Căng thẳng Nga – Ukraina và tình hình Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro
© Depositphotos.com / Public Domain / GenghiskhanvietCác dàn khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ
© Depositphotos.com / Public Domain / Genghiskhanviet
Đăng ký
Sản xuất đến 1/3 lượng dầu của Việt Nam, Vietsovpetro hiện vẫn kinh doanh hoạt động bình thường và đã có nhiều kịch bản ứng phó, chuẩn bị trong bối cảnh tình hình căng thẳng Nga – Ukraina.
Như đã nêu tại báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam/PVN), các doanh nghiệp dầu khí đóng tại Vũng Tàu chưa bị ảnh hưởng do chính sách cấm vận Mỹ và phương Tây nhằm vào Moskva liên quan tình hình Nga – Ukraina.
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang làm tốt công tác dự báo, xây dựng kịch bản ứng phó với khủng hoảng chính trị và giá dầu, do đó, Vietsovpetro tiếp tục theo sát tình hình và xử trí trong trường hợp Công ty Dầu khí Zarubezhneft có thể rơi vào tầm ngắm trừng phạt của phương Tây.
Giữa căng thẳng Nga – Ukraina, Vietsovpetro vẫn hoạt động bình thường
Căng thẳng quan hệ giữa Nga và Ukraina không tác động lớn đến hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam.
Trong khi Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục “thổi phồng” về chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga nhằm “phi phát xít hóa” Ukraina, đồng thời, tăng cường các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga, đẩy biến động chính trị thế giới lên cao, các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp làm ăn với Nga, có cái nhìn khách quan và bình tâm hơn nhiều.
Ngày 7/3, tại cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro, đóng ở Vũng Tàu, cho biết, liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraina, Vietsovpetro vẫn đang theo dõi sát sao tình hình.
Theo ông Lâm, Liên doanh Dầu khí Việt – Nga cân nhắc xem xét và đề ra các phương án ứng phó trước tác động của xung đột chính trị.
“Tùy theo tình hình diễn biến có kịch bản ứng phó tương ứng”, Tổng Giám đốc Vietsovpetro nhấn mạnh.
Ngày 15/3, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định, cho đến thời điểm này, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên doanh Vietsovpetro vẫn diễn ra bình thường mà không bị ảnh hưởng bởi chính sách cấm vận của các nước với Liên bang Nga.
“Bởi đại diện phía Nga trong liên doanh là Công ty dầu khí Zarubezhneft không nằm trong danh sách các công ty của Nga bị cấm vận”, ông Lâm cho biết.
Tuy nhiên, với tầm nhìn xa và đánh giá thận trọng hơn, Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Nguyễn Quỳnh Lâm cho hay, trong một số việc như giao dịch mua hàng hóa, thiết bị thì có gặp chút khó khăn.
Vietsovpetro sản xuất 1/3 lượng dầu của Việt Nam
Đây là thông tin được TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo Đánh giá nhanh tác động của các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam.
Theo đó, ở phần đánh giá về tác động đối với kinh tế Việt Nam, liên quan đến đầu tư, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia cho rằng, tính đến tháng 2/2022, tổng vốn FDI đăng ký của Nga tại Việt Nam đạt 950 triệu USD, với 151 dự án, xếp thứ 24 trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Ukraina có 26 dự án, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, xếp thứ 69.
“Tuy nhiên, các dự án của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng - là lĩnh vực quan trọng, đóng góp nhiều vào ngân sách, lao động và đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam”, chuyên gia lưu ý.
Nhóm nghiên cứu từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dẫn chứng, Vietsovpetro sản xuất 1/3 lượng dầu của Việt Nam, đạt doanh thu 1,7 tỷ USD và đóng góp hơn 920 triệu USD vào ngân sách của Việt Nam). Do đó, nghiên cứu tác động cũng là vấn đề cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Tổng thể ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư, và du lịch của Việt Nam, TS. Lực và các tác giả nghiên cứu khẳng định, những tác động tới ngoại thương của Việt Nam là không lớn trong ngắn hạn do quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraina còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam.
Trong đó, Nga chiếm khoảng 1% và Ukraina chiếm 0,1% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam năm 2021.
Đã có biện pháp
Thực tế, các công ty chuyên về dịch vụ dầu khí của Việt Nam đóng tại Vũng Tàu chưa bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga – Ukraina hay những chính sách cấm vận hà khắc của phương Tây nhằm vào Moskva vì đa phần những đơn vị này chủ yếu làm dịch vụ trong nước, ở Việt Nam.
Theo một đại diện doanh nghiệp dầu khí ở Vũng Tàu, với những doanh nghiệp làm dịch vụ dầu khí, nếu có thuê lại phương tiện của công ty ở các nước phương Tây mà đích cuối của dịch vụ đó có liên quan đến Liên bang Nga thì có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
Vị này cũng cho rằng, hiện các công ty có thiết bị, máy móc phương tiện làm dịch vụ dầu khí của phương Tây đã từ chối có thể bằng miệng hay đã gửi thư cho các đối tác biết rằng họ sẽ không tham gia các hợp đồng dịch vụ nếu khách hàng cuối của dịch vụ đó là công ty có liên quan đến Nga.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm, hiện nay Liên doanh Vietsovpetro cũng đã xây dựng kịch bản, lên phương án để đối phó, xử trí trong trường hợp Công ty dầu khí Zarubezhneft bị cấm vận.
