Căng thẳng Nga – Ukraina và cách giúp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường cà phê thế giới
© Ảnh : Hữu Quyết - TTXVNSản phẩm cà phê của Hợp tác xã Bích Thao (Sơn La) đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia
© Ảnh : Hữu Quyết - TTXVN
Đăng ký
Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta, Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) cho rằng, xung đột Nga – Ukraina sẽ tạo ra thay đổi lớn về thương mại cà phê.
Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Ý. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, xu hướng dùng cà phê hòa tan tăng giúp cà phê Robusta Việt Nam ngày càng hưởng lợi.
Việt Nam có thể tăng xuất khẩu cà phê ra các thị trường hàng đầu thế giới
Bộ Công Thương cho biết, cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu, gạo, chè (trà xanh), rau quả sẽ tiếp tục là những mặt hàng nông sản chủ lực tăng trưởng mạnh của Việt Nam.
Cà phê là một trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được tập trung đẩy mạnh bán sang thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, hay cho cả các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, châu Âu hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, đồng thời, đây cũng là thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam lớn nhất, chiếm tới trên 16% thị phần.
Việc ký kết EVFTA, cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại EU là rất lớn khi có 93% dòng thuế về 0%.
Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Đồng thời, EU cũng cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.
Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy, mặt hàng số 1 là cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất ưu đãi theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu nhập khẩu cà phê khoảng 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.
Về phía Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa qua cũng đã công bố dự báo về lĩnh vực cà phê năm 2022.
Sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 giảm 8,5 triệu bao, tương đương 4,8% so với niên vụ trước xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg).
Tiêu thụ cà phê toàn cầu vụ 2021-2022 được dự báo tăng 1,5 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng chủ yếu tại EU, Hoa Kỳ và Brazil.
Lượng tồn kho cà phê toàn cầu cũng được dự đoán giảm 6,3 triệu bao xuống mức 30 triệu bao, mức thấp nhất trong 5 niên vụ vừa qua.
© Ảnh : TTXVN phátNông dân Kon Tum thu hái cà phê phục vụ chế biến xuất khẩu
Nông dân Kon Tum thu hái cà phê phục vụ chế biến xuất khẩu
© Ảnh : TTXVN phát
Liên quan đến cà phê Việt Nam, USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2021-2022 tăng 2,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 31,1 triệu bao sau đợt khô hạn nghiêm trọng trong niên vụ trước.
“Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới là: Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Ý”, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay.
Cũng theo USDA, các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi cũng giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại.
“Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan ngày một gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê Robusta của Việt Nam”, USDA dự báo.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ thị hiếu tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Tìm đường vào châu Âu
Giá cà phê tăng do tồn kho cà phê thế giới tiếp tục sụt giảm.
Đối với Việt Nam, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên hiện ở mức 40.800 đến 41.400 đồng/kg, tăng 1.600 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu giá FOB giao tại cảng TP.HCM tăng 59 USD/tấn lên 2.289 USD/tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay, trong tháng 2/2022, giá cà phê thế giới biến động tăng. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2022 tại thị trường London đã tăng 174 USD/tấn lên mức 2.349 USD/tấn.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 370.874 tấn, với kim ngạch trên 823,11 triệu USD, giá trung bình đạt 2.219,4 USD/tấn, tăng mạnh 30,9% về khối lượng, tăng 65,8% về kim ngạch và tăng 26,7% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về đối tác, Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm gần 13% tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của quốc gia này, đạt 47.173 tấn, tương đương 104,39 triệu USD.
Việt Nam bán cà phê cho Đức giá trung bình 2.212,9 USD/tấn, tăng 16,6% về lượng, tăng 49,4% về kim ngạch và tăng 28% về giá so với 2 tháng đầu năm 2021.
Bỉ là nước đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 đã tăng mạnh 451,8% về lượng, tăng 587,8% về kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 36.632 tấn, tương đương 73,6 triệu USD, giá trung bình 2.009 USD/tấn; chiếm gần 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Đứng thứ ba là thị trường Ý. Về kim ngạch, trong hai tháng đầu năm 2022 xuất khẩu giảm nhẹ 0,5% khối lượng nhưng tăng mạnh trên 30% cả về kim ngạch và về giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 24.773 tấn, tương đương trên 54,36 triệu USD, giá 2.194,5 USD/tấn, chiếm gần 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Cà phê Việt Nam hưởng lợi gì từ căng thẳng Nga – Ukraina?
Nhận định từ Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), Liên bang Nga là thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê Việt Nam đứng thứ 7, sau các nước châu Âu.
Vicofa cho hay, có khoảng gần 60% loại cà phê mà Nga nhập khẩu là Robusta, trong khi đó, đây cũng là loại cà phê mà Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng.
“Cuộc chiến Nga–Ukraina sẽ tạo ra thay đổi rất lớn về thương mại cà phê”, Hiệp hội này nhận định.
