Việt Nam lo mất nhiều loài chim quý thuộc Sách đỏ thế giới vì nguy cơ cháy rừng
© Ảnh : Thanh Bình-TTXVNKiểm tra vòi nước chữa cháy tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đồng Tháp IV
© Ảnh : Thanh Bình-TTXVN
Đăng ký
Tình hình nắng nóng kéo dài ở Vườn chim Bạc Liêu, vườn quốc gia U Minh Hạ, U Minh Thượng cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang gây lo ngại về nguy cơ cháy rừng, đe dọa nhiều loài chim quý hiếm, có trong Sách đỏ thế giới.
Lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống cháy rừng mùa khô, trực 24/24, kêu gọi người dân không vào vườn chim, khu bảo tồn để câu cá trái phép hay đốt lửa ven rừng, gây nguy cơ cháy.
Cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm ở Vườn chim Bạc Liêu
Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang nỗ lực sẵn sàng công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong bối cảnh nắng nóng gay gắt trên diện rộng, thời tiết oi bức, nước dưới chân rừng bốc hơi nhanh, cảnh báo cháy rừng cao ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn và nhiều địa phương.
Bước vào mùa hanh khô, các chủ rừng đang phải đặc biệt nâng cao tinh thần cảnh giá, tăng cường lực lượng canh giữ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng.
Trong bối cảnh tình trạng hanh khô đang ngày càng trầm trọng, theo ông Trần Bình Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu cho biết, Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu đã phải nâng mức cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.
“Lực lượng tại chỗ đang túc trực 24/24, thực hiện nghiêm ngặt các phương án phòng cháy chữa cháy rừng”, ông Lộc nêu.
Việc đưa ra mức cảnh báo cháy rừng cấp 5 này là cần thiết. Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu, các đơn vị hiện đang phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm tỉnh tiến hành dọn thực bì, phát quang các tuyến đường, bờ bao, khu vực nguy cơ cháy cao.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống ven khu bảo tồn không xâm nhập vào rừng, không đốt lửa gần bờ bao hoặc ngăn dòng chảy kênh dẫn nước vào Vườn chim Bạc Liêu.
Được biết, Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu có tổng diện tích cả vùng lõi và vùng đệm khoảng 380ha, được công nhận là Khu Bảo tồn thiên nhiên cấp Quốc gia của Việt Nam.
Năm 1986, Vườn chim Bạc Liêu được đưa vào danh sách các Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam theo Quyết định số 194/CT-HĐBT ngày 09 tháng 8 năm 1986 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đây cũng là vườn chim duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nằm ngay trong nội ô thành phố.
Là một hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long còn sót lại, nơi đây có hơn 100 loài chim làm tổ điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen và nhiều loài khác, với lượng cá thể lên đến hơn 60.000 con, trong đó nhiều loài chim quý hiếm được ghi vào Sách đỏ thế giới với cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng.
Bên cạnh đó, Vườn chim Bạc Liêu còn là nơi trú ẩn của hơn 150 loài động vật, 109 loài thực vật tạo nên một quần thể đa dạng sinh học rất độc đáo.
Theo Ban Quản lý, các đơn vị đã phân công lực lượng lấy nước theo triều cường dự trữ vào các kênh mương nhằm tăng độ ẩm rừng và dự trữ nước phòng cháy, chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra, đồng thời, thường xuyên phun nước tại các khu vực có nguy cơ cháy cao.
“Chúng tôi đã triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy, có lực lượng đầy đủ phương tiện, máy móc chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hết rồi”, theo ông Trần Bình Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu.
Vị lãnh đạo cũng cho biết thêm, cơ quan chức năng cũng tiến hành dọn thực bì bờ bao và dọn các thực bì của tuyến ở trong rừng để phòng khi nào có sự cố xảy ra thì có đường cho xe vào để ứng phó kịp thời.
“Chúng tôi trực cháy luân phiên 24/24 không để xảy ra bất cứ trường hợp cháy nào. Những cơ quan có liên quan khi nào có sự cố thì điều động có ngay”, ông Trần Bình Lộc khẳng định.
Nắng nóng gay gắt ở rừng tràm U Minh Hạ
Tại Cà Mau, theo ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ thông tin với SGGP cho biết, diện tích rừng trên cụm đảo Hòn Khoai và khu vực rừng tràm U Minh Hạ đã có hơn 2.300 ha có nguy cơ cháy cấp 3.
Các chuyên gia thủy văn, khí tượng và môi trường dự báo, với tình trạng nắng gay gắt và oi bức hiện nay sẽ khiến mực nước dưới chân rừng bốc hơi nhanh, gây nguy cơ cháy rừng ngày càng cao ở khu vực này.
