Nông sản Việt Nam: Trung Quốc làm khó, đã có Mỹ
© Ảnh : Hoàng Nhị - TTXVNThanh long loại 1 được thương lái thu mua với giá 7.000 đến 9.000 đồng/kg, thanh long loại 2 và loại 3 hầu như không có ai mua, khiến nhà vườn thua lỗ nặng nề
© Ảnh : Hoàng Nhị - TTXVN
Đăng ký
Với chính sách Zero Covid, phong tỏa nghiêm ngặt, và Lệnh 248, 249, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, nhất là bằng đường bộ, tiếp tục bị làm khó ở các khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Trong khi đó, 3 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu lên tới 3,5 tỷ USD.
Bộ Công Thương cho biết, Cục Xúc tiến thương mại đang triển khai xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Xét chung, tình hình tiêu thụ và xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2022 đều rất tốt, trong đó, thặng dư thương mại tăng gấp 3,1 lần, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2021 bất chấp nhiều biến động trên thị trường thế giới.
Việt Nam sắp có bản đồ nông sản
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30/3, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho biết Bộ đã giao cho Cục Xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam.
“Đây sẽ là kênh thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương. Từ đó, thông qua môi trường mạng hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất”, ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước và các Vụ thị trường ngoài nước… đã được Bộ Công Thương chỉ đạo phối hợp tích cực với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm đến mùa vụ ở cả trong nước và nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản với các thị trường nước ngoài thông qua trực tiếp và trực tuyến.
Vừa qua, Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 -2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan để đưa các ứng dụng số vào hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con, giúp người nông dân chủ động chào bán sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương, hiệp hội, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ số bán hàng online, đồng thời kết nối với nhiều sàn Thương mại điện tử lớn như Amazon, Global Selling…
Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã làm việc với Alibaba để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
“Kể cả khi không còn dịch bệnh, chắc chắn đây vẫn là xu hướng cần được đẩy mạnh trong tương lai”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Nông sản thặng dư thương mại tăng gấp 3,1 lần
Ngày 31/3, số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn rất tích cực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cũng như Lệnh 248, 249 của Trung Quốc gây ách tắc nông sản tại các cửa khẩu.
Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraina cũng gây ảnh hưởng đến thị trường xuất nhập khẩu và nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Dù khó khăn là thế nhưng theo Bộ Nông nghiệp, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong quý I/2022 vẫn đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với quý 1/2021 và vượt mục tiêu đề ra 10,7 tỷ USD. Đáng chú ý, thặng dư thương mại tăng gấp 3,1 lần.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ năm trước như gạo, cao su, chè, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm giảm gồm như chè đạt 36 triệu USD, giảm 11,9%; nhóm hàng rau quả đạt khoảng 849 triệu USD, giảm 12%; hạt điều ước đạt 630 triệu USD, giảm 5%.
Trong đó, xuất khẩu cà phê trong quý 1 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 50,4%, cá tra đạt 606 triệu USD, tăng 82%; hồ tiêu khoảng 252 triệu USD, tăng 40,8%; tôm đạt 929 triệu USD, tăng 39,7%.
© Ảnh : Nguyên Dung-TTXVNCà phê của tỉnh Đắk Nông sản xuất theo bộ tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu
Cà phê của tỉnh Đắk Nông sản xuất theo bộ tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu
© Ảnh : Nguyên Dung-TTXVN
Các sản phẩm mây, tre, cói thảm của Việt Nam xuất khẩu đạt 265 triệu USD, tăng 34,4%; cao su đạt khoảng 746 triệu USD, tăng 10,7%; gạo đạt 715 triệu USD, tăng 10,5%; sắn và sản phẩm sắn đạt 420 triệu USD, tăng 15,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 3,9 tỷ USD, tăng 3%.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2022, sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp lâu năm như sau: Chè búp đạt 171,3 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 166,1 nghìn tấn, tăng 3,8%; cao su đạt 127 nghìn tấn, tăng 2,4%; điều đạt 210,7 nghìn tấn, giảm 16,6%.
Ngoài ra, hầu hết sản lượng cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như chuối đạt 654,3 nghìn tấn, tăng 3,3%; cam đạt 263 nghìn tấn, tăng 2,1%; dứa đạt 211,2 nghìn tấn, tăng 3,4%; xoài đạt 180,9 nghìn tấn, tăng 2,4%; bưởi đạt 158,2 nghìn tấn, tăng 3,2%; riêng sản lượng thanh long đạt 349,7 nghìn tấn, giảm 3,2% do gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Mỹ là thị trường số 1 của nông sản Việt
Về thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, châu Á là thị trường chiếm tỷ lệ lớn nhất về giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm của Việt Nam với 40,3%.
Ngay sau đó là châu Mỹ 29,5%, châu Âu 13,1%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,3%.
Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu lên tới 3,5 tỷ USD (chiếm 27,1%), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với trên 2,1 tỷ USD (chiếm 16,6%), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 29%.
Đứng thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 872 triệu USD (chiếm 6,8%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỷ lệ lớn nhất (44,3%).
Xếp hạng tư là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 562 triệu USD (chiếm 4,4%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỷ lệ lớn nhất (45,2%).
Ở chiều ngược lại với đà tăng của xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong quý 1 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021, ước gần 9,8 tỷ USD.
Brazil là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Việt Nam lớn nhất trong quý 1 với kim ngạch nhập khẩu là 846 triệu USD, chiếm 8,6%; tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 738,4 triệu USD, chiếm 7,5%.
© Ảnh : Xuân Anh -TTXVNLựa chọn cá xuất khẩu tại Tổ hợp tác cá cảnh xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh
Lựa chọn cá xuất khẩu tại Tổ hợp tác cá cảnh xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh
© Ảnh : Xuân Anh -TTXVN
Giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính, nhóm lâm sản chính, nhóm sản phẩm chăn nuôi, nhóm đầu vào sản xuất đều giảm, chỉ có giá trị nhập khẩu nhóm hàng thủy sản tăng. Đặc biệt, giá trị nhập khẩu phân bón tăng tới 55,8%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 17,1%.
Tính chung quý 1, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 5,5 tỷ USD (tăng 12,8%); lâm sản chính đạt 4,3 tỷ USD (tăng 4,4%); thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD (tăng 38,7%); chăn nuôi ước đạt 75,6 triệu USD (giảm 22,4%).
Xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 603 triệu USD (tăng 72,5%, nhất là phân bón giá trị xuất khẩu khoảng 291 triệu USD, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước).
Tiếp tục làm việc với Trung Quốc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển thị trường xuất khẩu.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc, kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc.
Bộ này cũng chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.
Về phần mình, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho hay, việc tiêu thụ nông sản trong 3 tháng đầu năm diễn ra rất thuận lợi.
Xuất khẩu nông sản các mặt hàng như gạo, cà phê, thủy sản... đạt 7,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu chung đạt 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%.
Dù vậy, ở một số thời điểm cụ thể việc xuất khẩu một vài nhóm hàng còn khó khăn. Ví dụ như mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc đã gặp trở ngại thời gian qua.
Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ đã dự thảo và trình Thủ tướng Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới cũng được thành lập, do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc nhằm tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận, tận dụng các phương thức vận chuyển lưu thông hàng hóa khác qua đường sắt, đường biển,…
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước, xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, mở rộng hơn nữa thị trường cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.