Hai thương vụ đình đám khiến thị trường và dư luận Việt Nam dậy sóng
Đăng ký
Xung quanh hai thương vụ đình đám khiến thị trường và dư luận Việt Nam dậy sóng trong những ngày này, nhiều câu hỏi được đặt ra: Có hay không ảnh hưởng xấu tới thị trường BĐS và môi trường đầu tư? Có hay không có dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán? Ai bị thiệt hại nhiều nhất?...
Ngày 11/1, Tân Hoàng Minh đã đơn phương xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm. Điều này đã trở thành đề tài tranh luận nóng nhất Việt Nam trong những ngày này. Song song, việc ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC, hôm 10/1 đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin cũng đang làm xáo động dư luận Việt Nam.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh “nhổ cọc bỏ của”
Lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3, Khu đô thị Thủ Thiêm, đã được đấu giá hồi tháng 12/2021. Và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá khu đất có diện tích hơn 10.000 m2 với số tiền 24.500 tỷ đồng. Đây là kỷ lục mới trong lĩnh vực bất động sản với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất, gấp 8 lần giá khởi điểm. Số tiền mà Tân Hoàng Minh đặt cọc cho lô đất đấu giá này là 588 tỷ đồng.
Sau sự kiện này, một câu hỏi được đặt ra khắp nơi, với mức giá hơn 2,4 tỷ đồng một mét vuông, doanh nghiệp sẽ xây dựng gì trên đó để có lãi?
Theo nhiều chuyên gia, việc cố tình đấu giá với mức cực cao đã gây nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản: tạo ra một đỉnh giá mới, khiến thị trường dậy sóng, nguy cơ gây bong bóng bất động sản...
“Đây là vở kịch họ diễn để nâng giá trị đất đai ở vùng xung quanh cũng như ở TP Hồ Chí Minh, để nâng giá trị cổ phiếu các công ty của họ. Sau đó, dư luận xã hội xung quanh việc việc giá đấu thầu quá cao quá ầm ĩ, làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội đất nước. Và các "bác" đã "khuyên" bỏ cọc để ổn định thị trường bất động sản”, - TS kinh tế Lê Hòa nêu quan điểm của mình với Sputnik.
“Tân Hoàng Minh bỏ cọc vì các “cụ” (lãnh đạo Việt Nam) bực mình. Chấp nhận mất còn hơn bị các “cụ” giận. Về khía cạnh chính trị, thì giá cao quá không ổn tý nào. Mục đích đấu thầu thì để minh bạch hoá và đem lại giá cao nhất cho người bán, đáp ứng lợi ích về kinh tế. Trong vụ việc này, ông Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh chả có tội gì. Luật pháp cho phép. Nhưng vấn đề là các ngân hàng không cho vay nên ông ấy không có tiền. Tân Hoàng Minh làm gì có tiền nhiều thế!”, - Chuyên gia tài chính ngân hàng Hoài Linh bình luận với Sputnik.
Nhiều nhà đầu tư kiểu “ăn theo” thua thiệt nặng
Theo nguồn tin của Sputnik, từ tháng 12-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu tiến hành thu thập hồ sơ và xác minh 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về quản lý và sử dụng đất đai trái quy định của pháp luật; có thể có liên quan đến một số quan chức thành phố. Các dự án lớn nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan điều tra gồm: “D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu” (Đống Đa). “D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên” (Cầu Giấy), “D'. Le Roi Soleil Quảng An”(Tây Hồ). “Hoàng Minh Đại Cồ Việt” (Hai Bà Trung), “D’. San Raffles Hàng Bài” (Hoàn Kiếm) và 6 dự án khác.
“Các sở, ban, ngành có liên quan thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã được cơ quan Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu như các văn bản pháp lý do Ủy ban Nhân dân thành phố ký, duyệt liên quan đến các dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Hiện tại, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội đã có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân thành phố cho biết họ đã cung cấp các hồ sơ liên quan đến các dự án của Tân Hoàng Minh cho cơ quan điều tra, Bộ Công an”, - Một đại tá công an phát biểu trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
“Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến Tân Hoàng Minh chịu bỏ cọc, mất tiền tới gần 600 tỷ đồng trong vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Cách đây mấy năm, Tân Hoàng Minh đã có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh và thao túng thị trường đất đai ở Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với Tân Hoàng Minh bị thua thiệt đã tổ chức diễu hành phản đối bằng ô tô có căng biểu ngữ nhưng bị lực lượng chức năng giải tán trên đường Lạc Long Quân, cạnh Hồ Tây. Tuy nhiên, đó chỉ là phản ứng ban đầu của nhiều người ham làm giàu đã lao vào ôm đất chờ tăng giá. Từ đó, tạo nguy cơ bong bóng bất động sản, và làm đóng băng những dự án mới. Với động thái “nhổ cọc chịu lỗ” của Tân Hoàng Minh, rất nhiều nhà đầu tư kiểu “ăn theo” sẽ thua thiệt nặng. Còn Tân Hoàng Minh thì chẳng hề hấn gì”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ thông tin với Sputnik.
Thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng lớn từ những diễn biến của vụ việc này khi giá cổ phiếu bất động sản cũng liên tục nhảy múa theo mỗi động thái của Tân Hoàng Minh. Người chịu tác động lớn nhất chính là các nhà đầu tư lướt sóng. Việc trúng thầu lô đất với giá khó tin của Tân Hoàng Minh đã kéo theo một lượng lớn nhà đầu tư mua cổ phiếu chờ thời. Để rồi, khi công ty này bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc chơi, chính những người đang ôm cổ phiếu sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề khi giá tụt dốc.
“Các động thái tung hô cổ phần, bán cổ phiếu, huy động vốn để đầu tư đất đai, bất động sản với số lượng lớn của Công ty Ngôi sao Việt (Công ty con của Tân Hoàng Minh) đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi nó tạo ra một “bong bóng kép” bao gồm cả bất động sản và chứng khoán. Nếu không ngăn chặn sớm, bong bóng này có thể bị vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy khác cho nền kinh tế cũng như làm cho nhiều dự án khác bị đóng băng do bị Tân Hoàng Minh thao túng. Dấu hiệu thao túng thị trường đất đai và bất động sản của Tân Hoàng Minh đã phát lộ. Đó là lý do để cơ quan công an đặt vấn đề có hay không những sai phạm của tập đoàn này”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói tiếp với Sputnik.
Vụ ông Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu, có hay không có dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán
Theo nguồn tin của Sputnik, Ủy ban Chứng khoán Việt Nam đang phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ sự việc ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu nhưng không công bố theo quy định.
Theo Bộ tài chính, về chế tài xử phạt đối với ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty FLC, bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1 mà không công bố thông tin, đã hủy giao dịch bán toàn bộ số cổ phiếu của ông Quyết. Không chỉ bị hủy bán toàn bộ số cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết sẽ còn bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cao nhất.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhưng không báo cáo, không thông tin về các giao dịch đó. Cuối năm 2017, ông này đã đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC, thu về hàng trăm tỷ đồng. Ngày 10/1/2022, với giao dịch bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu không có thông tin báo cáo với trị giá 21.150 VND/cổ phiếu, FLC cũng thu về tới 1.600 tỷ đồng.
Theo quy định tại Luật Chứng khoán Việt Nam, để giảm bớt rủi ro bất cân xứng thông tin trên thị trường, ngăn chặn các hành vi thao túng cổ phiếu, người vừa là lãnh đạo doanh nghiệp, vừa là cổ đông lớn như ông Quyết thuộc đối tượng phải công bố thông tin theo khoản khoản 1 điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Hành vi của ông Trịnh Văn Quyết còn phạm vào Khoản 9, Điều 3 của Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 (sửa đổi bởi Nghị định 128/2021NĐ-CP ngày 30/12/2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán khi người đứng đầu và là cổ đông lớn nhất của tập đoàn có hành vi “Che giấu thông tin về quyền sở hữu thực sự đối với một hoặc một số chứng khoán để trốn tránh hoặc hỗ trợ người khác trốn tránh thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin hoặc chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam” là việc các tổ chức, cá nhân thỏa thuận hoặc thực hiện giao dịch hoặc theo bất kỳ phương thức nào mà thông qua đó một bên cung cấp hoặc giao tiền, tài sản cho bên kia để bên kia đứng tên mua, sở hữu chứng khoán, từ đó bên cung cấp hoặc giao tiền, tài sản trốn tránh thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin hoặc chào mua công khai hoặc quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.
“Trước mắt, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (State Securities Commission of Vietnam - SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã hủy bỏ phiên giao dịch gây “đứng hình” tại Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh lúc 14 giờ ngày 10/1/2022; đồng thời phong tỏa tất cả các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết trên toàn hệ thống để xử lý sai phạm. Tuy nhiên, cũng vì các biện pháp xử lý nặng tay này mà các cổ phiếu có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị “bán đổ bán tháo”, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm 115 điểm sau khi lập “đỉnh” 1.560 điểm”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Hoàng nói tiếp với Sputnik.
“Theo quy định tại nghị định 156/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán của cá nhân vi phạm tối đa là 1,5 tỉ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng. Nhiều người cho rằng, mức phạt 1,5 tỷ đồng chẳng khác gì mức phạt đánh đòn kiểu “phủ bụi trên áo cổ cồn” khi ông ta có thể thu về ít nhất là 1.200 tỷ đồng và cao nhất có thể tới 1.600 tỷ đồng nếu phi vụ “bán chui” không bị phát hiện”, - TS Hoàng Minh nói với Sputnik.
Liên quan đến câu hỏi có hay không có dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán trong vụ “bán chui” cổ phiếu này, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ kiêm người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam cho biết về nguyên tắc, khi có những vấn đề về an ninh xã hội đáng chú ý, Bộ Công an sẽ thực hiện một số công tác nghiệp vụ theo chức năng nhiệm vụ.
Điều tra về hai thương vụ đình đám đang được tiến hành. Tỏ mờ, sáng tối và đúng sai như thế nào, hồi sau sẽ rõ.