Ông Dũng cho biết, để đảm bảo phương án phòng chống cháy rừng, đơn vị thường xuyên kiểm tra, gia cố tránh rò rỉ nước ở các cống đập, đảm bảo giữ nước nhằm phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Các tuyến giao thông đường bộ đã được dọn thông thoáng đảm bảo lưu thông thuận tiện. Họ cũng hoàn thành việc phát dọn cỏ các tuyến đường, vớt cỏ dưới các tuyến kênh để lưu thông đường thủy dễ dàng thuận lợi hơn.
Lãnh đạo Vườn Quốc gia U Minh Hạ cũng bố trí lực lượng trực phòng cháy chữa cháy rừng tại các điểm nóng của 14/22 điểm. Phương tiện chữa cháy đã bố trí xuống địa bàn được 10/15 tổ máy bơm tại các nơi có nguy cơ cháy cao.
Ông Dũng cũng xác nhận về việc thành lập 1 tổ tuần tra hàng ngày thực hiện nhiệm vụ kiểm tra rừng trên toàn lâm phần Vườn quốc gia. Sử dụng hệ thống camera giám sát phòng chống cháy rừng, quan sát lửa trong mùa khô 2022.
“Đơn vị vừa phối hợp với lực lượng kiểm lâm của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời, cùng chính quyền địa phương tổ chức họp dân ở vùng đệm để tuyên truyền, triển khai kế hoạch phối hợp bảo vệ rừng, tiến hành ký cam kết phòng chống cháy rừng với 456 hộ”, Phó Giám đốc Vườn U Minh Hạ thông tin.
Vừa qua đi kiểm tra Vườn quốc gia U Minh Hạ, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ các giải pháp, kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô trên lâm phần theo phương án được duyệt và phương châm “bốn tại chỗ”.
Cần duy trì các đội tuần tra lưu động, thường xuyên kiểm tra, vận hành máy móc, trang thiết bị, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để ứng phó khi có tình huống xảy ra, thực hiện tốt dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng kịp thời.
Ông Việt cũng đề nghị lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh Hạ tạm dừng hoạt động dịch vụ câu cá trên lâm phần.
Rà soát, hợp đồng thêm lao động phục vụ trực phòng chống cháy rừng, tuần tra quản lý bảo vệ rừng vào những tháng cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan… chăm lo đời sống người dân ven rừng.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng, cần ưu tiên vận động người dân nâng cao ý thức, thực hiện tốt các giải pháp phòng chống cháy rừng.
“Tuyệt đối không để người dân tự ý vào rừng lấy mật ong, bắt cá, đốt đồng… gây cháy lan, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng cháy chữa cháy rừng”, Chủ tịch Cà Mau nêu rõ.
Sẵn sàng ứng phó chống cháy rừng
Ở tỉnh Kiên Giang, ông Trương Thanh Hào, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết, hiện tại 68.000 ha rừng của tỉnh đều đặt ở mức nguy cơ cháy cấp 3, cấp 4.
Trong đó, rừng của Kiên Giang chủ yếu tập trung ở đảo Phú Quốc (khoảng 36.000 ha), Vườn quốc gia U Minh Thượng (khoảng 18.000 ha) và các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất.
Ông Huỳnh Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Quốc thông tin, trên đảo nguy cơ cháy rừng chủ yếu xuất phát từ hoạt động phát dọn rẫy của người dân. Có không ít trường hợp cố tình đốt cây tạp để lấn chiếm đất trái phép.
© Ảnh : Hưng Thịnh – TTXVNMột khoảnh thông ven đường Hồ Chí Minh vẫn cháy dang dở sau hơn 1 ngày đốt thực b
Một khoảnh thông ven đường Hồ Chí Minh vẫn cháy dang dở sau hơn 1 ngày đốt thực b
© Ảnh : Hưng Thịnh – TTXVN
Ở An Giang, khác với nhiều địa phương của Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là khu đồi núi, khi xảy ra cháy rất khó chữa do thiếu nước, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt.
Nắm được thực tế ấy, lãnh đạo An Giang đã ưu tiên phương án phòng chống từ xa. Cụ thể, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, các đơn vị chức năng vận động và phối hợp các chủ rừng, người nhận giao khoán rừng.
Các lực lượng chức năng phối hợp với người dân triển khai phát dọn cỏ, chặt dây leo, cây bụi, thực hiện đường băng trắng quanh các lô rừng, sẵn sàng các phương án ứng phó ngay nếu trường hợp cháy rừng xảy ra, hạn chế tối đa thiệt hại, việc de dọa đến nguy cơ sinh tồn của các loài chim, động vật quý hiếm.