Dự án từng khiến ông Đinh La Thăng ‘rớt đài chính trị’ giờ ra sao?
17:05 05.02.2022 (Đã cập nhật: 16:21 06.02.2022)
© Ảnh : Vietnam Oil and Gas GroupNhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
© Ảnh : Vietnam Oil and Gas Group
Đăng ký
Việt Nam đang nhắc nhiều về những tín hiệu tích cực từ các đại dự án nghìn tỷ, trong đó, các công trình “đại thua lỗ”, từng khiến nhiều cựu quan chức cấp cao ‘ngã ngựa’ như ông Đinh La Thăng ở Nhiệt điện Thái Bình 2. ‘Di sản’ của cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng giờ ra sao?
Trong khi đó, đối với dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, 1 trong 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương, năm nay cũng đã khác, dây chuyền sản xuất vận hành ổn định ở mức 85-90% công suất, Tết Nhâm Dần 2022 cũng là Tết đầu tiên công nhân được nhận tháng lương thứ 13.
Nhiệt Điện Thái Bình 2: ‘Di sản’ của ông Đinh La Thăng giờ ra sao?
Ai cũng biết, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 ở xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương, là dự án mang tính “di sản” thời Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh.
Từ một dự án được cho là “trọng điểm” ngành điện Việt Nam, trung tâm Điện lực của tỉnh Thái Bình, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện phát triển kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ cũng như khắp Việt Nam, Nhiệt điện Thái Bình 2 bỗng thành “của nợ” – bỏ thì thương, vương thì thì tội.
Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam – PVN) làm chủ đầu tư, trong suốt quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp nhà nước này của Việt Nam liên tục gặp khó khăn, vướng mắc, trầm trọng nhất là sai phạm đến mức phải xử lý hình sự và “chấm dứt sự nghiệp chính trị” đang rất lừng lẫy của cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng. Tất nhiên, ông Thăng hay Trịnh Xuân Thanh “ngã ngựa”, “nhúng chàm” không chỉ vì mỗi dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Lúc mới khởi công xây dựng – năm 2011 dưới thời ông Đinh La Thăng, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được đánh giá là một trong những dự án năng lượng trọng điểm, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu điện đang tăng bình quân 14%/năm của nền kinh tế xã hội Việt Nam (giai đoạn 2011-2015).
Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng từng được cho là sẽ góp phần bảo đảm cung cấp điện an toàn và kinh tế cho khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, về đích.
Từ thời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vẫn đương chức Thủ tướng hay cả bản thân nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đến nay, Việt Nam đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ khôi phục dự án “đại thua lỗ” này và quyết làm cho đến nơi đến chốn. Đối với chính quyền Thủ tướng Phạm Minh Chính, và trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nỗ lực đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 “chạy thật, vận hành thật” ngày càng được hiện thực hóa rõ ràng, gần đích hơn.
Chính phủ quan ngại về tình hình triển khai dự án, nhất là trong bối cảnh mỗi ngày Việt Nam mất hàng tỷ đồng với tổng nguồn vốn gần 42 ngàn tỷ, và mức này chỉ là tính lãi suất do chậm tiến độ gây nên.
Từ tháng 7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chấn chỉnh và phải giải quyết được dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng khiến dự án kéo dài và gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Cứu lấy Nhiệt điện Thái Bình 2 trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Trong các cuộc họp tiếp theo giữa lãnh đạo Chính phủ và đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, xử lý các vấn đề của Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục là nội dung trọng yếu được bàn đén vì “dự án thua lỗ, yếu kém, gây bức xúc trong nhân dân và thiệt hại cho đất nước”. Cả Chính phủ và PVN đều quyết tâm không để dự án chậm tiến độ hơn nữa, phải đưa cả 2 tổ máy nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động đến cuối năm 2022.
