Điều chưa biết về tân Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng và Thiếu tướng Lê Đăng Dũng
16:27 27.12.2021 (Đã cập nhật: 02:31 28.12.2021)
© Ảnh : Quốc Dũng - TTXVNĐại tá Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu tại chương trình
© Ảnh : Quốc Dũng - TTXVN
Đăng ký
Biến động nhân sự lãnh đạo cấp cao gây chú ý tại Viettel. Đại tá Tào Đức Thắng giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội thay cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.
Hãy cùng Sputnik tìm hiểu chân dung Đại tá Tào Đức Thắng- người nỗ lực đi lên từ vị trí chuyên viên quản lý kỹ thuật đến cương vị tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel.
Trong khi đó, hãy cùng nhìn lại chặng đường đã qua ở Viettel của tướng Lê Đăng Dũng, người được cư dân mạng Việt Nam gọi bằng cái tên rất gần gũi “ông chú Viettel”, từng thể hiện hàng loạt bản hit của Sơn Tùng M-TP như ‘Chúng ta không thuộc về nhau’, ‘Lạc trôi’.
Ai lãnh đạo Viettel?
Thông tin Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) có thay đổi, biến động nhân sự lãnh đạo cấp cao được đăng tải rộng rãi những ngày qua tại Việt Nam.
Theo đó, Đại tá Tào Đức Thắng, 48 tuổi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel.
Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một số quyết định nhân sự quan trọng liên quan đến ban lãnh đạo Tập đoàn Viettel.
Cụ thể, ngày 25/12/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 2200 QĐ-TTg bổ nhiệm đồng chí Đại tá Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn từ ngày 1/1/2022 thay cho đồng chí Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.
Cùng ngày, theo Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng ký Quyết định 2199/QĐ-TTg về việc đồng chí Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel sẽ chính thức nghỉ hưu theo chế độ từ 1/1/2022.
Như vậy, người sẽ lãnh đạo, chịu trách nhiệm chính “chèo con thuyền” phát triển Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thời gian tới chính là Đại tá Tào Đức Thắng.
Tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng được đánh giá là người kế nhiệm đầy triển vọng của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.
Đại tá Tào Đức Thắng và con đường trở thành tân Chủ tịch Viettel
“Tào Đức Thắng là ai?”, “Tân Chủ tịch Viettel”, “CEO Viettel”, “lãnh đạo Viettel là ai” liên tục được tìm kiếm tại Việt Nam ngay sau khi quyết định nhân sự của Chính phủ được công bố.
Đồng thời, các thông tin liên quan đến Đại tá Tào Đức Thắng, tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cũng như ‘Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nghỉ hưu’ trở thành một trong các từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Google Trends tại Việt Nam trong 2 ngày cuối tuần vừa qua.
Được biết, Đại tá Tào Đức Thắng, sinh 15/7/1973 quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Chủ tịch Viettel có trình độ Thạc sĩ Điện tử viễn thông.
Trước khi gia nhập Viettel, năm 1995, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, ông Thắng về công tác tại Công ty Điện thoại thuộc Bưu điện Hà Nội.
Ông Tào Đức Thắng từng là chuyên viên phòng Quản lý kỹ thuật, Công ty Điện thoại Hà Nội (từ tháng 10/1995 đến hết năm 1995), chuyên viên phòng Quản lý viễn thông, Bưu điện Hà Nội (từ tháng 1/1998 đến hết tháng 7/2005).
Ông Tào Đức Thắng bắt đầu làm việc tại Viettel từ tháng 8/2005. Tại thời điểm này, ông Thắng phụ trách cùng đội chuyên gia nước ngoài thực hiện tối ưu mạng lưới.
Thời điểm phát triển sơ khai hạ tầng viễn thông, mạng lưới viễn thông tại Việt Nam, cũng như các tập đoàn khác, Viettel gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Tào Đức Thắng và tổ chuyên gia kỹ thuật đã không bỏ cuộc. Tân Chủ tịch Viettel khi đó đã cùng đội ngũ nghiên cứu đi từ khảo nghiệm từ các thành phố lớn đến những vùng nông thôn, miền núi xa xôi của đất nước để thử nghiệm tối ưu mạng lưới.
Được biết, khi ấy, có rất nhiều phương án, biện pháp được đưa ra để phát triển mạng lưới viễn thông từ giải pháp nâng cao - hạ thấp ăngten tùy khu vực, cài đặt thêm card, san tải, điều chỉnh công suất hệ thống tải.
Sau quá trình nghiên cứu và phát triển, ông Tào Đức Thắng và tổ chuyên gia đã tìm ra bộ tham số điều khiển công suất cho đường vô tuyến. Được biết, đây chính là ‘phương thuốc đặc hiệu’, trị thành công thực trạng rớt mạng thường thấy.
Đồng thời, phương pháp này sau đó được phổ biến trong các đơn vị Viettel trên khắp Việt Nam cũng như phát triển ra các đơn vị thành viên của Tập đoàn ở nước ngoài.
