Pháp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay tiền
20:35 28.03.2022 (Đã cập nhật: 20:50 28.03.2022)
© Ảnh : Công Thử - TTXVNLĩnh vực năng lượng tái tạo đóng góp đáng kể vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận
© Ảnh : Công Thử - TTXVN
Đăng ký
Pháp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay tiền. Cụ thể, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và EVN đã ký thoả ước tín dụng vay 80 triệu euro không bảo lãnh Chính phủ giải tỏa công suất điện tái tạo.
AFD rất quan tâm đẩy mạnh hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực đối thoại chính sách về biến đổi khí hậu cũng như các chính sách về năng lượng sạch, phát triển năng lượng bền vững, nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
EVN vay 80 triệu euro
Sáng 28/03, tại Hà Nội đã tổ diễn ra Lễ ký kết Thoả ước tín dụng cho Dự án lưới điện phân phối miền Nam do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) làm chủ đầu tư.
Sự kiện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện EVN đang tích cực phối hợp với các đơn vị thành viên khẩn trương triển khai mở rộng mạng lưới phân phối điện, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.
© Ảnh : TTXVNPhó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam Herve Conan ký kết thỏa ước tín dụng
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam Herve Conan ký kết thỏa ước tín dụng
© Ảnh : TTXVN
Việc đầu tư xây dựng các dự án lưới điện khu vực phía Nam đang được EVNSPC triển khai thực hiện. Công tác này sẽ giúp nâng cao độ tin cậy, an toàn và chất lượng cung cấp dịch vụ. Các tiểu dự án thành phần của các dự án khi được đưa vào hoạt động sẽ giúp nâng cao hiệu quả cung cấp điện cho khu vực miền Nam;
Cùng với đó, các dự án này cũng sẽ kéo giảm thiểu tình trạng thiếu điện và quá tải tại nhiều khu vực; nâng cao chất lượng, an toàn và giảm tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải, cũng như giải phóng công suất một số nguồn điện năng lượng tái tạo trong khu vực.
Dự án "Lưới điện phân phối miền Nam" được thực hiện với nguồn vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp AFD, bao gồm 33 tiểu dự án trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, An Giang, Bình Thuận, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Pháp Bạc Liêu, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.
Các tiểu dự án thuộc các quy hoạch phát triển điện lực do Bộ Công thương phê duyệt trong giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035. Tất cả 33 tiểu dự án đều khả thi về mặt kinh tế và tài chính.
Báo cáo cũng nghiên cứu tính khả thi của các tiểu dự án đã được EVNSPC phê duyệt theo thẩm quyền. Các tiểu dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.487 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2024.
Trước đây, các dự án phân phối điện đều phụ thuộc vào nguồn vốn vay ODA/ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Những năm trở lại đây, các khoản vay qua Chính phủ được hạn chế nhằm tránh làm tăng gánh nặng nợ công.
Nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn vay không bảo lãnh của Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2021 để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan Dự án, theo đó chấp thuận cho EVN áp dụng cơ chế cho vay lại với EVNSPC đối với khoản vay của EVN từ AFD để đầu tư các tiểu dự án thuộc Dự án lưới điện phân phối miền Nam của EVNSPC.
Giúp Việt Nam thực hiện cam kết về phát thải ròng
Phát biểu tại lễ ký, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam khẳng định, đây là dự án 100% chống biến đổi khí hậu.
“Dự án tạo thuận lợi cho quá trình chuyển dịch năng lượng sạch, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”, ông Warnery nhấn mạnh.
Phát biểu cùng quan điểm, tại sự kiện, ông Herve Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam cũng khẳng định, loại hình dự án này sẽ giúp EVN và Việt Nam hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi sang carbon thấp và phát triển bền vững cũng như thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết về phát thải ròng carbon bằng không vào năm 2050 trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu về Khí hậu COP 26 tại Glasgow vừa qua.
“Các tác động về mặt giảm phát thải khí nhà kính là rất lớn nếu chúng ta nhìn vào khả năng của các đường dây mới này trong việc giải tỏa năng lực tái tạo vào lưới điện quốc gia”, ông Conan nêu rõ.
