Việt Nam muốn coi COVID-19 là bệnh thông thường, WHO lên tiếng
© Depositphotos.com / Dennizn Logo của WHO trên nền mô hình 3D của coronavirus
© Depositphotos.com / Dennizn
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo Việt Nam chưa nên coi Covid là bệnh lưu hành và bỏ 5K do số ca mắc quá cao có thể khiến hệ thống y tế quá tải dù ca bệnh nặng thấp.
Cần kiểm soát dịch bệnh bền vững
Mới đây có một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia hay Thái Lan đang chuẩn bị lộ trình từng bước chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu, tức là giai đoạn sống chung với COVID-19, phục hồi kinh tế.
Ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
© Ảnh : Facebook account of Kidong ParkÔng Kidong Park.
Ông Kidong Park.
© Ảnh : Facebook account of Kidong Park
Tuy nhiên, TS. Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam lại cho rằng, có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp vì đại dịch toàn cầu trong năm nay, song lúc này chưa nên coi Covid là bệnh lưu hành và bỏ 5K.
“Các nước cần sẵn sàng chuyển đổi phản ứng sang kiểm soát COVID-19 bền vững và chuẩn bị về lâu dài, thay vì từ bỏ hoàn toàn các biện pháp dập dịch bằng cách tuyên bố COVID-19 là bệnh lưu hành. Bởi các quốc gia cần bảo vệ những người yếu thế nhất, ngăn ngừa tình trạng quá tải hệ thống y tế", ông Park chia sẻ với nguồn tin VnExpress ngày 23/3.
Đồng tình với ý kiến của đại diện WHO tại Việt Nam, một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm đều nhấn mạnh, chưa có một loại virus nào lại có khả năng biến thể nhanh, nhiều và khó lường như SARS-CoV-2.
"Nếu xuất hiện một chủng mới có nguy cơ diễn biến nặng hơn vậy lúc đó chúng ta sẽ giải quyết như thế nào và bây giờ phản ứng linh hoạt nhưng vẫn phải tuân thủ theo các quy định chung về mặt khoa học cũng như của WHO", GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết.
Vì vậy, theo ý kiến của TS. Kidong Park, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong tại Việt Nam tiếp tục giảm, nhưng số ca mắc quá cao có thể khiến hệ thống y tế quá tải dù ca bệnh nặng thấp. Do đó, Việt Nam chưa nên loại bỏ các biện pháp dập dịch hiệu quả từ giai đoạn trước như: 5K, xét nghiệm kháng nguyên, PCR và cách ly F0.
Có nên bỏ 5K, thay bằng 2K?
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - khai báo y tế - không tụ tập) là biện pháp phòng dịch cơ bản được Việt Nam áp dụng ngay từ khi Covid-19 xuất hiện ba năm trước. Bộ Y tế đánh giá đây là biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả, góp phần lớn trong phòng chống lây nhiễm cộng đồng thời gian qua.
Nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế, mới đây Chính phủ Việt Nam đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch chuyển sang phương thức quản lý rủi ro, từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong.
Trong đó, lãnh đạo TP. HCM và Hà Nội nhận định biện pháp 5K không còn phù hợp (như khoảng cách, không tụ tập), đề nghị rút còn 2K là khẩu trang và khử khuẩn. Vấn đề này gặp sự phản đối của đại diện WHO tại Việt Nam.
“Chưa nên bỏ 5K, nhưng đã đến lúc chuẩn bị cho kết thúc đại dịch. Việt Nam và thế giới có đủ công cụ, phương pháp để làm việc này", ông Park khuyến cáo.
WHO ‘hiến kế’ gì cho Việt Nam?
Đứng trước những thay đổi trong tình hình chống dịch trên toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng, đòi hỏi có biện pháp linh hoạt và hiệu quả.
Đối với Việt Nam, TS. Kidong Park cho rằng, cách thức hiệu quả nhất vẫn là đảm bảo khả năng miễn dịch của cộng đồng thông qua tiêm phòng COVID-19, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao.
"Chính phủ có thể điều chỉnh các biện pháp y tế công cộng và xã hội khi cần thiết, đồng thời rút ra bài học quan trọng và xác định giải pháp mới ngay lúc này, không đợi đến khi đại dịch kết thúc mới làm điều đó", ông Park nói.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế cần giảm lệ tử vong thông qua điều trị lâm sàng chặt chẽ, gồm chăm sóc ban đầu, phân bổ công bằng nguồn lực chẩn đoán, oxy, thuốc kháng virus tại các điểm điều trị.
Ngoài ra, WHO khuyến nghị mỗi địa phương xem xét điều chỉnh quy định về xã hội và sức khỏe cộng đồng dựa trên tỷ lệ giường trống trong các đơn vị hồi sức tích cực (ICU), nguy cơ quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe; tỷ lệ tiêm chủng nhóm nguy cơ cao; năng lực quản lý ca nhiễm tại cơ sở y tế.