Ngành du lịch ứng dụng chuyển đổi số: Thích ứng để “tái sinh”
17:02 04.04.2022 (Đã cập nhật: 09:16 05.04.2022)
© Sputnik / Hà Linh Người dùng trải nghiệm thẻ du lịch thông minh tại quầy bán nước tự động
© Sputnik / Hà Linh
Đăng ký
Chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là khẳng đinh của ông Hoàng Quốc Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Cùng liên kết, xây dựng “hệ sinh thái” chuyển đổi số, nếu không muốn thua trên sân nhà
Theo chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi số, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã và đang tập trung triển khai các bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 đang có những ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trên toàn thế giới, chuyển đổi số.
Mới đây, tại hội thảo giới thiệu “Chuyển đổi số trong ngành du lịch” do Trung tâm thông tin Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp Tập đoàn công nghệ Vietsens tổ chức, ông Hoàng Quốc Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch cho biết:
© Sputnik / Hà Linh Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội thảo
© Sputnik / Hà Linh
“Chúng tôi tập trung đẩy mạnh nhất là các sản phẩm mang tính ứng dụng các công nghệ mới, sao cho tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch, hay hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp du lịch sau khi phục hồi trở lại”.
Những sản phẩm công nghệ mà Tổng cục Du lịch đã xây dựng dành cho những chủ thể khác nhau trong ngành du lịch, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, điểm đến và khách du lịch. Đó là hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch dành cho cơ quan quản lý; cơ sở dữ liệu ngành du lịch dành cho cơ quan quản lý; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 đối với các cơ sở du lịch,... Hay ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam dành cho doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Trang vàng Du lịch Việt Nam dành cho các doanh nghiệp.
© Sputnik / Hà LinhGiao diện web Trang vàng du lịch Việt Nam dành cho các doanh nghiệp du lịch
Giao diện web Trang vàng du lịch Việt Nam dành cho các doanh nghiệp du lịch
© Sputnik / Hà Linh
Việc phát triển những nền tảng số của người Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về làm chủ công nghệ, giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí trong quá trình ứng dụng công nghệ vào kinh doanh.
Theo ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Công ty GOTADI cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình rất khó khăn, đòi hỏi nguồn lực và sự kiên trì.
"Vấn đề vô cùng quan trọng cần quan tâm thực hiện đó là phải liên kết, phải chuyển đổi số cùng nhau. Chỉ có như thế mới phát triển được hệ sinh thái của người Việt để cùng lớn mới chiến đấu được, nếu không thì thua ngay trên mảnh đất này" - ông Đức nhấn mạnh.
Doanh nghiệp du lịch tận dụng chuyển đổi số để "tự cứu lấy mình"
Nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng như ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn dành cho khách du lịch; Thẻ du lịch thông minh dành cho khách du lịch; hệ thống quản lý và bán vé điện tử dành cho các điểm tham quan... khách hàng có thể nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi “chốt” một chuyến đi, so sánh giữa các đại lý và kiểm tra phản hồi từ những người dùng trước. Đặt vé, đặt chỗ ở, đặt tiệc hoặc thậm chí yêu cầu một chuyến tham quan ảo đến điểm đến mong muốn. Bất cứ nhu cầu nào của khách hàng cũng có thể thực hiện chỉ sau vài cú click chuột.
Ứng dụng chuyển đổi số, hành trình của du khách trở nên thuận tiện và đơn giản hơn khi sử dụng thẻ du lịch thông minh. Trao đổi với Sputnik, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc khối B2C của Tập đoàn công nghệ VIETSENS, đơn vị phát triển sản phẩm thiết bị thẻ du lịch thông minh chia sẻ:
“Thẻ du lịch thông minh đưa ra với mong muốn là thẻ quốc gia sẽ thay thế rất nhiều loại thẻ khác, như thẻ ngân hàng, vé xe buýt và liên thông với các lĩnh vực như y tế, khách sạn, điểm tham quan du lịch và các điểm mua sắm. Ví dụ, khi cầm thẻ này đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng ta sẽ không cần mua vé giấy nữa”.
Tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám sắp tới chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới là hệ thống quản lý vé bằng công nghệ, tiện lợi cho khách sử dụng và cho đơn vị quản lý, góp phần tiết kiệm chi phí in vé, giảm ô nhiễm môi trường.
“Chúng tôi hi vọng trước ngày 30/4 tới sẽ đưa vào vận hành hệ thống quản lý vé bằng công nghệ. Du khách có thể mua vé online và thanh toán online thay vì mua vé giấy khi tới điểm tham quan. Hệ thống bán vé điện tử sẽ góp phần tạo thuận lợi cho khách du lịch giao dịch theo hướng “không chạm”, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời giúp khu di tích quản lý hiệu quả hơn hoạt động bán vé". TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ với Sputnik.
Chuyển đổi số đã, đang và sẽ làm thay đổi mô hình và cách thức hoạt động của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nếu biết tận dụng công nghệ số để tạo ra những cơ hội và giá trị mới.