Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Phải nỗ lực để không xảy ra chiến tranh
© Ảnh : Public domain / USAID VietnamThượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
© Ảnh : Public domain / USAID Vietnam
Đăng ký
Hôm nay ngày 3/2/2022, Việt Nam kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản. Thế giới đã phải nhìn Việt Nam bằng con mắt khác.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, vị thế, tâm thế của Việt Nam nay đã khác. Việt Nam không còn là một nước nhỏ hay nước nghèo, có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với gần 100 triệu dân, nền kinh tế đang phát triển, giữ mối quan hệ với quốc tế đáng tự hào, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế nay mạnh mẽ hơn nhiều.
Nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ, lợi ích cốt lõi của quốc gia dân tộc thì trước sau như một, không thay đổi. Đó là chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, hòa bình. Do đó, phải nỗ lực không để xảy ra chiến tranh và phải bảo vệ những gì chúng ta có.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đối ngoại là “mũi chủ công” đúng đắn
Với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã trải qua chặng đường lịch sử vẻ vang, anh hùng, giành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, lập nên nhiều kỳ tích kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, văn hóa khiến thế giới phải thay đổi định kiến, khâm phục và ngày càng coi trọng vị thế của Hà Nội.
Dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022) cũng là dịp để bàn về những quốc sách quan trọng của đất nước, hướng tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trong đối, đối ngoại đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Khi thế giới luôn biến động, cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều thách thức đan xen với cơ hội, Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định, phải phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Hiểu đơn giản, Việt Nam muốn huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước khi bên trong đã ổn định. Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của một nền ngoại giao toàn diện với ba trụ cột chính là “đối ngoại Đảng”, “ngoại giao nhà nước” và “đối ngoại nhân dân”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách ngoại giao, tình báo, công tác gìn giữ hòa bình, đánh giá, chiến lược này của Đảng “có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “hoàn toàn đúng đắn”, “bắt kịp xu thế thời đại”.
Tướng Vịnh phân tích 3 nguy cơ lớn trong nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước của mỗi quốc gia. Thứ nhất, là các mối đe dọa từ bên ngoài. Thứ hai là những bất ổn định từ bên trong. Thứ ba là những thách thức an ninh phi truyền thống, đây là nguy cơ mới nhưng rất nguy hiểm. Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ Việt Nam, tướng Vịnh khẳng định, đối với 3 nguy cơ này, công tác đối ngoại đảm nhiệm việc vô hiệu hóa ít nhất hai nguy cơ. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trước hết nếu làm tốt công tác đối ngoại sẽ làm giảm những âm mưu, ý đồ xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc từ bên ngoài, vốn đã được chứng minh trong thời gian vừa qua.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, đối với những thách thức an ninh phi truyền thống, Việt Nam không thể không hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức vốn mang tính chất xuyên quốc gia, khu vực và toàn cầu này.
“Còn về những bất ổn định từ bên trong, rõ ràng do nội bộ chúng ta là chính nhưng nếu bên ngoài không có chỗ dựa cho những ý đồ phá hoại sự phát triển của đất nước thì sự chống phá từ bên trong cũng yếu đi rất nhiều”, tướng Vịnh chỉ rõ.
Vì vậy, theo đồng chí Nguyễn Chí Vịnh, đường lối, chủ trương của Đảng đánh giá công tác đối ngoại là một “mũi chủ công” để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là “hoàn toàn đúng đắn”.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, cần có cái nhìn bao quát về các “nội hàm” quan trọng trong công tác bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện này.
Trước hết là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thứ hai là bảo vệ độc lập, tự chủ của đất nước. Thứ ba là bảo vệ hòa bình để tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển. Trong đó, nếu để bảo vệ hòa bình nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển thì công tác đối ngoại luôn luôn đứng ở tuyến đầu.
“Thực tế đã chứng minh với đường lối đối ngoại đó, đất nước chúng ta ổn định. Chúng ta giữ được chủ quyền lãnh thổ. Chúng ta có độc lập, tự chủ, có nền hòa bình để đất nước phát triển như ngày hôm nay”, tướng Vịnh nói.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu khác nặng nề và phức tạp hơn đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, dự báo đúng tình hình, chủ động trước mọi tình huống.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tranh thủ thời cơ và nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, việc đầu tiên là tạo môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước.
“Điều đó không có gì tốt hơn là sử dụng công tác đối ngoại và chỉ có công tác đối ngoại mới giải quyết được vấn đề đó. Khi môi trường quốc tế và khu vực ổn định thì thách thức, nguy cơ với đất nước giảm đi. Việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là ở chỗ đó”, theo quan điểm của tướng Vịnh.