Bộ trưởng Công Thương kiểm tra tiến độ Nhiệt điện Thái Bình 2
Với tinh thần khẩn trương, ngày 4/2 (tức mùng 4 Tết), đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã tới kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Cùng đi với Bộ trưởng Diên còn có ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương.
Về phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình có ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các Sở, ngành của tỉnh.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Phạm Xuân Trường, Trưởng ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2, ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PETROCONs), Tổng thầu của Dự án, cùng đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án, Tổng thầu, các nhà thầu tham gia dự án.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sự có mặt của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương trong ngày đầu năm mới đã “đem đến nguồn động viên lớn” cho doanh nghiệp và đang có những chuyển biến mạnh mẽ hiện nay.
Báo cáo với Bộ trưởng Công Thương, đại diện Ban Quản lý dự án cho hay, tính đến ngày 4/2/2022, dự án còn 330 ngày để về đích, trong đó, 19 ngày đến với mốc quan trọng đầu tiên của Dự án là đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1 ngày 23/2.
Với tính chất quan trọng của mốc đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định với Bộ trưởng Diên rằng, PVN, Ban Quản lý dự án, Tổng thầu đã nỗ lực phối hợp, huy động cao nhất mọi nguồn lực để duy trì hoạt động an toàn, đảm bảo chất lượng của Dự án trong suốt đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.
“Hàng trăm cán bộ, kỹ sư, nhân viên, công nhân lao động gần như không có ngày nghỉ, làm xuyên Tết, đảm bảo mốc tiến độ quan trọng của dự án”, theo Tổng Giám dốc PVN Lê Mạnh Hùng.
Báo cáo của PVN cũng cho thấy, tính đến thời điểm này, tiến độ tổng thể của dự án đạt 88.2 %.
Trong đó, tiến độ thiết kế đạt 100%; tiến độ mua sắm đạt 95.66%; tiến độ xây thi công đạt 87.12%; tiến độ chạy thử đạt 22.25%. Nhân lực bình quân trong những ngày bình thường duy trì khoảng trên 500 người.
Nhà thầu chạy thử duy trì nhân công cho các công việc quan trọng trong dịp Tết nguyên đán và sẽ tiếp tục huy động tăng cường ngay sau kỳ nghỉ lễ, đảm bảo tiến độ các hạng mục quan trọng.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng được báo cáo rằng, hiện 22/28 hệ thống của Nhà máy đã hoàn thành lắp đặt và chạy thử, 6 hệ thống đang vừa lắp đặt, vừa triển khai chạy thử.
Trong đó, hầu hết các hệ thống liên quan đến mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu và hòa lưới lần đầu bằng dầu đã hoàn thành lắp đặt, đang triển khai lắp đặt hệ thống giám sát khói thải (CEMS), tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng và chạy thử thiết bị.
Dự án đã hoàn thành súc rửa hóa chất lò hơi, chạy quạt khói, quạt gió, thông thổi đường hơi tự dùng, chạy đơn động cơ bơm cấp, bơm nước làm mát, bơm ngưng Tổ máy số 1... chuẩn bị cho mốc đốt lửa lần đầu.
Ban Quản lý dự án đang tích cực làm việc với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục, hồ sơ, giấy phép theo quy định, sẵn sàng cho mốc 23/2 này.
Lãnh đạo PVN cũng nêu rõ, dự án đã tuân chủ chặt chẽ các quy định về công tác an toàn sức khỏe, môi trường, củng cố, quán triệt công tác an toàn tới tất cả các đơn vị, nhà thầu tham gia thi công để đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn và vệ sinh lao động trên công trường. Công tác an ninh, an toàn của dự án được đảm bảo chặt chẽ, không có tình huống nào bất ngờ hay sự cô xảy ra.
Cho đến nay, các công việc triển khai trên công trường đã được Tập đoàn Dầu khí, Ban Quản lý dự án, Tổng thầu phối hợp thực hiện tốt, bám sát tiến độ đề ra.
