Vụ thảm kịch 39, Bỉ xác định “người Việt hại người Việt”
13:54 20.01.2022 (Đã cập nhật: 14:08 20.01.2022)
Đăng ký
Liên quan đến vụ án 39 người Việt chết ở Anh (thảm kịch 39), tòa án Bỉ vừa kết luận, kẻ cầm đầu đường dây buôn người này là một người Việt Nam có tên Vo Van Hong (tức Võ Văn Hồng, 45 tuổi).
Tòa án Bỉ cũng khẳng định, băng nhóm của Vo Van Hong được tổ chức hết sức bài bản, tinh vi, chuyên đưa người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, đích đến cuối cùng là Vương quốc Anh với chi phí trên 24.000 euro/người.
Chính quyền Việt Nam trong các tuyên bố chính thức coi vụ 39 người Việt chết ở Anh là một “thảm kịch nhân đạo”, đồng thời, khẳng định chính sách nhất quán của Hà Nội, lên án mạnh mẽ tội phạm buôn người và luôn giữ chủ trương phòng chống di cư trái phép, chống hành vi mua bán người.
Cầm đầu vụ 39 người Việt chết ở Anh là người Việt
Ngày 19/1, Tòa án hình sự thành phố Brugge (Bruges), Bỉ đã ra phán quyết vụ 39 người Việt chết trong thùng xe đông lạnh (container) ở hạt Essex, London, Anh năm 2019.
Vụ việc gây chấn động dư luận thế giới và đã được Sputnik Việt Nam cập nhật liên tục thời gian qua.
Theo đó, Tòa hình sự Brugge của Bỉ đã xác định kẻ cầm đầu đường dây buôn người, gây ra thảm họa 39 – khiến 39 người Việt chết ngạt trong thùng xe container ở Anh là một người đàn ông Việt Nam có tên Vo Van Hong (tức Võ Văn Hồng, 45 tuổi), định cư tại Vương quốc Bỉ.
Tòa hình sự Bỉ đã áp dụng mức án cao nhất đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu Võ Văn Hồng, với tội danh tổ chức đường dây buôn người là 15 năm tù.
© AFP 2023 / Kurt DesplenterNgày 19/1, Tòa án hình sự thành phố Brugge (Bruges), Bỉ đã ra phán quyết vụ 39 người Việt chết trong thùng xe đông lạnh (container) ở hạt Essex, London, Anh năm 2019
Ngày 19/1, Tòa án hình sự thành phố Brugge (Bruges), Bỉ đã ra phán quyết vụ 39 người Việt chết trong thùng xe đông lạnh (container) ở hạt Essex, London, Anh năm 2019
© AFP 2023 / Kurt Desplenter
Thảm kịch 39 - vụ việc phát hiện ra rất nhiều người chết, bao gồm 2 nạn nhân 15 tuổi, trong thùng xe container ở khu đất công nghiệp ở phía Đông thủ đô London, Anh năm 2019 đã gây sốc cho nhà chức trách Anh và chính quyền Việt Nam, cũng như dư luận thế giới, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tệ nạn buôn người ngày càng tinh vi và tồi tệ.
“Bị đối xử như món hàng hóa”
Bản án của tòa nêu rõ, các bị cáo đã có hành vi buôn người, gây ra tội ác đặc biệt nghiêm trọng.
Hội đồng xét xử gồm có 3 thẩm phán tuyên bố cáo trạng cho thấy, mỗi nạn nhân tham gia đường dây nhập cư trái phép vào châu Âu này đã phải bỏ ra 25.000 euro (khoảng 28.375 USD) để có thể tới Anh.
Điều khủng khiếp nhất là trong đường dây buôn người mà Võ Văn Hồng là kẻ chủ mưu cầm đầu, các nạn nhân người Việt đã “bị đối xử như một món hàng hoá”.