“Vị thế và tâm thế mới của Việt Nam”
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Việt Nam không chỉ bảo vệ hòa bình cho đất nước mình mà còn tích cực đóng góp cho ổn định, hòa bình ở khu vực và thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Theo tướng Vịnh, điều này là để trong lúc bình yên Việt Nam có môi trường để phát triển nhưng trong lúc khó khăn, thậm chí có những thời điểm lợi ích quốc gia, dân tộc bị đe dọa thì Hà Nội cũng sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trên cơ sở công lý, trật tự và luật pháp quốc tế. Đây cũng là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Cá nhân ông Vịnh cũng rất tâm đắc với bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc vừa diễn ra của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có đoạn:
“Chúng ta cần xây dựng "vị thế và tâm thế mới" của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương”.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trên cơ sở tâm thế và vị thế đó, Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong công tác đối ngoại với một mục đích “trước sau không thay đổi”, đó là bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Vậy vị thế, tâm thế mới đó của Việt Nam là gì? Theo tướng Nguyễn Chí Vịnh, đầu tiên, đó là tình hình quốc tế và khu vực mà ở đó vai trò của các quốc gia càng ngày càng trở nên quan trọng với tiêu chí đầu tiên là lợi ích quốc gia, dân tộc của mình. Thứ hai là mối quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới bây giờ rộng hơn và sâu sắc hơn, tạo cho chúng ta nhiều diễn đàn đa phương để đặt vấn đề về lợi ích của chính mình. Thứ ba chính là vị thế, sức mạnh của đất nước đang lên.
“Chúng ta không còn là một nước nhỏ hay nước nghèo, chúng ta có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, có gần 100 triệu dân, có nền kinh tế đang phát triển, có mối quan hệ với quốc tế đáng tự hào”, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh phân tích, với vị thế như vậy, Việt Nam phải chủ động đưa ra tiếng nói của mình để mong muốn xây dựng bảo vệ đất nước, bảo vệ quốc gia dân tộc.
“Đồng thời chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn để góp phần bảo vệ trật tự quốc tế, luật pháp quốc tế; bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới”, ông Vịnh bày tỏ.
Nỗ lực không để xảy ra chiến tranh và bảo vệ những gì đã có
Tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn chứng, vừa qua Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Cũng có người đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta đưa người đến tận châu Phi, điều đó có lợi ích gì cho đất nước, nhân dân và quân đội mình.
“Nhìn một cách ngắn hạn thì ở châu Phi rất xa xôi nhưng nhìn xa hơn có thể thấy trong khoảng 10 năm qua, tiếng nói Việt Nam trên các diễn đàn của Liên Hợp Quốc, các diễn đàn quốc tế mạnh mẽ hơn rất nhiều vì chúng ta đã chủ động đóng góp xứng đáng cho hòa bình thế giới”, theo đồng chí Nguyễn Chí Vịnh.
Nguyên Thứ trưởng Quốc phòng lưu ý ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước hết phải nhận thức được vị thế của đất nước, phải tự hào, tự tin vào vị thế của đất nước mình. Từ đó phải chủ động ý kiến, nêu quan điểm của mình về bảo vệ Tổ quốc cũng như đóng góp vào hòa bình thế giới.
“Chúng ta phải đặt ra những yêu cầu đối với thế giới trong quan hệ với Việt Nam, đó là tôn trọng độc lập, tự chủ, yôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và luật pháp quốc tế một cách có chừng mực trên cơ sở hợp lý và tuân thủ luật pháp quốc tế”, tướng Vịnh nêu quan điểm, từ đó Việt Nam được thế giới đón nhận một cách tích cực.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, lợi ích cốt lõi của quốc gia dân tộc thì trước sau như một, không thay đổi. Có thể rút gọn ở 3 điểm: Chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, hòa bình.
“3 lợi ích đó phải gắn vào nhau và không thể thiếu một trong 3 lợi ích nêu trên. Chính vì vậy phải nỗ lực không để xảy ra chiến tranh và phải bảo vệ những gì chúng ta có”, tướng Nguyễn Chí Vịnh nói và nêu rõ, đó là nhiệm vụ lâu dài, liên tục, thường xuyên.
Đối ngoại nhân dân thời bình của Việt Nam
Bàn về công tác đối ngoại nhân dân, một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao toàn diện mà Hà Nội đang xây dựng, tướng Vịnh cho rằng, cần xác định nội hàm, các lĩnh vực cụ thể của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới hiện nay.
