Việt Nam: Lần đầu tiên trong lịch sử, Ông đồ sẽ cho chữ qua Zoom
11:02 27.01.2022 (Đã cập nhật: 11:26 27.01.2022)
© AFP 2023 / Nhac NguyenNgười phụ nữ cầm đồ trang trí cho Tết Nguyên đán sắp tới ở Hà Nội
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội chữ Xuân 2022 sẽ được diễn ra trên nền tảng trực tuyến Zoom. Đây là lần đầu tiên tục xin chữ - cho chữ đầu tiên của Việt Nam được thực hiện theo hình thức này.
Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, phố Ông đồ và Hội chữ Xuân được tổ chức ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Hoạt động này thường được kéo dài đến rằm tháng Giêng hoặc lâu hơn.
Phong tục đẹp ‘cập nhật 4.0’
Hội chữ Xuân 2022 sẽ được tổ chức online để đáp ứng nhu cầu du xuân xin chữ đầu năm của người dân. Điểm nổi bật nhất của việc xin chữ là các ông đồ sẽ tương tác với người nhận chữ trên nền tảng Zoom.
Theo Ban tổ chức, sự tương tác và ước nguyện nhận chữ của người dân vẫn được thực hiện tốt và chạm tới cảm xúc người cho và nhận chữ qua từng nét bút mực tàu, giấy đỏ.
Hội chữ Xuân 2022 qua Zoom sẽ mở đón du khách xin chữ đầu xuân online từ 9g00 sáng 1/2/2022 (tức mùng 1 Tết âm lịch) trên website https://duxuanonline.com và Fanpage Du Xuân online.
© AFP 2023 / Nhac NguyenNhân viên chăm sóc hoa đào cho Tết Nguyên đán sắp tới tại vườn trồng hoa ở Hà Nội
Nhân viên chăm sóc hoa đào cho Tết Nguyên đán sắp tới tại vườn trồng hoa ở Hà Nội
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu xin chữ của người dân thủ đô, du khách cũng có thể tới trực tiếp Angel Studio, 106 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội, để nhận những bức thư pháp trực tiếp từ các ông đồ.
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động một chuỗi các sự kiện văn hoá đón Xuân Nhâm Dần 2022 do Angel Studio và BNI KICK Chapter, Thành viên tổ chức kết nối thương mại toàn cầu, thực hiện.
Thời gian bắt đầu triển khai từ 26/1/2022 đến 6/2/2022 (tức 24/12/2021 đến 6/1/2022 âm lịch).
Đón Xuân theo phong cách 'bình thường mới'
Việc thực hiện chương trình Du xuân online là sự tiếp nối và thích ứng nếp sống “bình thường mới” đảm bảo yêu cầu phòng dịch COVID-19 của Ban tổ chức với thông điệp Truyền thống & Đổi mới. Bà Tăng Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc công ty LongLink Việt Nam, Đại diện ban tổ chức chia sẻ:
“Ông Đồ vẫn áo the khăn xếp nhưng đã “hội nhập” trong xu thế mới của công cuộc chuyển đổi số 4.0, phát triển và bảo tồn nét đẹp văn hóa Việt Nam. Hơn thế nữa sự kiện được tổ chức bởi các thành viên của tổ chức kết nối thương mại toàn cầu để ông đồ không chỉ cho chữ du khách 63 tỉnh thành mà còn cả ở 79 quốc gia trên thế giới có thành viên BNI là những điểm đặc sắc của chương trình năm nay”.
Không chỉ Ban tổ chức, ngay cả các ông đồ cũng hào hứng về cách cho chữ độc đáo này. Vì từ trước tới nay, chưa hề có tiền lệ nào như thế. Ông đồ Nguyễn Đức Vọng chia sẻ với phóng viên PLO.vn:
“Nghĩ đến ông đồ, mọi người thường nghĩ ngay đến những gì xưa cũ, cổ truyền. Nay chúng tôi vẫn bảo lưu và truyền bá những giá trị truyền thống nhưng trên không gian mạng. Với chúng tôi đây là trải nghiệm mới mẻ và chúng tôi cũng say sưa với việc thích ứng với bình thường mới. Giao lưu với người nhận chữ qua zoom tôi cũng thấy vui hơn”.
Trên zoom online, hệ thống website du xuân online giới thiệu chương trình còn sắp đặt nhiều gian hàng tết online như bánh chưng, giò chả, yến sào, làm quà tặng mang đậm không khí ngày Tết cổ truyền.