Đáng chú ý, Tòa án hình sự thành phố Brugge cũng yêu cầu bị cáo Võ Văn Hồng phải trả số tiền phạt 920.000 euro (1,04 triệu USD) bên cạnh bản án tù 15 năm về tội tổ chức điều hành đường dây buôn người xuyên biên giới, nhập cư trái phép vào châu Âu và chịu trách nhiệm liên quan đến cái chết của 39 người Việt trong thảm kịch tại khu công nghiệp ngoại ô London Anh hồi tháng 10/2019.
Ngoài ra, 17 kẻ khác liên quan tới đường dây buôn lậu người từ Việt Nam sang Anh bị kết án từ 18 tháng đến 10 năm tù giam.
Tòa hình sự Bỉ khẳng định, trong số những người bị kết án có 11 người đến từ Việt Nam hoặc công dân Việt Nam.
Cơ quan công tác xác định, những người Việt Nam này đã sử dụng chính nhà mình để làm nơi chứa những người di cư, thu xếp giấy tờ và mua thẻ sim điện thoại cho các nạn nhân hoặc đóng vai trò trung gian. Tức trong thảm kịch 39 kinh hoàng ở Anh hồi năm 2019, chính người Việt đã hại người Việt, dù ban đầu họ sử dụng hộ chiếu, giấy tờ tùy thân thể hiện “mang quốc tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
Thẩm phán Bỉ khẳng định, băng nhóm buôn người do chính người Việt cầm đầu, được tổ chức hết sức bài bản, chuyên nghiệp, chuyên đưa người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, trong đó, phần lớn, đích đến cuối cùng là Anh.
Ngoài các bị cáo người Việt, 6 tài xế xe taxi, trong đó, chủ yếu là người di cư đến Brussels, Bỉ, cũng bị kết án.
Được biết, kẻ cầm đầu trong số này là một người đàn ông Morocco, vẫn cố tình tiếp tục hoạt động, làm việc sau thảm họa 39 nạn nhân tử vong trong xe container ở Anh vào tháng 10/2019.
Như chúng tôi đã thông tin, toàn bộ thi thể của 39 nạn nhân người Việt Nam được cảnh sát Anh tìm thấy bên trong một xe container ở Essex. Trước đó, họ đã lên tàu ở cảng Zeebrugge, Bỉ.
Năm 2021, tòa án Anh đã kết án 4 người đàn ông, trong đó có 2 tài xế xe tải, về tội ngộ sát và vi phạm luật nhập cư với mức án tù từ 13-27 năm.
Việt Nam coi vụ 39 người chết ở Anh là “thảm kịch nhân đạo”
Trong các tuyên bố chính thức, chính quyền Việt Nam đều khẳng định, Hà Nội lên án mạnh mẽ các hành vi buôn người.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trước đó từng phát biểu cho biết, Việt Nam coi đây là ‘thảm kịch nhân đạo’ và loại tội phạm nghiêm trọng và cần bị trừng trị thích đáng.
“Đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng.
“Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Cùng với đó, đại diện Bộ Ngoại giao cũng đã cảm ơn và đánh giá cao Chính phủ Anh, các cơ quan liên quan và địa phương của Anh đã tích cực triển khai khám nghiệm, cung cấp thông tin về nhận dạng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam trong suốt thời gian qua. Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cũng mong giới chức Anh sẽ nghiêm trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch đau lòng này.
Nhà lãnh đạo Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu “không được để tái diễn thảm kịch 39 người chết ở Anh”.
“Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn”, ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội khi còn nắm cương vị Thủ tướng Chính phủ.
Hồi năm 2020, khi bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia có vấn đề về buôn người ở cấp 2, cần theo dõi (Tier 2 Watch List – danh sách các nước không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để loại bỏ nạn buôn người, nhưng thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận), Việt Nam đã khẳng định, Chính phủ luôn chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này.
Nhấn mạnh báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình mua bán người năm 2019 “không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng chống nạn buôn người của Việt Nam”, đại diện Bộ Ngoại giao đã tuyên bố sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Mỹ, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác phòng chống loại hình tội phạm này.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam chống nạn buôn người và cho biết, chính quyền đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán.
Từ 20/3/2020, Thủ tướng Việt Nam cũng đã ký quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên Hiệp Quốc.
Trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.