Vì sao liên tiếp xảy ra đình công, ngừng việc tập thể ở Việt Nam?
© Ảnh : BÍch Huệ - TTXVNBan lãnh đạo Công ty phải đối thoại với số đông người lao động, theo đó chất lượng cuộc đối thoại không cao và hai bên vẫn chưa đi đến nội dung thống nhất
© Ảnh : BÍch Huệ - TTXVN
Đăng ký
Từ đầu năm 2022 đến nay, thống kê cho thấy tại Việt Nam đã xảy ra 28 cuộc đình công, ngừng việc tập thể hay tranh chấp lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên tiếng về tình trạng này và yêu cầu các địa phương phải có giải pháp, phương án ngăn chặn đình công tự phát, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
28 cuộc đình công ở Việt Nam
Ngày 16/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn sau khi một số cơ quan truyền thông phương Tây viết về tình trạng công nhân ở Việt Nam đình công và đặt câu hỏi về vai trò của Tổng Liên đoàn.
Động thái này của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là có thể lý giải và hợp lý trong thời điểm công nhân trở lại các nhà máy làm việc sau Tết và nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn đầu công cuộc hồi phục, các doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục hoạt động kinh doanh sản xuất.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay (tức chỉ mới 6 tuần làm việc), trên khắp cả nước đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể (đình công).
“Cả nước đã xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 12 tỉnh, thành phố, giảm 7 cuộc so với dịp Tết năm 2021 (xảy ra 35 cuộc), tương đương với mức giảm 20%”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.
Theo ông Phan Văn Anh, người ký Công văn số 3649/TLĐ-QHLĐ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể gửi tới các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; các công đoàn ngành trung ương; các công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các vụ việc ngừng việc tập thể năm nay có tính chất, quy mô “không phức tạp” so với các năm trước.
Vì sao liên tiếp xảy ra đình công?
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, một số tỉnh như Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An đã để xảy ra tình trạng công nhân lao động tạm ngừng việc tập thể để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, tăng phụ cấp, giảm giờ làm.
Đã có 3 cuộc ngừng việc tập thể xảy ra ngay sau Tết Nguyên đán, nguyên nhân của các cuộc ngừng việc tự phát này đều liên quan đến vấn đề tiền lương, phúc lợi của người lao động.
Điển hình như vừa qua, 5.000 công nhân tại Công ty TNHH Viet Glory (sản xuất giày dép) trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngừng việc từ ngày 7-2; 5.300 lao động Công ty TNHH Vienergy (Đài Loan, sản xuất giày dép) ngừng việc ở Ninh Bình từ ngày 11/2.
Trong số các cuộc ngừng việc tập thể dịp đầu năm, điển hỉnh nhất là cuộc ngừng việc xảy ra trước Tết Nguyên đán tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouchen Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai.
Cuộc ngừng việc kéo dài 4 ngày với sự tham gia của hơn 16.000 lao động. Tập thể người lao động không đồng ý việc công ty ra thông báo giảm tiền thưởng cuối năm 2021 so với năm 2020 là 30%.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động, các vụ ngừng việc của người lao động đều có nguyên nhân là người lao động yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại, bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, công nhân cũng phản ánh việc trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng, thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động…
“Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp trả thưởng thấp hơn so với Tết 2021, điều kiện trả thưởng…”, theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Ngoài những nguyên nhân này, theo ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, để xảy ra mâu thuẫn còn do chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động, không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp.
Ngoài ra, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém cũng dẫn đến sự thất vọng của công nhân.
Ông Phan Văn Anh dẫn chứng vụ ngừng việc tập thể kéo dài 6 ngày của gần 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory ở Diễn Châu (Nghệ An) đề nghị chủ doanh nghiệp tăng lương, phụ cấp, bãi bỏ nhiều quy định khắt khe như phải có mặt trước giờ làm 10 phút, không được sa thải công nhân F0.
Bên cạnh đó, việc công ty này trả lương cho công nhân hơn 3,6 triệu đồng, chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng thấp nhất vài trăm nghìn đồng (vùng IV thấp nhất 3,07 triệu đồng).
“Người lao động không có tích lũy, lại liên tiếp chịu ảnh hưởng của dịch khó mà xoay xở với cuộc sống khi vật giá tăng từng ngày, dễ có tâm lý so sánh khi các doanh nghiệp khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn”, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động lưu ý.
Giải quyết đình công “tận gốc rễ”
Trong công văn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn các tỉnh thành, ngành trung ương chủ động tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên lao động.
Đồng thời, công đoàn các cấp cần tăng cường tuyên truyền, tư vấn để người lao động và doanh nghiệp chia sẻ, đồng hành vượt qua khó khăn; chăm lo, nâng cao việc làm, đời sống, thu nhập của công nhân lao động…
Với các địa phương, đơn vị đông người lao động, doanh nghiệp, công đoàn các cấp phải chủ động nắm thông tin, số lượng, địa chỉ, tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động…
Công đoàn Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp như thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các chủ tịch công đoàn cơ sở qua mạng xã hội nhằm kịp thời chia sẻ, cập nhật tình hình.
Điển hình như, khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, công đoàn cấp trên cơ sở kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lây lan.
© Ảnh : Bích Huệ - TTXVN4.500 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã đi làm trở lại ngày 14/2
4.500 công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã đi làm trở lại ngày 14/2
© Ảnh : Bích Huệ - TTXVN
Trong công văn, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh nhấn mạnh công đoàn các cấp cần phối hợp các cấp chính quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế rà soát doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động.
Từ đó, Tổng Công đoàn Lao động yêu cầu cần có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra.
Công đoàn cơ sở, liên đoàn lao động địa phương đã có những phiên thương lượng với giới chủ, đạt được một số thỏa thuận để công nhân sớm đi làm trở lại.
Theo đại diện Công đoàn, hai năm chịu tác động của dịch, người lao động đã đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp như chấp nhận giảm lương, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, thực hiện ba tại chỗ, không về quê đón Tết, tăng ca để đáp ứng tiến độ giao hàng.
“Khi tình hình sản xuất dần khôi phục, doanh nghiệp có thể chịu thiệt thòi một phần về lợi nhuận trong thời gian đầu để tăng phúc lợi cho công nhân. Lao động yên tâm sản xuất, doanh nghiệp mới có thể phát triển”, ông Phan Văn Anh phân tích.
Ông nhận định, tiền lương tối thiểu, phụ cấp của công nhân mới đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống.
Trong phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia sắp tới, Tổng liên đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị các bên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng sau hai năm liên tiếp chưa điều chỉnh.
Trong năm nay, các cấp công đoàn sẽ thương lượng với chủ doanh nghiệp về tăng tiền ăn ca cho người lao động, thấp nhất 18.000 - 25.000 đồng trở lên, tùy thuộc từng vùng.