Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên: Vì sao Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam năm 1979?
16:38 16.02.2022 (Đã cập nhật: 15:45 17.02.2022)
© Ảnh : Minh Tâm-TTXVNBí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương các phần mộ Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên
© Ảnh : Minh Tâm-TTXVN
Đăng ký
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy trong cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” đã đề cập đến bốn nguyên nhân khiến chính quyền Trung Quốc của ông Đặng Tiểu Bình lệnh rút quân khỏi Việt Nam ngày 5/3/1979.
Chiến tranh biên giới phía Bắc – chiến tranh Vị Xuyên, mặt trận diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nhất, với nhiều đơn vị quân của cả hai phía Việt Nam – Trung Quốc tham chiến, nơi nằm xuống của biết bao nhiêu thế hệ chiến sĩ Bộ đội Việt Nam đã hy sinh máu xương để bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc.
Vị Xuyên là chiến trường ác liệt nhất
Với tâm nguyện của một vị Tướng về hưu, người lính già với kinh nghiệm trận mạc từ thời chống Pháp đã thuật lại những năm tháng chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên trong vai trò Tham mưu trưởng trong cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”.
Theo lời tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu từ ngày 17/2/1979 thực chất đã kéo dài trong 10 năm, riêng Mặt trận Vị Xuyên kéo dài trong 5 năm.
Vị tướng đã về hưu nhớ lại, nếu như ở lần thứ nhất, Trung Quốc đưa 60 vạn quân vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam từ ngày 17/2/1979, kết thúc ngày 18/3 thì 5 năm sau đó, bắt đầu từ ngày 28/4/1984, Trung Quốc lần lượt huy động hơn 50 vạn quân lấn chiếm biên giới Vị Xuyên (tỉnh Hà Tuyên cũ, nay là Hà Giang).
Tướng Huy nhấn mạnh, cuộc chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên kết thúc vào tháng 10/1989 cũng đồng thời là dấu mốc kết thúc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ phía Bắc, giữ vững toàn vẹn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
“Biên giới Việt Nam- Trung Quốc sau sự kiện tháng 2/1979 vẫn luôn căng thẳng. Dù hoàn thành việc rút quân khỏi Việt Nam ngày 18/3/1979, Trung Quốc vẫn duy trì 12 sư đoàn và hàng chục trung đoàn độc lập áp sát biên giới Việt Nam, thường xuyên gây căng thẳng, tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở mọi quy mô, thực hiện kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy bày tỏ.
Người lính Vị Xuyên năm ấy cho hay, đặc biệt nghiêm trọng là rạng sáng ngày 28/4/1984, Trung Quốc lại mở cuộc tấn công lấn chiếm biên giới Việt Nam lần thứ 2, huy động 4 sư đoàn bộ binh dưới sự chi viện ác liệt của pháo binh tấn công đánh chiếm các cao điểm 1509, 772, 266…
Và suốt 5 năm sau đó, Trung Quốc lần lượt huy động 50 vạn quân với hơn 20 sư đoàn bộ binh, hơn 400 khẩu pháo lớn các loại, trên 1000 xe cơ giới.
Theo tướng Nguyễn Đức Huy chia sẻ với VOV, lần này, Trung Quốc không tấn công trên diện rộng mà tập trung tấn công, lấn chiếm một phần đất ở khu vực biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang) với khoảng 20km chiều dài và 5 km chiều sâu, nghĩa là nếu mất Vị Xuyên thì biên giới của quân Việt Nam sẽ lùi sâu vào 5km.
“Vị Xuyên là nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt nhất. Có những đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang”, tướng Nguyễn Đức Huy cho biết.
Chiến trường Vị Xuyên ác liệt đến mức mà anh em gọi đây là “Lò vôi thế kỷ” bởi núi đá vôi bị bắn phá không khác gì những lò vôi đang nung.
“Địch ở trên cao, ta ở dưới thấp, có nơi ta và địch chỉ cách nhau 30-40m”, tướng Huy kể.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy chia sẻ, Trung Quốc chọn đánh mặt trận Vị Xuyên vào năm 1984 vì nếu đánh ở Lạng Sơn hay địa điểm khác thì rất khó giấu được bạn bè quốc tế nên họ phải chọn một địa điểm hẻo lánh với một con đường độc đạo, địa hình hiểm trở, có điều kiện tấn công từ trên cao.
Bên cạnh đó, khu vực này phần lớn là núi đá vôi, rất khó cho Việt Nam trong triển khai đội hình lớn, việc vận chuyển, chi viện các mặt từ phía sau lên mặt trận cũng rất khó khăn. Trong khi, phía bên kia biên giới là vùng cao nguyên, chủ yếu là đồi đất, ít núi đá, cao hơn phía Việt Nam, dễ triển khai đội hình lớn khi xảy ra chiến sự.
“Còn tại sao lại là thời điểm năm 1984? Đó là lúc kinh tế đất nước ta vô cùng khó khăn khi thực hiện giá- lương- tiền”, tướng Huy ngậm ngùi.
Kế hoạch “Dạy cho Việt Nam một bài học” bất thành
Nhắc lại chiến tranh biên giới phía Bắc, sau nhiều lần gây ra các vụ khiêu khích quân sự quy mô nhỏ, 5 giờ sáng ngày 17/2/ 1979, Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn quân với 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, xe bọc thép, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh với hàng nghìn khẩu pháo các loại mở cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến phía Bắc Việt Nam.
Địa bàn trải rộng từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) với chiều dài hơn 1.400km, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất (thời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) bao gồm các tỉnh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam.
Cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của Trung Quốc thoạt đầu đẩy Việt Nam vào thế “lưỡng đầu thọ địch” và phải trải qua một thử thách vô cùng khó khăn do bị bao vây cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, có thể so sánh với thế “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước khi mới giành được độc lập năm 1945- 1946.
Cùng với đó, cuộc tiến công xâm lược Việt Nam của quân đội Trung Quốc cũng làm cho thế giới sửng sốt. Từ chỗ là đồng minh trong “chiến tranh lạnh”, nhà cầm quyền Trung Quốc đã coi Việt Nam là kẻ thù …
Theo tướng Huy, những người bình thường trên thế giới không ai nghĩ rằng, một dân tộc như Việt Nam vừa trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình và có biết bao nhiêu công việc phải làm để xây dựng lại đất nước lại đi khiêu khích rồi xâm lược một nước khác, lại là nước lớn hơn, thậm chí là đồng minh trong hai cuộc kháng chiến trước đó, như một số người Trung Quốc cho đến nay vẫn nói rằng, cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”.
Bên cạnh đó, nhằm huy động và động viên nhân dân cả nước chống quân Trung Quốc xâm lược, ngày 5/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc, cùng ngày Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký lệnh “Tổng động viên” cả nước.
“Đây có thể nói là lời “Hịch non sông đất nước” thời đại Hồ Chí Minh”, vị tướng già nhấn mạnh.
Trong lúc chiến sự trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang diễn ra, ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành kế hoạch “Dạy cho Việt Nam một bài học” và ra lệnh rút quân về nước.
Ngày 7/3/1979, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân mà không truy kích.
Vì sao Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam năm 1979?
Nhân dịp kẻ niệm 43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979-17/2/2022), Đài tiếng nói Việt Nam cũng đã trích đăng một số đoạn đáng chú ý trong cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” của tướng Nguyễn Đức Huy, đặc biệt, có ý kiến phân tích nguyên nhân Trung Quốc tuyên bố rút quân vào 5/3/1979.
Thứ nhất, do bị quân và dân Việt Nam đánh cho thất bại nặng nề nên Trung Quốc buộc phải rút quân.
Bên cạnh đó, dư luận quốc tế kịch liệt lên án Trung Quốc cũng như ông Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến tranh này.
Chính phủ nhiều nước, nhiều tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể quần chúng trên thế giới đã tổ chức biểu tình, ra Tuyên bố với khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam”, đòi “nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.
Nguyên nhân thứ hai, Trung Quốc phát hiện Việt Nam đã điều động Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 từ mặt trận Campuchia về tham gia chiến đấu để bảo vệ phía Bắc Việt Nam.
Ai cũng biết rằng, quân đội nhân dân Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Đây là những quân đoàn thiện chiến đã từng đánh bại những đơn vị sừng sỏ nhất của đế quốc Mỹ và quân ngụy tay sai. Nếu quân Trung Quốc tiếp tục tiến sâu vào đất Việt Nam sẽ bị tiêu diệt lớn, thiệt hại nặng nên buộc Trung Quốc phải rút quân.
Thứ ba, theo hồi ức của tướng Huy, Trung Quốc thấy Liên Xô thật sự giúp Việt Nam, sẵn sàng tham chiến cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mặt khác nếu cần Liên Xô sẽ mở mặt trận đánh vào biên giới Bắc Trung Quốc giáp với Mông Cổ.
Nguyên nhân thứ tư, chính quyền Trung Quốc chỉ giới hạn cuộc chiến tranh xâm lược như vậy để thử thách ý chí của quân dân Việt Nam và thử xem hiệu quả của Hiệp ước Việt Nam - Liên Xô vừa được ký cuối năm 1978 như thế nào.
“Nói cách khác, Trung Quốc coi cuộc tiến công Việt Nam là phép thử với quan hệ Xô - Việt và lôi kéo Mỹ cùng chống lại Liên Xô. Đây cũng là lý do sâu xa của cuộc chiến tranh phía Bắc từ tháng 2/1979”, theo Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên.
Trước hành động tuyên bố rút quân của Trung Quốc, để tỏ rõ thiện chí hòa bình, mong muốn khôi phục quan hệ hữu nghị giữa hai nước, Trung ương đảng, Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng biên giới dừng chiến dịch phản công để tạo điều kiện cho quân Trung Quốc rút về nước.
Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản Trung Quốc hoàn thành việc rút quân khỏi Việt Nam (dù thực tế còn rải rác thêm các ngày sau đó).
Cuộc chiến đấu bảo vệ phía Bắc của Việt Nam diễn ra trong vòng một tháng (từ 17/2 đến 18/3/1979) nhưng có ý nghĩa thắng lợi rất to lớn, thể hiện trên một số khía cạnh cơ bản.
Trong đó, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân xâm lược, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí đồ dùng quân sự buộc đối phương sớm rút quân, qua đó làm thất bại hoàn toàn ý đồ của các nhà cầm quyền Trung Quốc muốn áp đặt lợi ích nước lớn lên bán đảo Đông Dương.
“Khúc quanh lịch sử” làm tổn thương quan hệ Việt - Trung
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do Trung Quốc phát động đã làm tổn thương mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Trung Quốc.
Đó là một “khúc quanh lịch sử” trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Những đau khổ mà nhân dân hai nước phải gánh chịu trong chiến tranh là bài học xương máu phải được nhận thức đầy đủ.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh 1931, nhập ngũ năm 1948, là một người đã trực tiếp chiến đấu qua các cuộc chiến tranh anh dũng của dân tộc: Chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ phía Bắc Việt Nam, từ đầu năm 1985 đến cuối năm 1989, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên, ông là Tham mưu trưởng mặt trận (ông cũng đồng thời làm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2).
Hiện tại, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên.
“Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà cha ông đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống yêu nước”, tướng Nguyễn Đức Huy – người lính già Vị Xuyên nhắc nhở.