnik, TS. Nguyễn Hùng Sơn phân tích:
“Thứ nhất, có sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đối với công tác này trước diễn biến cấp bách của tình hình dịch bệnh. Đảng và Chính phủ coi công tác ngoại giao vaccine là giải pháp then chốt và hoạt động ưu tiên. Vì vậy, các cấp lãnh đạo đã có sự chỉ đạo trực tiếp".
© Ảnh : Bùi Văn Lanh - TTXVNChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ tiếp nhận vaccine, thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ tiếp nhận vaccine, thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19
© Ảnh : Bùi Văn Lanh - TTXVN
Tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ ngoại giao vaccine, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác. Đồng thời, bản thân Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động ngoại giao vaccine. Ví dụ, làm việc trực tiếp với các tập đoàn vaccine hàng đầu thế giới như Pfizer, AstraZeneca.
“Thứ hai, nguyên nhân rất quan trọng là công tác vận động hiệu quả và kịp thời của ngành Ngoại giao. Trong đó có sự nhanh nhạy vào cuộc tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Chính vì vậy, chúng ta biết được ở đâu có vaccine, từ đó vận động được các nước hỗ trợ cho Việt Nam vaccine, nhất là các nguồn vaccine mà các nước đang tạm thời chưa dùng đến. Và chuyển số vaccine đó kịp thời về cho Việt Nam” - TS. Nguyễn Hùng Sơn cho biết thêm.
Nguyên nhân thứ ba theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, đó là chính sự phối hợp 'nhịp nhàng’ của các cơ quan chức năng ở trong nước để cùng tham gia vận động các đối tác. Đồng thời cùng tham gia tiếp nhận và sử dụng kịp thời số vaccine nhận được từ các nước.
Vì mục tiêu, vượt mọi 'vách đá’
Khi dịch COVID-19 mới bùng phát, nguồn cung vaccine còn khan hiếm, khả năng tiếp cận với nguồn cung còn khó khăn, ngoại giao vaccine trở thành ưu tiên số một của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Về những thách thức mà chiến lược ngoại giao vaccine phải đối mặt, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học Viện Ngoại giao cho biết:
“Đây là khó khăn chung của toàn thế giới vì vaccine là nguồn hàng quan trọng và khan hiếm. Tất cả các quốc gia đều ưu tiên sử dụng vaccine để tiêm phòng cho người dân của nước mình trước".
© Ảnh : Bùi Văn Lanh - TTXVNBộ y tế tiếp nhận vaccine, thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ y tế tiếp nhận vaccine, thiết bị và vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19.
© Ảnh : Bùi Văn Lanh - TTXVN
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều bàng hoàng khi biến chủng Delta xuất hiện, đe doạ thành quả chống dịch trước đó. Kéo theo đó là nhu cầu sử dụng vaccine tăng cao, cộng thêm vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và nước nghèo. Việt Nam làm thế nào để giải quyết 'nút thắt’ này?
“Đồng thời, việc vận động cũng phải rất hiệu quả thì Việt Nam mới có được số vaccine cần thiết, nhất là đối với mặt hàng khan hiếm như vậy. Tôi cho là đấy chính là khó khăn lớn nhất. Chính vì vậy, công tác ngoại giao vaccine cũng phải rất là nhạy bén, phải dựa trên quan hệ rất tích cực và tin cậy với các đối tác của chúng ta".
© Ảnh : Thành Đạt - TTXVNHà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người trên 18 tuổi.
Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ người trên 18 tuổi.
© Ảnh : Thành Đạt - TTXVN
Theo nhận định của các chuyên gia quan hệ quốc tế, khó khăn trong chiến lược ngoại giao vaccine của Việt Nam được 'hóa giải’ theo chiều rộng thông qua chuyến công du nước ngoài với tần suất dày đặc của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
“Trong năm 2021, các cấp lãnh đạo Việt Nam thực hiện rất nhiều và liên tục các hoạt động ngoại giao vaccine trên mọi mặt trận và mọi lúc mọi nơi. Đối tượng hướng đến của ngoại giao vaccine rất đa dạng: từ các nước có quan hệ tốt truyền thống (Nga, Cuba) đến các nước phương Tây và các nước có quan hệ kinh tế mạnh với Việt Nam (Hàn Quốc, Nhật), cho đến lãnh đạo các tổ chức quốc tế (WHO) và cơ chế COVAX của LHQ, các tập đoàn tư nhân (Pfizer) và các hội nhóm hảo tâm, hội người Việt tại nước ngoài có nguyện vọng mua vaccine giúp Việt Nam" - N.L.Minh, chuyên viên truyền thông tại Trụ sở LHQ (New York, Mỹ) nhận định với Sputnik.
Khởi đầu kỷ nguyên hợp tác quốc tế mới
Đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho hợp tác quốc tế trên toàn thế giới, giữa Việt Nam và Liên bang Nga cũng không phải ngoại lệ. Song trong ‘cái khó’ lại mở ra cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt với Liên bang Nga.
“Theo quan sát của tôi, Nga là một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp vaccine Sputnik-V cho Việt Nam. Nga cũng là nước đầu tiên sản xuất thử nghiệm vaccine Sputnik-V tại Việt Nam. Tôi cho rằng đây là quan hệ tin cậy giữa hai đối tác vừa là bạn bè truyền thống, vừa là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga” - TS. Nguyễn Hùng Sơn chia sẻ đánh giá với Sputnik.
Ngày 26/9, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) công bố sản xuất thành công lô vaccine phòng COVID-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn và được Viện Gamalaya (Liên bang Nga) phân tích, thẩm định.
© Sputnik / Lena ChuCận cảnh những liều vaccine Sputnik V đầu tiên về Việt Nam
Cận cảnh những liều vaccine Sputnik V đầu tiên về Việt Nam
© Sputnik / Lena Chu
Cũng theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, việc cam kết cung cấp số lượng lớn vaccine Sputnik-V của Nga cho Việt Nam cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong vấn đề có ý nghĩa quan trọng chiến lược của hai nước.
Ngày 29/9, Việt Nam đã tiếp nhận lô vaccine Sputnik-V đầu tiên từ theo thỏa thuận giữa các bên liên quan giữa Việt Nam và Nga. Đây chính là thành quả của chuyến thăm Liên bang Nga của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng đã làm việc với lãnh đạo Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga về việc cung cấp vaccine, chuyển giao công nghệ gia công và sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam.
“Điều này mở ra triển vọng thêm nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này. Trong thời gian tới, trên tinh thần tin cậy và tương trợ lẫn nhau, hai nước có thể mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y sinh học, y tế để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Việt Nam có thể trở thành đối tác sản xuất vaccine của Nga, cung cấp cho các nước Đông Nam Á” - TS. Nguyễn Hùng Sơn kỳ vọng.
© Ảnh : VABIOTECHMột giai đoạn đóng ống Sputnik V tại VABIOTECH.
Một giai đoạn đóng ống Sputnik V tại VABIOTECH.
© Ảnh : VABIOTECH
Ngày 24/12, Việt Nam tiếp nhận, bảo quản 100.000 liều vaccine Sputnik Light do Chính phủ Liên bang Nga viện trợ. Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng các bên liên quan thúc đẩy phía Nga khẩn trương bổ sung và hoàn thiện hồ sơ để xem xét, cấp phép cho vaccine Sputnik Light theo quy định; đưa vào sử dụng khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, nghiên cứu, hợp tác sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh là hướng đi đúng đắn mà ngoại giao vaccine của Việt Nam đang hướng tới.
Sức mạnh 'mềm’ nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam
Qua chiến lược ngoại giao vaccine cho thấy, ngoại giao Việt Nam đã phát huy vai trò rất tốt vai trò tiên phong trong việc xử lý các thách thức của quốc gia từ sớm và từ xa. TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết:
“Điều này cho thấy ngoại giao có vai trò rất quan trọng trong sức mạnh tổng hợp của Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của đất nước, kể cả nhu cầu về an ninh. Trong trường hợp vaccine là an ninh phi truyền thống cũng như các nhu cầu về phát triển".
Điều này cũng cho thấy ngoại giao Việt Nam rất linh hoạt, chủ động thích ứng trong môi trường mới để có biện pháp tối ưu bảo vệ lợi ích quốc gia. Đồng thời cũng thể hiện ngoại giao đã phát huy được vai trò của mình trong việc chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong các hoạt động chung, ứng phó với thách thức toàn cầu.
“Chính vì Việt Nam thể hiện được tinh thần trách nhiệm, hỗ trợ các nước bạn bè và cộng đồng thế giới trong lúc chúng ta có điều kiện còn các nước gặp khó khăn, thì khi Việt Nam gặp khó khăn thì các nước đã quay trở lại hỗ trợ tích cực chúng ta. Điều này đã thể hiện sức mạnh mềm của ngoại giao Việt Nam” - TS. Nguyễn Hùng Sơn cho biết.
© Ảnh : Bùi Văn Lanh - TTXVNHơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sáng 10/7.
Hơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sáng 10/7.
© Ảnh : Bùi Văn Lanh - TTXVN
Đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp với các chủng mới liên tiếp xuất hiện. Điều đó cho thấy thách thức về dịch bệnh vẫn chưa kết thúc trong thời gian trước mắt. Vậy chiến lược ngoại giao vaccine của Việt Nam cần phải làm gì tiếp theo?
“Công tác ngoại giao vaccine mặc dù đã đạt được thành tích rất nổi bật trong thời gian qua nhưng cần tiếp tục cần được coi là ưu tiên trong thời gian tới để một mặt Việt Nam tiếp tục huy động các nguồn lực. Ở đây không chỉ là vaccine, để phòng chống hiệu quả với dịch bệnh mà còn có cả thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế khác. Mặt khác, cũng thể hiện đóng góp của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế tìm ra các giải pháp lâu dài trong ứng phó với thách thức phi truyền thống như dịch bệnh” - TS. Nguyễn Hùng Sơn chỉ rõ.
© Ảnh : Văn Dũng-TTXVNĐà Nẵng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu.
Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu.
© Ảnh : Văn Dũng-TTXVN
Sau dịch bệnh COVID-19 cũng có thể có các dịch bệnh khác xuất hiện vì vậy sự hợp tác, phối hợp, đồng hành động của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ an ninh lâu dài không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực.
“Về công tác ngoại giao vaccine thời gian tới đây cần phải thúc đẩy các khía cạnh hợp tác như vậy. Bên cạnh đó, cần phải thúc đẩy ngoại giao vaccine với ý nghĩa nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế nói chung, thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới” - Phó giám đốc Học viện Ngoại giao kết luận.
Cho đến nay chiến lược ngoại giao vaccine đã thể hiện là chủ trương đúng đắn, huy động được sự hỗ trợ to lớn của các nước, đối tác quốc tế, giúp tốc độ tiếp cận vaccine tăng đột phá. Đây là yếu tố quyết định để tiến tới kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn 'bình thường mới’.