Theo đại diện Cơ quan Phát triển Pháp, việc ký kết hôm nay cũng sẽ mở đường cho sự hợp tác trong tương lai giữa AFD và EVN, không chỉ bằng nguồn tài chính không có bảo lãnh Chính phủ mà còn ở cấp độ các công ty thành viên của EVN trong các hoạt động truyền tải và phân phối điện.
“AFD cam kết hỗ trợ EVN nâng cấp lưới điện và cơ sở hạ tầng theo hướng thông minh hơn, linh hoạt và hiện đại hơn”, đại diện AFD cho biết.
Đại sứ Nicolas Warnery cho biết thêm, thỏa thuận lần này cũng là một trong những dự án có sự tham gia của các bên trong EU.
© Ảnh : Official Facebook account of the Ambassade de France au VietnamĐại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.
“Chúng tôi hy vọng sớm có nhiều dự án kiểu này trong tương lai để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải cũng như hiện thực hoá các cam kết của Pháp và EU hỗ trợ Việt Nam trong chuyển dịch sang năng lượng sạch, bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết”, Đại sứ Warnery bày tỏ.
Dự án có sự hỗ trợ của AFD đối với EVN sẽ giúp nhiều dự án năng lượng tái tạo tại khu vực miền Nam của Việt Nam tránh được việc cắt giảm hàng công suất do tình trạng quá tải lưới điện truyền tải.
“Trong quá trình thương thảo để đi đến ký kết, Cơ quan Phát triển Pháp đã thúc đẩy nhằm có nhiều hơn các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư tại miền Nam”, Đại sứ Warnery nêu rõ.
EVN hợp tác chặt chẽ với AFD
Có lời phát biểu tại lễ ký Thoả ước tín dụng, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP 26 về mục tiêu Việt Nam đạt phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, hiện nay AFD cùng các đối tác châu Âu đang rất tích cực hợp tác, hỗ trợ EVN thực hiện vai trò đầu tầu trong ngành năng lượng, đóng góp vào chương trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia nhằm hiện thực hóa mục tiêu nói trên.
Ông Thành nhấn mạnh, khoản vay 80 triệu euro ký kết ngày hôm nay giữa AFD và EVN nhằm tăng cường hệ thống lưới điện miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển rất mạnh tại các tỉnh Nam Bộ, đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng và carbon thấp ở Việt Nam.
Theo Chủ tịch Dương Quang Thành, EVN rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các cơ quan, Bộ ngành trong các dự án đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, phù hợp với mục tiêu chuyển dịch năng lượng của Chính phủ, như Dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, các dự án thủy điện mở rộng, các dự án truyền tải và phân phối điện…
“EVN đánh giá cao sự hỗ trợ của AFD trong hơn 20 năm hợp tác chặt chẽ giữa AFD và EVN, đặc biệt thông qua các khoản vay ưu đãi không có bảo lãnh Chính phủ và nhiều hỗ trợ kỹ thuật có giá trị cho EVN”, ông Thành khẳng định.
Từ đầu những năm 2000 cho đến nay, EVN và AFD đã hợp tác thông qua các khoản vay có bảo lãnh và không bảo lãnh Chính phủ cho các công trình nguồn và lưới điện.
Được biết, đến nay, tổng số tiền AFD đã cam kết cho EVN thông qua các khoản vay không bảo lãnh Chính phủ khoảng 350 triệu euro, thể hiện nỗ lực từ phía AFD nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của EVN, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, hạn chế về vốn đầu tư công và bảo lãnh của Chính phủ.
Các khoản vay ưu đãi từ AFD trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay đã góp phần hỗ trợ EVN trong công tác đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, AFD đi tiên phong trong việc cung cấp các khoản vay trực tiếp không bảo lãnh Chính phủ cho các dự án điện của EVN trong lúc trần nợ công của Chính phủ hạn chế các khoản vay ODA cho ngành điện.