Cùng với đó, có nhiều sáng kiến, ý tưởng của ông Tào Đức Thắng đã được áp dụng trên hệ thống của Viettel với hiệu quả cao, mang lại lợi ích cho tập đoàn.
Các phát kiến của nhóm chuyên gia kỹ thuật giúp làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho Viettel như công cụ giám sát chất lượng roaming quốc tế, tối ưu hóa tham số đổ chuông, giúp Viettel nâng cao khả năng cạnh tranh với các nhà mạng trong nước cũng như tại thị trường bên ngoài quốc gia.
Tiếp đó, ông được cử làm Phó Giám đốc phụ trách trung tâm điều hành kỹ thuật của Công ty Viettel Telecom thuộc Tổng công ty Viễn thông Viettel đến tháng 9/2007, đến tháng 8/2008 thì đảm nhiệm chức Giám đốc trung tâm.
Nhờ các thành công mang tính nền tảng, ông Tào Đức Thắng trở thành Phó Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (từ tháng 8/2008 đến tháng 3/2010), Giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel (từ tháng 4/2010 đến tháng 7/2013).
Kể từ tháng 5/2014 đến tháng 6/2015 ông Tào Đức Thắng là Tổng giám đốc Viettel Global (Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel được thành lập từ tháng 10/2007).
Trên cương vị Tổng giám đốc Tổng công ty Viettel Global, ông Tào Đức Thắng đã góp phần không nhỏ trong việc mở rộng thị trường viễn thông của Tập đoàn Viettel tại 10 quốc gia thuộc 3 châu lục (châu Á, châu Mỹ và châu Phi) với vùng phủ tới 175 triệu dân.
Giới quan sát kỳ vọng rằng, trở thành tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel từ 1/1/2022 tới đây, Đại tá Tào Đức Thắng sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu quan trọng của Tập đoàn, tiếp nối tinh thần nỗ lực không mệt mỏi, nhiệt huyết “tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc” từ chính những người tiền nhiệm như Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), hay Thiếu tướng Lê Đăng Dũng (sẽ nghỉ hưu theo chế độ thời gian tới sau thời gian dài cống hiền, đồng hành cùng Viettel).
“Ông chú Viettel” và những điều đặc biệt ở Thiếu tướng Lê Đăng Dũng
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, sinh năm 1959, quê quán tại tỉnh Quảng Trị, là kỹ sư Tự động hóa & điều khiển từ xa, thạc sĩ Kỹ thuật điện tử - viễn thông của Việt Nam sẽ chính thức nghỉ hưu từ đầu năm tới.
Ông Lê Đăng Dũng bước chân vào nghiệp binh đoàn từ khi trở thành học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự - thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đơn vị này có nhiệm vụ đào tạo chuyên gia khoa học kỹ thuật và công nghệ, chỉ huy tham mưu kỹ thuật (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) cho Quân đội Việt Nam và nhà nước cũng như đảm trách các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự, kết hợp nghiên cứu với triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ với sản xuất và thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của QĐNDVN.
© Ảnh : Phạm Hậu - TTXVNThiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phát biểu
© Ảnh : Phạm Hậu - TTXVN
Từ năm 1977-1983, ông Lê Đăng Dũng theo học chuyên ngành tự động và điều khiển từ xa Trường đại học kỹ thuật điện Leningrad, thuộc Liên Xô (cũ). Từ năm 1993 đến năm 1996, ông Dũng theo học thạc sĩ tại Trường đại học South Australia, Úc.
Từ ngày 1/11/1996 đến 20/11/1999, ông Lê Đăng Dũng về công tác tại Ban Viễn thông - Phòng Kỹ thuật TCT - Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin, nay là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Cũng như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng có thể được coi là một trong những cán bộ nòng cốt ‘đời đầu’ của Tập đoàn Viettel.
Từ năm 1999 đến năm 2000, ông là Phó trưởng phòng Đầu tư và Phát triển Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội Viettel và Trưởng phòng kể từ năm 2000-2002. Từ năm 2002 đến năm 2005, ông là Phó Giám đốc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội Viettel. Đến tháng 4/2005, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội Viettel.
Ông Lê Đăng Dũng trở thành Phó Tổng Giám đốc Viettel từ 1/2010, đến năm 2013 được phong quân hàm Thiếu tướng.
Tại Viettel, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng là Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVFinance), Phó tổng giám đốc phụ trách Đầu tư nước ngoài tại Viettet.
Từ năm 2016 đến 1 tháng 8 năm năm 2018, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global).
Hồi 7/2018, tướng Lê Đăng Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ phụ trách Chủ tịch kiêm phụ trách Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Đến 23/1/2019, Thủ tướng ký quyết định giao đồng chí Lê Đăng Dũng làm Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).
Ở Thiếu tướng Lê Đăng Dũng có rất nhiều điều đặc biệt. Ông chia sẻ từng mơ ước trở thành viện sĩ, làm công tác nghiên cứu ở Viện Khoa học Kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên, giấc mơ đó tan biến khi ông sang Úc tu nghiệp và làm thêm ở vị trí nhân viên giao hàng cho KFC.
