“Các nước nể Việt Nam hơn”
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Uỷ viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của mình tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tham gia, dẫn dắt nhiều hội nghị, cũng như đề xuất thông qua được những nghị quyết quan trọng góp phần giải quyết các xung đột xảy ra trên thế giới.
Những nỗ lực của Việt Nam trong hai năm qua tại Hội đồng Bảo an đã được đông đảo bạn bè quốc tế ghi nhận, từ đó làm tăng vị thế và uy tín của đất nước.
Vị thế của Việt Nam và sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế
Sáng 22/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết hai năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các vị khách quốc tế.
Các vị đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài tham dự qua hình thức trực tuyến.
Là cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ quan duy nhất có quyền hạn đặc biệt đưa ra các quyết định có tính ràng buộc pháp lý với 193 quốc gia trên thế giới.
Chỉ hơn 10 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, Việt Nam đã một lần nữa tái đắc cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu bầu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu).
Điều này cho thấy vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, đạt được các mục tiêu, phương châm đề ra từ đầu nhiệm kỳ, để lại những dấu ấn quan trọng, đóng góp lớn vào công việc chung của thế giới.
Sự thành công này đến từ nhiều yếu tố mà trong đó có sự chỉ đạo sát sao, tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, sự kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong nước và sự tín nhiệm, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Việt Nam tích cực và có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã khẳng định được năng lực và vai trò dẫn dắt hòa giải trong nhiệm kỳ vừa qua.
"Tham gia Hội đồng Bảo an là cơ hội lớn để đẩy mạnh và nâng tầm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho công cuộc đổi mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Theo ông, trong suốt thời gian làm nhiệm vụ, Việt Nam đã chứng tỏ năng lực điều hành, thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải các hội nghị với nhiều thành quả tích cực. Việt Nam cũng cho thấy hình ảnh về một quốc gia sẵn sàng tham gia một cách tích cực, có trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Các quốc gia ủy viên Hội đồng Bảo an, các nước bạn bè truyền thống đã coi trọng và đánh giá cao những nỗ lực đó của Việt Nam, đặc biệt là trong 2 lần Việt Nam giữ ghế Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Những đóng góp đó của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc đã làm tăng uy tín và vị thế đất nước.
Theo Thủ tướng, việc tham gia Hội đồng Bảo an còn là cơ hội để Việt Nam nắm bắt thông tin, xu thế, biến động của thế giới và khu vực, từ đó ngăn chặn sớm, từ xa những nguy cơ an ninh với Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc.
Hội đồng Bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, được lập ra với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm.
Trước đó ngày 17/1, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng phát biểu trong cuộc họp báo rằng, Việt Nam đã thể hiện rõ bản sắc đất nước trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
Bằng cách truyền tải thông điệp "đối tác vì hòa bình, bền vững", Việt Nam đã thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Vào tháng 1 năm 2020, Việt Nam đã chủ trì phiên thảo luận mở về Hiến chương Liên Hợp Quốc, với sự góp mặt của 111 đại diện đến từ các nước và tổ chức quốc tế tham gia, phát biểu. Đây là con số cao kỷ lục với một cuộc họp của Hội đồng Bảo an.
Cũng chính Việt Nam là nước chủ trì thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573, nghị quyết riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu với người dân trong xung đột, nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững và toàn diện cho xung đột.
Nghị quyết 2573 là một trong số rất ít nghị quyết được tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đồng bảo trợ, cho thấy rõ sự đồng thuận cao của cơ quan này.
Chọn thời điểm, tranh thủ thời cơ
Chia sẻ tại tại Hội nghị, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hiệp quốc cho biết việc chọn thời điểm và tranh thủ thời cơ là một trong những yếu tố mang lại thành công cho Việt Nam trong nhiệm kỳ qua.
"Việt Nam chọn nhiệm kỳ 2021 và vận động để tranh thủ trở thành Ứng cử duy nhất của nhóm Châu Á Thái Bình dương, dẫn đến việc giành được số phiếu bầu ấn tượng", Đại sứ cho biết.
Theo Đại sứ, việc giữ vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN khi đó cũng giúp Việt Nam trở thành cầu nối hợp tác giữa Liên hiệp quốc với khu vực.
Việt Nam đã biến thách thức của tháng đầu tiên nhiệm kỳ trở thành cơ hội khi chọn chủ đề phiên thảo luận mở là Thượng tôn Hiến chương Liên hiệp quốc trong duy trì an ninh quốc tế, làm nên kỷ lục về số bài phát biểu tại sự kiện.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng khai thác các bài học lịch sử trong giải quyết các vấn đề của Hội đồng Bảo an. Là đất nước từng trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt trong thế kỷ trước, lại giải quyết đc một trong những xung đột phức tạp của thập kỷ 1980 là vấn đề Campuchia, Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện ở Liên hợp quốc.
"Hai năm qua chúng ta đã nỗ lực giải quyết hậu quả bom mìn- sáng kiến sau trở thành Nghị quyết 2573, mà phần nào bắt đầu từ những ký ức về tàn phá đê Yên Phụ hay bệnh viện Bạch Mai năm 1972. Hay sự đóng góp của Việt Nam trong vấn đề Lybia ở cả hai khía cạnh trong và ngoài tương đồng với vấn đề Campuchia", Đại sứ Quý chia sẻ.
Theo ông, công việc của Việt Nam ở Hội đồng Bảo an là làm việc với các nước lớn, nhưng đồng thời cũng đại diện cho lợi ích của các nước vừa và nhỏ.
Đây chính là sự vận dụng phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh - ngoại giao công tâm, tranh thủ niềm tin của các nước ở Liên hợp quốc.
Theo đó, Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng đối tác, tuy giữ nguyên tắc nhưng vẫn có tình có lý.
"Cảm nhận chung của các anh chị em phái đoàn là các nước nể Việt Nam hơn, các bạn bè đối tác họ quý Việt Nam hơn", Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết.
Từ những thành quả và kinh nghiệm gặt hái được, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định Việt Nam có thể xem xét tiếp tục ứng cử tham gia Hội đồng Bảo an lần 3 trong 10 năm tới.