Nghi Sơn ‘đứt gánh’, Dung Quất lên ngôi và nỗi lo khác của PVN khi công ty con bị kiện
© Ảnh : PetrovietnamToàn cảnh hội thảo về việc cung cấp dầu thô cho NMLD Dung Quất
© Ảnh : Petrovietnam
Đăng ký
Trong nỗi lo đứt chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, tình hình căng thẳng Nga – Ukraina, thiếu hụt nguồn cung khiến giá xăng dầu trong nước tăng cao, PVN đang tìm giải pháp cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Cùng với đó, có ba ngân hàng kiện Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam – PVN) gồm Vietcombank, PVCombank, Oceanbank liên quan đến nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất.
Những vấn đề của nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất
Tin tức về ngành dầu khí Việt Nam có một số điểm nhấn đáng chú ý.
Vừa qua, Công ty Kiểm toán Deloitte, một trong 4 công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới cùng với EY, KPMG và PwC đã nêu ý kiến đáng chú ý đối với Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Theo đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Lọc dầu Bình Sơn được chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần và chính thức niêm yết trên sàn UpCOM kể từ ngày 1/3/2018.
Trong đó, riêng Lọc hóa dầu Bình Sơn lại có 2 công ty con gồm có Công ty cổ phần Nhà và Thương mại Dầu khí cùng Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF).
Trước đó, hồi năm 2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao cho Lọc hóa dầu Bình Sơn và BSR lại giao cho Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung làm chủ đầu tư Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất.
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất được khởi công xây dựng từ tháng 9/2009, công suất thiết kế 100 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư hơn 80 triệu USD (gần 1.900 tỷ đồng).
Theo giới thiệu từ Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi, đây là trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam và cũng là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Vùng nguyên liệu sắn chủ yếu của nhà máy là tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận trong khu vực.
Tháng 3/2012, nhà máy này cho ra đời dòng sản phẩm đầu tiên. Theo Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, nhà máy đi vào vận hành thương mại từ ngày 1/1/2014. Từ đó, BSR-BF vẫn duy trì xuất khẩu sản phẩm nhưng với số lượng thấp vì vấp phải sự cạnh tranh về giá, trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa vẫn chưa tăng trưởng do Lộ trình sử dụng xăng E5, E10 bị chậm.
Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2015, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do sản phẩm làm ra bán quá chậm, chi phí sản xuất lại tăng dẫn đến thua lỗ. Báo cáo từ BSR-BF cho thấy, tổng sản lượng E100 bình quân do BSR và PVOil tiêu thụ ở thời điểm đó vào khoảng hơn 800 m3/tháng, trong khi thị phần E100 ngoài nhiên liệu chiếm tỷ trọng không đáng kể đã khiến BSR-BF giảm công suất chạy máy và tạm dừng hoạt động vào ngày 21/4/2015.
Tiếp đó, nhà máy đã vận hành lại 2 đợt vào tháng 10/2018 và tháng 4/2019 theo Hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh gia công cho đối tác, tuy nhiên, dự án này đã lọt vào danh sách 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương.
Theo báo cáo tài tài chính năm 2021 của Lọc hóa dầu Bình Sơn, hiện BSR nắm giữ 65,54% vốn của BSR-BF, công ty này thực hiện dự án Bio-Ethanol Dung Quất nhưng hiện đã tạm dừng hoạt động sản xuất.
Thông tin tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng.
Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh khi có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Tại ngày 31/12/2021, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.330 tỷ đồng, lỗ lũy kế của BSR-BF là 1.243 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 926 tỷ đồng.
Báo cáo lưu ý, khả năng tiếp tục hoạt động của BSR-BF phụ thuộc vào việc tái hoạt động sản xuất của nhà máy, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Năm ngoái, sau thời gian dài ngừng hoạt động, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đã được cho thuê làm nơi chứa đá thải, than từ nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất.
3 ngân hàng đang kiện BSR-BF
Trong khi đó, báo cáo kiểm toán của Deloitte đặc biệt nhấn mạnh khoản vay của nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio – Ethanol Dung Quất liên quan tới 3 ngân hàng.
Cụ thể, trong năm 2021, có ba ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF gồm Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã gửi đơn kiện lên TAND thành phố Quảng Ngãi.
Vụ việc có liên quan đến khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Ethanol Dung Quất với tổng giá trị nợ gốc và lãi vay là khoảng 1.371 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2021, giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho các khoản vay trên là khoảng 1.217 tỷ đồng.
Đến ngày lập báo cáo theo Deloitte, TAND TP. Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử vụ kiện.
Trước đó, ngày 30/3/2010, Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã ký hợp đồng làm đầu mối thu xếp vốn cho dự án Ethanol Dung Quất. Tổng trị giá hợp đồng hơn 45,5 triệu USD và 70,5 tỷ đồng. PVCombank Đà Nẵng và Vietcombank Dung Quất là các đơn vị đồng tài trợ.