Trả lời báo chí hồi tháng 6/2018, tướng Lê Đăng Dũng kể, khi còn học ở Úc, ông lái xe giao hàng KFC, thấy nhịp sống xã hội ở đất nước này thay đổi rất nhanh. Trước đó, năm 1993, ông giành được học bổng sang Úc với mục tiêu nâng cao trình độ tiếng Anh và chuyên môn.
“Lần đầu tiên, tôi tiếp xúc với những chuyện liên quan tới kinh doanh, tài chính. Từ đây, tôi dần dần không còn hứng thú với môi trường nghiên cứu nữa, thích làm một công việc khác giao tiếp xã hội nhiều hơn, có công việc tự do hơn thay vì trở thành một viên chức bình thường”, ông Lê Đăng Dũng kể.
Dù trước đó, khi học ở Liên Xô, ông trông giống như một “viện sĩ” - suốt ngày đeo kính và đọc sách. Năm 1996 về Việt Nam, ông Lê Đăng Dũng mới tính đến chuyện làm việc khác, chứ trước đây chỉ suốt ngày chuyên tâm vào đề tài và nghiên cứu với ước mở trở thành một “viện sĩ” thực thụ.
Từ khi còn làm Phó Tổng Giám đốc Viettel, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đã nổi tiếng với vai trò “ca sĩ”, một “người lính của Viettel rất yêu văn nghệ, đam mê ca hát”. Tướng Lê Đăng Dũng được cư dân mạng Việt Nam gọi bằng cái tên hết sức trìu mến – “ông chú Viettel”.
Dù là người lãnh đạo cấp cao của Viettel nhưng Thiếu tướng Lê Đăng Dũng lại là người vô cùng gần gũi. Có lẽ, nhờ tinh thần trẻ trung, sở thích đam mê ca hát, hát được cả các dòng nhạc trẻ, thậm chí là rap, giúp “ông chú Viettel” luôn để lại ấn tượng riêng biệt trong mắt thế hệ kế tiếp.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng từng ‘gây sốt’ cộng đồng mạng khi từng song ca với các ca sĩ trẻ nổi tiếng của Việt Nam như Sơn Tùng M-TP, Isaac, Bảo Anh.
Những bản hit của giới trẻ như "Âm thầm bên em", "Nắng ấm xa dần", "Chúng ta không thuộc về nhau", "Nơi này có anh", "Lạc trôi", "Em của ngày hôm qua" (song ca với Sơn Tùng M-TP), Thật bất ngờ (Trúc Nhân) của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng được công chúng đón nhận và cổ vũ nồng nhiệt.
Viettel được đánh giá là một trong những công ty viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Viettel đã trở thành doanh nghiệp thuộc Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu. Giá trị thương hiệu của Viettel được Brand Finance xác định là 4,3 tỷ USD – thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới và là thương hiệu giá trị nhất tại Việt Nam. Hôm 22/12 vừa qua, Anphabe công bố, Viettel có môi trường làm việc tốt nhất ngành Công nghệ thông tin -Viễn thông Việt Nam năm 2021 5 năm liên tiếp.
Trong cuộc chia sẻ với Sputnik Việt Nam gần đây, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết, sứ mệnh của Viettel là góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển và đặc biệt là phải làm chủ các công nghệ lõi.
Theo ông Lê Đăng Dũng, Viettel đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 thế giới nghiên cứu các thiết bị 5G, đồng thời, đặt ra một số mục tiêu như hoàn thiện được sản phẩm “Made in Vietnam” để sử dụng trong mạng lưới viễn thông quốc gia, tiến tới xuất khẩu nước ngoài và quan trọng hơn là đưa Viettel thành đơn vị “có tên tuổi” trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, tại các tổ chức, hiệp hội nghiên cứu sản xuất uy tín toàn cầu.
Bên cạnh đó, Viettel ưu tiên hợp tác quốc tế, tìm các công ty sở hữu công thức công nghệ cao, công nghệ lõi để hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, mua bản quyền để nghiên cứu, sản xuất các thiết bị do Việt Nam làm chủ.
“Tôi cho rằng, Viettel đang đi đúng hướng trong hợp tác quốc tế. Các công ty của Viettel như Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao, viện Hàng không Vũ trụ Viettel đang hợp tác với rất nhiều đối tác trên thế giới với mục tiêu tiếp thu công nghệ mới để nghiên cứu ra các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng để đóng góp cho sự phát triển chung của nhân loại”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết.
Tướng Lê Đăng Dũng cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông Liên bang Nga (nhất là khối đơn vị có thế mạnh về CNTT, phần mềm, an ninh mạng) nhằm cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như về chuyển đổi số.
“Doanh nghiệp Nga sở hữu dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm, an ninh mạng rất mạnh. Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định.