Trong cuộc họp tuần trước ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, cuộc xung đột Nga-Ukraina có thể tác động làm giá nhiên liệu, dầu thô tăng cao, nhưng sự biến động giá có thể sẽ chỉ trong ngắn hạn vì xu thế chuyển dịch năng lượng vẫn là xu thế bao trùm chính yếu không thể đảo ngược và đang được thúc đẩy.
“Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội cần được tận dụng tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp để đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn”, theo Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng.
PVN, PVEP, Vietsovpetro và các doanh nghiệp chuyên dịch vụ dầu khí của Việt Nam cho rằng, đối với ngành năng lượng, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga do đó sẽ gặp phải những khó khăn hoặc rào cản trong tương lai, nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế.
Điều này có thể gây nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến một số hoạt động phát triển mỏ và khoan phát triển, những tác động khi các quan hệ kinh tế, đặc biệt là chuỗi cung ứng năng lượng có khả năng bị đảo lộn, áp lực lạm phát, tốc độ chuyển dịch năng lượng, cũng như các rủi ro tiềm ẩn trước những biến động, thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, mặc dù thời gian qua có rất nhiều biến động cả tích cực, tiêu cực nhưng cả hệ thống đã nỗ lực hết mình, đạt kết quả sản xuất kinh doanh tổng thể khá toàn diện, hoàn thành vượt mức cao kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ.
“Các sản phẩm chiến lược của Tập đoàn như: dầu thô, xăng dầu, khí, LPG, điện, đạm đều đảm bảo duy trì cung ứng, là công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước, góp phần bình ổn thị trường, phục vụ phát triển kinh tế đất nước”, ông Lê Mạnh Hùng cho hay.
Nhấn mạnh việc cập nhập đánh giá tình hình khủng hoảng chính trị Nga – Ukraina trong thời gian tới để điều hành kịp thời với thực tiễn, cập nhật, dự báo tình hình thị trường giá cả, cung – cầu, tồn kho, lãnh đạo PVN đề nghị các đơn vị liên quan cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực, rà soát các vấn đề liên quan về thách thức và cơ hội, để chủ động xử lý, ứng xử phù hợp, tận dụng cơ hội, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là rủi ro khi thị trường đảo chiều.
Thành công của Vietsovpetro với sự hỗ trợ từ PVN và Zarubezhneft
Năm 2021, báo cáo kinh doanh tài chính của Liên doanh Dầu khi Việt – Nga cho biết, tổng doanh thu từ hoạt động dầu khí của Vietsovpetro đạt hơn 1,684 tỷ USD - đạt 149% kế hoạch năm.
Trong số này, riêng phần thu ngân sách nhà nước đạt 922 triệu USD, vượt 317 triệu USD so với kế hoạch được giao.
Về khai thác dầu khí, tổng sản lượng khai thác dầu cán mốc mục tiêu sớm hơn 19 ngày, chỉ tiêu sản lượng khai thác khí thiên nhiên cũng đã hoàn thành trước một tháng so với kế hoạch.
Năm qua, Vietsovpetro khai thác được 3 triệu 165 nghìn tấn dầu, vượt trên 165 nghìn tấn, tương đương vượt 5,5% chỉ tiêu được giao.
Liên doanh dầu khí Việt Nga cũng đã hoàn thành vượt mức cả hai nhiệm vụ khai thác bổ sung do Hội đồng 53 giao cho, gồm sản lượng khí thiên nhiên đạt 82,3 triệu m3 (vượt 7,4% kế hoạch). Vietsovpetro cũng cung cấp về bờ hơn 0,91 tỷ m3 khí, trong đó từ Lô 09-1 đạt 266 triệu m3 (vượt 9,7% kế hoạch).
Theo Phó Giám đốc thứ nhất Bondarenko V.A, trong năm 2021, Vietsovpetro đã kết thúc thi công và đưa vào vận hành 34 công trình biển thuộc xây dựng cơ bản tại các mỏ của Vietsovpetro, góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn và hiệu quả.
Đặc biệt, công trình BK-18A và BK-19 đã hoàn thành và đưa vào khai thác trước thời hạn.
“Việc hoàn thành vượt tiến độ 2 công trình này trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng ngăn chặn đà suy giảm sản lượng dầu khai thác”, ông Bondarenko chia sẻ.
Năm rồi cũng là năm Liên doanh dầu khí Việt Nga Vietsovpetro đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, tài chính được giao; trong đó lợi nhuận hai phía vượt hơn 73% kế hoạch.
Vietsovpetro nhấn mạnh, năm 2021, doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện rất khó khăn.
Khai thác dầu khí ngày càng phức tạp, sản lượng khai thác tiếp tục suy giảm tại Lô 09-1, trong khi các phát hiện dầu khí mới hầu hết là các mỏ cận biên, các khu vực triển vọng còn lại có điều kiện địa chất hết sức phức tạp, tiềm năng dầu khí thấp.
Ngoài ra, giá dầu biến động không ổn định, thị trường cung cấp dịch vụ, vật tư thiết bị tăng giá gây trở ngại trong mua sắm đảm bảo sản xuất, đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp, có nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất của đơn vị.
Tuy nhiên, với chủ động triển khai các giải pháp linh hoạt, đồng bộ và sự hỗ trợ hiệu quả từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Zarubezhneft Nga nên Vietsovpetro đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao.
Năm 2022, Vietsovpetro đặt mục tiêu khai thác dầu/condensate 2.901 nghìn tấn, trong đó Lô 09-1 là 2.800 nghìn tấn, Lô 09-3/12 (phần của Vietsovpetro) là 101 nghìn tấn, sản lượng khí thiên nhiên 65,4 triệu m3, kế hoạch gia tăng sản lượng đạt 2.800 nghìn tấn.