Về PVcomBank, ngân hàng này được thành lập ngày 16/9/2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank).
Đối với OceanBank, theo Thanh Niên, từ năm 2015, sau vụ việc liên quan tới ông Hà Văn Thắm, Ngân hàng Nhà nước đã công bố các quyết định mua lại với giá 0 đồng và chuyển đổi mô hình hoạt động của OceanBank thành Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy, đà tăng phi mã của giá dầu giúp công ty đạt doanh thu 101.114 tỷ đồng, tăng gần 75% (năm ngoái doanh thu đạt 57.959 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế năm ngoái lỗ 2.858 tỷ đồng, năm 2021 lãi 6.683 tỷ đồng.
Cung cấp dầu thô cho Lọc dầu Dung Quất
Ngày 18/3, theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), dưới sự chủ trì của PVN, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã phối hợp với Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tổ chức Hội thảo cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Đây là động thái cần thiết trong bối cảnh tình hình nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam – Lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang chồng chất khó khăn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, trong lịch sử hình thành và phát triển của nhà máy lọc dầu Dung Quất luôn có sự chỉ đạo của Petrovietnam và sự đồng hành của PVOIL, Vietsovpetro, PVEP để thu xếp đủ lượng dầu thô cho hoạt động của nhà máy.
“Trong 12 năm qua, tổng cộng hơn 85 triệu tấn dầu đã được cung cấp để phục vụ vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, để nhà máy luôn vận hành an toàn, ổn định ở mức 100 - 110% công suất thiết kế, đóng góp to lớn vào sự ổn định, phát triển kinh tế của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Bùi Ngọc Dương cho hay.
Cũng nêu quan điểm tại sự kiện, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng, bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, cộng thêm những biến động, xung đột địa chính trị sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraina đã đẩy thị trường năng lượng thế giới vào những biến động lớn.
“Điều đó đòi hỏi các đơn vị phải thích ứng nhanh và có biện pháp kiện toàn lại chuỗi giá trị liên kết từ khâu đầu đến khâu cuối của Petrovietnam ngày càng chặt chẽ hơn”, ông Thắng lưu ý.
Liên quan đến vấn đề cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, đại diện PVOIL cho biết, 12 năm qua, PVOIL luôn hỗ trợ BSR mua tối đa dầu thô Việt Nam, cả về khối lượng lẫn chủng loại dầu thô mà BSR có thể chế biến.
Theo đại diện PVOIL, năm 2021, doanh nghiệp đã cung cấp cho BSR 5,58 triệu tấn dầu Việt Nam, đạt 140% kế hoạch, đáp ứng 80% tổng nhu cầu dầu thô của BSR. Dù trên thực tế BSR đã uỷ thác cho PV OIL mua dầu.
Đại diện PVOIL cũng cho rằng xung đột giữa Nga - Ukraina có thể gây ra nhiều thách thức trong công tác cung cấp dầu thô thời gian tới.
Lãnh đạo Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro và PVEP có chung quan điểm rằng sẽ luôn ủng hộ các quyết định của Petrovietnam và ưu tiên dành nguồn dầu thô khai thác được từ đơn vị mình cho hoạt động sản xuất của BSR.
Cụ thể, ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP khẳng định BSR là đối tác chặt chẽ của PVEP, đồng thời, đánh giá cao vai trò điều phối của Petrovietnam là rất quan trọng trong việc liên kết chuỗi giá trị của các đơn vị thuộc PVN.
Ông Bùi Minh Tiến – thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tăng cường liên kết chuỗi trong bối cảnh biến động trên thế giới chưa thể dự đoán.
“Chính phủ hiện đang rất quan tâm đến chuỗi liên kết này, phải đẩy mạnh liên kết chuỗi, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia để xứng đáng với niềm tin, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ”, ông Tiến nói.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam đã ghi nhận thành quả trong hơn 12 năm qua của BSR khi chế biến thành công hơn 85 triệu tấn dầu thô, đưa ra thị trường những dòng sản phẩm chất lượng, giúp ổn định thị trường năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhấn mạnh việc cung cấp dầu thô cho BSR rất quan trọng, vì vậy, trong tình cảnh biến động mạnh mẽ, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ, “nương tựa” vào nhau để cùng phát triển.
“Hiện tại giá dầu thế giới cao nhưng những đơn vị liên quan cũng phải có các kịch bản cho tình huống giá dầu xuống thấp để có thể kịp thời thích ứng với thị trường”, ông Huyên lưu ý.
Lãnh đạo Petrovietnam cũng cho rằng, cung cấp dầu thô cho BSR chính là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vì vậy sự liên kết chuỗi giữa các đơn vị khâu đầu và khâu sau của tập đoàn phải ngày càng chặt chẽ hơn, thiết thực hơn.
“Tập đoàn sẽ tạo điều kiện hết sức để đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết này”, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên nêu rõ.