Đâu là mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ?
08:14 12.02.2022 (Đã cập nhật: 16:00 11.07.2022)
© Ảnh : Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV Hổ trong trang trại của ông trùm buôn bán hổ Nguyễn Mậu Chiến
© Ảnh : Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Sắp tới, trong khuôn khổ chương trình quốc gia về bảo tồn hổ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam cũng như thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi.
Hổ Việt Nam đã tuyệt chủng trong tự nhiên?
Trong khi các quốc gia khác đã đạt được thành công nhất định trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã như ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Nga và Trung Quốc, giúp đưa số lượng hổ trên toàn cầu từ khoảng 3.200 cá thể (năm 2010) lên ít nhất 3.890 cá thể (năm 2016), Việt Nam đang phải đối diện với khả năng hổ đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Hơn 30 năm qua, quần thể hổ tự nhiên đã suy giảm đáng kể tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Trong khi đó, hoạt động nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” do các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tai Việt Nam lại đang phát triển rất mạnh với số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký tăng dần qua các năm.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), năm 2016 Việt Nam ước tính chỉ còn ít hơn 5 cá thể hổ trong tự nhiên.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với loài hổ là nhu cầu tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ hổ tại Việt Nam. Bà Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV chia sẻ thực trạng:
“Tại Việt Nam, cao hổ được xem như thần dược, hay các nanh móng hổ được ưa thích, sử dụng như các đồ phong thủy, da hồ được làm các vật phong thủy trang trí trong gia đình,... Rõ ràng lợi nhuận từ việc buôn bán hổ trái phép là rất lớn. Trước thực trạng này, chúng ta cần nâng cao nguy cơ, rủi ro từ hoạt động buôn bán hay nuôi nhốt hổ trái phép.”
© Ảnh : Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV Sản phẩm từ hổ như móng, nanh được sử dụng để buôn bán trái phép
Sản phẩm từ hổ như móng, nanh được sử dụng để buôn bán trái phép
© Ảnh : Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV
Loài hổ có khả năng biến mất vĩnh viễn như tê giác một sừng
Trong khi hổ hoang dã còn lại rất ít, thì số hổ nuôi nhốt có đăng ký tại Việt Nam đã tăng từ 97 cá thể (năm 2010) lên tới 364 cá thể (2021) tại các cơ sở nuôi nhốt, chủ yếu là sở thú tư nhân. Nhiều có sở tư nhân có thể trở thành vỏ bọc để buôn bán tàng trữ trái phép hổ bất hợp pháp.
“Với thực trạng hiện nay, loài hổ có có khả năng biến mất vĩnh viễn như tê giác một sừng không, thì tôi cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là điều vô cùng đáng buồn, đặc biệt là đối với những nỗ lực bảo tồn hổ trong suốt nhiều năm qua mà Việt Nam đã thực hiện” - bà Bùi Thị Hà trăn trở
Hoạt động nuôi nhốt hổ “không vì mục đích thương mại” sẽ có thể được coi là nguồn cho công tác bảo tồn hổ ngoại vi nếu được đặt dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc thiếu các quy định toàn diện để quản lý hoạt động này không những khiến cho hoạt động này phát triển một cách mất kiểm soát mà sẽ là cơ hội cho các đối tượng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép lợi dụng, núp bóng cơ sở được cấp phép để lén lút mua bán, trao đổi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác vì mục đích lợi nhuận.
Vì sao nhiều loài hổ nuôi nhốt không thể thả về tự nhiên?
Hiện nay, tại nước ta một số trung tâm cứu hộ sau khi tiếp nhận hổ về chăm sóc, lại không thể thả về nguồn tự nhiên? Trước câu hỏi liệu Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ, Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà cho biết:
“Hiện nay, các cơ sở không phân biệt được các phụ loài hổ, việc nuôi nhốt chung giữa các phân loài dẫn đến di truyền cận huyết, lai chéo giữa ba phân loài hổ, thế hệ F1 sinh ra không có khả năng thích nghi và không có ý nghĩa đối với bảo tồn hổ tự nhiên ở Việt Nam”
Bà Hà cũng cho biết thêm, việc hổ được nuôi với mục tiêu phục hồi, tái thả về môi trường tự nhiên là một quá trình lâu dài, tốn kém. Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể cũng như đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có nước có thẩm quyền để đảm bảo hổ được nuôi nhốt phải có nguồn gen thuần chủng của phân loài hổ Đông Dương. Hổ cần phải có sức khỏe đảm bảo, mang đầy đủ bản năng tự nhiên cũng như xác định được môi trường tái thả và kế hoạch tái thả phù hợp.
Thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ
Trong bối cảnh hổ đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, hoạt động nuôi hổ để bảo tồn được đánh giá là một giải pháp cần thiết để góp phần phục hồi quần thể hổ tự nhiên tại Việt Nam.
Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành hoạt động điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu.
Mặc dù đánh giá cao nỗ lực này, song đại diện ENV cho rằng, việc lập hồ sơ quản lý, nhận dạng hổ sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu được tiến hành đồng thời với một chính sách rõ ràng,nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động sinh sản của hổ cũng như xử lý các trường hợp hổ chết tại các cơ sở nuôi nhốt đã đăng ký. Và trong bối cảnh hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào đề cập chi tiết về các vấn đề quan trọng này.
© Ảnh : Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV Nhiều trang trại hổ hiện nay không hề có giá trị bảo tồn
Nhiều trang trại hổ hiện nay không hề có giá trị bảo tồn
© Ảnh : Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV
Bởi theo quy định hiện hành, tại những cơ sở nuôi hổ “không vì mục đích thương mại” này, chủ cơ sở không bị yêu cầu kiểm soát sinh sản hay đảm bảo nguồn gen thuần chủng, khỏe mạnh của hổ và các loài ĐVHD khác mà chỉ cần thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi. Việc xử lý hổ hay các loài ĐVHD chết tại những cơ sở này hay trong trường hợp cơ sở bị hủy mã số/rút giấy phép cũng chưa được quy định.
Do đó, ENV đề xuất:
“Trước mắt, cần ban hành một chính sách cá biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ. Trong đó, có quy định kiểm soát sinh sản đối với hổ nuôi nhốt nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn, cũng như xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép nào.”
Về lâu dài, cần xem xét xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của các cơ sở nuôi ĐVHD không vì mục đích thương mại, trong đó có các cơ sở nuôi nhốt hổ để tạo tiền đề cho hoạt động của các cơ sở hợp pháp. Đồng thời, ngăn chặn việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc “cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại” để thực hiện các hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép.