Nỗ lực của Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính để hồi sinh ‘di sản’ thời Đinh La Thăng
17:47 05.04.2022 (Đã cập nhật: 17:49 05.04.2022)
© Ảnh : Minh Đức – TTXVNĐại diện các Bộ, Ban ngành, tập đoàn tại buổi tọa đàm
© Ảnh : Minh Đức – TTXVN
Đăng ký
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, để dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (‘di sản’ của ông Đinh La Thăng) đi vào vận hành, lãnh đạo nhà máy và nhà thầu phải họp, quần nhau đi, quần nhau lại nhiều lần để xem xét.
Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết tâm, nỗ lực giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng liên quan đến 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương. Đến nay, sự hồi sinh tích cực đã được ghi nhận ở nhiều dự án.
“Quần nhau đi, quần nhau lại”
Ngày 5/4, thông tin về dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tại Tọa đàm “Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo” do cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, đây là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy quyết tâm của chính phủ hồi sinh các dự án “đắp chiếu” suốt thời gian dài.
Ông Hùng cho biết, Nhà máy điện Thái Bình 2 có vướng mắc nhưng không nằm trong danh mục 12 dự án yếu kém thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi. Trong khi việc vận hành nhà máy này có ý nghĩa lớn trong cấp điện cho cả nước.
“Có nhiều khó khăn nhưng khái quát là lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo hơn về kinh nghiện triển khai dự án lớn, năng lực tài chính để quản trị dự án…Thách thức hiện nay là hệ thống thiết bị để quá lâu, giờ lắp đặt để vận hành”, ông Hùng lưu ý.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, trong quá trình hồi sinh dự án, “đội ngũ lãnh đạo nhà máy và nhà thầu phải họp, quần nhau đi, quần nhau lại nhiều lần để xem xét.
“Đây là quá trình gian truân để dự án được triển khai”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo thông tin thêm, dựa trên thực tế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu tái cơ cấu tất cả, thậm chí thay đổi nhân sự để có hiệu quả, yêu cầu đánh giá việc để lâu phát sinh chi phí khác như thế nào.
© Ảnh : Vietnam Oil and Gas GroupNhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
© Ảnh : Vietnam Oil and Gas Group
“Thực hiện dự án đòi hỏi quyết tâm rất lớn. Thủ tướng và Phó Thủ tướng chỉ đạo và rà soát trực tiếp để tránh phát sinh không lường trước được. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên với dự án trọng điểm này”, ông Hồ Sỹ Hùng khẳng định.
Trong bối cảnh đó, Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đã làm việc rất quyết liệt để đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành. Cuối tháng 2 vừa rồi hệ thống thiết bị đã vận hành. Với quyết tâm của Tập đoàn Dầu khí và Chính phủ, dự án sẽ hoàn thành và kỳ vọng đưa vào sản xuất thương mại vào tháng 9, tháng 10 năm nay.
Như Spuntik đã thông tin, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam – PVN) làm chủ đầu tư, có trụ sở ở xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình, có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ, cũng như cả nước. Tuy vậy, trong suốt quá trình triển khai dự án này, phía PVN đã gặp vô vàn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là hàng loạt sai phạm đặc biệt nghiêm trọng đã được cơ quan chức năng kết luật, xử lý hình sự (đây cũng là lý do mà Nhiệt điện Thái Bình 2 từng được gọi là ‘di sản’ thời ông Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh). Đến nay, Chính phủ liên tục có sự chỉ đạo sát sao, tìm giải pháp toàn diện khắc phục đối với dự án này để về đích, quyết không lùi thời hạn vận hành thêm nữa.
Mệnh lệnh của Chính phủ với Nhiệt điện Thái Bình 2
Trao đổi thêm về dự án, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, cho biết, đối với Nhiệt điện Thái Bình 2, từ một năm gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo tại các phiên họp thường trực Chính phủ và Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường tính từ tháng 4/2021 cho đến nay, lần gần nhất là vào ngày 23/3 nhân sự kiện đốt dầu được thực hiện. Yêu cầu của Thủ tướng là bằng mọi cách phải đưa dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành, tháng 11 là phải đưa tổ máy 1 vào vận hành thương mại. Sau đó 1 tháng, tức tháng 12, là tổ máy số 2 vận hành thương mại.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an ninh năng lượng quốc gia. Khi đi vào vận hành, dự án này còn đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình, khoảng 1.000 tỷ cho ngân sách của Thái Bình. Đây cũng là mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tập đoàn Dầu khí với tư cách chủ đầu tư dựng đồng hồ đếm ngược tại công trường, hằng ngày nhìn thấy rằng chúng ta còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến mục tiêu.
Tất nhiên để hoàn thành mục tiêu hòa lưới vào cuối tháng 4 này, cùng lắm là sang đầu tháng 5 như chỉ đạo của Chính phủ và đốt than lần đầu vào 16/6 thì còn rất nhiều việc. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, qua theo dõi, chủ đầu tư và nhà thầu trên công trường rất nỗ lực.
“Chúng tôi có Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực với yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương là nắm tình hình hàng tuần”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.
Báo cáo gần nhất mà ông gửi lãnh đạo Bộ Công Thương là ngày 1/4. Cho đến nay, đã nâng số lượng người làm việc lên 1.000 người, cao hơn nhiều so với giai đoạn tái khởi động trước, 29 nhà thầu hiện nay đang làm các việc song song, những việc mang tính quan trọng để phục vụ đốt than. Chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí cũng đã phê duyệt tiến độ cấp 4.
“Có những hạng mục rất quan trọng như hạng mục cấp than, máy nghiền than, băng tải than, các hệ thống liên quan đến xử lý lưu huỳnh… đang chạy hết tốc lực, song song với việc chạy thử và thí nghiệm các hệ thống chúng ta đã lắp đặt”, ông Đặng Hoàng An nói.
Ông Đặng Hoàng An kỳ vọng từ nay đến 16/6, sẽ đạt được 2 mốc quan trọng. Một là hòa lưới điện lần đầu vào cuối tháng 4, nếu kịp vào 30/4 thì tốt. Sau đó sang mốc 16/6. Theo ông An, công việc rất nhiều, đòi hỏi sự phối hợp kỹ giữa các nhà thầu, bởi 29 nhà thầu trên công trường bao gồm cả trong nước và nước ngoài, do đó, sự phối hợp, điều phối công việc là rất quan trọng.
Cơ chế xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương
Tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Dũng, thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nêu quan điểm về việc đề xuất cơ chế, chính sách xử lý dứt điểm các dự án yếu kém.
Cụ thể, theo ông Dũng, riêng đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, mọi người vẫn nói có 5 dự án nhưng cá nhân ông muốn làm rõ hơn, thực chất 5 dự án này không hoàn toàn của PVN.
Chuyên gia lấy ví dụ dự án Bình Phước, Tập đoàn chỉ chiếm 29%, phía nước ngoài nắm cổ phần chi phối.
Thứ hai là Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVN cũng chỉ nắm 35%, 65% là các doanh nghiệp bên ngoài nắm.
“Nên việc tham gia chỉ đạo, điều hành hoặc có can thiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp này cực kỳ khó”, ông Dũng lý giải.
Tiếp đó là dự án Nhiên liệu sinh học miền Trung, các công ty con của Tập đoàn chi phối. Theo đại diện Tập đoàn, khi triển khai dự án này, giá dầu là 120-130 USD/thùng. Nhưng khi hoàn thành, do khủng hoảng năng lượng, giá dầu xuống và dự án không hiệu quả.
“Tuy nhiên PVN cũng rất nỗ lực có những chỉ đạo điều hành, báo cáo các cấp có thẩm quyền, trước đây là Bộ Công Thương và sau này là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, có sự quan tâm, hỗ trợ giúp PVN xử lý các vấn đề tồn tại”, ông Nguyễn Hùng Dũng lưu ý.
Theo đại diện ban lãnh đạo PVN, về cơ bản, Nhà máy Nhiên liệu sinh học miền Trung trước đây đã vận hành thương mại 1,5 năm. Tại thời điểm vận hành thương mại đầu tiên chỉ lỗ lũy kế theo kế hoạch nhưng giai đoạn sau khi giá dầu xuống, dự án bắt đầu lâm vào khó khăn.
Khi đầu tư xây dựng lãi suất rất cao, có thời điểm các doanh nghiệp của PVN tham gia góp vốn vào Dự án Nhiên liệu sinh học miền Trung phải vay tới 25-27%/năm. Có thể nói chi phí tài chính lớn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này. Tới thời điểm hiện nay, về cơ bản các hạng mục công việc, các vấn đề liên quan đến hợp đồng dã được xử lý và được PVN báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Chính phủ đưa dự án ra khỏi danh mục các dự án khó khăn, yếu kém để PVN chủ động đưa ra những quyết sách, cơ chế để xử lý dứt điểm tồn tại của dự án này.
Dự án thứ tư là Xơ sợi Đình Vũ. Theo ông Dũng, dự án này trước đây PVN tham gia đầu tư với mong muốn góp phần bảo đảm nguồn sợi cho các doanh nghiệp may mặc trong nước.
“Qua thời gian đầu tư gặp một số khó khăn do thị trường, chúng ta hoàn toàn không chủ động được nguyên liệu nên dự án này gặp khó khăn. Dự án này được sự quan tâm lớn của Bộ Công Thương và sau này là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Chúng tôi đã rất nỗ lực xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan đến dự án này”, ông Dũng khẳng định.
Đến nay, cơ bản hợp đồng giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư đã được xử lý. PVN cũng đã tìm kiếm các đối tác để cùng xử lý các vấn đề tài chính bảo đảm nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm của nhà máy.
Đến thời điểm hiện nay, nhà máy hoạt động cơ bản ổn định, các phân xưởng đưa vào vận hành toàn bộ dây chuyền. Doanh nghiệp bắt đầu có lãi, tất nhiên lãi không lớn, bù đắp được miễn phí. Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước và Bộ Công Thương cần khoảng thời gian dài nữa.
“Quan điểm của PVN là chủ động xử lý các vấn đề liên quan đến nhà máy này, làm sao sau khi có lãi bắt đầu cổ phần hóa hoặc bán, chuyển nhượng cổ phần của PVN tại dự án này bởi dự án này không nằm trong cơ cấu các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của PVN”, ông Nguyễn Hùng Dũng khẳng định.
Thứ năm là dự án đóng tàu Dung Quất. Theo thành viên HĐTV của PVN, khi tiếp nhận dự án từ Vinashin, dự án này trong giai đoạn đầu tư dở dang.
Tuy vậy, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, PVN đã nỗ lực chỉ đạo làm việc và hỗ trợ đơn vị ký kết các hợp đồng, tổ chức triển khai hoàn thiện các hạng mục đầu tư dở dang. Tới thời điểm hiện nay, nhà máy đã đóng một số tàu siêu trường, siêu trọng, thực hiện một số hoạt động sửa chữa, đóng mới các phương tiện cho các chủ tàu trong và ngoài nước.
Với phần tài sản đã hoàn thành, đã đưa vào sử dụng, nếu chỉ tính riêng phần tài sản tham gia và sản xuất kinh doanh, nhà máy đóng tàu Dung Quất hoàn toàn tự chủ về tài chính và có lãi. Nhưng nếu tính toàn bộ chí phí đầu tư đang dở dang cần phải tính toán đầy đủ thì dự án đang lỗ.
“Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới khi chúng tôi tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, có cơ chế xử lý hạng mục công việc đang dở dang, dự án sẽ có những bước chuyển mình và có thể hoàn toàn tự chủ về tài chính”, ông Dũng cho biết thêm.
Nỗ lực của Chính phủ đã cho thấy kết quả
Chuyên gia cũng đề cập đến những kiến nghị quan trọng. Theo đó, để giúp PVN xử lý dứt điểm toàn bộ các dự án này, PVN có một số đề xuất về cơ chế, chính sách.
Đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, PVN cho rằng, những hạng mục công việc nào đã hoàn thành, đưa vào chuỗi sản xuất dây chuyền của nhà máy thì sẽ được tính toán khấu hao thể hiện trong báo cáo tài chính. Hạng mục nào đầu tư quá lớn, thực ra trước đây PVN nhận về không có nhu cầu sử dụng, sẽ phải chuyển giao hoặc xử lý về mặt tài chính mới có thể xử lý dứt điểm được.
Đối với Nhà máy Nhiên liệu Dung Quất, PVN đang có kế hoạch, có thể bán, chuyển nhượng hoặc chuyển giao cho ngân hàng vì đây không phải là lĩnh vực chính của PVN.
Còn các dự án Bình Phước, Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ, PVN không có quyền hoặc không thể tham gia trong việc tái cơ cấu hoặc xử lý triệt để các dự án này.
“Thực chất, PVN chỉ có 2 dự án: Đóng tàu Dung Quất và Nhiên liệu sinh học miền Trung”, ông Dũng nhắc lại.
Các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, đơn vị, ban quản lý các dự án. Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trước hết, qua quan sát cho thấy, với khối lượng công việc rất nhiều trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực rất cao.
© Ảnh : Minh Đức – TTXVNỦy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu phát biểu
Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu phát biểu
© Ảnh : Minh Đức – TTXVN
Và rõ ràng là với nỗ lực làm việc như vậy, phải có kết quả. Có những dự án yếu kém đã hồi sinh, tạo ra sản phẩm về mặt kinh tế.
“Nhưng lo nhất là dự án bị dừng (thiệt hại vốn, lỗ lũy kế…). Tuy nhiên, với việc xử lý các dự án lần này, cá nhân tôi đánh giá cao 2 điểm, đó là xử lý tích cực và xử lý có kết quả”, ĐBQH Phan Đức Hiếu kết luận.