Từng khiến thế giới bất ngờ khi làm chủ 5G, Việt Nam sẽ đi đầu về 6G
© Depositphotos.com / WrightStudio6G
© Depositphotos.com / WrightStudio
Đăng ký
Như Sputnik thông tin, Việt Nam đã từng khiến thế giới bất ngờ, khi “không nhiều người tin”, đất nước nhỏ bé hình chữ S đã làm chủ thành công công nghệ 5G, sánh ngang với những cường quốc hàng đầu về công nghệ, viễn thông của thế giới.
Bước sang năm 2022, Việt Nam tiếp tục tiến hành thương mại hóa 5G, khởi động nghiên cứu 6G, đưa đất nước nằm trong top đầu thế giới về thế hệ mạng di động thứ 6, đồng thời tiếp tục nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ 5G, 6G “make in Vietnam”.
Làm chủ thành công 5G, Việt Nam sẽ đi đầu về 6G
Thông tin Việt Nam bắt đầu nghiên cứu mạng 6G năm 2022, đồng thời, đặt mục tiêu nằm trong top đầu thế giới về phát triển công nghệ 5G, 6G được khích lệ bởi những tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của khối Viễn thông cuối tuần rồi, thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, người nổi tiếng từ thời còn làm lãnh đạo ở Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội Viettel, đã nêu ra mục tiêu tham vọng ấy.
Tham vọng, nhưng khả thi, nếu nhìn vào những gì Việt Nam đã làm được với công nghệ 5G cũng như đặt niềm tin ở bản lĩnh, trí tuệ của người Việt.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Vụ Công nghệ Thông tin & khối các cơ quan đơn vị viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố, sau một năm nữa, “viễn thông Việt Nam” sẽ đổi khác.
Ông Hùng đưa ra các mục tiêu cho ngành viễn thông Việt Nam “vào nhóm đầu về phát triển mạng 5G, 6G của thế giới”.
“Viễn thông thay vì đi theo thì từ nay phải đi đầu. Đi trong nhóm đầu về phát triển 5G và 6G”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
© Ảnh : Hoàng Hiếu - TTXVNBộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
© Ảnh : Hoàng Hiếu - TTXVN
Để hiện thực hóa kế hoạch tham vọng này, Việt Nam sẽ khởi động nghiên cứu 6G ngay trong năm nay – 2022, bên cạnh việc phan bổ tần số 5G, phát triển mạnh mạng 5G trên khắp cả nước.
“Phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc, khởi động nghiên cứu 6G, ngay trong năm 2022”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cục Viễn thông cho hay, Ban Chỉ đạo 6G của Việt Nam đã được thành lập. Đồng thời, cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới có Ban Chỉ đạo riêng về công nghệ 6G này.
Đáng chú ý, cũng theo phát biểu của người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, tại Việt Nam, các nhà làm chính sách cũng đặt mục tiêu tần số 6G được cấp phép vào năm 2028, trước khi chính thức được thương mại hóa.
Về công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với kinh nghiệm dạn dày từ thời còn “chinh chiến ở Viettel”, gợi mở nhiều đề xuất về mặt công nghệ.
Theo vị Tư lệnh, mạng viễn thông phải nhanh chóng chuyển sang Cloud-based và Software-based, để mạng viễn thông trở lên thông minh và linh hoạt, có thể cấu hình thành nhiều mạng con chuyên dùng bằng phần mềm.
“Công nghệ sử dụng là công nghệ mở, sử dụng Open RAN cho 5G, 6G”, ông Hùng nói.
Việt Nam phải sản xuất thành công thiết bị 5G, 6G
Có thể thấy, như phong thái thường lệ, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu bật hào khí cuộc cách mạng “Make in Vietnam”.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Việt Nam không chỉ nghiên cứu, phát triển công nghệ 5G, 6G, đưa đất nước vào top của thế giới, mà còn phải tạo ra sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
“Thay vì dùng thiết bị nước ngoài thì dùng thiết bị trong nước. Nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh việc ban hành tiêu chuẩn thiết vị viễn thông Việt Nam.
“Các nhà mạng khi đấu thầu mua sắm phải mời các doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong nước”, vị Tư lệnh ngành đặc biệt lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, 5 đơn vị triển khai kế hoạch này thuộc lĩnh vực hạ tầng và tạo ra không gian số.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, không gian số đứng trên hạ tầng và khối này còn bao phủ đến phần công nghiệp đang có quy mô 136 tỷ USD/năm và có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đang làm cho các công ty đa quốc gia mà hợp tác với các doanh nghiệp Việt sẽ rất hiệu quả, theo Bộ trưởng.
Cùng với đó, người đứng đầu Bộ TT&TT cũng nêu rõ, cần phải nâng cao nội hàm Make in Vietnam lên 30% và phải có sản phẩm công nghệ cao tiêu biểu của Việt Nam như 5G.
Viễn thông Việt Nam cần đổi mới
Để thực hiện chiến lược, Cục Viễn thông phải chuyển hoạt động quản lý sang dẫn dắt điều hành, tạo động lực phát triển.
“Viễn thông đã đi ngang mấy năm nay và cần không gian mới để phát triển”, Bộ trưởng bày tỏ.
Do đó, theo vị lãnh đạo, Cloud Computing và Digital Platform sẽ là không gian mới sẽ tăng trưởng nhanh hơn viễn thông truyền thống. Hạ tầng quan trọng nhất của hạ tầng số là Cloud Computing. Thiếu tướng Hùng chỉ rõ, thị trường Cloud Computing sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và sẽ vượt doanh thu viễn thông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng đề cập vấn đề đặc biệt quan trọng nữa, đó là, viễn thông sẽ chuyển sang hạ tầng số, nhưng phải dọn rác viễn thông năm 2022.