“Tập đoàn tiếp tục kiểm soát rủi ro các mốc tiến độ, đảm bảo phấn đầu hoàn thành và đưa Tổ máy số 1 vào vận hành thương mại vào 30/11/2022 và cả Nhà máy vào 31/12/2022”, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng lưu ý, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro, nhưng PVN, Ban Quản lý dự án, Tổng thầu cùng các đơn vị tham gia “quyết tâm cao nhất”, bằng tất cả các nguồn lực từ nhân lực, tài chính, thiết bị huy động trong toàn Tập đoàn để hoàn thành nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đúng như cam kết với Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh Thái Bình.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo Bộ Công Thương, tỉnh Thái Bình ngay những ngày đầu xuân mới đã tới thăm, chúc Tết, động viên cán bộ, người lao động dự án.
Lãnh đạo PVN cũng đã cam kết các lực lượng tham gia sẽ nỗ lực, tiếp tục triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng tiến độ đề ra.
Nhiệt điện Thái Bình 2 có “hoàn cảnh đặc biệt”
Như vậy, Nhiệt điện Thái Bình 2 đang chờ đợi 2 cột mốc lịch sử hết sức quan trọng, là đốt dầu cho tổ máy số 1 vào ngày 23/2/2022 và hoà lưới điện vào ngày 19/5/2022.
Đây là hai mốc sẽ tạo đà cho các mốc tiếp theo trong việc đưa cả hai tổ máy vào hoạt động trong năm 2022 theo đúng cam kết của Ban quản lý dự án và tổng thầu với Chính phủ, nhân dân.
Ông Phan Xuân Trường, Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy và ông Phan Tử Giang, đại diện Tổng thầu đều cam kết nỗ lực đến mức cao nhất để thực hiện bằng được các mốc trước mắt như đã nêu trên và một số mốc tiếp theo, đúng như tinh thần khẩu hiệu “Vinh quang thuộc về người về đích đúng hẹn” đặt ở trung tâm công trường nhà máy.
Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, điều đáng phấn khởi nhất lúc này là kiểm soát tốt các rủi ro với các tiến độ.
Ông An lưu ý 2 vấn đề là cần huy động được các nhân lực có trình độ, có sự chuyên nghiệp cho việc hoàn thiện các hạng mục còn lại cũng như đặc biệt quan tâm công tác an toàn môi trường, không để xảy ra các sự cố lúc chạy thử.
Phát biểu tại buổi kiểm tra tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có “hoàn cảnh đặc biệt”.
Do đó, Nhiệt điện Thái Bình 2 nhận được sự quan tâm không chỉ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành mà còn có sự kỳ vọng lớn của chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Bình.
“Dự án khi đi vào hoạt động bên cạnh đóng góp cho nhu cầu năng lượng quốc gia mà còn đóng góp quan trọng cho kinh tế - xã hội tỉnh, giải quyết nguồn lao động trực tiếp lớn cho tỉnh”, Bộ trưởng nhắc lại.
Cá nhân Bộ trưởng rất phấn khởi khi chứng kiến những bước chuyển của dự án cũng như tiến độ công việc đã được hoàn thành.
Bộ trưởng cho rằng, lãnh đạo PVN với bản lĩnh và trách nhiệm đã tham mưu cho các cơ quan chức năng phương án “hồi sinh” dự án đang được thực hiện và thực tiễn chứng tỏ tính đúng đắn của phương án.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động Ban Quản lý dự án, Tổng thầu, các đơn vị tham gia đã nỗ lực "hồi sinh" dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Nay khí thế trên công trường đã đổi khác, các đơn vị, người lao động tích cực làm việc không kể ngày Tết, đảm bảo mốc tiến độ đốt dầu lần đầu 23/2.
“Mốc 23/2/2022 chạy dầu tổ máy số 1 và các mốc khác của năm 2022 là nỗ lực rất lớn của Ban quản lý dự án, tổng thầu”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, cung cấp các nguồn lực để dự án tiếp tục triển khai, kiểm soát chặt chẽ các mốc, phấn đấu đưa Nhà máy vào hoạt động sớm hơn tiến độ.
