Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố không bao che cho các cán bộ “nhúng chàm”
© Depositphotos.com / Mark52 Bộ Ngoại giao Việt Nam
© Depositphotos.com / Mark52
Đăng ký
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, những người có hành vi trục lợi cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không bao che, bất kể người đó là ai.
Liên quan đến những chuyến bay “giải cứu” công dân về nước, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải mở lại càng sớm càng tốt các đường bay thương mại thường lệ quốc tế.
“Ai sai đến đâu xử lý đến đó”
Ngày 27/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản hồi về việc loạt lãnh đạo và cán bộ Cục Lãnh sự của Bộ bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ” nhờ trục lợi từ chính các chuyến bay giải cứu công dân về nước đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự (gồm Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Cục phó Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự và Lưu Tuấn Dũng Phó phòng Bảo hộ công dân) vừa bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Thông cáo trên trang web của Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết, Bộ xác định đây là hành vi trục lợi cá nhân, ai vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai.
“Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ toàn bộ vụ việc, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và theo đúng các quy định của pháp luật”, thông cáo nêu rõ.
“Củi lửa” lan đến cả Bộ Ngoại giao
Trước đó, như Sputnik đã đưa tin, ngày 27/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam và khám xét 4 cá nhân về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Các các nhân đó bao gồm:
Nguyễn Thị Hương Lan, sinh năm 1974 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao;
Đỗ Hoàng Tùng, sinh năm 1980 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao;
Lê Tuấn Anh, sinh năm 1982 tại Hưng Yên, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Lưu Tuấn Dũng, sinh năm 1987 tại Hà Nội, Phó phòng Bảo hộ công dân - Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Các bị can trên bị cáo buộc đã nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
“Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm trước pháp luật”, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông tin.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng có thông báo để các cá nhân, đơn vị có liên quan biết, chủ động liên hệ làm việc.
Trục lợi từ nỗi khổ cực của đồng bào
Phát biểu tại cuộc tọa đàm về mở cửa du lịch quốc tế cách đây không lâu, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia về du lịch và hàng không thẳng thắn lên án hành vi trục lợi từ các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam về nước.
Ông dẫn chứng: “Bạn tôi vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3-4/2020, chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD; từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở Quân đội”.
Như vậy, chỉ cần so sánh chênh lệch giữa giá bay giải cứu của Vietnam Airlines, theo vị chuyên gia, là có thể lờ mờ hiểu ra câu chuyện tiền còn lại bao nhiêu và tiền đi vào túi ai.
“Nghĩ về nỗi bĩ cực của đồng bào khi họ tìm cách về nhà, về Tổ quốc, về quê hương thông qua sân sau cửa hậu Campuchia, tôi thực sự mất ngủ. Bằng những tiếng nói tập thể, những kiến nghị mạnh mẽ, phải dừng ngay những chuyện đó lại”, chuyên gia Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
Theo TS. Nam, trên nhiều diễn đàn, bà con Việt Kiều chia sẻ kinh nghiệm về nước bằng cách “lách”, về qua đường Campuchia hay Thái Lan.
Cụ thể, hành khách bay từ châu Âu về Phnom Penh chỉ với giá 630 Euro, đi ô tô mất 100 Euro lên cửa khẩu Mộc Bài, chìa hộ chiếu Việt Nam ra chắc chắn sẽ được vào Việt Nam và sau đó, cách ly 1 tuần ở Tây Ninh.
Chia sẻ cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings cho rằng đã đến lúc các chuyến bay cứu trợ phải kết thúc sứ mệnh và vai trò lịch sử của nó.
“Phải mở lại các đường bay thương mại thường lệ quốc tế, càng sớm càng tốt”, ông Kỳ lưu ý.
Chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần mở lại nền kinh tế, mà đầu tiên bắt đầu từ giao thông vận tải, đặc biệt mở cửa với quốc tế trong bối cảnh thị trường nội địa không đủ sức để cứu ngành du lịch cũng như hàng không.
“Đóng càng lâu càng mất lợi thế, số tiền chi sau này để cứu vớt lại sẽ càng lớn, bao gồm cả chi phí thời cơ khi chậm chân, khó cạnh tranh với các nước xung quanh”, Chủ tịch Vietravel Holdings thẳng thắn.