Điển hình như tăng cường mối giao lưu giữa người dân Việt Nam với người dân các nước láng giềng, điều đó tạo nền tảng bền vững cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước phát triển, hay mở rộng đối ngoại với các nước trên thế giới bằng các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Tướng Vịnh đề cập lại thực tế lịch sử để chứng minh sức mạnh của đối ngoại nhân dân. Theo đó, ngay từ thời chống thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ, quan hệ đối ngoại nhân dân với Pháp, Mỹ rất tốt.
“Chính người dân Pháp, người Mỹ là những người đầu tiên cầm cờ chống chiến tranh ở Việt Nam và làm cho chính quyền của nước đó phải thấy rằng cần chấm dứt chiến tranh”, theo tướng Vịnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, trong thời bình, Việt Nam càng phải làm mạnh hơn về đối ngoại nhân dân trong nhiều lĩnh vực như khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo…
“Nếu làm tốt công tác tuyên truyền về thế mạnh của Việt Nam, về bản sắc, thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam làm cho thế giới hiểu hơn về vẻ đẹp của Việt Nam, thì đó chính là bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động tiếp thị thương mại thông thường”, tướng Vịnh khẳng định.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, phải hiểu, làm đối ngoại nhân dân trước hết là cho chính mình, tiếp đến đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thông tin thêm về công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trao đổi với TTXVN cho biết, bất chấp nhiều khó khăn, thách thức của năm 2021, đối ngoại nhân dân vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.
Khẳng định “kết nối với bạn bè quốc tế không hề bị gián đoạn vì dịch bệnh, Đại sứ Phương Nga cho hay, riêng các tổ chức Trung ương của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có hơn 200 hoạt động kết nối thông qua các hội thảo, tọa đàm, hoạt động nhân các ngày lễ lớn như kỷ niệm quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Hoạt động của địa phương cũng rất sôi động. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày lễ lớn; đồng thời, cùng bạn bè nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch.
Theo bà Nga, tính đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã quyên góp ủng hộ được hơn 47 tỷ đồng; 57 tổ chức phi Chính phủ đã ủng hộ hơn 10,6 triệu USD hỗ trợ nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch. Một số hội Trung ương như các Hội hữu nghị Việt-Lào, Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Ấn Độ đã có nhiều sáng kiến, huy động được nguồn lực rất lớn hỗ trợ nhân dân nước bạn gặp khó khăn. Trước khó khăn của đồng bào Việt Nam ở Campuchia, các địa phương ở biên giới, các Liên hiệp hữu nghị ở An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh cũng có rất nhiều hoạt động hỗ trợ bà con.
Ngoài ra còn điểm mới, đó là hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị không chỉ giới hạn trong những hoạt động đối ngoại đơn thuần mà đã đưa được những nội dung phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội. Điển hình như Hội hữu nghị Việt Nam-Brazil tiếp tục có những tọa đàm về kinh tế; Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ tổ chức tọa đàm về giải pháp công nghệ ứng phó với đại dịch Covid-19; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM cũng tổ chức tọa đàm về kiến trúc thành phố. Năm qua cũng thiết lập thêm 2 tổ chức hữu nghị giữa Việt Nam với Morocco và Nepal.
Về mảng công tác phi Chính phủ nước ngoài, theo bà Nga, số lượng cam kết của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài có thể đạt trên 260 triệu USD và đây là con số rất đáng khích lệ.
Bên cạnh hoạt động song phương với các nước, đối ngoại nhân dân cũng nỗ lực tham gia tích cực, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn nhân dân đa phương.
Đại sứ Phương Nga dẫn chứng các hoạt động như Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á-Âu; đồng thời, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Hội đồng hòa bình thế giới; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác và vai trò của Việt Nam tại một số cơ chế của Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong…
“Thông qua những cơ chế, diễn đàn này, tiếp tục tăng cường hình ảnh của Việt Nam ra thế giới để bạn bè quốc tế hiểu rõ thêm về đường lối, chính sách đối ngoại, đối nội của Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam, đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề chung mà cộng đồng quốc tế đang phải ứng phó”, theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga.
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVNChủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu
© Ảnh : Văn Điệp - TTXVN
Về hoạt động cụ thể, năm 2022, theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Liên hiệp sẽ tập trung vào hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, trong đó có các đối tác quan trọng, trước hết là các nước láng giềng, thân thiết như Năm hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với Lào, Năm hữu nghị với Campuchia, Năm hữu nghị với Hàn Quốc; một năm với nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ, kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga...
Bên cạnh đó, Liên hiệp tập trung vào các hoạt động đối ngoại đa phương để phát huy hơn nữa vai trò của Việt Nam trong các cơ chế nhân dân đa phương.
“Một trong những sự kiện lớn nhất của năm nay sẽ là Đại hội đồng của Hội đồng Hòa bình thế giới lần thứ 22 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết.