“Quyết định lịch sử”. Việt Nam nói về việc dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Đăng ký
Lãnh đạo Việt Nam không lý giải cụ thể nguyên nhân dừng dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, Hà Nội gọi việc dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận là quyết định “có tính lịch sử”.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên bố, việc dừng thực hiện đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là chủ trương, chính sách rất đúng đắn, sáng suốt, có tính lịch sử và nổi bật của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việt Nam họp đánh giá 5 năm dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Sáng 6/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quốc hội Việt Nam khẳng định, đây là cuộc họp “có ý nghĩa quan trọng”, cho ý kiến nội dung báo cáo giám sát của Ủy ban kinh tế và việc chuẩn bị cho việc sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội.
Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các bộ, ngành, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Khóa XII (Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 14/10/2016) và Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về 3 nhóm nội dung thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023 và phát triển năng lượng tái tạo.
Qua 5 năm triển khai Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận phát triển vượt bậc.
Theo đó, từ một tỉnh có quy mô kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thấp nhất nước vào năm 2016, tới nay, quy mô GRDP và tổng mức đầu tư của toàn tỉnh tăng mạnh.
Cụ thể, năm 2015 thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng thì năm 2021 đạt trên 4.300 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần.
Giai đoạn 2016- 2020, tốc độ tăng GRDP của Ninh Thuận đạt mức tăng bình quân 10,2%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng cao nhất nước, quy mô kinh tế tăng 2,16 lần.
GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015, là tỉnh đứng thứ 2 cả nước (sau Hải Phòng) về tốc độ tăng chỉ số thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2016- 2020.
Báo cáo cho thấy, 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của địa phương đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, quy mô và chất lượng doanh nghiệp được cải thiện.
Cơ cấu đầu tư khối tư nhân ngày càng cao, hiện đang chiếm 91,4% trong tổng đầu tư toàn xã hội, đạt trên 27.300 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2015.
Do vậy, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ tỷ lệ 14,93% giảm xuống còn 4,57% sau 5 năm. Tình hình chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển các nguồn năng lượng mới, an toàn, hiệu quả bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Nghị quyết số 31/2016/QH14.
Cụ thể, tới hết năm 2021, Ninh Thuận có quy mô phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất nước với tổng công suất là 3.205 MW, bao gồm 2.296 MW điện mặt trời trang trại, 287 MW điện mặt trời mái nhà và 622 MW điện gió.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai 4 dự án lưới truyền tải điện tại Ninh Thuận với mục tiêu đóng điện trong năm nay, tích hợp với các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia.
“Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn”
Phát biểu tại buổi làm việc ngày 6/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá các kết quả ấn tượng sự thay đổi của Ninh Thuận.
Đáng chú ý, lãnh đạo Quốc hội Việt Nam nhận định, việc dừng thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn và mang tính lịch sử.
“Các kết quả ấn tượng và rất quan trọng nói trên đã khẳng định chủ trương, chính sách rất đúng đắn, sáng suốt, có tính lịch sử và nổi bật của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và là kết quả triển khai kịp thời Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 115-NQ/CP của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Theo người đứng đầu Quốc hội, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng với quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận với sự hỗ trợ của trung ương, đã huy động được các thể chế, nguồn lực để từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, thu hút được các nhà đầu tư lớn chiến lược, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, đột phá, có những dự án lớn có tính lan tỏa được triển khai.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận hoàn thiện báo cáo giám sát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội.
Ông Huệ cũng đề nghị xem xét, đánh giá những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, nhất là về vấn đề di dân, tái định cư, quy hoạch, bố trí đất đai cho sản xuất sau khi dừng triển khai dự án điện hạt nhân, kiến nghị đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ, tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.
Trước đó, vào tháng 10 năm 2021, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tiếp sau đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát, khảo sát thực tiễn tại Ninh Thuận.
Được biết vào ngày 16/4/2022 tới đây, Ninh Thuận sẽ tổ chức kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh.
Số phận long đong của nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận
Như Sputnik đưa tin, Việt Nam vẫn giữ quan điểm khá thận trọng trong phát triển năng lượng hạt nhân, cụ thể là tái khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Năm 2005, tỉnh Ninh Thuận được Trung ương chọn triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW, với sự hỗ trợ của nhà thầu Nga - Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom (Rosatom) để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng.
Năm 2012, Bộ Công thương công bố quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm chuỗi hai nhà máy điện hạt nhân I và II được lập dự án xây dựng cho đến năm 2016 tại tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam với tổng công suất trên 4.000 MW.
Dự án được tiến hành theo kiến nghị của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dựa trên ước tính thiếu thốn điện năng đến 2020, cũng được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư xây dựng năm 2009.
Về nguồn kinh phí, Liên bang Nga luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và đã đồng ý cho vay 10,5 tỷ USD, Nhật Bản cũng đồng ý cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân. Theo Nghị quyết số 41, Quốc hội XII năm 2009, tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm cuối năm 2008).
Căn cứ theo quyết định chính thức của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 18/3/2016 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thì tổ máy đầu tiên sẽ chạy vào năm 2028 và sẽ có thêm 3-4 tổ máy nữa đến năm 2030.
Số phận những nhà máy điện hạt nhân này của vô cùng long đong. Dự án dự kiến được khởi công vào năm 2014, sau đó thay đổi thời gian vào năm 2015.
Sau đó, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/11/2016 dừng chủ trương đầu tư dự án xây dựng chuỗi nhà máy điện hạt nhân I và II tại Ninh Thuận.
Việc dừng dự án, theo lời của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay là do nguyên nhân về mặt kinh tế.
“Việc dừng dự án không phải vì lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay”, ông Mai Tiến Dũng phát biểu hồi năm 2016 cho biết.