“Dự án đang trong giai đoạn về đích, cần phải tập trung đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối trên công trường, không để xảy ra các sự cố ảnh hưởng tới tiến độ”, Bộ trưởng lưu ý.
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương phối hợp với PVN trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ để nghiên cứu, giải quyết sớm các kiến nghị của Tập đoàn đối với dự án, đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Nhiệt điện Thái Bình 2 về đích đảm bảo an toàn, chất lượng, đúng tiến độ.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã giao ban đầu năm mới với Ban Quản lý, Tổng thầu, các đơn vị tham gia Dự án, chúc Tết, tặng quà cán bộ nhân viên đang làm việc xuyên Tết ở đây.
Xây dựng được những ngành công nghiệp nền tảng ở Việt Nam
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã tới thăm dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Đây cũng từng là 1 trong số 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương, đang bắt đầu hồi phục, đóng góp cho kinh tế đất nước.
Ghi nhận ngày đầu xuân cho thấy, dây chuyền sản xuất phân Urê của Nhà máy Đạm Ninh Bình ngày mùng 4 Tết có 3 ca sản xuất liên tục, mỗi ngày nhà máy cung cấp ra thị trường trên 1.500 tấn sản phẩm.
Năm ngoái sản phẩm của nhà máy đạt trên 420.000 tấn, doanh thu đạt trên 4.000 tỷ đồng, bằng 241% kế hoạch của năm 2020. Đây cũng là năm đầu tiên nhà máy có lãi sau 10 năm sản xuất kinh doanh.
Điều xúc động nhất là, Tết Nhâm Dần 2022 cũng là Tết đầu tiên công nhân ở đây được có tháng lương thứ 13.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty Đạm Ninh Bình chia sẻ, doanh thu của của Đạm Ninh Bình tháng 1 này dự kiến đạt khoảng 700 tỷ đồng và hiệu quả của những tháng đầu năm ước tính lãi có thể đạt 250 tỷ đồng.
“Với tín hiệu của thị trường hiện nay, công ty năm nay đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn rất nhiều so với kết quả đã tốt của năm 2021”, ông Đông vui mừng nói.
Chia vui với những tín hiệu khởi sắc của dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Diên tin rằng, dù còn khó khăn, như dự án đã thực sự có hiệu quả bước đầu, công ty sẽ sớm có nguồn thu ổn định.
Nhấn mạnh một trong những mối quan tâm hàng đầu là xây dựng được những ngành công nghiệp nền tảng ở Việt Nam, trong đó hoá chất là một trong những ngành quan trọng nhất, từ góc độ Công ty Đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gợi mở những định hướng với công ty thời gian tới. Theo đó, công ty sớm hoàn tất công việc đàm phán hợp đồng EPC với đối tác và tiếp tục có các công tác tham mưu trong việc sửa đổi Luật Hoá chất, tạo hành lang phát triển cho công nghiệp hoá chất trong vai trò một ngành công nghiệp nền tảng.
Công ty cũng cần quan tâm đến các diễn biến của thị trường thế giới để xây dựng và phát triển các chiến lược kinh doanh mới cũng như củng cố và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, chú trọng xây dựng, củng cố thương hiệu của Đạm Ninh Bình cũng như quan tâm đội ngũ cán bộ, người lao động trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Bộ Công Thương sẽ quan tâm trong thẩm quyền và nỗ lực giải quyết sớm nhất các kiến nghị của công ty trong đó có vấn đề cung cấp ổn định nguồn than đầu vào, thuế giá trị gia tăng…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã chúc Tết, tặng quà động viên các cán bộ, công nhân viên đang làm việc xuyên Tết ở phòng điều khiển trung tâm và dây chuyền đóng bao của nhà máy Đạm Ninh Bình.