Đồng tiền Nga (đồng Ruble) hiện giảm hơn một nửa giá trị và thương mại do bị các quốc gia khối G7, EU, NATO, Mỹ, Nhật Bản trừng phạt. Ngoài ra, những hãng vận tải biển lớn như Maersk cũng dừng toàn bộ việc vận chuyển vào Nga. Do đó, thị trường Nga có tiềm ẩn yếu tố rủi ro trong hầu như tất cả các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
© Ảnh : Hữu Quyết - TTXVNSản phẩm cà phê của Hợp tác xã Bích Thao (Sơn La) đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia
Sản phẩm cà phê của Hợp tác xã Bích Thao (Sơn La) đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia
© Ảnh : Hữu Quyết - TTXVN
Xuất khẩu cà phê Việt Nam vào Nga có thể đối mặt với khó khăn vào thời điểm này, tuy nhiên, theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, đây là lại cơ hội cho cà phê Việt gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU và Mỹ khi giao thương cà phê giữa Nga và EU hiện bị ngưng trệ. Cùng với đó, hàng hóa đến từ Trung Quốc hay Belarus cũng bị ảnh hưởng, bài trừ vào EU. Việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT cũng có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam có kế hoạch cụ thể chuyển hướng tập trung mạnh mẽ hơn vào thị trường EU.
Để cà phê Việt Nam đi khắp thế giới
Hưởng lợi từ EVFTA, nhưng theo các cơ quan chức năng Việt Nam, đây không phải chìa khóa vạn năng. EU có yêu cầu rất khắt khe với chất lượng sản phẩm.
Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan đánh giá, một trong những cái được lớn nhất từ EVFTA không chỉ là mức thuế suất ưu đãi, mà còn là những quy định rõ ràng hơn, để nếu người chơi tuân thủ sẽ đem lại những lợi ích về lâu dài.
“Chúng tôi sẽ xây dựng đề án xuất khẩu nông sản sang EU, có chiến lược làm sao nông sản vững chãi trong hệ thống phân phối lớn của châu Âu, chứ không phải đi từng chuyến hàng của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Hoan, nếu đi cùng nhau, chi phí rẻ, sức cạnh tranh lớn hơn và phải lập liên minh những nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam, đặc biệt tại Tây Nguyên, thủ phủ cà phê của quốc gia Đông Nam Á.
© Ảnh : Khoa Chương - TTXVNCà phê tại huyện Đăk Hà (Kon Tum) vào mùa thu hoạch
Cà phê tại huyện Đăk Hà (Kon Tum) vào mùa thu hoạch
© Ảnh : Khoa Chương - TTXVN
Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, Hà Lan, Đại diện xúc tiến thương mại trực tiếp giữa Việt Nam và Hà Lan đã nêu ý kiến trên báo Nông nghiệp Việt Nam rằng, cà phê Việt Nam muốn đi khắp thế giới và chinh phục những thị trường khó tính như EU thì cần có chiến lược khác “tinh tế hơn thay vì trồng gì bán nấy”.
Theo vị chuyên gia, trước hết, phải tăng diện tích trồng cà phê sạch. Cụ thể, để vào được thị trường châu Âu, các doanh nghiệp đều phải thay đổi cách sản xuất truyền thống, lạc hậu không những năng suất thấp mà còn tác động xấu lên môi trường.
Tiếp đó, Việt Nam phải tăng chế biến sâu cà phê thay vì xuất khẩu thô. Hiện nay, phần lớn cà phê xuất khẩu thô.
“Nếu không nhanh chóng có phương án tiến hành chế biến sâu rộng rãi hạt cà phê Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu cũng như thị phần của cà phê Việt vào EU sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh, mở đường cho cà phê chế biến từ các nước khác chiếm lĩnh thị phần”, Giám đốc VIEC nhấn mạnh.
Về chế biến, chuyên gia khuyến nghị phải đa dạng hóa sản phẩm cà phê để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở từng quốc gia tại EU. Đơn cử, tại Hà Lan những dòng cà phê hương vị việt quất, sôcôla, hạt phỉ và mận là loại và hương vị cà phê được ưa chuộng, họ bán với giá rất cao, 11-15 EUR một túi 500 gram (khoảng 300-400 nghìn VND).
Sau đó là cần xây dựng thương hiệu theo chuỗi giá trị thay vì thu gom thông qua đại lý. Hiện tại dù chất lượng và sản lượng cà phê nổi tiếng thế giới, song các thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn còn lưa thưa và mờ nhạt.
“Nguyên nhân là do các nhà sản xuất không tự tay chế biến sâu và xuất khẩu trực tiếp, cà phê chế biến chủ yếu xuất hiện dưới tên của những thương hiệu nước ngoài, các đại lý thu mua chính hạt cà phê Việt Nam và sau đó đổi tên để tiến hành xuất khẩu”, ông Như Nguyễn lý giải.
Theo ông, về ngắn hạn, đây có thể là một cách nhanh và tiện. Tuy nhiên về dài hạn, cà phê Việt Nam sẽ khó tạo được danh tiếng, uy tín, thương hiệu và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các thương hiệu cà phê nước ngoài.
Vấn đề tiếp theo là cần tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng tại thị trường mục tiêu. Ví dụ, người Việt Nam sinh ra và lớn lên trên vương quốc cà phê nên ưa chuộng cà phê đậm, đắng và mê đắm vị tươi của Robusta khi pha bằng phin và thêm sữa đặc.
Người dân EU lại thích cà phê Arabica với vị nhạt hơn và chua. Cụ thể, người Hà Lan ưa chuộng các loại cà phê như đen nóng không đường, Cappuccino, Espresso hoặc Latte Machiato. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất cần có cái nhìn tổng quát và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa nếu thực sự muốn chinh phục thị trường.