“Việc các nhà mạng xử lý SIM rác doanh thu không những không giảm mà còn tạo ra không gian mới. Nếu giải xong thì hạ tầng đó, thuê bao đó trở thành hạ tầng của nền kinh tế và thuê bao định danh”, Thiếu tướng Hùng nói.
Theo vị lãnh đạo, viễn thông cần có sự đổi mới lần 2 sau 30 năm. Hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số.
Ông Hùng nhấn mạnh, lần đổi mới này sẽ vẫn lấy tinh thần đổi mới của lần thứ nhất là công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, hạ tầng đi trước.
“Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số phải thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, lọt vào top 30 năm 2025. Chất lượng mạng lưới phải tương đương với các nước phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu yêu cầu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu phải bảo đảm an toàn, an ninh mạng viễn thông. Các thiết bị viễn thông phải có tiêu chuẩn về an toàn, an ninh mạng. Nhà mạng phải đầu tư các công nghệ, thiết bị để đảm bảo mạng viễn thông an toàn, đảm bảo để các cơ quan an ninh có thể truy vết các hoạt động vi phạm.
“Phát triển kinh tế phải đi với đảm bảo quốc phòng an ninh. Người Việt Nam phải làm chủ không gian mạng Việt Nam”, Bộ trưởng Hùng khẳng định.
Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị thực hiện chuyển đổi số công tác quản lý. Kết nối online tới các nhà mạng để thay thế các báo cáo. Phân tích, đánh giá dữ liệu bằng Big Data, bằng AI để quản lý và phát triển ngành. Chuyển đổi số để tăng năng suất lao động 20-30%.
Việt Nam thời gian tới cũng sẽ đẩy mạnh kế hoạch phát triển hạ tầng số cho từng địa phương. Mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, học tập và phổ biến kinh nghiệm quốc tế.
Nhấn mạnh yêu cầu “viễn thông phải tăng trưởng 2 con số để đến 2025, viễn thông tăng gấp đôi”, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam cần thiết kế lại tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Đầu tư các công cụ làm việc mới hiện đại để hỗ trợ công tác, tăng năng suất lao động, chủ yếu là dựa trên các công nghệ và nền tảng số. Đào tạo lại, đào tạo nâng cấp cho nhân viên, chủ yếu thông qua các nền tảng đào tạo trực tuyến. Bổ sung nhân lực từ các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số cho đất nước.
“Sứ mệnh lớn thì cần sáng tạo lớn. Việc khó thì cần cách tiếp cận mới, cần sáng tạo Việt Nam, phù hợp ngữ cảnh Việt Nam. Việt Nam phải đi con đường Việt Nam thì mới phát triển được Việt Nam”, Bộ trưởng kiên định.
Làm gì để Internet Việt Nam lành mạnh?
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết của ngành Công Thương gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, sự thịnh vượng mới của nhân loại phụ thuộc vào Internet.
Việt Nam không thể thịnh vượng nếu không chuyển đổi số. Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là động lực để giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Chỉ có đi trước thì mới thay đổi được thứ hạng. Việt Nam muốn phát triển thì phải đi đầu, đi trong nhóm đầu và đi nhanh về chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông luôn tâm huyết rằng, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, sánh vai cường quốc năm châu, hùng cường thịnh vượng để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm là một “sứ mệnh lớn”.
Do đó, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tin tưởng vào các đơn vị khối viễn thông sẽ có những đổi mới quan trọng để bứt phá vươn lên.
Ông nhấn mạnh, lĩnh vực viễn thông có bứt phát vươn lên thì Việt Nam mới có thể bứt phá vươn lên, vì lĩnh vực này là hạ tầng cho sự bứt phá vươn lên ấy. ‘Cờ đến tay thì phất thôi’, cái gì khó khăn, sẽ có lãnh đạo Bộ cũng như đích thân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hỗ trợ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, kinh doanh thì phải có trách nhiệm cao với xã hội. Số người sử dụng viễn thông là hàng trăm triệu. Doanh thu là hàng trăm ngàn tỷ. Lợi nhuận là hàng chục ngàn tỷ.
“Chúng ta có trách nhiệm gì để người dân an toàn, để người dân không bị gây phiền nhiễu, để Internet Việt Nam lành mạnh, để không gian sống mới của chúng ta được phồn vinh và hạnh phúc?”, ông Hùng đặt vấn đề.
Thứ trưởng Phạm Đức Long đặc biệt nhấn mạnh, mục tiêu phát triển công nghệ 5G, 6G của Việt Nam không chỉ của riêng các cục, vụ của Bộ TT&TT mà là mục tiêu của ngành viễn thông cả nước.
Thứ trưởng Long nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải đồng hành thực hiện. Đây là trách nhiệm và là sứ mệnh của các doanh nghiệp. Không chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới mang trong mình sứ mệnh này, kể cả các doanh nghiệp tư nhân cũng vậy.
“Chúng ta phải mang trong mình sứ mệnh để thúc đẩy sự phát triển của ngành, của hạ tầng số trong tương lai”, ông Phạm Đức Long nói.
Cục Viễn thông trước đó cũng cho biết, Việt Nam sẽ triển khai thương mại 5G năm 2022 và đến năm 2025 sẽ phủ sóng 5G đến tối thiểu 25% dân số cả nước.
Hiện tại, mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước, theo dữ liệu của Cục Viễn thông. Sputnik cũng đưa tin trước đó, công nghệ 5G được các nhà mạng hàng đầu Việt Nam như Viettel, VNPT, Mobifone thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố, ghi nhận nhiều kết quả tích cực.